Các Bạn Có Tin Ma Quỷ Không? – Guy
Morin.
Anh chị em có tin Satan
không? Anh
chị em có thực sự tin không? Anh
chị em không biết phải trả lời ra sao nữa.
Tôi cũng vậy. Tuy nhiên,
ma quỷ đang hợp thời trang. Và anh chị em
hãy nhớ lại sự thành công của phim Vị trừ
quỷ và những lời của các nhà chính trị: nhà chính
trị Mỹ xem nước Nga như là vương quốc
của sự dữ và ông Khomeiny xứ Iran xem Hoa kỳ như là Satan vĩ đại.
Hình như có những nhóm
nhạc Rock tôn thờ Satan. Một số người nói rằng
họ khám phá ra trong đĩa hát của họ những
sứ điệp của Satan.
Những mục linh tinh
trên báo kể lại cho chúng ta những cuộc chém giết
rất khủng khiếp như vụ Mc Donald ở Califonia
(hai mươi mốt người bị giết) nên chúng
ta có lý mà tự hỏi xem đây có phải là trường
hợp quỷ nhập không. Bệnh tâm thần và đam mê có
đủ để giải thích những tội phạm
dường ấy không? Điều
chắc chắn là sự dữ có thật, nhưng thủ
lãnh của sự dữ thì sao?
Chúa Giêsu trừ một tên
quỷ.
Trước việc
trừ quỷ này, ta nên tránh hai thái độ trái
ngược. Thái độ thứ nhất là chống
đối và phủ nhận sự kiện này vì tính cách
lạ lùng của nó. Vào thời Chúa Giêsu,
người ta nhìn thấy ma quỷ khắp mọi nơi.
Bệnh kinh phong, sốt, bệnh thần kinh
đều được xem như bị quỷ nhập
cả. Nhưng Chúa Giêsu chắc chắn
đã đương đầu với những
người bị quỷ nhập thật sự. Đây là trường hợp của bài Tin
Mừng hôm nay.
Thái độ thứ hai là
thích thú trước tính cách lạ lùng của đoạn
Tin Mừng này. Thích thú về hiểu biết của Chúa Giêsu
về thần dữ.
Thánh Marcô muốn truyền
đạt cho chúng ta sứ điệp nào? Đó mới là
điều quan trọng. Ý định của ông là cho
chúng ta thấy Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng bằng cách nào:
bằng cách dạy dỗ và trừ quỷ, việc
trước dẫn đến việc sau.
“Đi vào trong hội
đường, Chúa Giêsu giảng dạy”, và những
người đã bị đánh động và ngạc
nhiên. Thánh Marcô nói
điều này hai lần, ở đầu và ở cuối
trình thuật, và ông nêu rõ lý do. Đây là một
giáo huấn mới mẻ có quyền uy khác hẳn việc
dạy dỗ của các ký lục.
Mấy ông này chỉ
lập lại những gì họ đã học nơi các
vị kinh sư mà thôi.
Nhưng Chúa Giêsu đã không theo học
trường phái nào cả: Ngài có một cái nhìn mới
mẻ và nói những lời chưa bao giờ nghe nói. Không phải là những lời đã học
thuộc lòng và với một uy tín mạnh mẽ như các
ngôn sứ. Chúa Giêsu giải thích luật theo
một nghĩa giải phóng và hợp với ý Thiên Chúa.
Giáo huấn mới mẻ
và đanh thép này không chỉ làm cho các thính giả của
Ngài kinh ngạc mà thôi. Ngài còn buộc kẻ bị quỷ nhập ẩn
giấu giữa họ phải lộ diện. Quỷ dữ cảm thấy bị đe dọa
bởi một lời quyền năng như thế nên nó
đối đầu với Chúa Giêsu, và Ngài đã vạch
mặt nó ngay.
Đồng thời, một khía cạnh
quan trọng của Tin Mừng được mặc
khải cho chúng ta: Tin Mừng làm cho người ta
được tự do. Chúa Giêsu giải thoát các thính
giả của Ngài khỏi những xiềng xích mà những
giải thích luật Chúa theo cách nhỏ
nhen của loài người đã ràng buộc họ. Ngài
đến giải phóng con người khỏi sự
dữ và Satan. Ngài đấu tranh vì con người,
cuộc đấu tranh này sẽ dẫn đưa Ngài
đến thập giá. Nơi đó, các
lực lượng của sự dữ sẽ bị tiêu
diệt.
Được giải thoát
đến mức nào?
Cuộc chiến thắng dứt khoát
của Chúa Kitô được cụ thể hóa trong
thời gian theo cách chúng ta đón nhận
Tin Mừng. Một cách nghịch lý, chiến thắng đã
đạt rồi nhưng cuộc chiến vẫn tiếp
tục.
Hôm nay chúng ta
được mời gọi kiểm chứng ảnh
hưởng giải phóng của chiến thắng ấy
nơi chúng ta. Ta
được mời gọi phát hiện những thông
đồng của ta với sự dữ và với ma
quỷ. Satan là “thủ lãnh của việc
giết chóc” và “cha của sự dối trá”.
Đối với đồng loại, chúng ta có sử
dụng bạo lực và áp chế không, hay chúng ta là
đầy tớ của họ? Chúng ta có
sống trong sự thật với Thiên Chúa và với anh em
chúng ta không?
Nguyện cho thánh lễ này, trong đó
chúng ta tham gia vào cử chỉ giải phóng của Chúa Giêsu
Kitô, làm cho chúng ta được tự do hơn nữa
để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.
|