Chuyện lạ
(Chúa Nhật IV TN, năm B)
Cuộc sống hàng ngày trôi đi
có vẻ rất bình thường, thế nhưng vẫn có nhiều chuyện lạ với nhiều mức độ khác
nhau. Cái gì lạ cũng khiến người ta tò mò vì trong con người luôn có tính hiếu
kỳ. Cũng vì lợi dụng tính hiếu kỳ của con người mà có những kẻ xấu đồn thổi
những chuyện không đâu nhằm lừa bịp. Nhẹ dạ cả tin thì “chết” thôi!
Tuy nhiên,
có những thứ thực sự kỳ lạ thì người ta lại không để ý, vì cứ cho rằng đó là
“tự nhiên”. Thật ra đó là một phép lạ lớn lao, lớn lắm. Đó là gì? Không khí. Thật vậy, thiếu không khí
chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn thì người ta sẽ ngộp và… chết chắc, mọi
sinh vật khác cũng chung số phận như thế!
Chuyện lạ
“phổ biến” trong Kinh Thánh, đặc biệt là thời Cựu Ước, là sự xuất hiện của các
ngôn sứ (tiên tri). Thiên Chúa đã cấm hành nghề bói toán, chiêm tinh, tướng số,
phù thuỷ, bỏ bùa, ngồi đồng ngồi cốt, chiêu hồn (Ðnl 18:10-11), thế mà con
người vẫn nhiễm “máu” mê tín, dị đoan, ngay cả những người Công giáo ngày nay
vẫn chưa “dứt” nổi kiểu mê tín này! Đó là máu hiếu kỳ, tính tò mò, chạy đua đi
tìm… “sự lạ”. Thấy gì khác thường một chút đã cho là “phép lạ”. Đức Tin ấu trĩ
quá!
Sách Đệ Nhị
Luật (Thứ Luật) cho biết: “Từ giữa anh
em, trong số các anh em của anh em, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ cho
xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh em; anh em hãy nghe vị ấy” (Ðnl 18:15). Điều đó xảy ra vì dân chúng đã xin
với Đức Chúa tại núi Khô-rếp, trong ngày đại hội. Họ đã nói: “Chúng tôi không dám nghe tiếng Đức Chúa,
Thiên Chúa của chúng tôi nữa, chúng tôi không dám nhìn ngọn lửa lớn này nữa,
kẻo phải chết” (Ðnl 18:16).
Đức Chúa chứng
thực: “Chúng nói phải” (Ðnl 18:17).
Và Ngài cam kết: “Từ giữa anh em của
chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ
như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và
người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy. Kẻ nào không nghe những lời của Ta, những lời
người ấy nói nhân danh Ta thì chính Ta
sẽ hạch tội nó. Nhưng ngôn sứ nào cả
gan nhân danh Ta mà nói lời Ta đã không truyền cho nói, hoặc nhân danh
những thần khác mà nói, thì ngôn sứ đó
phải chết” (Ðnl 18:18-20). Bịa đặt hoặc cố chấp thì ai cũng sẽ bị trừng
phạt, dù là người nói hoặc kẻ nghe.
Từng ngày
trôi qua, biết bao điều lạ mà người ta không cho là lạ, lại chỉ mơ tưởng “sự
lạ” ở đâu đâu, chẳng khác là ảo tưởng, thích chuyện hão huyền. Cứng đầu cứng cổ
thật, đâu khác gì dân Ít-ra-en xưa. Vậy mà vẫn tự cho mình là “ngoan đạo”. Kể
cũng “lạ” thật đấy!
Tác giả
Thánh Vịnh nhận biết các điều lạ xảy ra xung quanh chúng ta hằng ngày nên không
thể im lặng, mà phải lên tiếng mời gọi: “Hãy
đến đây ta reo hò mừng Chúa, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta, vào trước Thánh
Nhan dâng lời cảm tạ, cùng tung hô theo điệu hát cung đàn” (Tv 95:1-2).
Không chỉ
chúc tụng Chúa mà còn phải thờ lạy Ngài, đó là bổn phận và trách nhiệm của
chúng ta, những người luôn được Ngài trao ban biết bao Hồng Ân mỗi ngày, đơn
giản và cơ bản nhất là sự sống. Ăn cây nào, rào cây nấy. Nhận lãnh thì phải
biết ơn. Đồng thời hãy mời gọi người khác cùng hành động: “Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng
nên ta. Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là
đoàn chiên tay Người dẫn dắt. Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!” (Tv 95:6-7). Vâng, ước gì điều
ước này được chúng ta thực hiện luôn luôn!
Ngày xưa,
Thiên Chúa đã nhắc nhở dân Chúa: “Các
ngươi chớ cứng lòng như tại
Mơ-ri-va, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc
Ta làm” (Tv 95:8-9). Và ngày nay, đó cũng chính là lời khuyến cáo dành
riêng cho mỗi chúng ta.
Xơ cứng
cũng có nhiều dạng với mức độ khác nhau. Xơ gan là một dạng ung thư bất trị,
nhưng xơ cứng tâm linh còn nguy hiểm hơn, vì đó là dạng “ung thư tâm linh”, có
thể bất trị cả đời này lẫn đời sau, nhưng nếu chịu điều trị thì lại khả dĩ chữa
lành. Đúng là “chuyện lạ” thật!
Thánh
Phaolô nói về một dạng lạ về tâm linh: “Tôi
muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì. Đàn ông không có vợ thì
chuyên lo việc Chúa: họ tìm cách làm đẹp lòng Người. Còn người có vợ thì lo
lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng vợ, thế là họ bị chia đôi. Cũng vậy,
đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn
về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời: họ tìm cách
làm đẹp lòng chồng” (1 Cr 7:32-34). Gọi là lạ nhưng lại không lạ. Những
người này cũng vẫn là những người bình thường như chúng ta, không có gì khác
thường. Tuy nhiên, không lạ mà lại lạ, họ sống giữa đời thường mà lại không
thuộc về đời thường, vì họ không thấy có sức hút nào bằng sức hút của Thiên
Chúa.
Thánh
Phaolô khuyên thật chứ không đùa, không có ơn Chúa thì không thể hiểu được. Dĩ
nhiên, tất cả đều là tự nguyện, không bắt buộc, và cũng không thể ép buộc. Thánh
Phaolô giải thích: “Tôi nói thế là để
mong tìm ích lợi cho anh chị em, tôi
không có ý gài bẫy anh chị em đâu,
nhưng chỉ muốn đề nghị với anh chị
em một điều tốt, để anh chị em được
gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co”
(1 Cr 7:35). Rất chi tiết. Rất rạch ròi. Rất minh bạch. Và cũng rất chân
thành.
Như chúng
ta đã biết, cuộc sống có rất nhiều điều lạ, từ điều nhỏ tới điều lớn, từ đơn
giản tới phức tạp. Thời nào cũng thế, đất nước nào cũng thế, dân tộc nào cũng
vậy. Cũng là con người cả thôi, tính hiếu kỳ luôn chực chờ “nổi dậy”. Nhưng cần
lưu ý rằng có điều lạ tốt và cũng có điều lạ xấu. Chúa Giêsu giáng sinh làm
người, chịu chết trên Thập Giá, rồi phục sinh vinh quang. Vô cùng lạ, lạ hơn
mọi thứ lạ khác. Các bí tích cũng toàn là những chuyện lạ. Cả đời chúng ta chứng
kiến biết bao chuyện lạ, nói đúng ra là phép lạ!
Một hôm, Đức
Giêsu và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Hôm đó là ngày sa-bát, Ngài vào
hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Ngài. Họ sửng sốt
vì thấy quá đỗi lạ lùng. Tại sao? Vì Ngài giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền,
chứ không như các kinh sư.
Từ ngạc
nhiên này tới ngạc nhiên khác. Ngay lúc đó, trong hội đường có một người bị
thần ô uế nhập, nó la lên: “Ông Giêsu
Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi
biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh
của Thiên Chúa!” (Mc 1:24). Còn hơn cả sự lạ lùng. Chắc hẳn dân chúng
càng sửng sốt hơn. Nó không phải quỷ thường, mà là quỷ ô uế.
Nghe nó nói
vậy, Đức Giêsu quát mắng nó, bắt nó câm miệng và buộc nó phải xuất ra khỏi nạn
nhân. Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. Nạn
nhân được tự do, thoát khỏi nanh vuốt kìm cặp của ma quỷ, đó là nhờ quyền phép
của Đức Giêsu, Con-Thiên-Chúa-làm-người, Thiên-Chúa-ở-giữa-chúng-ta, Đấng Emmanuel.
Thấy vậy, mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người
dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân
lệnh!” (Mc 1:27).
Không lạ
sao được khi mà người ta mục kích sở thị chứ chẳng phải nghe đồn hoặc truyền
khẩu. Tiếng lành đồn xa. Lập tức danh tiếng Ngài đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng
lân cận miền Galilê.
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết phân
biệt cái gì là điều lạ và cái gì là bình thường, cái gì là tốt và cái gì là
xấu, để chúng con tin và hành động theo đúng Thánh Ý Ngài. Xin giúp chúng con
vạch rõ làn ranh giữa cái thiện và cái ác để chúng con không mơ hồ giữa cõi thế
gian này. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con.
Amen.
TRẦM THIÊN THU
|