Gioan Tiền
Hô
Tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây
giầy cho Ngài.
So sánh với Chúa
Giêsu, Gioan nhận ra mình thật kém cỏi, kém cỏi
đến nỗi không xứng đáng cúi xuống cởi
dây giầy. Kém cỏi đến nỗi không
xứng đáng xách dép cho Ngài.
Chúng ta tưởng
rằng Gioan hạ mình và khiêm tốn, nhưng không phải
là như thế. Gioan không hạ mình và cũng
chẳng khiêm tốn, nhưng ông chỉ nói lên một
sự thật, một sự thật 100%.
So sánh với chúng ta,
Gioan trổi vượt hơn nhiều, bởi vì ông
được toàn thể dân chúng trọng kính, kéo
đến nghe giảng và chịu phép sám hối. Nhưng
so sánh với Chúa Giêsu, ông thật kém xa và kém rất xa vì dù
sao ông cũng chỉ là loài người, ông cũng chỉ
là một tạo vật.
Trong khi đó,
Đức Kitô là Thiên Chúa, là Chúa của Gioan và là chủ
tể của mọi loài. So sánh với Chúa Giêsu, Gioan chỉ là
một giọt nước giữa lòng biển cả mênh
mông, chỉ là một cây nhỏ trong thửa rừng bát
ngát, chỉ là một hạt cát chốn sa
mạc bao la.
Từ mẫu
gương của Gioan chúng ta hãy đi vào lãnh vực
bản thân và hãy thú nhận mình hèn kém, hèn kém mọi đàng.
Thực vậy,
tự bản chất chúng ta chẳng là gì cả. So sánh với
người này người kia, có
thể chúng ta giàu sang hơn, chúng ta tài giỏi hơn, chúng
ta thế lực hơn, chúng ta nhan sắc hơn. Tuy nhiên
chúng ta có nên dựa vào mấy cái hơn đó mà vênh vang
tự đắc hay không?
Về giàu sang ư?
Hẳn rằng ai
cũng đã rõ, tiền bạc và của cải không
phải là yếu tố chính yếu đem lại hạnh
phúc.
Hơn thế nữa, nó cũng không ở cùng chúng ta luôn mãi,
có thể chỉ vì một biến động mà chúng ta
sẽ trắng tay, như tục ngữ
đã bảo:
- Bừng con mắt dậy thấy mình tay không.
Về tài giỏi
ư?
Cái chúng ta biết
chỉ là một, còn cái chúng ta không biết thì từng ngàn
từng vạn. Jules Simon đã nói:
-
Chỉ có kẻ ngu
mới tin rằng mình biết mọi sự.
Người ta
hỏi một nhà bác học nọ:
-
Chính phủ trả lương cho ông, mà
sao mỗi lần hỏi sự gì thì ông lại trả
lời là không biết.
Nhà bác học nói:
-
Chính phủ trả lươngcho tôi vì
cái tôi biết. Song nếu phải trả lương cho tôi
vì cái tôi không biết, thì cả kho bạc chính phủ
cũng chẳng đủ để trả lương.
Về thế
lực ư?
Có những
người một thời hét ra lửa, thế mà, sau cùng
lại bị tù tội. Cảnh thăng trầm,
lên voi xuống chó, chẳng phải là chuyện bình
thường trong sinh hoạt của con người đó
sao?
Về nhan sắc
ư?
Chỉ một
cơn sốt trên bốn mươi độ, thì con
người còn gì là nhan sắc.
Tại Hollywood, kinh
đô điện ảnh của thế giới, có một
nhà hưu dưỡng dành cho những ngôi sao màn bạc, khi
trẻ được ngưỡng mộ, nhưng bây
giờ, họ vừa già lại vừa nghèo nên đã
bị bỏ rơi và chìm vào quên lãng. Chính
phủ cung cấp tiền nuôi dưỡng. Từ ngày mồng một tháng giêng đến
hết ngày ba mươi tháng chạp, những bóng
người lui tới thăm hỏi họ thật là ít
ỏi.
Như trên đã xác
quyết: Những cái chúng ta có thì chẳng là mấy. Hơn thế nữa, chúng ta chỉ là những
người quản lý chứ không phải là những ông
chủ. Mặc dù so sánh, chúng ta có thể
hơn thật, nhưng tự bản chất chúng ta
chỉ là những người quản lý. Như vậy có chi đáng cho chúng ta khoe khoang, vênh
vang và tự đắc.
Quản lý càng
nhiều, thì càng bận rộn, càng phải mang lấy trách
nhiệm, bởi vì không sớm thì muộn chủ sẽ
hạch hỏi và đòi chúng ta tính sổ quản lý.
Copernic là một nhà
thiên văn nổi tiếng. Sự nghiệp của ông trong lãnh
vực này thật lớn lao. Thế nhưng, ông không bao giờ tự phụ,
trái lại ông sống rất khiêm tốn. Càng thông
minh, ông càng nhận thấy mình bé nhỏ. Khi gần qua
đời, ông xin khắc trên mộ bia
của ông những hàng chữ như sau:
-
Lạy Chúa, con không dám xin ơn trở
lại như thánh Phaolô, cũng chẳng dám yêu cầu
được sự tha thứ như thánh Phêrô, con chỉ
xin Chúa thương con như đã thương kẻ
trộm lành mà thôi.
Để kết
luận, tôi xin mượn lời cầu nguyện của
thánh Augustinô:
-
Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và xin
cho con biết con.
Biết Chúa
để con yêu mến Chúa nhiều hơn. Biết con
để con ăn năn sám hối,
sửa đổi những sai lỗi mà thăng tiến
bản thân, đổi mới cuộc đời.
|