Chúa Giêsu và dân chúng
Qua đoạn Tin
Mừng hôm nay, chúng ta thử tìm về thái độ
của Chúa Giêsu đối với dân chúng. Như chúng ta
đã biết Palestine là
một xứ nóng, người ta thường sống
ở ngoài đường. Cũng chính ở ngoài
đường mà Chúa Giêsu thường tiếp xúc và
giảng dạy cho dân chúng. Chung quanh Ngài lúc nào cũng có
một đám đông thuộc đủ mọi hạng
người: Đau yếu, tàn tật, mù lòa, phong cùi,
khổ đau, nghĩa là những người cần
đến một sự giúp đỡ nào đó. Ngoài ra còn
có những bà mẹ và những đứa con, những
người đạo đức và những kẻ
tội lỗi. Ngài thường mở rộng vòng tay
đón nhận, tiếp xúc và nâng đỡ họ.
Ngày kia khi thuyền
vừa cặp bến, thì có một đám đông đã
chờ đợi Ngài. Từ trong đám đông, ông Giairô
tiến ra xin Ngài đến chữa cho đứa con gái của
ông đang hấp hối. Chúa Giêsu liền bước theo
ông mà chẳng nói một lời. Rồi giữa đám
đông, bỗng dưng Chúa Giêsu quay mặt lại và
hỏi: Ai đã động đến Ta. Câu hỏi này làm
cho các môn đệ ngạc nhiên và nói: Thầy coi đám
đông đang chen lấn thế mà Thầy lại hỏi
ai động đến Thầy. Sở dĩ Ngài hỏi
như thế là vì muốn giúp người đàn bà đau
yếu đã làm hành động ấy được
biểu lộ đức tin của mình. Sau khi bà ấy
đã xác nhận, Ngài nói với ba: Đức tin của con
đã cứu chữa con, vậy con hãy về bình an.
Chúa Giêsu không phải
chỉ niềm nở tiếp đón mọi người,
nhưng hơn thế nữa, Ngài còn biết cách nói với
từng hạng người. Thực vậy với
bọn biệt phái, là những kẻ đạo
đức giả, vốn kiêu căng và tự mãn, Ngài không
ngần ngại gay gắt chỉ trích: Các ngươi
giống như mồ mả tô vôi. Các ngươi là
những kẻ dẫn đường đui mù. Với
những người tội lỗi thì khác, Ngài thấu
hiểu nỗi đớn đau và sự giày vò của
họ, nên Ngài đã nói với họ bằng tất cả
sự tế nhị, để họ thấu hiểu và
tìm thấy được niềm hy vọng.
Một đặc
điểm đáng chúng ta lưu ý, đó là Chúa Giêsu luôn
sử dụng những hình ảnh cụ thể để
diễn tả những chân lý cao siêu. Chẳng hạn Ngài
sánh vị Thiên Chúa như một người cha nhân từ
mòn mỏi đón chờ đứa con hoang đàng trở
về hay như người mục tử đi tìm
kiếm con chiên bị lạc mất. Ngài đòi hỏi
mỗi người chúng ta phải trở nên như
muối mặn, như đèn sáng. Với những
người đau yếu, Ngài nói với họ về
bệnh tật, về sức khoẻ, nhưng từ
đó Ngài dẫn họ tới bình diện siêu nhiên bằng
cách nói với họ: Con hãy về bình an. Tội con đã
được tha. Sự chữa lành phần xác chỉ là
một khởi điểm cho một cuộc sống
mới, cuộc sống thấm nhuần tình thương
của Thiên Chúa.
Mặc dù phải
tiếp xúc, phải giảng dạy, Ngài cũng biết
giữ lấy những khoảng khắc thinh lặng. Ban
sáng, ban tối và ban đêm Ngài thường tới
những nơi thanh vắng để cầu nguyện. Trước
sự tố cáo của bọn biệt phái đối
với Người phụ nữ ngoại tình Ngài đã yên
lặng. Trước toà án Philatô Ngài cũng đã yên lặng.
Sự yên lặng của Ngài lúc này có giá trị như
một lời nói. Từ những điều vừa trình
bày chúng ta nhận thấy: Qua Đức Kitô, Thiên Chúa đã
nói, đã đối thoại với chúng ta, bởi vì Ngài
là Lời của Thiên Chúa. Lời ấy hoàn toàn khác biệt
với lời của chúng ta. Thực vậy, lời
của Thiên Chúa là lời tạo dựng: Ta muốn có
trời đất muôn loài vậy lập tức liền
có. Lời của Thiên Chúa là lời của chữa lành: Ta
muốn con hãy chỗi dậy, Ta muốn con hãy lành sạch.
Lời của Thiên Chúa là lời tình yêu: Thầy truyền
cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu
thương nhau. Lời của Thiên Chúa là lời Tin
Mừng cứu rỗi: Đức tin của con đã
cứu chữa con.
|