MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: tiểu mục :: gương chứng nhân
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Cuộc Tử Đạo Của Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp Và Phép Lạ Đầu Tiên Của Ngài (tập 2)
Chủ Nhật, Ngày 7 tháng 12-2014

             
CUỘC TỬ ĐẠO CỦA CHA PHANXICÔ TRƯƠNG BỬU DIỆP VÀ PHÉP LẠ ĐẦU TIÊN CỦA NGÀI (Tập 2)                                                            
                                                                    
PHẦN I
                                               
ÔNG BÀ THẦY HAI NGÔ THIÊN CẨN
  
Ba tôi tên Ngô thiên Cẩn và má tôi tên Đào Thị Kính. Ngày xưa ông bà trông coi họ đạo Bào Sen. Tên Ngô Thiên Cẩn chỉ được ghi trong bản đồ Quận và Tỉnh mà thôi. Còn ở ngoài đời tất cả quí cha, quí thầy hay tất cả người thân quen đều kính trọng và thương yêu ba má tôi và đều gọi ba má tôi là ông bà Thầy Hai. Mọi người đều kính trọng ba má tôi không phải vì ba má tôi là đại điền chủ, cũng không phải vì ba tôi tự bỏ ra mấy chục ngàn giạ lúa để mướn người đào con kênh nối liền rạch Cái Ngai đến sông cái Bào Sen. Nhờ con kênh đó mà dân Đầm Dơi và Năm Căn giao thông với nhau bằng xuồng ghe chèo giảm đi đến trên một ngày đường. Cũng không phải vì ba tôi thấy trẻ nhỏ xóm đạo Bào Sen, xóm đạo Cao Đài, hay trên điền của Trương Đình Qui, điền của Ngô Tà Dương không có trường học, trong thời đó. Ba tôi thấy tội nghiệp trẻ nhỏ mù chữ, nên gọi người đốn cây chặt lá cất trường học. Để ai muốn con em mình biết chữ cứ gửi tới học không mất tiền. Đối với những em quá nghèo, ba má tôi còn cho thêm sách vở bút mực và nhiều khi áo quần nữa. 
 
Dân xóm đạo gọi ba tôi là Thầy Hai là vì ông nội tôi khi về hưu có khai khẩn đất rồi gom dân về ở. Hai ông bà cũng giống như nhà truyền giáo. Ông cất một nhà nguyện nhỏ rồi truyền đạo cho họ.(  năm 1926 ) Dân chúng đến ở mỗi ngày một đông. Nhà nguyện sau đó được cất lại và trở thành nhà thờ. Ông bà nội tôi già yếu rồi giao lại đất đai và nhà thờ cho ba má tôi đứng ra trông nom ( năm 1932 ) Thời đó các linh mục, các cha, hay các cố đạo vùng quê tôi thường được gọi là Thầy Cả. Ba tôi cũng làm tất cả các việc như quý cha từng làm cho giáo dân, trừ các phép bí tích, nên dân xóm đạo kính trọng ba tôi và gọi ba tôi là Thầy Hai với ý, chỉ thấp hơn Thầy Cả một bậc. Rồi từ đó lan truyền ra, tất cả mọi người đều gọi ba má tôi là Ông Bà Thầy Hai. 

Thêm nữa, mọi người còn kính trọng ba má tôi vì ngoài chức vụ là Thầy Hai, ba má tôi lại rất đạo đức và thương người. Không những ba má tôi thường giúp đở tá điền mình, mà còn giúp đở cả những người ở các nơi khác cho dù là người Khơ Me trong những Sóc Khơ Me trong quận nữa.

Tôi xin kể một vài việc làm của ba má tôi mà quý vị lớn tuổi nếu đã từng ở trong quận Đầm Dơi, hay từng là giáo dân họ đạo Hòa Thành, họ đạo Cái Rắn đều biết. Cuối năm 1945 khi người Thổ nổi dậy, người Việt nếu đi đâu một  mình, hoặc hai người, tình cờ gặp bọn họ là bị họ cáp duồn liền. Giết xong họ thả trôi sông. Lúc đó xác người trôi dưới sông rất nhiều không ai dám vớt lên chôn cất giùm vì sợ liên lụy. Nhưng một mình ba tôi dám làm chuyện đó. Hằng ngày, ba tôi một mình chèo xuồng vào những kinh rạch mà ba tôi nghe nói có xác người trôi sông. Ba tôi buộc từng bè xác chết x́nh thối về xóm Bào Sen. Về tới xóm Bào Sen mới có người ra phụ giúp. Chẳng bao lâu sau, mùa Xuân năm 1946, bộ đội Việt minh, các bộ đội tự lập, và bộ đội các giáo phái đồng loạt trả thù lại, làm các sóc Miên dưới Đầm Dơi không còn thanh niên trai trẻ nữa. Lần nầy cũng lại một mình ba tôi lại đi tìm vớt những xác không ai dám nhìn nhận về chôn cất cho người Miên.Vì vậy dân Đầm Dơi không ai là không biết đến ba má tôi và kính trọng người.

Sau nầy những sóng gió mà hai dân tộc phải gánh chịu trôi qua. Dân Việt và Khơ Me đã có cuộc sống hoà bình trở lại. Có nhiều người hỏi người Khơ Me rằng tại sao lúc đó người Miên thấy người Việt đều giết vậy mà ông Thầy Hai đi vào Sóc hoài mà sao họ không giết ông? Họ trả lời là ông bà thầy Hai tốt quá thì làm sao giết được cho đành. Họ còn giải thích thêm rằng trong những năm đói kém vì thất mùa ba tôi hay đem lúa gạo đến cho họ, và còn má tôi nữa, khi con cái họ đau bệnh má tôi cho thuốc uống hoặc chỉ thuốc  để mà trị. Nên có giết ai thì giết chứ người trong sóc không ai muốn giết ba má tôi.    

Những việc làm của ba tôi quá nhiều, và lắm khi còn quá lớn lao và nguy hiểm nữa. Khi ba tôi nghĩ việc gì đó là đúng, và cần làm, là ba tôi làm ngay. Ba tôi bất chấp mọi hao tài tốn của cho mình. Như để đào con kênh nối liền hai quận Đầm Dơi và Năm Căn với nhau, ba tôi tốn đến mấy chục ngàn giạ lúa. Ba tôi bất chấp những gì nguy hiểm cho bản thân hay cho gia đình để sống như những gì mà đạo Thiên Chúa dạy: Trước kính Chúa và sau là yêu thương người.

Về yêu người, Chúa có dạy chôn xác kẻ chết. Thì khi nghe có xác vô thừa nhận trôi sông, ba tôi cố gắng tìm kiếm cho bằng được rồi tìm cách chôn cất, bất chấp nguy hiểm có thể đến với mình.

Về kính Chúa, thì trong Kinh Thánh có câu. “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì thiếu”. Có nghĩa là những người đi rao giảng tin mừng nước Chúa quá ít đang cần thêm nhiều người tham gia. Cho nên khi biết năm cha bị Việt Minh Cộng Sản săn tìm, ba tôi đã lên rước về chứa chấp, che dấu rồi sau cùng chở đi di tản. Lúc đó, chỉ một mình cha Diệp không đi theo ba tôi còn trở ngược về nhà thờ Tắc Sậy để cứu các bổn đạo đang bị Việt Minh Cộng Sản giam cầm để buộc Cha phải về. Cha về rồi Cha đã bị giết. Để che chở quý cha Ba tôi đã đánh đổi tất cả, nhà cửa ruộng vườn, và nếu như bị bại lộ, thì sinh mạng cả gia đình sẽ gặp nguy hiểm nữa.

Má tôi cũng vậy, lúc nào bà cũng lo làm việc cho đẹp lòng Chúa và yêu thương, giúp đở tất cả mọi người. Như vào năm 1954, trước khi trở về Bào Sen để sống, bà có nói với tôi là nhà thờ Bào Sen rồi đây sẽ được xây cất lại bằng gạch ngói trong một ngày rất gần. Lời nói đó ám chỉ là gia đình tôi rồi đây sẽ đứng ra làm việc đó. Gia đình tôi định xây cất lại ngôi nhà thờ Bào Sen, nhưng nguyện ước của má tôi đã không thành. Năm 1955, Cha Đầy, cha sở họ Hòa Thành, cũng là cha sở của họ Bào Sen, có làm đơn xin chánh quyền giúp đở và được chánh quyền chấp thuận. Tôi không rõ lắm chỉ nghe nói tiền và vật liệu xây cất nhà thờ hình như do viện trợ của Mỹ.

Năm 1957 nhà thờ được xây cất bằng tol. Lúc đó cha Trọng mới về coi họ Bào Sen. Không bao lâu xóm Bào Sen mất an ninh. Năm 1962 gia đình tôi rời khỏi xóm Bào Sen. Đến năm 1975 thì Miền Nam không còn tự do tôn giáo như ngày xưa nữa. Nhà thờ Bào Sen đã quá cũ vì nhà thờ xây cất bằng tol, mà vùng Bào Sen là vùng nước mặn nên sau ba mươi năm chánh quyền không cho phép tu bổ và sửa chữa thì còn gì.

Năm 1990 thông điệp của Đức Mẹ được ứng nghiệm. Trái tim Mẹ đã thắng. Cộng Sản Nga và khối Cộng sản Đông Âu sụp đổ. Để sống còn, những nước Cộng Sản còn lại, trong đó có Cộng Sản Việt Nam đã cho dân chúng hưởng một ít tự do hơn, trong đó có tự do Tôn Giáo. Những nhà thờ sắp đổ ngã như nhà thờ Bào Sen nếu xin phép xây cất lại có thể được chấp thuận.

Ao ước năm xưa lại làm thao thức má tôi. Ao ước mong muốn xây cất nhà thờ Bào Sen bằng gạch ngói, mà trên bốn mươi năm trước bà đã ao ước mà chưa thực hiện được. Bấy giờ bà muốn nó trở thành hiện thực, cho dù má tôi lúc đó đã trên 85 tuổi rồi. Bà đến Mỹ đã  trên 10 năm, cùng chuyến ghe mà tôi đưa đại gia đình đi ra khỏi nước đầu năm 1982. Đã trên 10 năm bà đã không thể tự đi đứng một mình được, mà khi xê dịch phải có người dìu đở. Bà sống nhờ tiền trợ cấp xã hội. Bà đâu còn là một bà đại điền chủ sở hữu trên ngàn mẩu đất như khi xưa, lúa ruộng hằng năm thâu mấy chục ngàn giạ, rồi còn thêm huê lợi từ cá nữa. Hai miếng đất có trên hai mươi khẩu  đìa và ao. Có khẩu dài tới bảy công đất gọi là đìa Bảy Công. Chỉ mỗi đìa Bảy Công thôi, có năm thâu hằng chục tấn cá. Má tôi giờ đây đâu còn gì. Bây giờ bà chỉ một người quá phụ già nua đầy bệnh hoạn đau yếu, cân không quá 30 kí lô. Bà sống trên xứ lạ quê người mà vẫn ao ước được thực hiện ước mơ xưa cho bằng được. Má tôi muốn xây cất lại nhà thờ Bào Sen bằng gạch ngói
cho giáo dân Bào Sen có nơi thờ phụng Chúa được bền vững. Má tôi đã quá già yếu rồi, bà đâu làm được gì. Nhưng dòng máu của bà đã lưu chảy trong thân thể của anh em chúng tôi. Rồi đức tin của bà, cũng như lòng yêu quý nhà thờ Bào sen nữa, đã truyền và thấm sâu vào tim óc của mỗi người trong gia đình tôi. Cho nên má tôi chỉ ngồi đọc kinh mà cấu nguyện thôi. Người anh lớn của tôi là anh Ngô thiên Toảng thay thế cho bà, và anh em chúng tôi cùng phụ giúp để thực hiện thay cho bà mọi thứ.

Nhà thờ Bào Sen được khởi công xây cất năm 1994 và khánh thành vào dịp lễ Giáng sinh 1995. Một bà quá phụ già nua bệnh tật đã thực hiện được công trình này. Một nhà thờ Bào Sen bằng gạch ngói chắc chắn. Một ước mơ không dễ dàng thực hiện. Ắt hẳn bà phải đọc kinh và trông cậy vào Thiên Chúa rất nhiều.

Năm 1996, từ Canada, tôi nghe tin má tôi bệnh rất nặng. Má phải vào nhà thương mà điều trị. Khi sang Mỹ thăm bà, tôi biết được thuốc thang điều trị cho bà rất hữu hiệu, và bà đang trên đà bình phục. Cũng cùng một căn bệnh mà trên 50 năm trước bà đã mắc phải.Theo má tôi thường nói cho tôi biết thì những ai mắc phải bệnh này, nam thì chỉ bảy ngày còn nữ thì đúng chín ngày thì phải chết nếu điều trị không đúng thuốc, hay không có thuốc để mà điều trị. Năm đó Ba tôi vừa trở về Bào Sen trước. Anh em tôi nhỏ dạy, chỉ biết chở má tôi vào Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị thôi. Vào bệnh viện được ba ngày nhưng bệnh má tôi đã bước vào ngày thứ tám rồi. Má tôi đã mê man không còn biết gì hết và bệnh viện đã hết phương cứu chữa. Họ khuyên nên đưa bà về chứ bệnh viện không thể chữa trị khỏi được.

Tôi nhìn má tôi say ngủ. Có lẽ những ngày trước căn bệnh hành đau nhức, làm bà không ngủ được, nên từ hai ngày nay bà uống được đúng thuốc nên bà ăn ngủ khá hơn. Nhìn dóc dáng gầy ốm, nhỏ bé của bà tôi nhận ra ngay là người mẹ yêu quí nhứt đời của tôi. Nhưng nhìn gương mặt thì tôi không thể nào ngờ được. Gương mặt của bà đúng như in. Hoàn toàn không khác chi gương mặt của má tôi trên năm mươi năm về trước khi bà nằm điều trị tại nhà thương St Paul. Gương mặt sưng tròn như trái banh. Không còn thấy mắt môi, mũi miệng gì nữa. Gương mặt đỏ bầm.

Năm mươi năm trước sau khi bị bệnh viện Chợ Rẫy từ chối không chữa trị cho bà nữa, anh lớn tôi chạy đến cầu cứu ông cậu hai tôi là ông Đốc phủ sứ Nguyễn Duy Kiển. Má tôi là cháu dâu do ông kén chọn và được Ông thương yêu nhứt.  Ông cho người chuyển má tôi đến bệnh viện St. Paul điều trị ngay.

Nhìn má tôi yên ngủ, tôi biết rồi má tôi sẽ bình phục. Nhưng nhìn gương mặt xưng phù của má tôi, tôi biết những ngày qua má tôi đã trải qua nhiều ngày đau đớn lắm. Nghĩ đến những ngày má tôi đã gánh chịu đau nhức làm lòng tôi đau đớn như dao cắt, nước mắt tôi chảy không ngừng. Tôi yên lặng đứng nhìn má tôi yên ngủ và để mặc những giọt nước mắt của mình cứ rơi đều trên má. Được một lúc, anh chị tôi ra dấu cho tôi ra ngoài hành lang. Tôi đi theo, khi đến nơi, tất cả vui vẻ nói:

“Má bệnh vậy đó, mà khi đưa vào bệnh viện má làm náo động cả phòng bệnh nầy hết.”

“Má làm sao vậy anh chị?” Tôi ngạc nhiên hỏi và chị lớn tôi từ từ nói:

“Khi bệnh má tái phát, thì lúc đầu anh chị chỉ đưa má đi bác sĩ gia đình thôi. Càng ngày bệnh càng trầm trọng. Sau hai lần đi khám và uống thuốc của bác sĩ gia đình, thì bác sĩ chuyển má đi bệnh viện. Má tính bệnh má đã đến ngày thứ bảy. Khi bác sĩ bệnh viện khám bệnh xong, má được nhập viện và được đưa đến giường bệnh nằm. Lúc nầy má không nói rỏ được nữa vì môi miệng đã xưng vù lên hết. Nhưng má rất tỉnh táo. Một lúc sau cô y tá đẩy xe thuốc và đem thuốc đến cho bà uống. Chị nhìn rất kỹ, khi cô y tá đưa thuốc cho bà uống, má nhìn viên thuốc rất lâu hình như vui mừng khi nhìn thấy lại và nhận ra viên thuốc, nhưng má không chịu uống. Cô y tá thì vừa đưa thuốc vừa ra dấu bảo bà mở miệng uống thì má đưa tay lắc lắc có ý không chấp nhận, miệng thì ngậm kín lại. Rồi tay bà lại chỉ những người tuổi trẻ đang nằm chung quanh. Mỗi lần cô y tá đưa thuốc mời gọi bà uống bà cứ làm như vậy. Sau mấy lần như vậy chị mới hiểu. Chị mới hỏi má là có phải má không muốn uống thuốc, mà muốn để dành thuốc nầy cho những người trẻ
dùng phải không, thì má gật đầu.

“Không ai hiểu con bằng mẹ và cũng không ai hiểu mẹ bằng con. Chị mới hỏi thằng Hiếu (em út tôi là tiến sĩ không gian đang làm việc cho cơ quan NASA)  ‘Em hiểu ý má chớ?’

“Nó trả lời:

“‘Lúc đó chưa có em nhưng sau nầy em nghe nhiều người kể nên em biết hết, để em nói với cô y tá cho.’ ”

Em tôi kể lại cho cô y tá biết rằng năm mươi năm trước má tôi cũng bệnh như thế nầy. Nhà Thương Công đã khuyên gia đình tôi chở bà về nhà vì ở đó không đủ phương tiện cũng như thuốc men. Gia đình tôi chuyển bà qua bệnh viện tư, bệnh viện St Paul. Nhờ những viên thuốc nầy mà bà được cứu sống. Bà biết giá trị của nó quá đắt. Vì nó cũng giống như thần dược. Bà thì bây giờ quá già rồi, có khoẻ mạnh lại cũng vài năm nữa rồi cũng phải chết thôi. Nghe nói chỉ một hộp thuốc 24 viên đã bằng phân nửa số tiền chi phí cho tám ngày nằm bệnh viện. Tính ra mỗi viên thuốc là sáu, bảy trăm tiền Việt thời đó, bằng nửa tháng lương cho mỗi viên thuốc. Giờ bà chấp nhận như vậy, còn những viên thuốc nầy, bà muốn dành lại cho những người trẻ khi cần đến.

Cô y tá không cách nào khuyên bà uống được cô bèn lên trình bác sĩ trực. Một lúc sau hai ông bác sĩ một ông vừa khám bệnh cho bà, một ông bác sĩ già trực phòng cùng ba y tá cùng đến giường bà. Nhiều người đang thăm bệnh, thấy lạ cũng ghé lại nhìn.

Khi đến giường bệnh má, ông bác sĩ già trực phòng lấy viên thuốc mà má tôi không chịu uống bỏ vào hộp thuốc lại, rồi để trên kệ đồ của bệnh nhân. Sau đó ông nói với ba cô y tá đem xe thuốc chưa phát hết cho bệnh nhân cất đi. Mang một xe khác trên xe chỉ chất đầy một loại thuốc như thuốc đang điều trị cho má tôi đến gấp. Sau đó ông quay qua má tôi vừa săn sóc, vừa ân cần, rồi nói với má tôi qua lời Hiếu dịch lại:  

“Bà nói trên năm mươi năm trước một viên thuốc nầy trị giá bằng nửa tháng lương công nhân nước bà là đúng.”

Ông lại lấy viên thuốc đó cầm tay rồi nói tiếp:

“Thời đó ở đây cũng vậy. Mỗi một viên thuốc nầy cũng có thể đến hai ngày lương. Nhưng thưa bà, thời điểm đó đã qua nửa thế kỷ rồi. Khoa học và kỹ thuật bây giờ tân tiến lắm. Những viên thuốc như thế nầy giờ đây trị giá bảy tám đô thôi, không bằng lương công nhân một giờ làm việc. Hộp thuốc nầy đã ghi tên bà rồi thì chỉ một mình bà dùng thôi. Bà uống thuốc đi.”

Rồi ông bác sĩ ra dấu cho má tôi mở miệng. Nhưng má vẫn ngậm miệng và lắc đầu rồi tay thì lại chỉ những người trẻ đang nằm chung quanh. Lúc đó thì ba cô y tá vừa đẩy xe thuốc đến. Trên xe chỉ chất đầy một xe thuốc cùng một loại thuốc như thuốc má tôi đang cần dùng. Ông bác sĩ ném viên thuốc vào thùng rác. Ông lấy viên thuốc khác, ra dấu bảo má tôi mở miệng rồi nói tiếp:

“Bà thấy đó, cả một xe thuốc cùng một loại. Nếu bà không mở miệng và uống viên thuốc nầy tôi sẽ ném nó vào thùng rác. Thuốc đã ghi tên bà rồi thì chỉ một mình bà uống thôi. Nếu bà mà không uống viên nầy tôi sẻ ném nó vào thùng rác nữa. Hết hộp thuốc nầy tôi sẽ ghi tên cho bà hộp khác nữa. Bà mở miệng ra đi.”

Lúc ấy má tôi mới chịu mở miệng và bác sĩ đặt viên thuốc vào và đưa nước cho má uống. Cả phòng ai nấy đều vui mừng. Trước khi rời phòng, Ông bác sĩ trực nói cho cả phòng đều nghe:

“Tôi rất kính phục bà. Trên ba mươi năm làm nghề bác sĩ, lần đầu tiên cũng có thể là lần cuối cùng tôi được gặp một người yêu tha nhân như bà. Biết được viên thuốc cứu sống mình trong lúc mình đang cần mà không uống, lại muốn để dành lại những viên thuốc đó cho những người trẻ tuổi hơn.”

Nói xong, ông đứng im lặng rất lâu mới chào tạm biệt má.

Tôi lại trở vào giường đứng gần bên má. Má đã thức. Tôi nói:

“Con đây. Hiệp qua thăm má đây.”

Má tôi gật đầu rồi nắm tay tôi bóp mạnh làm tôi an tâm và chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc được như vây.

Anh chị tôi cho biết lúc nào bên giường bịnh má cũng trên mười người trực cả ngày lẫn đêm. Tôi ngạc nhiên hỏi:

“Rồi tối, anh chị và các cháu mệt, ngủ ở đâu?”

“Thì anh chị hay các cháu có mệt thì xuống nhà nguyện ngủ. Có hôm bà phước vô mở cửa nhà nguyện thấy cả chục người làm bả giật mình và ngạc nhiên vô cùng. Nhưng rồi bà thông cảm cho gia đình mình, cho dùng nhà nguyện mà ngủ tạm.”

Ngày má tôi còn sống, tôi nghĩ, trên thế giới nầy chưa có một gia đình tỵ nạn nào mà sống quây quần chung với nhau đông đúc đến như vậy. Bốn thế hệ: bà cố, bà ngoại, ba mẹ và con cháu. Ở chung với bà gồm có: anh chị Tư tôi và hai con, thêm cháu rễ và cháu cố; anh chị Năm tôi và hai con;  anh chị Bảy tôi và con gái; vợ chồng em gái tôi và hai con. Tất cả đều ở chung với nhau trong một ngôi nhà rất nhỏ trên mười năm yên vui, hạnh phúc giửa lòng Thủ Đô nước Mỷ .Thật khó mà tưởng tượng ra được. Một người mẹ ở với hai con trai, hai con dâu, hai con gái, hai con rể và trên mười đứa cháu nội, ngoại đang học tiểu học, trung học rồi lên đại học và cao học.

PHẦN II 

CUỘC TỬ ĐẠO CHA PHANXICÔ TRƯƠNG BỮU DIỆP

Anh em tôi lúc nào cũng muốn ở gần ba má. Vậy mà khi miền Nam mất, năm 1975 đại gia đình tôi tan rã hết. Anh lớn tôi Ngô Thiên Toảng, anh kế tôi Ngô Thiên Hảo, đều bị gọi đi học tập cải tạo. Kẻ ra Bắc, người ở lại Nam. Còn thằng em út tôi Ngô Thiên Hiếu mới 18 tuổi đã bỏ nước ra đi vào những ngày cuối cùng của nền Cộng Hòa. Gia đình tôi lúc đó không nhận được tin tức sống chết của nó như thể nào. Gia đình có bốn thằng con trai giờ chỉ còn lại có mình tôi. Ba má tôi biết tánh ý tôi ngang tàng nên ông bà rất lo cho tôi, vì sợ tôi muốn làm gì thì làm hoặc muốn nói gì thì nói.

Ở Sài Gòn được tháng má tôi đem tôi về Thạnh Phú. Tôi về Thạnh Phú ở, vừa làm ruộng vừa được sự che chở của cậu tôi. Ông là Đào Hồng Nghiệp làm Chủ Tịch huyện Thạnh Phú. Tôi ở Thạnh Phú làm ruộng, nuôi heo và chăn vịt. Trong lúc đó ba tôi thường xuống ở với tôi vì lúc đó tôi chưa có vợ con, lại gia đình giờ chỉ còn có tôi là con trai thôi. Được dịp gần gũi ba, tôi thường lân la hỏi chuyện. Đủ cả mọi chuyện trên đời.

Tôi nhớ có lần tôi hỏi ba tôi:

“Ba ơi hôm nay là ngày giỗ ba mươi năm của cha Diệp, ba có còn nhớ không ba?”

Ba tôi ngạc nhiên nhìn tôi rồi hỏi:

“Sao con lại nhớ được?”

“Thưa ba con có cách. Con chỉ nghe cha Tứ nói Cha Diệp mất ngày 12 tháng 3 một lần thôi. Muốn nhớ tới ngày nầy, con chỉ nghĩ tới đứa trẻ nhỏ mới học đếm1, 2, 3 thì con không thể nào quên được.”

Ba tôi lại hỏi:

“Đếm 1, 2, 3 là sao con?”

Tôi trả lời:

“Dạ. 1, 2, là ngày 12, còn 3 là tháng 3. Vậy là không thể nào con quên được ngày giỗ của cha Diệp.”

Ba tôi nói:

“Mới đó mà đã 30 năm rồi. Vài chục năm nữa không biết có ai còn nhớ tới Ngài nữa không?”

Tôi lại hỏi tiếp:

“Cái chết của cha Diệp con cũng nghe cha Tứ, lúc ngài trông coi nhà thờ Tham Tướng kể. Sau nầy con có nghe cha Công khi ngài trông coi họ đạo ở Hà Tiên, Rạch Gía kể lại nữa. Nhưng con vẫn còn nhiều nghi vấn quá. Mà các cha nói, ba cũng là nhân chứng sống quan trọng, vậy ba cho con biết rõ hết được không ba?”

“Con muốn tìm hiểu thêm gì con cứ hỏi?”

“Xin Ba kể lại hết câu chuyện đi. Sau đó còn gì con chưa hiểu con sẽ hỏi thêm.”

“Ba sẽ kể rõ cho con nghe hết.”

Ba tôi từ từ chậm rãi kể:

“Ba là Thầy Hai từ năm 1932, từ ngày ba má xuống Cà Mau, và từ ngày ba má thay ông bà nội con trông coi họ Bào Sen. Mỗi lần cha Bề trên, tức Cha cố già Pháp, mời các cha về nhà thờ chánh Cà Mau họp, ba cũng được tham dự nên ba biết năm cha hết. Cha Tứ, cha Công thì ba gặp thường hơn vì cha Tứ hằng tháng đều xuống Bào Sen làm lễ. Cha Công thì năm nào khi đến lễ lớn như lễ Phục sinh hay Giáng Sinh cũng đến Bào Sen ở vài ngày cùng cha Tứ mà lo việc đạo cho giáo dân. Hai cha đều ở nhà mình . Còn cha Diệp thì ba chỉ chào hỏi trong những lần gặp gỡ thôi. Cho dù không biết nhiều về cha Diệp vì không có dịp gần gũi lâu dài, nhưng chỉ nghe ngài nói vài câu khi ba gặp ngài lần sau cùng là đủ hiểu biết về tấm lòng bao la của ngài.

“Ba nhớ lần gặp cuối cùng đó, ngài nói:

“‘Quý cha nên đi gấp theo Thầy Hai đi. Riêng con, con xin được ở lại, rồi sáng mai, con sẽ về Tắc Sậy để gặp họ. Con về trình diện họ để giáo dân con được thả. Còn họ xử xét con thế nào là tuỳ họ.’

“Chỉ có một đấng chí thánh mới có tấm lòng bao la vĩ đại như vậy. Dám quay về chịu chết để cứu giáo dân mình. Kể từ đó ba đã kính trọng cha Diệp như thánh cả Phêrô hoặc hơn nữa, vì Thánh Phêrô khi Chúa bị hiểm nguy còn không nhận mình là quen biết Chúa nữa mà.

“Giỗ 10 năm của cha Diệp ba có đến nhà thờ Tắc Sậy tham dự và sau đó ba có gặp riêng sáu ông quới chức. Sáu người mà Việt Minh mời đến văn phòng làm việc của cha Diệp, vì ba nghĩ chỉ có sáu người nầy mới có thể nói rõ hết cuộc tử đạo của ngài mà thôi. Ba kể lại những gì ba được nghe từ sáu ông quới chức đó cho con rõ.”

Dưới đây là những gì Ba tôi nghe được từ sáu vị quới chức, những người đã được ở gần bên Cha Diệp trong những giây phút cuối cùng của đời Cha.

Sáng hôm ấy, giáo dân đến nhà thờ chỉ để đọc kinh chứ không có cha làm lễ vì cha Diệp đi vắng đã bốn hôm rồi. Khi đọc kinh xong, mọi người ra về. Liền khi đó, tất cả những người trong ban quới chức có đi đọc kinh sáng hôm đó nhận được lệnh mời qua nhà xứ làm việc.  

Khi nhận được lệnh gọi, thì tất cả sáu người họ đều đã đoán trước được sẽ bị hỏi những gì. Chắc hẳn cũng chỉ là những câu hỏi dò tìm tung tích cha Diệp. Và mọi người đồng ý với nhau trước là dù có bất cứ ai biết được cha đang ở đâu cũng sẽ một mực khăng khăng giữ kín.

Khi đến phòng làm việc của cha Sở, các vị thấy có ba người bên trong. Một người đàn ông trên bốn mươi tuổi đang ngồi trên chiếc ghế cha thường ngồi làm việc hàng ngày. Bên phải là một người đàn ông khác trẻ hơn vài tuổi, và bên trái là một cô gái còn rất trẻ đang ngồi ghi chép. Họ lịch sự mời tất cả các vị ngồi trên những cái ghế đẩu nhỏ đối diện. Rồi họ hỏi từng người một cùng những câu hỏi giống như nhau: “Cha bỏ họ đạo ra đi lúc nào?” “Cha đi với ai?” và “Hiện giờ cha đang ở đâu?” 

Đã sắp đặt từ trước, tất cả mọi người đều trả lời không biết gì cả. Các vị, đồng nhất với nhau, chỉ trả lời là Cha có cho biết là Cha về Cà Mau giống như mọi lần khi cha ra đi.

Họ hỏi đi hỏi lại rất nhiều lần. Đến trưa, không tìm hiểu được gì họ giam giữ các vị lại trong phòng ngủ của cha Diệp, cửa phòng khóa chặt.  Khoảng vài giờ sau, cửa phòng được mở ra. Các vị nhận ra rằng tất cả người thân trong gia đình của mình đều bị gọi đến. Đồng thời, có thêm bốn dì phước và hai nữ tu từ đâu không biết cũng bị giải tới. Tất cả đều bị lùa vô nhà xứ, rồi cửa ngoài bị khóa kín lại.

Những người bị giam giữ được cho biết họ sẽ được phóng thích một khi cha Diệp trở về. Lúc này, trong nhà xứ, có trên bốn mươi người, cả lớn lẫn nhỏ.

Tất cả mọi người đều lo sợ cho an nguy của mình, nhưng, trong thâm tâm, không một ai muốn Cha về để cứu họ. Đêm hôm đó tất cả mọi người chợp mắt trong lo âu và sợ hãi.

Đến chiều ngày hôm sau, những người trong họ đạo được phép cho đem cơm thăm nuôi. Qua thông tin từ những người thân, mọi người được biết là dường như tất cả các Cha ở các họ đạo khác như Cha Tứ họ đạo Hòa Thành, Cha Công họ đạo Cái Rắn và hai Cha Pháp nhà thờ lớn Cà Mau, đều đã lẫn tránh đi hết cả rồi. Còn giáo dân họ đạo Tắc Sậy ở đây cũng âm thầm mà rời khỏi nơi cư ngụ gần hết, sau khi nghe tin một số người đã bị bắt giữ tại đây.

Khoảng 6 giờ chiều hôm đó, cha Diệp trở về, và đến trình diện với họ. Khi Cha đến gặp họ, các vị trong ban quới chức biết được là mình sẽ được thả về. Nhưng các vị lại cảm thấy thất vọng vô cùng trước sự thể xảy ra như thế. Các vị và tất cả mọi người bị cấm cố ở đây thà chấp nhận chịu bị giam cầm chứ chẳng ai mong cho Cha trở về để đuợc thả ra.

Khi đến trình diện với bọn họ, họ hỏi dò la Cha để truy tìm tung tích của bốn Cha còn lại. Cha trả lời không biết. Họ chẳng những không phóng thích một ai mà còn tống giam Cha cùng chung với mọi người.

Đến nửa đêm họ lại gọi Cha lên một lần nữa. Lần này cũng chỉ hỏi về hành tung của các Cha vì họ tin rằng Cha hẳn nhiên phải biết. Cha vẫn một mực khẳng định là mình không biết. Không dò la được gì, họ cho Cha về phòng. Đêm đó các vị quới chức đều khuyên Cha đừng nên nói chỗ các Cha đang ẩn tránh, vì các vị đinh ninh rằng Cha đương nhiên biết được. Các vị cho Cha biết là tất cả mọi người bị giam giữ ở đây đồng lòng chịu cùng chung số phận với Cha nếu có gì không may xảy đến. Cha nghe tất cả mọi người đồng một lòng như vậy, Cha cảm động lắm. Cha từ tốn nói:“Cha sẽ không chỉ ra đâu.”

Rạng sáng hôm sau, từ hướng đất thánh cách nhà thờ trên một cây số, tất cả dân chúng, cho dù lương hay giáo, đang ở trong nhà hay đang đi ngoài đường, đều bị họ lùa đến nhà thờ. Khoảng chừng trên 60 người nữa, trong số này có rất nhiều người ngoại đạo, vì đa số giáo dân đã biết trước mà bỏ trốn đi từ tối hôm qua. Họ tập trung những người mới bị bắt giữ này với giáo dân đã bị giam cầm trong nhà cha Diệp từ hai hôm trước. Sau đó họ lùa tất cả vào Cây Gừa, nơi cách đó chỉ khoảng chừng bốn năm cây số đường chim bay nhưng vì phải lội đường đồng nên cũng rất xa. Cả trăm người, bao gồm cả trẻ em mới bốn năm tuổi, và rất nhiều em còn bòng trên tay, đi gần đến chiều mới tới. Họ tóng giam tất cả vào hai lẫm lúa và khóa chặt chốt bên ngoài.        

Khoảng 8 giờ sáng ngày hôm sau ( ngày 12 tháng 03 ) họ giải Cha lên làm việc. Thật ra họ cũng chỉ hỏi Cha về nơi ẩn náu của bốn Cha còn lại như những lần trước. Cha Diệp nhất định không nói. Họ giải Cha về lẳm lúa giam lại. Sau đó, họ lấy rất nhiều rơm chất đầy chung quanh, bao kín hai lẫm lúa.

Đến khoảng 10 giờ họ lại giải Cha lên lần nữa. Lần này họ tra trấn đánh đập Cha rất nhiều. Cha vẫn kiên quyết không khai nơi ẩn náu của bốn Cha còn lại. Trước khi họ giải Cha về phòng, họ bảo Cha hãy về suy nghĩ lại. Họ đe dọa là sẽ giải Cha lần nữa, và nếu Cha vẫn kiên quyết không khai, họ sẽ đốt chết tất cả mọi người.

Về phòng lần này cha lo buồn nhiều lắm. Khi quyết định về đây, Cha đã chấp nhận hy sinh bản thân mình, sẵn sàng nhận lãnh cái chết. Nhưng sự thể lại xảy ra ngoài dự liệu của cha. Vì cha không chịu tiết lộ tung tích các cha mà lại có thêm trên 60 người nữa bị bắt giữ. Lần gọi kế tiếp, như họ đã đe dọa, nếu Cha vẫn không chịu nói ra thì rất có thể trên 100 người sẽ bị thiêu sống. Cha không thể để bốn Cha bị bắt. Suy đi nghĩ lại, Cha kêu gọi tất cả giáo dân ăn năn tội và Cha giải tội tập thể một lúc. Đối với những người không phải là Công Giáo, nếu muốn được vào đạo, cha cũng làm phép rửa tội cho. Hôm đó, Cha Diệp rửa tội cho rất nhiều người. Để có được nước làm phép rửa tội cho tất cả những người chưa có đạo ngày hôm đó, cha phải nhờ vào các em bé chăn bò, hoặc những bé gái mới lên 5, lên 6, kêu khát, xin các anh dân quân gác bên ngoài cho nước để uống. Nhưng cho dù rất khác các em đã không uống. Các em chừa lại phần nước đó để Cha làm phép rửa tội cho ông bà, cha mẹ, anh chị em của các em, hay cho chính các em
. Cha làm phép rửa tội một cách lén lút.  Những người chưa có đạo giam cùng phòng với Cha ai cũng tự nguyện chịu phép rửa tội. Xong đâu đấy, Cha ra ngồi một góc riêng, đọc kinh, cầu nguyện. Các vị quới chức cho biết lúc đó trông thấy Cha sa sút và kiệt sức lắm. Có lẽ vì quá đau khổ trước nghịch cảnh trước mắt, vì phải cứu lấy mạng sống của bốn cha, mà phải tạo ra mối hiểm nguy đến tính mạng cho bao nhiêu người khác.

Khoảng 2 giờ thì họ giải cha ra một lần nữa. Trong phòng ai cũng lo lắng cho Cha và sợ hãi cho số phận của chính mình mặc dù đã được rửa tội, ăn năn tội, hay giải tội tập thể.

Nhưng thật lạ, trước khi đi, Cha vui vẻ từ giả mọi người và bảo rằng mọi người sẽ được phóng thích ra về bình an. Riêng đối với những người mới chịu phép rửa tội Cha khuyên về học đạo và giữ đạo cho sốt sắng. Mọi người đều ngạc nhiên, thắc mắc là tại sao Cha chẳng những đã không tỏ ra vẻ gì lo lắng sợ hãy mà trái lại, còn hăng hái ra đi khác hẳn hai lần trước.

 Theo như những gì Ba tôi đoán biết, thì có lẽ, khi ra gặp họ lần thứ ba, trong tư thế sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình, vì để cứu mạng mọi người, cha đã nói gì đó với họ, có thể là đã tiết lộ tung tích của các cha đang ẩn náu ở Bào Sen. Và Cha đã bị sát hại lần gặp đó.

Giết Cha xong, họ cởi hết quần áo của Cha, và ném xác Cha xuống ao. Sau đó họ cấp tốc giải bốn Dì phước và hai nữ tu lên đường xuống Bào Sen gấp. C̣òn trên một trăm người bị giam giữ, họ ra lệnh cho dân quân và du kích đến tối mới được thả ra.Và bắt buộc mọi người phải rời bỏ họ đạo .

Hôm sau có người đến vớt xác Cha lên. Cha nằm úp mặt, một phần sọ bị mất. Một nhát chém sau ót rất sâu. Xác Cha trôi lềnh bềnh dưới ao. Vì lúc ấy nắng hạn nên nước trong ao không sâu lắm, chỉ quá đầu gối một chút. Khi lật cha nằm ngửa lại, người vớt xác đã vô cùng ngạc nhiên và sửng sốt. Ông ta đã từng nhiều lần vớt xác người trôi sông, cũng từng nhìn thấy nhiều xác người chết bất đắc kỳ tử.

Nhưng, xác của Cha đã không giống như những gì ông đã từng chứng kiến những lần trước. Gương mặt Cha lúc đó đã không ướt nước. Nét mặt Cha hân hoan, sáng lạng, và rạng rở vô cùng. Hai tay chắp trước ngực, với vẻ vô cùng thánh thiện. Thân xác cha đã bị ngâm dưới nước đã nửa ngày, trọn đêm, và lại chết một cách bất đắc kỳ tử, thì không hiểu tại sao lại có một tư thế và một gương mặt như vậy lúc chết? Ba tôi thường hay nói là hình ảnh của Cha qua lời người vớt xác diễn tả cứ quẩn quanh trong tâm trí của ông trong suốt mấy năm liền.

Theo như lời Ba tôi, thì mãi đến sau này, ông mới lãnh hội ra được là có thể Cha Diệp, trước khi đi gặp bọn họ lần thứ ba, đã được Thiên Chúa soi sáng mà ngộ ra rằng Cha đã không còn lựa chọn nào khác mà phải nói ra nơi ẩn náu của các cha để cứu tính mạng của mọi người. Còn về phần của bốn Cha, và ba tôi, người đang giúp các cha trong cảnh hoạn nạn ngặt nghèo, thì với sức mạnh của Thiên Chúa toàn năng, thì hẳn nhiên sẽ được che chở và cứu giúp sau. Cũng rất có thể là lúc ấy, Cha biết được là Cha sẽ được phong Thánh sau khi từ giã cõi đời, và với uy lực của một vị Thánh, thì chuyện che chở, cứu giúp người khác cũng là một chuyện quá dễ dàng.

Vì đã ngộ ra được như thế, nên khi đi giáp mặt với bọn họ, cái chết, đối với Cha, cũng chỉ giống như chuẩn bị diện kiến dung nhan Thiên Chúa mà thôi. Còn gì quan trọng hơn là cứu lấy tính mạng của hơn trăm người lương giáo. Riêng bốn Cha và Ba tôi sẽ được ngài che chở sau. Đã ngộ ra được như thế, Cha không hân hoan và mừng vui khi đi diện kiến Thiên Chúa sao được.

Theo như lời Ba tôi, thì khi thấy bốn Dì và hai nữ tu bị giải xuống Bào Sen, ông đã biết được Cha Diệp đã ngộ nạn. Từ đó ba tôi luôn nghĩ đến Cha Diệp và cầu xin ngài che chở. Lời khẩn nguyện của Ba tôi đã được ứng nghiệm. Phải. Phép lạ đầu tiên của Cha Diệp đã xảy ra. Ngài đã cho sương mù sa xuống làm cho đêm trăng sáng bỗng trở nên đêm tối âm u giúp Ba tôi đưa bốn Cha an toàn đi lánh nạn.

Tôi nhớ đã có lần tôi nêu lên thắc mắc của mình là trong thời gian Cha Diệp bị cấm cố và sát hại sau đó, thì cũng có rất nhiều người bị giam giữ chung với Ngài, nhưng sau này không nghe họ nhắc gì về chuyện Cha đã bị gọi ra hạch hỏi NHỮNG GÌ trong những lần Cha bị gọi lên gặp riêng họ.

Ba tôi đã trả lời là tuy có nhiều người bị giam chung với Cha nhưng thật ra chỉ có sáu vị trong ban quới chức họ Đạo Tắc Sậy là biết rõ được ngọn ngành, biết rỏ họ gọi Cha lên để hỏi những gì? nhưng bởi vì chính họ đã khuyên Cha giữ kín TUNG TÍCH CỦA BỐN CHA còn lại, nên sau đó họ đã phải quyết định giữ im lặng vì hai lý do:

Thứ nhất: Trong 9 năm kháng chiến vùng Tắc Sậy là vùng xôi đậu, bất an toàn. Nên họ không dám nói lên chính mình đã đồng ý hay khuyên Cha đừng chỉ nơi các Cha ẩn tránh.

Thứ hai: Đến khi đất nước hòa bình sau năm 1954, các ông qưới chức cũng đành giữ yên lặng vì e ngại sẽ bị người đời hiểu lầm mà chê trách là, khi khuyên Cha như thế, các vị chỉ coi sinh mạng của bốn Cha là quan trọng mà bỏ mặc sinh mạng gần 60 người ngoại đạo đang bị giam cầm. Cũng như vì tính mạng của bốn vị giáo sĩ mà Cha cũng như các ông chấp nhận để hơn trăm người bị thiêu sống.

Rồi ba tôi buồn rầu nói tiếp:

“Có lẽ từ đây và mãi mãi cũng không ai được biết những lần người ta gọi Cha lên hạch hỏi là hỏi NHỮNG GÌ? Nếu chỉ ghét cha Diệp thì khi gặp Cha người ta giết liền, chứ bắt bớ và giam giữ cả trăm người hai ba ngày và định thiêu sống tất cả để làm chi?”

Tôi còn hỏi thêm Ba tôi là tại sao tất cả trên 100 người đã bị giam cầm trong lẫm lúa và có thể bị thiêu sống bất cứ lúc nào, vậy mà các em nhỏ chăn trâu, chăn bò hay những bé gái mới lên 5, lên 7, lại muốn được rữa tội cho ông bà mình, cho cha mẹ, anh em, hay cho chính mình, lại phải nói dối khi xin nước để cha rữa tội, và khi làm các phép bí tích, Cha Diệp phải làm một cách lén lút?

Ba tôi trả lời rằng vào năm 1945, tên nước ta là VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ. Thời gian Cha Diệp bị bắt là sau khi toàn dân sống dưới chế độ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ chỉ được vài tháng. Năm nay 1976 tên nước ta là CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHŨ NGHĨA VIỆT NAM. Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc. Thời Cha Diệp bị sác hại và bây giờ cũng thế. Chúng ta có tất cả nhưng chỉ có trong tuyên ngôn trong giấy tờ thôi. Thật ra chúng ta chẳng có gì hết . Cho nên dù các em chăn trâu, chăn bò hay các em nhỏ, dù chỉ mới 5, 7, tuối cũng hiểu được là sẽ bị ngăn cấm, trừng phạt. Nên đâu có thể nào nói lên nguyện vọng của mình là trước khi chết mong muốn được vào đạo. Còn cha Diệp cũng vậy, Cha phải làm các phép bí tích một cách lén lút như thế.

Tôi còn hỏi thêm lý do tại sao khi giết cha Diệp xong lúc 2 giờ trưa, và Việt Minh Cộng Sản giải bốn dì phước và hai nữ tu xuống Bào Sen để hành quyết liền khi đó, mà họ lại không phóng thích trên 100 người bị giam ngay, mà phải đợi đến tối?

Ba tôi trả lời lúc đó đang vào giữa tháng ba, ruộng đồng khô cạn hết, cho nên đáng lý ra, di chuyển trên đồng khô thì thời gian ngắn hơn chèo xuồng đi dưới sông quanh co nhiều. Nhưng họ là những cán bộ cao cấp từ trung ương phái xuống, nếu như băng đồng lội ruộng thì cực nhọc lắm nên họ phải ngồi xuồng có người chèo. Họ lại đa nghi. Nếu thả ra hết mọi người cùng một lúc, lỡ trong đó có người được Cha Diệp cho biết nơi ẩn tránh của bốn cha, rồi chạy đi báo tin cho bốn cha biết thì hư việc hết. Nên họ giam thêm 6 giờ nữa, đến tối, mới thả cho chắc ăn ...

Tôi còn hỏi thêm: “Thưa ba trong những người tham gia cuộc hành quyết cha Diệp và sáu nữ tu, sau nầy có ai trông thấy họ hay còn gặp gỡ họ không ba?”

Ba tôi trả lời rằng ngoài ba người mà sáu ông quới chức gặp đầu tiên khi ngồi trong phòng làm việc của cha Diệp và sáu người vừa là bảo vệ họ, vừa là nhóm hành huyết từ trung ương gởi đến, thì không ai có dip gập lại nữa. Thành phần còn lại là dân quân và du kích ở Cây Gừa thì dân chúng Tắc Sậy vẫn gặp hằng ngày. Chính những anh dân quân và những du kích đã thuật lại sau này. Họ không biết gì hết, họ chỉ được lệnh lùa dân đi và lo canh giữ thôi. Những lần cấp chỉ huy gọi Cha lên hạch hỏi bên nhà ông giáo Sự họ không được phép đến gần. Sau này khi biết Cha bị giết họ cũng bất mãn nhiều lắm. Lúc nào họ cũng nhận thấy mình có lỗi và nguyện cầu xin cha Diệp tha thứ cho họ, và chính họ là những người biết trông cậy, tin tưởng ở Cha. cũng chính những người đó là những người được nhận lãnh những phép lạ Cha ban cho. Rồi sau đó, biết được Cha Linh Hiển, họ loan truyền cho nhiều người được biết sau nầy. Vào thời điểm đó, ở khắp nơi, có rất nhiều người theo Việt Minh Cộng Sản giống như vậy. Còn như ở Bào Sen, thì chỉ c
ó một mình ông Chín Đê thôi. Dưới kinh Thầy Hai một chút, gần xóm đạo Cao Đài thì có Năm Quyền và Bảy Dinh con bác Bảy Sủng. Còn trên điền Trương Đình Huy và Ngô Tà Dương còn rất nhiều. Sau nầy, họ cũng sống bình thường như mọi người. Dân chúng Bào Sen cũng như con vẫn gặp Năm Quyền và Bảy Dinh cũng như ông Chín Đê hằng ngày hồi còn ở Bào Sen đó con nhớ không?

Tôi lại hỏi ba tôi một câu sau cùng trước khi chấm dức câu chuyện:

“Tại sao họ lại muốn giết hết các Giáo Sĩ vậy ba?”

Ba tôi nói:

“Đây là một thí dụ thật dễ hiểu. Như xóm đạo Bào Sen cho đến năm 1946 chỉ có một mình ông Chín Đê là theo Việt Minh và xin gia nhập vào đảng Cộng Sản thôi. Trong khi đó những xóm lân cận cũng có dân số tương đương mà có mấy chục người đi theo Việt Minh Cộng Sản. Ba nghe mấy Cha nói xóm đạo của mấy Cha cũng vậy. Có xóm không có đến một người nào. Cho nên họ muốn tiêu diệt các Cha vì còn các Cha, không những dân chúng các xóm đạo không đi đúng con đường của họ vạch ra mà còn đi trái ngược lại.”

Những thắc mắc của tôi đã được ba tôi giải đáp. Cha Diệp có thật sự hiển Thánh hay không? Phép lạ xảy ra vào đêm Ba tôi đưa các Cha đi lánh nạn có phải do chính Cha làm sau khi mất hay không? Dĩ nhiên, khó có thể chứng minh cho được. Nhưng trước những điều mắt thấy, tai nghe từ những người trong cuộc như Ba tôi, cha Tứ, cha Công,  và với niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa Toàn Năng của một tín đồ Thiên Chúa Giáo, tôi thật sự tin đó là Phép lạ. Phép lạ đầu tiên của ngài.

Đây là Tập Hai, trong Bốn tập hồi ký ghi về cuộc tử đạo của các giáo sĩ xứ đạo Cà Mau, xảy ra vào giữa tháng Ba năm 1946, mà Ba tôi là nhân chứng sống. Tôi ghi lại để con cháu tôi được rõ và cũng muốn đóng góp những tư liệu tối quan trọng về biến cố đã xảy ra trong cuộc tử vì đạo của cha Phanxicô Trương Bữu Diệp và các nữ Tu ./.     

Vancouver, Mùa  Đông  2011
NGÔ THIÊN HIỆP

 

 

 

 

 

 

 

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Thánh Giáo Hoàng Damasus I (305? - 384) (12/10/2014)
Chúa Vẫn Hiện Hữu, Và Giúp Con Người Bằng Các Thánh. (12/10/2014)
Chân Phước Honoratus Kosminski (1829 - 1916) (12/10/2014)
Thánh Ambrôsiô (12/9/2014)
Thánh Juan Diego (1474-1548) 9/12 (12/9/2014)
Tin/Bài cùng ngày
Những Nhân Chứng Sống Về Cuộc Tữ Đạo Của Cha Phan Xi Cô Trương Bưu Diệp Tập 4 Tiếp (12/7/2014)
Những Nhân Chứng Sống Về Cuộc Tử Đạo Của Cha Phan Xi Cô Trương Bưu Diệp (tập 4) (12/7/2014)
Nguyên Nhân Dẫn Đến Cuộc Khổ Nạn Các Tu Sĩ Xứ Đạo Cà Mau (tập 3) (12/7/2014)
Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp Và Cuộc Tử Đạo Các Tu Sĩ Xứ Đạo Cà Mau ( Tập 1) (12/7/2014)
Tin/Bài khác
Về Chuyến Tông Du Thứ Vi Của Đtc Phanxicô Ở Phi Luật Tân Và Sri Lanka 12-19/1/2015 (12/6/2014)
Thánh Nicholas (c. 350?) (12/6/2014)
Thánh Sabas (s. 439) Ngày 5 Tháng 12 (12/5/2014)
Thánh Gioan Ở Damascus (676?-749) (12/4/2014)
Thánh Phanxicô Xaviê (1506-1552) (12/3/2014)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768