Chia sẻ Tin Mừng
CN 4 TN NB 2015 (Mc 1, 21-28)
Lời giảng quyền uy và
tân kỳ
Wat Traimit còn
gọi là Chùa Phật Vàng, là một ngôi chùa nổi tiếng ở Bangkok, Thái Lan nhờ vẻ đẹp
độc đáo, lịch sử của nó, và nhờ pho tượng Phật bằng vàng nguyên khối rất lớn. Chùa
này tọa lạc ở cuối đường Yaowarat, gần ga Hualampong, thuộc Quận Samphathawong.
Tượng Phật Vàng là
bức tượng Phật ngồi cao 3 mét đúc bằng vàng khối, nặng 5,5 tấn. Người địa
phương cho rằng bức tượng lớn nhất thế giới này biểu thị cho sự thịnh vượng và
thuần khiết cũng như sức mạnh và quyền năng. Trong số tất cả những bức tượng
Phật mà du khách có thể nhìn thấy ở Bangkok, từ tượng Phật Emerald tại Wat Phra
đến tượng Phật nằm tại Wat Pho, thì tượng Phật Vàng là một trong những bức
tượng xinh đẹp nhất. Tượng Phật Vàng đã giúp Wat Traimit trở thành một trong
những điểm đến hàng đầu nằm trong lịch trình tham quan Bangkok của du khách.
Tượng Phật Vàng
được xác định là làm trong thời đại Sukhothai (khoảng thế kỷ 13-15), một trong
những giai đoạn nổi tiếng nhất của nghệ thuật kiến trúc Phật của Thái Lan, đặt
trong một ngôi chùa ở thủ đô cổ Ayutthaya (cách Bangkok về phía Bắc khoảng 1
giờ đồng hồ đi xe). Khi quân Miến Điện cướp phá thủ đô, để tránh sự
xâm hại của quân xâm lược, tượng được phủ một lớp đất sét dầy và được giữ bí
mật tuyệt đối, vì những người chịu trách nhiệm ngụy trang bức tượng này bị giết
ngay sau khi hoàn tất công việc. Sau đó, tượng được đóng thùng
chuyển đến Bangkok và đặt tại chính điện của chùa Choti-Naram (là Wat
Phrayakrai hiện nay) dưới thời vua Rama III (1824 -
1851).
Năm 1931, ngôi chùa
này bị bỏ hoang và bức tượng phủ đất sét này được chuyển đến một nơi tạm thời
và chẳng mấy ai quan tâm trong suốt hai thế kỷ. Thập niên 1950, khi di chuyển
đến một ngôi chùa mới ở Bangkok, tượng bị tuột khỏi cần cẩu, rơi xuống hố bùn.
Cũng chẳng ai buồn trục tượng lên. Người dân địa phương kể rằng có một nhà sư
được đức Phật báo mộng, nên đi tìm và kéo được tượng lên. Qua một vết nứt, nhà
sư thấy một tia sáng màu vàng lóe lên và Phật Vàng được "tái sinh." (Wikipedia)
Vết nứt đất sét đã tình cờ lộ ra pho tượng
Phật vàng ròng. Trong Tin Mừng Marcô hôm nay, chính tay quỷ sợ hãi, cũng hớt hải,
vô tình làm lộ ra bản tính Thiên Chúa nơi Đức Giêsu: “Tôi biết ông là ai rồi: Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” (Mc 1,
24) Tuy nhiên, Người cấm Satan tiết lộ Thánh Danh Người, vì quỷ dữ không xứng
đáng công bố, mà dành cho sau này chính môn đệ Đá Tảng, Phêrô long trọng tuyên
xưng: "Thầy là Ðấng Kitô" (Mc
8, 27- 29).
Lời Đức Giêsu giảng dạy trong hội đường ở
Capharnaum vào ngày Sabat khiến thiên hạ ngạc nhiên, sửng sốt, “vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền,
chứ không như các kinh sư.” (Mc 1, 22) Hành động trừ quỷ tiếp theo là một dấu
chỉ khẳng định uy quyền Đấng Thiên Sai. Trước đó, Người được ông Gioan Tiền Hô long
trọng giới thiệu: “Đây là Chiên Thiên
Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian.” (Ga 1, 29)
Lời giảng uy quyền
Trong khi các thầy
tư tế, kinh sư, Biệt Phái giảng dạy Ngũ Thư theo truyền thống vụ luật, nguyên tắc
và khắt khe, nghiêm nhặt, cầm buộc và cấm đoán, thì Đức Giêsu giảng giải khác hẳn
và trái ngược, cởi mở, quảng đại, tràn đầy uy lực, quyền năng. Không những Người
trình bày ý nghĩa, mục đích và tinh thần của Lề Luật thật sâu sắc, tinh tế và
chính xác: “Ngày Sa-bát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày
Sa-bát.” Người còn tự nhận đứng
trên cả Lề Luật, có đủ thẩm quyền giải thích Lề Luật: “Bởi đó, Con Người
làm chủ luôn cả ngày sa-bát" (Mc 2, 27 - 28)
Thay vì Lề Luật định
hướng con người kính Chúa, yêu người, trở nên tốt lành, xả kỷ vị tha, nhân ái,
nhân hòa, yêu thương và phục vụ, lại trở nên gánh nặng phi lý cho con người, mà
thánh Phaolô gọi đó là luật của người trần. “Chẳng hạn:“Đừng ăn cái này, đừng nếm cái kia, đừng đụng vào cái nọ.” toàn
là những cái cấm đoán đụng đến là hư. Đó
chỉ là những giới luật và giáo huấn của người phàm.” (Cl 2, 20- 21)
Lời giảng tân kỳ
Đức Giêsu không hủy bỏ hay thay đổi Lề Luật.
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật
Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.”
(Mt 5, 17) Trái lại, Người hoàn chỉnh và khoác lên Luật Lệ bộ mặt mới thân thiện,
cụ thể và hữu ích cho con người xứng đáng lãnh nhận ơn Cứu Độ:“Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng ... Còn Thầy, Thầy bảo
cho anh em biết ..." (Mt 5, 21) Người đổi mới tinh thần
Luật, nâng cấp cho phù hợp với tình yêu thương, nhân từ, bác ái, mà Người hằng ấp
ủ, chủ trương: “Ta ban cho các con điều răn
mới, đó là các con phải yêu thương nhau. Như Ta đã yêu thương các
con thể nào, các con cũng phải yêu thương nhau thể ấy.” (Ga 13, 34 - 35).
Các
kinh sư, luật sĩ, Biệt Phái đã trói buộc dân chúng thực thi 613 mitzvot, điều
Luật, thật chi tiết, tỉ mỉ, vụn vặt trong đời sống, vô tình biến Luật thành
vòng kim cô, thành hàng rào, tường lũy, ngăn cách và cắt đứt mối giao hảo,
tương quan giữa con người và với Thiên Chúa. Điển hình trong dụ ngôn người
Samarita nhân lành, Đức Giêsu nêu đích danh thầy tư tế, thầy Lêvi đã bỏ mặc kẻ
hoạn nạn dở sống dở chết, chỉ vì họ đều mù quáng tuân thủ Luật lệ. Thay vì kết
luận, Người hỏi ngược lại luật sĩ, buộc ông phải công khai khẳng định: “Vậy theo ý ông, thì ai trong ba người ấy đã nên đồng loại của người sa
vào ổ cướp?" Ông ấy đáp: "Kẻ đã xử nhân nghĩa với người ấy." (Lc 10, 25-37)
“Biến thế giới của
thú vật nên thế giới của con người, biến thế giới của con người nên thế giới
của con Chúa.” (Đường Hy Vọng, số 801)
Lạy Chúa Giêsu, xin
Chúa xua đuổi ma quỷ ra khỏi lòng trí chúng con, giải thoát chúng con khỏi đam
mê thế gian, cứu chúng con khỏi cám dỗ xác thịt, để chúng con có thể lắng nghe,
đón nhận và nhập tâm Lời Hằng Sống, hầu sống theo lời giảng dạy đầy quyền uy và
tân kỳ.
Lạy Mẹ Maria, xin
Mẹ xua tan đi những đám mây mù, u ám gian tà, tội lỗi, xấu xa đang ráo riết
quyến rũ, bao vây, tấn công chúng con, xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cứu vớt chúng
con được sống trong tình thương, ân nghĩa của Chúa. Amen.
AM Trần Bình An
|