AN TÂM TRONG VIỆC DẠY CON
An tâm
trong việc dạy con là điều cha mẹ nào cũng mong ước. Là người làm công
tác xã hội, tôi gặp nhiều phụ huynh có cảm giác bất an vì họ không biết đã làm
đúng vai trò của mình chưa? Là một người cha, đôi khi tôi cũng có cùng
tâm trạng như họ, vì trong việc dạy con, phụ huynh gặp nhiều âu lo, nhất là
chúng ta đang sống trong một xã hội có qúa nhiều biến động.
“Nếu có thể
làm lại từ đầu, qúy vị mong muốn có con không?” Đây là câu hỏi mà bà Ann Landers, một người chuyên viết mục
tâm tình trên báo, qua đời năm 2002, đã hỏi các độc gỉa của bà. Thú thực
tôi rất ngạc nhiên khi đọc kết quả, vì có đến 70% các cha mẹ đã trả lời là
“không”. Nhiều người đưa ra các kinh nghiệm đau buồn trong việc nuôi dạy
con.
Là người
Việt, tôi lạc quan tin rằng đa số cha mẹ đồng hương của mình đều mong muốn có
con vì chúng ta vẫn còn quan niệm “Có con là có phước”, “Giàu con hơn giàu
của”. Tuy nhiên, việc dạy con của chúng ta không dễ dàng gì hơn so với
người bản xứ.
Là gia đình
Việt Nam, ít nhiều chịu ảnh hưởng của văn hoá Khổng Mạnh, chúng ta rất trọng
chữ HIẾU, vì đó là nét đầu của các gía trị truyền thống, “Hiếu vi bách hạnh chi
tiên”. Nhiều phụ huynh, vì vậy, kỳ vọng sự phục tùng triệt để nơi con
cái, muốn chúng đặt quyền lợi cá nhân sau quyền lợi của gia
đình.
Một người
mẹ nói với cậu con trai tuổi vị thành niên mang bộ đồ cụt cỡn khó coi, “Con
thay bộ đồ đi. Con mang như vậy người ta nói con nhà không đàng hoàng, họ
nói mẹ không biết dạy con.” Không nói gì, nhưng cậu bé nhún vai phản
kháng. Có lẽ nó nghĩ rằng, “À, bả có quan tâm gì mình đâu, mình mang bộ
đồ nầy là cho gia đình, cho bả chứ đâu phải cho mình!”
Lời phát
biểu của phụ huynh nói trên là điều chúng ta thường nghe trong các gia đình
Việt và nó bộc lộ sự cách biệt văn hóa giữa hai thế hệ.
Làm phụ
huynh ai mà không muốn con ngoan, biết vâng lời cha mẹ! Trong qúa khứ,
người Mỹ cũng thế. Tuy nhiên, với người Mỹ, quan niệm nầy thay đổi theo
thời gian. Trường Đại Học Michigan (University of Michigan) có một cuộc
nghiên cứu với các phụ huynh kéo dài trong bốn thập niên để tìm hiểu các giá
trị họ mong muốn nơi con em của họ. Kết qủa được công bố trong năm 1995
như sau:
Vào thập
niên 1950, đa số các phụ huynh Mỹ mong muốn con em: 1. Vâng lời cha
mẹ; 2. Làm việc chăm chỉ; 3. Giúp đỡ người khác; 4. Có tinh thần tự
lập. Tuy nhiên, vào thập niên 1960, ‘vâng lời’ tụt xuống hạng
hai; vào thập niên 1970, ‘vâng lời’ tụt xuống hạng ba; và vào thập niên
1980, ‘vâng lời’ tụt xuống hạng bốn.
Quan niệm
của đa số phụ huynh Mỹ ngày nay cho rằng, con em có tinh thần tự lập quan trọng
hơn cả việc vâng lời bố mẹ. Là bố mẹ Việt Nam, chúng ta đã sẵn sàng với
quan niệm nầy chưa?
Được hấp
thụ tinh thần dân chủ Tây Phương, con em đòi hỏi sự bình quyền, muốn được đối
xử bình đẳng, được tôn trọng như một người lớn. Trong khi chúng ta coi
tôn ti trật tự là căn bản của việc xử thế, người ở vai vế cao, tuổi tác cao
phải được nể trọng hơn; còn các em thì nói rằng “mọi người đều được bình đẳng
trước pháp luật”. Nếu phụ huynh vi phạm luật, các em có thể là người đầu
tiên gọi 911. Một khi thấy vậy, chúng ta dễ cho rằng các em đã bị Mỹ hóa, mất
cội nguồn.
Một người
mẹ nói với tôi rằng, bà khuyên cậu con trai đừng đeo bông tai, nó trả lời, “Đây
không phải là lỗ tai của mẹ, mẹ biết không?” Bà buồn vì câu nói của con
mặc dầu cậu rất hiền lành, chăm chỉ học hành. Nếu người con vẫn chăm
ngoan học hành, thì đôi bông tai mà cậu đeo kia có nên là vấn đề để cha mẹ đau
khổ không? Tôi nghĩ cậu con khi nổi sùng như vậy, có lẽ là vì đã bị bà mẹ
than phiền mỗi ngày.
Để thành
công, chúng ta phải hội nhập vào lối sống mới và hành xử như người Mỹ, từ cách
ăn nói cho đến các giao tiếp ngoài xã hội. Cha mẹ phải làm việc vất vả để
mưu sinh, nhưng mà con em cũng không dễ dàng gì! Cuộc sống của chúng ta
nói chung đều rất căng, như có người nói, “Thời buổi nầy, làm cha mẹ đã khó,
nhưng làm con cái còn khó khăn hơn”. Tôi nghĩ họ không nói ngoa, bởi vì
con em ngày nay phải đối phó với rất nhiều áp lực từ trong gia đình, ở học
đường cho đến ngoài xã hội. Các vấn nạn như xì ke ma túy, lôi kéo tình
dục chưa bao giờ lan tràn rộng rãi như bây giờ.
Tôi được
nghe các em than phiền chúng bị cha mẹ kềm chế bằng cách kiểm duyệt sách vở,
lục lọi buồng ngủ, đọc email, webpage của chúng mà không báo trước. Chúng
nói cha mẹ bảo thủ, tiết kiệm lời khen, cứng rắn, không lắng nghe, chỉ ra lệnh,
la hét và đe dọa mà thôi. Nhiều khi tôi thấy chính mình cũng nằm trong số
phụ huynh đó.
Ngược lại,
phần phụ huynh, họ cũng không ngớt than phiền về con em của mình. Họ phàn
nàn con em tự do thái qúa, thích party hội hè, ham bạn bè hơn là sinh hoạt với
người thân trong nhà, điện thoại lâu giờ, tiêu xài kiểu Mỹ, không tôn trọng
quyền cha mẹ. Nhiều người đổ lỗi các vấn nạn xảy ra cho thanh thiếu niên
là vì xã hội dung túng trẻ em, hạn chế quyền cha mẹ.
Cũng vì
xung khắc nhau nên người cha không nói chuyện với con, đúng như câu nói của một
văn hào, “Bạn hãy nhìn hai người đàn ông đang đi ở đằng kia, họ không nói với
nhau một lời nào. Bạn đừng suy nghĩ đâu xa xôi, họ chính là hai cha con”. Và nếu chúng ta nhìn
người phụ nữ đang la hét một đứa nhỏ nơi công cộng, tôi nghĩ chúng ta cũng có
thể nói mà không sợ sai, “Đó chính là hai
mẹ con”.
Làm sao để
được an tâm?
Khi thảo
luận với các phụ huynh, tôi thấy ai ai cũng muốn dung hoà lề lối giáo huấn vì
họ nhận thức rằng truyền thống giáo huấn của xã hội Việt Nam không còn thích
hợp cho hoàn cảnh mới. Ước mơ sâu xa của họ là con cái nên người, được
hạnh phúc, và đồng thời duy trì các giá trị và truyền thống của tổ tiên như
lòng hiếu thảo, mối tương quan tình cảm con người Việt Nam.
Một người
mẹ tâm sự với tôi rằng bà rất nóng nảy và gần như không thể nói chuyện ngọt
ngào với con. Tôi chia sẻ với bà câu chuyện một người cha tập cách lấy
giờ timeout (tạm nghỉ) mà từ một con người nóng tính nay trở nên điềm tĩnh và
mối quan hệ với con và người vợ cũ trở nên tốt đẹp hơn. Những khi có
chuyện bất bình, trước đây anh thường phản ứng cấp thời, nhưng bây giờ anh tìm
cách tránh khỏi hiện trường và suy nghĩ vì sao người ta có hành vi như
vậy. Anh tập cách phát biểu với lòng tôn trọng, và khi đặt mình vào vị
thế của người khác, anh hiểu người hơn và cách ứng xử của anh cũng phù hợp
hơn.
Trong thực
tế tôi thấy hầu như mọi người đều có khả năng đối phó các khó khăn trong việc
dạy con nếu họ biết để cho tâm trí của mình bình tĩnh và giải quyết bằng tình
lý thông thường (common sense). Phụ huynh cũng như con em đều có các ưu
điểm mà nếu được nhận ra và trân trọng, chúng ta không những tránh được âu lo
mà lạc quan vui vẻ với con.
Lời tâm
niệm sau đây (Serenity Prayer) có thể giúp cho chúng ta tìm được an tâm trong
việc dạy con: “Lạy Trời, xin ban
cho tôi sự bình thản để chấp nhận những điều tôi không thể thay đổi, sự can đảm
để thay đổi những điều tôi có thể thay đổi, và sự khôn ngoan để biết phân biệt
giữa hai điều đó”.-
Trần Hiếu
Tác giả là giáo dân
GXVN Ðức Mẹ LaVang, San Jose
|