Sám hối
“Hãy sám hối và tin vào Tin
Mừng”. Tin Mừng là gì? Có gì quan trọng mà người
ta phải sám hối và đặt lòng tin vào đó? Sám
hối và lòng tin đi đôi với nhau như hai con
mắt cùng nhìn vào một đối vật, sám hối
sửa soạn cho lòng tin, lòng tin khởi đầu
bằng sự sám hối. Sám hối gồm hai khía cạnh:
khía cạnh tiêu cực là nhận về quá khứ, nhìn
lại dĩ vãng, để thấy đường mình
đã đi, cuộc đời mình đã sống như
thế nào, đúng hay sai, tốt hay xấu. Khía cạnh tích
cực là hướng tới tương lai để
sống đúng hơn và tốt hơn. Người sám
hối trở nên khiêm tốn, bé nhỏ, từ bỏ mình,
để đặt tất cả niềm tin vào sự
công chính của Nước Trời, vào ơn cứu
độ do Tin Mừng đem đến, còn tin là trao
hiến, tin ai và tin điều gì? Chúng ta hãy tìm hiểu
nội dung của Tin Mừng gồm những vấn
đề gì mà chúng ta phải sám hối và đặt lòng
tin vào đó. Chúng ta có thể tóm lược nội dung của
Tin Mừng vào hai phạm vi luân lý và giáo lý.
Về phạm vi luân lý: chúng ta
thấy Tin Mừng đã đề cập tới những
vấn đề quan trọng sau: Thứ nhất, về
hôn nhân, Chúa Giêsu đã lập luận hôn nhân bất khả
phân ly và nhất phu nhất phụ: mỗi người
chỉ được một vợ một chồng và
phải trung thành chung thủy với nhau cho đến
chết. Thứ hai, Chúa Giêsu đã đề cao tinh thần
nghèo khó: người nghèo khó được Chúa chúc phúc, Chúa
kêu gọi hãy nghèo của nhưng không nghèo lòng, ngược
lại, người giàu của mà không giàu lòng thì khó vào
nước trời như con lạc đà trước
lỗ kim. Thứ ba, về luật lao động và tinh
thần hợp tác, Chúa dạy: mọi người phải
siêng năng làm việc để tự lực mưu sinh,
lười biếng sẽ bị phạt, rồi phải
biết cộng tác với nhau để cùng nhau thăng
tiến. Thứ tư, vấn đề tiền của:
tiền của nay còn mai mất, Chúa dạy: phải
biết dùng tiền của làm phương tiện đi
vào nước trời, mỗi người đừng quá
đòi hỏi mà chỉ mong sao hằng ngày dùng đủ,
rồi tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng, các tài nguyên thiên
nhiên, hãy dùng chúng để kiến tạo hòa bình và biến
gươm giáo thành cày cuốc. Thứ năm, để
đảm bảo luật luân lý, Chúa dạy: mọi
người phải coi nhau như anh em, phải yêu
thương nhau, yêu thương cả kẻ thù nghịch
với mình, cầu nguyện cho kẻ ngược đãi
mình, mọi người phải tha thứ cho nhau. Thứ
sáu, về vấn đề giáo dục trẻ em, Chúa
dạy: phải yêu mến chúng, phải hướng
dẫn chúng và không được làm gương mù gương
xấu cho chúng, nước trời thuộc về
những ai có tâm hồn đơn sơ như trẻ em.
Thứ bảy, các nhân đức luân lý được
đề cao: khôn ngoan, công bằng, vâng lời, tiết
độ, kiên nhẫn, can đảm chịu đựng
những đau khổ, khiêm nhường, hiền lành, trong
sạch, phục vụ, tránh xa dịp tội và
đứng làm gương mù. Tóm lại, mọi
người là anh em, là con cái Thiên Chúa, mỗi người
là chi thể trong một nhiệm thể, cho nên, phải
dùng tình thương mà đối xử với nhau và yêu
nhau như Chúa yêu chúng ta.
Về phạm vi giáo lý: Tin Mừng
đã mạc khải cho chúng ta biết bốn điều
quan trọng: Thứ nhất, một Thiên Chúa có Ba Ngôi, chúng
ta chỉ tôn thờ một Thiên Chúa mà thôi, Thiên Chúa có Ba Ngôi:
ngôi thứ nhất là Cha, là Đấng tạo dựng
vũ trụ trời đất muôn loài, ngôi thứ hai là
Con, là Chúa Giêsu Kitô, Đấng xuống thế làm
người để cứu chuộc mọi
người, ngôi thứ ba là Thánh Thần, Đấng thánh
hóa, an ủi và giúp đỡ mọi người. Cả ba
Ngôi chỉ là một Thiên Chúa, bằng nhau mọi đàng.
Thứ hai, Chúa Giêsu là Thiên Chúa và là Thiên Chúa nhập thể,
Ngài là một người như mọi người, có cha
có mẹ, có quê hương tổ quốc, có sinh có tử,
có sống và chết như mọi người, Ngài
giống chúng ta mọi đàng chỉ trừ tội
lỗi, nhưng Ngài cũng là Thiên Chúa, đồng bản
tính với Chúa Cha, Ngài đến trần gian để
dạy dỗ và cứu chuộc loài người, Ngài là
đường, là sự thật và là sự sống, ai tin
theo Ngài sẽ được sự sống đời
đời. Thứ ba, về Nước Thiên Chúa,
Nước Trời, đây là nước hằng sống,
vĩnh cửu, là thiên đàng, muốn vào Nước Thiên
Chúa phải tin và thực hành đức tin chứ không
thể chỉ nói “Lạy Chúa” mà vào được,
nước Chúa có giá trị vô song, người ta phải
hy sinh mọi sự, kể cả mạng sống
để chiếm hữu nó. Thứ tư, Tin Mừng cho
biết về Giáo Hội qua những dụ ngôn
người gieo giống, hạt giống tự mọc,
hạt cải, tấm men, kho báu, viên ngọc quý, mẻ cá,
bầy chiên… Giáo Hội có phẩm trật: Phêrô là
đầu, tức Đức Giáo Hoàng sau này, các tông
đồ, là các giám mục sau này, những vị lãnh
đạo Giáo Hội được Chúa trao quyền
cầm buộc và cởi mở, ai muốn đến
với Chúa phải đến với Giáo Hội.
Có cuốn sách nào được
người ta ham mộ, kính trọng như sách Tin Mừng
không? Có sách nào tồn tại suốt 20 thế kỷ và bán
chạy như sách Tin Mừng không? Sách Tin Mừng toàn
bộ đã được dịch ra 236 thứ tiếng,
và còn cả 100 thứ tiếng nữa đang sửa
soạn để dịch Tin Mừng, có sách nào khích lệ,
đổi mới con người bằng sách Tin Mừng
không? Cho nên, vấn đề đặt ra cho chúng ta là chúng
ta có đọc Tin Mừng hay không? Nếu chúng ta không
chịu đọc thì sách có hay mấy cũng là không hay,
cũng như đã gọi là thuốc hay mà chúng ta không dùng
thuốc thì làm sao khỏi bệnh được? Chúng ta
hãy nhớ: sách Tin Mừng là lời Thiên Chúa hằng
sống, chúng ta có đọc, có sống Tin Mừng thì chúng
ta mới thấy được sự sống ấy
dồi dào ra sao, nơi đâu có ánh sáng Tin Mừng nơi
ấy tràn đầy hy vọng cho hiện tại và
tương lai. Ước mong mỗi gia đình đều
có sách Tin Mừng, chúng ta có đủ thứ sách mà lại
thiếu sách Tin Mừng thì thật đáng tiếc. Nhưng
có sách mà không dùng, không đọc cũng như không có.
Ước mong chúng ta hãy đọc và sống theo những
điều chúng ta đọc, bảo đảm bản
thân chúng ta và gia đình chúng ta sẽ tốt đẹp.
|