Những
đầy tớ
Trong
bài Tin mừng hôm nay, có một dụ ngôn ngắn, nói về
người chủ nhà có nhiều đầy tớ.
Một lần kia, trước khi trẩy đi
phương xa, ông gọi họ lại và trao cho mỗi
người một việc. Ông hối thúc họ phải
giữ trách nhiệm bằng cách nói với họ “Khi tôi
trở về, tôi muốn rằng anh em phải tỉnh
thức”. Ông ta ra lệnh cho người giữ cửa
phải canh thức đặc biệt.
Câu
chuyện của Đức Kitô chấm dứt ở
đó, với lời cảnh báo vang lên ở tai chúng ta.
Chúng ta hãy xem xét đôi chút, bằng cách tập trung vào
người giữ cửa. Có lẽ sự nguy hiểm
lớn nhất trước mặt anh ta không quá nhiều,
đến nỗi anh có thể ngủ ngay trong giờ làm việc,
cho bằng vì anh ta có thể càng ngày càng quen thuộc
đối với công việc đó.
Lúc
đầu, anh ta hoàn toàn phấn khởi với công
việc này. Anh cảm thấy hãnh diện vì
được chủ tin tưởng nơi anh nhiều
đến thế. Anh thích bộ đồng phục. Khi
mặc bộ quần áo này, anh cảm thấy mình trở
thành một con người khác hẳn. Anh ý thức
rằng mình phải rất cẩn thận. Đối
với anh, đó không phải là một việc quá nặng
nề, cho bằng đó là một công việc của lòng
quí mến.
Nhưng
thời gian trôi qua, có thể công việc mở cửa và
đóng cửa trở nên nhàm chán, cảm giác mới lạ
bị hao mòn. Lớp bụi của thói quen tích lũy trên
con người và trên thế giới của anh một cách
từ từ nhưng chắc chắn, thay vào đó, là
một công việc chán chết. Anh vẫn còn có tinh thần
trách nhiệm, vẫn còn liên tục giữ vị trí
của mình. Nhưng anh chỉ thuần túy coi đó là công
việc mà thôi. Lòng quí mến và cảm hứng ban
đầu đã bay đi hết. Anh không còn đặt
cả tâm hồn mình vào công việc nữa. Khi ông chủ
trở về, chắc chắn ông sẽ nhìn thấy anh ta
đang làm việc. Anh ta sẽ tỉnh thức, nhưng anh
không còn sống động nữa. Anh sẽ bị tê
liệt, bởi vì anh đã đánh mất tâm hồn
của mình rồi.
Thói
quen bóp chết chúng ta một cách từ từ, và sau cùng tiêu
diệt tất cả mọi sự sống. Chúng ta bị
chìm ngập trong những lối mòn của truyền
thống và sự tùng phục. Chúng ta quên đi rằng mình
đã từng có những giấc mơ. Chúng ta cứ
ngồi yên một chỗ, trong khi thực hành những thói
quen cũ kỹ và không có hiệu quả, rồi phê phán
tất cả mọi sự và tất cả mọi
người.
Những
gì xảy đến cho đời sống bình
thường, thì cũng xảy đến cho đời
sống kitô hữu của chúng ta. Chúng ta có thể đi vào
một lối sống hằng ngày nhàm chán, hậu quả
là chúng ta chỉ là những Kitô hữu theo thói quen. Chúng ta
chỉ thuần túy coi đó là công việc mà thôi. Chúng ta
đang tham gia vào những lễ nghi phụng vụ đã
bị mất đi tất cả ý nghĩa và nét
tươi mát. Chúng ta không còn biết lắng nghe Tin
mừng nữa. Lời Chúa chỉ đi vào tai này rồi
trôi qua tai kia. Dưới cái nhìn của chúng ta, gương
mặt của Đức Kitô đã bị tiêu tan.
Vậy
chúng ta phải có giải pháp nào? Đôi khi, chúng ta cần
được xáo động lên. Đó là khi Mùa vọng
đến. Mùa vọng đưa ra một lời mời
gọi “Tỉnh thức” mạnh mẽ đối với
chúng ta, cung cấp cho chúng ta một cơ hội để
rũ bỏ lớp bụi của thói quen, và một
lần nữa, để cho Đức Kitô sống
động trong đời sống của chúng ta.
Chúa
đang đến. Người sẽ đến với
chúng ta vào giờ chết, và đến với thế
giới vào thời sau hết. Chúng ta không biết
Người đến vào ngày nào hoặc giờ nào.
Bất cứ thời điểm nào đều cũng
không phù hợp đối với người đầy
tớ không trung tín. Nhưng bất cứ thời
điểm nào đều cũng phù hợp với
người đầy tớ tín trung. Người
đầy tớ trung tín không e sợ Chúa đến:
Họ sẵn sàng tiếp đón ngày đó.
Chúng
ta phải luôn sẵn sàng. Bằng cách nào? Bằng cách
trở thành những người đầy tớ sống
động, cảnh giác và có tinh thần trách nhiệm
của Chúa và của nhau.
|