Ngày 26 tháng 11, THÁNH TÔ-MA DỤ VÀ ĐA-MINH XUYÊN, Linh Mục Tử Đạo
* Gương Thánh nhân
Vì lòng nhiệt thành lo mở rộng Nước Chúa, hai cha Tô-ma Dụ và Đa-minh Xuyên sau khi chịu chức Linh mục còn gia nhập dòng Đa-minh, để nhờ đời sống chiêm niệm và cầu nguyện theo luật dòng, các ngài có thể làm tông đồ đắc lực hơn. Cha Du khấn dòng ngày 21 tháng 12 năm 1814, cha Xuyên ngày 20 tháng tư năm 1820, và cả hai vị đều sống nên những tu sĩ gương mẫu, những Linh mục thánh thiện. Nhờ đó, các ngài đã cứu vớt được nhiều linh hồn, và được Chúa ban cho phúc tử đạo vinh hiển.
Tô-ma Đinh Viết Dụ sinh năm 1783, tại Phú Nhai tỉnh Nam Định. Được Chúa kêu gọi từ nhỏ, cậu đã xin gia nhập chủng viện, hiến dâng đời mình cho Chúa.
Trong thời gian học hành tu luyện ở chủng viện, cậu đã có lòng tôn sùng Đức Mẹ cách đặc biệt. Hằng ngày cậu siêng năng lần chuỗi Môi Khôi, phó thác trọn đời trong tay Mẹ. Và năm 1814, thầy Tô-ma Dụ đã được lãnh Bí tích Truyền chức Thánh, trở nên Linh mục của Chúa. Sau đó ít lâu, cha xin gia nhập dòng Đa-minh, và khấn ngày 21 tháng 12. Cha luôn tuân giữ luật dòng nhiệm nhặt, ngày đêm sống trong chiêm niệm cầu nguyện. Nhờ đó cha được tiến triển trên đường nhân đức và phục vụ đắc lực các linh hồn.
Cha được Đức Cha bổ nhiệm giúp nhiều giáo xứ. Tới đâu cha cũng nhiệt thành giảng dạy, ban phát các Bí tích cho giáo dân, nhất là cổ động truyền bá chuỗi Môi Khôi, kêu gọi mọi người tôn sùng kính mến Đức Mẹ, để được Người phù hộ cứu giúp trong cơn thử thách bách hại.
Năm 1838, cha được cử đến họ đạo Liểu Đề thay thế cha Phê-rô Tuần vừa bị bắt ! Cha hoạt động tông đồ ở đây chưa đầy một năm, thì ngày 20 tháng 05 năm 1839 quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh được tin mật báo có cha Vọng là Linh mục thừa sai ẩn nấp ở Liểu Đề, quan cho quân lính đến vây bắt. Không bắt được cha Vọng, họ chia ra nhiều toán lục soát khắp nơi. Lúc đó cha Dụ đang ẩn nấp ở nhà bà An-rê Thu. Vừa dâng Thánh lễ xong, nghe tin có quân lính bao vây, cha vội vàng cải trang thành người làm vườn, chạy sang nhà kế bên ngồi làm cỏ. Quân lính đi ngang không nhận ra cha, nhưng sau đó có người tố giác nên quân lính trở lại bắt cha, giải lên tỉnh Nam Định.
Ba tháng sau, cha Đa-minh Xuyên là Linh mục cùng dòng với cha cũng bị bắt, giải về giam chung với cha. Hai anh em gặp nhau, tay bắt mặt mừng, hàn huyên tâm sự, an ủi nâng đỡ nhau suốt thời gian ở trong ngục.
Đa-minh Nguyễn Văn Xuyên sinh năm 1786, tại Hương Hiệp tỉnh Thái Bình. Thấy con thông minh đạo hạnh, cha mẹ gởi gắm nhờ Đức Cha Y, Giám mục giáo phận Đông Đàng Ngoài dạy dỗ huấn luyện, với ý nguyện sau nầy cậu sẽ dâng mình giúp việc Chúa. Cậu Đa-minh lớn lên, càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan đạo đức, và hết lòng ước muốn là Linh mục rao giảng đạo Chúa. Thấy vậy, Đức Cha cho cậu vào Đại Chủng viện và ban Bí tích Truyền chức Thánh năm 1819. Sau đó cha xin gia nhập Dòng Đa-minh và tuyên khấn ngày 20 tháng tư năm 1820.
Từ đó, cha hăng hái đi hoạt động tông đồ, loan báo Tin mừng cho lương dân, chăm lo phần rỗi các tín hữu. Cha đến giúp xứ Phạm Phao, tỉnh Nam Định, rồi xứ Kẻ Mèn, tỉnh Thái Bình. Khi Đức Cha bổ nhiệm cha đến xứ Đông Xuyên thì gặp ngay lúc ở đây đang bị hạn hán mất mùa, dân chúng đói khổ. Hằng ngày cha đi thăm từng gia đình, ủy lạo giúp đỡ gạo thóc tiền của cho họ. Nhiều lần cha phải vét sạch túi, lấy cả phần gạo của cha để giúp đỡ cho họ. Thấy cha hy sinh hết mình như thế, mọi người kể cả lương lẫn giáo đều cảm phục quý mến cha. Nhờ đó mà hoạt động tông đồ mục vụ của cha thành công tốt đẹp. Nhiều người lương xin vào đạo, các giáo hữu ngày càng thêm lòng đạo đức sốt sắng.
Năm 1837, giữa lúc vua Minh Mạng bắt đạo gắt gao, Đức Cha gọi cha về làm quản lý địa phận, vừa giúp xứ Hạ Linh. Mặc dầu hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm, cha vẫn tận tâm phục vụ giáo phận, hết lòng giúp đỡ các Linh mục trong công tác truyền giáo. Ngày 18 tháng 08 năm 1839, cha đang làm lễ ở họ Phú Đường, họ nhỏ của xứ Hạ Linh, quân lính đến bao vây. Cha vội vàng rước Mình Thánh Chúa, cởi áo lễ chạy trốn. Nhưng quân lính đuổi theo kịp, bắt cha giải về cho tổng đốc Trịnh Quang Khanh.
Biết cha làm quản lý giáo phận, tổng đốc Khanh cho hành hạ tra tấn dữ dội, để vừa buộc cha chối đạo vừa khai thác tiền của. Nhưng cha thành thật nói:
- Tôi chẳng có tiền bạc của cải gì. Còn việc đạp lên Thánh giá, tôi không bao giờ dám làm, vì như thế là xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa và là Đấng Cứu chuộc tôi.
Tức giận, viên tổng đốc ra lệnh lấy sắt nung đỏ, dí vào da thịt cha đến cháy khét, rồi lấy kềm kẹp, rứt ra từng miếng thịt hết sức đau đớn. Nhưng cha ráng sức cam lòng chịu khổ vì Chúa, không than van, mà còn cho đó là ơn Chúa thương ban, để được đồng lao cộng khổ với Người trong cuộc tử nạn. Cha Tô-ma Dụ bị giam chung với cha cũng nhiều lần chịu hành hạ tra tấn, bắt ép đạp lên Thánh giá chối đạo. Nhưng ngài cũng vẫn cương quyết trung thành theo Chúa, sẵn sàng chấp nhận khổ hình đòn vọt để làm sáng danh Chúa. Một bà bổn đạo của cha giả làm người ăn xin vào ngục thăm cha, thấy cha tiều tụy khổ sở quá thì khóc nức nở. Cha an ủi bà và nói:
- Sức lực tôi suy giảm, thân thể tôi dẫu hao mòn khổ cực, nhưng tôi còn muốn được chịu hình khổ hơn nữa, để danh Chúa được cả sáng.
Đứng trước hai vị anh hùng can đảm hy sinh tột độ như thế, tổng đốc Khanh không còn biết làm cách nào khác hơn là kết án trảm quyết, trình lên vua Minh Mạng. Nhà vua phê y án.
Ngày 26 tháng 11 năm 1839, hai vị chiến sĩ của Chúa được dẫn ra pháp trường Bảy Mẫu. Và sau một lúc quỳ cầu nguyện sốt sắng, các ngài đã lãnh lấy những nhát gươm của lý hình, để được nhận triều thiên tử đạo vinh hiển.
Ngày 27 tháng 05 năm 1900, Đức Thánh Cha Lê-ô 13 tôn phong Chân phước cho các ngài, và Đức Giáo Chủ Gioan Phaolô 2 suy tôn lên Hiển Thánh ngày 19 tháng 06 năm 1988.
* Quyết tâm
Siêng năng lần chuỗi Môi Khôi để tôn kính Đức Mẹ, và nhờ Mẹ giúp rao giảng đạo Chúa bằng lời cầu nguyện, bằng việc bác ái, nhất là bằng hy sinh chịu khó, theo gương thánh Tô-ma Dụ và Đa-minh Xuyên Linh mục dòng Đa-minh tử đạo.
* Lời nguyện
Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. A-men.
|