Thay
đổi
Gioan Tẩy giả
là vị Tiền Hô của Đấng Cứu Thế. Ngài
đã sống và thi hành sứ mạng của ngài thế
nào?
Ngài sống rất khổ hạnh từ buổi thiếu
thời: y phục chỉ có một áo choàng bằng da
lạc đà, là một kiểu áo hãm mình mà các ngôn sứ
xưa thường dùng, ngang lưng thắt một dây da
cho gọn ghẽ, còn của ăn lại càng bấp bênh
hơn nhờ vào “may rủi”, là ăn châu chấu
độn với mật ong rừng. Gioan ăn
mặc như thế mà đi rao giảng khắp vùng
Giuđê, Galilê và quanh sông Giordan. Bấy giờ mùa màng
vừa gặt hái xong, thời vụ mới cũng chưa
tới, nên dân chúng rảnh rang kéo nhau đến rất
đông để nghe ngài giảng, cả những
người lãnh đạo cũng sai người tới
hỏi ngài là ai? Ngài chỉ mượn lời ngôn sứ
Isaia để trả lời: tôi không là ai cả, chỉ là
tiếng kêu trong hoang địa, có bổn phận dọn
đường cho Đấng Cứu Thế.
Thực vậy, ngài
làm phép rửa và rao giảng kêu gọi mọi người thay đổi đời
sống để đón Đấng Cứu Thế
đến. Phép rửa của Gioan, xét về hình
thức thì giống như phép rửa của đạo Do
Thái, là dìm mình ở nước sông Giordan, để từ
bỏ ngoại giáo và dứt khoát trở về tôn thờ
Thiên Chúa. Nhưng phép rửa của Gioan có một
hướng mới, khác hẳn đạo Do Thái, là
hướng về luân lý, dùng công bằng, bác ái, chân
thật để sửa soạn cho nước
Đấng Cứu Thế. Vì vậy, phép rửa của
Gioan chuẩn bị cho phép rửa của Chúa Giêsu, giúp
người ta sám hối, sửa soạn cho việc tha
tội. Cho nên, phép rửa của Gioan không
phải là một bí tích, nghĩa là không tự động
tức khắc tha tội.
Đàng khác, cùng
với việc làm phép rửa, Gioan Tiền Hô còn giảng
dạy, kêu gọi mọi người hãy thay đổi
đời sống để đón nhận Đấng
Cứu Thế: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa
đường Chúa cho ngay thẳng”. Điệp khúc rao giảng
của ngài là hãy ăn năn sám hối, lời giảng
của ngài làm chấn động mọi tầng lớp,
mọi thứ người, từ lớp rắn lục
trở xuống, nghĩa là những người có chức
quyền, nhưng lươn lẹo, cố chấp, cả
vua Hêrôđê cũng bằng lòng nghe ngài giảng. Sử gia
Phơlaviô đã ghi nhận: “Gioan có ảnh hưởng sâu
đậm trên quần chúng, đến nỗi họ
sẵn sàng làm bất cứ điều gì ông dạy
bảo, hết mọi hạng người đến
gặp ngài để xin ngài chỉ dạy cách phải
sống”.
Đối với
chúng ta ngày nay, lời kêu gọi “hãy ăn
năn sám hối” của Gioan phải chăng đã nhàm chán
và lỗi thời? Hoặc trong hoàn cảnh
hiện tại của chúng ta, lời kêu gọi hãy thay
đổi đời sống của Gioan phải chăng
không còn cần thiết? Nhàm chán thì có nhàm chán thật,
vì lúc nào chúng ta cũng nghe lặp đi lặp lại
những lời khuyên đó hoặc những lời
tương tự như hãy tu thân tích đức, đừng
kiêu ngạo, đừng gian tham, đừng bất công,
đừng sống phản bác ái, lỗi tình thương… Nhưng còn lỗi thời thì sao? Có lỗi thời không? Có thể nói, ngày nào
còn con người là còn luân lý, còn giáo dục, còn khuyên
răn, và bao lâu còn tội lỗi, còn tranh chấp, còn
tệ đoan, còn tiêu cực, thì còn phải sửa
chữa, phải thay đổi để trở nên
tốt hơn, và như vậy lời kêu gọi của
Gioan vẫn mãi mãi cần thiết, không bao giờ lỗi
thời.
Tất cả chúng ta
đều biết: bước đầu tiên để
kiến tạo một xã hội, một thế giới
tốt đẹp, là con người phải hiểu rõ “cái
tôi” của mình, từ đó mới làm chủ
được bản thân và cùng hoà nhịp vào cuộc
sống với mọi người, đúng như quan
niệm từ ngàn xưa của Khổng Tử: “Thành ý,
chính tâm, tu thân” rồi mới “tề gia, trị quốc,
bình thiên hạ”. Con người sống trong xã hội có
ảnh hưởng hỗ tương và liên đới
trách nhiệm với nhau rất mật thiết, một con
én không làm nên mùa xuân, nhưng một phần tử xấu
cũng đủ làm hư hỏng một gia đình và
cả xã hội, “con sâu làm rầu
nồi canh” là như thế.
Vì vậy, mỗi Mùa
Vọng chúng ta lại có dịp xét mình, kiểm điểm
đời sống, cách suy nghĩ qua lời kêu gọi
của Gioan Tiền Hô, để cải thiện đời
sống mỗi ngày thêm tốt đẹp hơn. Nói khác đi, chúng ta
cần phải thay đổi cách sống và lối suy
nghĩ không phù hợp với lời Chúa hay không đúng
với lương tâm và lương tri của mình.
Trên đời này có
cái gì không thay đổi chăng? Có người nói
chơi: chỉ có chữ “thay đổi” là không thay
đổi mà thôi, nghĩa là cái gì trên đời này cũng
thay đổi. Thế giới này có nhiều
sự thay đổi, và có những cái thay đổi
ảnh hưởng tới chúng ta, nhưng cái cần
thiết nhất là lòng chúng ta phải thay đổi. Khi lòng mình được thay đổi thì
mọi sự sẽ được đổi thay.
Chúng ta đừng mong ngoại cảnh thay đổi lòng
mình, chính lòng chúng ta phải được thay đổi
trước đã thì ngoại cảnh mới thay
đổi theo, như câu chuyện sau: có một cụ già
kia sống giữa hai gia đình: một gia đình làm
nghề thợ rèn và một gia đình làm nghề thợ
mộc, cả hai gia đình này gây tiếng động
ồn ào suốt ngày. Cụ già không chịu
được, năn nỉ họ
đổi đi nơi khác, nhưng họ cứ nhùng
nhằng mãi, sau cùng họ đồng ý đổi đi,
họ đổi đi đâu? họ
đổi nhà cho nhau, như vậy cụ già kia chẳng
được gì. Muốn thay đổi,
chính cụ phải thay đổi, chính cụ phải
dọn nhà ra đi.
Đàng khác, có
người không muốn thay đổi gì hay chỉ ưa
thay đổi tạm bợ và bằng lòng với
phương pháp gọi là tu sửa ít phần trăm, có
người lại sợ đổi mất cả cái ít
phần trăm đó, vì thế, dù chúng ta đang sống
trong hoàn cảnh nào thì lời kêu gọi của Gioan
Tiền Hô vẫn là một lời khẩn thiết, xin
mỗi người hãy lắng nghe và thực hiện để
kinh nghiệm được những ơn phúc của Mùa
Vọng. Xin Chúa cho tất cả chúng ta đều thay
đổi, đều đổi mới từ tư
tưởng tới hành động để trở thành
những con người mới thực sự.
|