Những cuộc vi hành
của Đức Kitô
(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa
Nhật’ – Achille Degeest)
Dụ ngôn nhỏ này
khuyên nhủ cảnh giác tâm hồn, chủ yếu nói
về sự trở lại của Đức Giêsu ngày
tận thế. Ông chủ vắng nhà là Đức Kitô sau
khi Người lên trời. Người đã thiết
lập Giáo Hội và giao cho các môn đệ nhiệm vụ
hoạt động cho việc cứu rỗi thế gian.
Là thành phần Giáo Hội, chúng ta phải canh thức tích
cực để chuẩn bị ngày Chúa trở lại.
Dụ ngôn cũng áp dụng cho mỗi chúng ta. Chúng ta
phải được báo trước phải tỉnh
thức để nghênh tiếp những chuyến thăm
viếng bất chợt của Chúa. Người
đến trong ân sủng ban phát hàng ngày, hoặc bằng
những lời mời gọi chúng ta nhận lấy công
việc Người định giao, hoặc ở giây phút
cuối cùng đời chúng ta.
Chung cục,
điều quan trọng là chúng ta phải lưu ý
đến nhiều cách Chúa Giêsu hiện diện trong con
người và trong cuộc đời chúng ta. Liệu chúng
ta có nhận ra Đức Kitô trong những cuộc vi hành
của Người? Chúa đến với chúng ta hằng
ngày. Chính vì sự kiện đó, để chuẩn bị
Lễ Giáng Sinh, Giáo Hội dạy đọc đoạn Phúc
Âm này nói về ngày Chúa trở lại. Nếu chúng ta mong
ước, chúng ta sẽ nhận được ân sủng
Chúa Giêsu mỗi ngày. Chỉ cần làm thế nào để
ơn Chúa gặp chúng ta sẵn sàng đón tiếp. Làm
thế nào để cảnh giác, để biết
nhận ra Chúa những lúc Ngài đến bất ngờ?
1.- Khởi
điểm là một niềm ước nguyện nào
đó, ao ước Chúa đến với ta. Ta có thể hình dung
khi đọc dụ ngôn, cảnh những đầy
tớ bất lương đang khoái trá vì chủ đi
vắng, chúng không mong ông về – trong khi đó nhóm đầy
tớ tốt thì nóng nảy ước mong chủ chóng
về. Ông chủ là Đức Kitô, chúng ta là đầy
tớ và cũng là bạn hữu Người. Tất nhiên
chúng ta mong ước Người đến, hiện
diện và can thiệp vào cuộc đời chúng ta. Tình
bạn thiết với Đức Giêsu giữ cho tâm
hồn tỉnh thức để đón nhận sự
hiện diện tác động của Chúa. Tách rời một
điều khỏi bối cảnh đức tin,
điều đó có vẻ không quan trọng, nhưng môn
đệ Chúa có thể xem đó như là một lời
phán của Đức Kitô, một sứ điệp,
một lời mời, một phương thế
để gặp gỡ và hiệp thông. Vui buồn, thành
tựu, đau khổ, lo nghĩ, biến sự cá thể
hoặc tập thể, điều gian ác ta phải
chịu hoặc cư xử, nhã ý ta nhận
được, thành công hoặc thất bại trong
hoạt động tông đồ, v.v… - bất kỳ biến
sự nào trong cuộc đời cũng có thể, trong môi
trường đức tin, trở nên phương thế
nghênh đón Đức Giêsu Kitô – nhưng muốn
được thế, chúng ta phải mong ước.
2.- Người có tâm
hồn cảnh giác thì cũng muốn làm sáng tỏ việc
Chúa thăm viếng kẻ khác. Một trong những công việc hòa
hợp nhất với sự tôn trọng kẻ khác là giúp
đỡ tha nhân nhận biết Chúa khi Người
đến trong cuộc đời họ. Chúng ta có thể
tự đặt những câu hỏi về ảnh
hưởng chúng ta muốn có đối với tha nhân,
một ảnh hưởng ít nhiều chính đáng, trong
sạch, khéo léo. Nếu ước nguyện sâu rộng
của chúng ta là hướng tha nhân chú ý đến Thiên Chúa
ngự trong họ, chúng ta sẽ xử sự giống
như thánh Gioan Tẩy giả từng chuẩn bị các
tâm hồn cho cuộc gặp gỡ Đức Kitô, và trong
khi làm công việc đó, ông cố ý khiêm hạ khuất mình
đi.
|