Thuốc lá
còn được dân trong nghề gọi với
một cái tên rất mỹ miều và đầy thi vị
là “Tương tư thảo”, một loại cỏ nhớ nhung. Không
phải thứ cây cỏ nào cũng có khả năng gây
“nhớ nhung” như cây thuốc lá, vì đó là một loài cây
độc sinh ra Nicotine, một độc chất gây
nghiện, cùng với nhiều độc chất kinh hoàng
như dư lượng thuốc trừ sâu, phân bón và
rất nhiều hóa chất khác để có được
cây thuốc lá.
Và, để từ cây
thuốc lá trong thiên nhiên có thể trở thành điếu
thuốc gọn gàng nhỏ bé trên tay, một loạt hóa
chất khác đã được sử dụng, trong đó
có chất Formaldehyde - chất dùng để ướp xác.
Thuốc lá xứng đáng
được xem là một phát minh của thời cận
đại, và thật đáng tiếc, đó là một phát
minh đáng buồn. Cách đây khá lâu, đài BBC đã
liệt kê danh sách những phát minh khiến nhiều
người chết nhất trong lịch sử hiện
đại đó là, Thuốc lá, Súng trường AK-47, Bom
nguyên tử và Thuốc nổ. Đó là 4 phát minh hủy
diệt nhiều người nhất thế giới.
Chỉ riêng thuốc lá, đã có hơn 100 triệu
người bị tử vong vì thuốc lá trong thế
kỷ 20.
Người ta thường cho
rằng, thuốc lá ít độc hại hơn thuốc lào
vì đã được “lọc” qua một lần
nước. Nhưng các nghiên cứu đã chỉ rõ
rằng, tác hại là y như nhau, thậm chí, lượng
độc chất nicotine còn nhiều hơn từ 7
đến 12% trong các lá già của thuốc lào. Số
lượng nước trong ống điếu thuốc
lào chỉ phần nào có tác dụng tích cực, nhưng
sự độc hại vẫn không khác so với thuốc
lá, vì khi hút là hút vào cái “hơi”, hút làn khói của thuốc.
Cũng vì đã thấm thía phần nào các độc
hại và rắc rối phiền nhiễu ấy nên dân gian
đã vừa khôi hài, vừa cám cảnh đúc kết:
Nhớ ai như nhớ
thuốc lào.
Đã chôn điếu xuống
lại đào điếu lên.
Đã quyết tâm “chôn
xuống” rồi lại quyết tâm phải “đào lên”,
một tình huống éo le trớ trêu nói lên sự khó khăn
gai góc khi muốn từ bỏ thuốc lào, và tất nhiên,
với cả thuốc lá nữa.
Thuốc lá - Sát thủ
thầm lặng
“Hút thuốc có hại cho
sức khỏe”. Cảnh báo quen thuộc ấy ai cũng
biết. Sách vở, báo chí, phim ảnh nói về các nguy
cơ từ thuốc lá có rất nhiều, nhưng số
người hút không giảm vì không phải ai cũng quan tâm
để có hiểu biết đúng mức và đầy
đủ về nó.
Thống kê từ thực
tế cho biết, thuốc lá là loại nghiện khó cai
bỏ nhất, chỉ đứng sau ma túy ( heroin), cùng
với cần sa và rượu là 4 loại nghiện khó cai.
Nói cách khác, thuốc lá là một loại ma túy hợp pháp vì
được phép trồng trọt, sản xuất, mua bán
và tàng trữ khi đóng thuế đầy đủ.
Chẳng ai muốn nhớ các
cảm giác khó chịu, khó ở, nhưng lại luôn rất
nhớ đến những gì gọi là hưng phấn
thoải mái và dễ chịu nhẹ lòng, và oái oăm thay,
chất gây nghiện Nicotine trong thuốc lá đã mang
lại những cảm giác ấy, khiến người ta
xem nhẹ hoặc không muốn biết những tai họa
cũng từ nó sinh ra.
Với 5 phút để hút xong
một điếu thuốc, một cách rất vô thức,
ta đã vô tình đưa vào cơ thể mình chất Nicotin
và gần 4.000 hợp chất khác nhau, trong đó có rất nhiều
chất gây ung thư.
Ai cũng biết hút thuốc
lá có hại cho sức khoẻ, nhưng tỷ lệ
người hút thuốc lá đang có xu hướng tăng
lên, đặc biệt ở các nước đang phát
triển, trong đó Việt Nam nhiều người hút
nhất, một cái nhất không thể tự hào. Có
nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này,
nhưng nguyên nhân chính phần lớn vì thiếu hiểu
biết hoặc hiểu biết một cách chung chung mơ
hồ, chưa đầy đủ và cụ thể về
tác hại của khói thuốc lá.
Nicotin là chất đặc
biệt nguy hiểm. Dưới dạng tinh khiết đó
là chất lỏng trong suốt, có mùi khó chịu và vị
đắng, dễ tan trong nước và dễ dàng xâm
nhập vào cơ thể qua đường miệng, hô
hấp, thậm chí qua cả da. Trong khói thuốc lá có
nhiều chất kích thích khối u, tuy nhiên, người
nghiện hút thuốc lá không thể bị chết ngay vì
liều lượng cứ ngấm dần vào cơ
thể.
Khi hút thuốc lá, hoặc
sống chung với người hút thuốc, khói thuốc
hít qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành
điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh tim
mạch, viêm nhiễm đường hô hấp gây tổn
thương trong lòng mạch máu. Vì vậy người hút
thuốc lá dễ bị các bệnh như: rụng tóc,
đục thủy tinh thể, da nhăn, giảm thính
lực, sâu răng, ung thư da, bệnh phổi tắc
nghẽn mạn tính, loãng xương, bệnh tim mạch,
vàng móng tay, ung thư cổ tử cung, tinh trùng biến
dạng, bệnh vảy nến, viêm tắc mạch máu, ung
thư phổi và các cơ quan khác như: mũi, miệng,
lưỡi, tuyến nước bọt, họng, thanh
quản, thực quản, thận, dương vật,
tụy v.v.
Ngoài ra hút thuốc lá còn làm
giảm số lượng và chất lượng tinh trùng,
dễ dẫn đến vô sinh ở nam giới; tăng
nguy cơ ung thư tử cung, rối loạn kinh
nguyệt, ung thư vú, đối với phụ nữ;
dễ bị còi xương, trí tuệ chậm phát
triển, suy dinh dưỡng đối với trẻ em.
Quá
trình tác hai, cơ thể chống cự cách bất lực
với khói thuốc
Ngay từ hơi thuốc
đầu tiên, cơ thể ta đã được
đặt trong sự báo động.Trong vòng 10 giây
đầu tiên khi hút thuốc, khói thuốc đi vào khoang
miệng, bao phủ một lớp màng nâu lên hàm răng.
Những chất khí sinh ra như Formaldehyde và Amoniac ngay
lập tức gây báo động trên hệ miễn dịch
của cơ thể.
Khói thuốc xuống tới
khi quản, làm giảm hoạt động của các lông
mao - vốn có nhiệm vụ quét dọn bụi bẩn hay
vi khuẩn xâm nhập. Trong lúc đó, Nicotine thâm nhập vào
máu thông qua các mao mạch trong phổi. Chất này nhanh chóng
kích thích tuyến thượng thận, làm cơ thể
tiết ra Hormone adrenaline, hệ quả là gây tăng
huyết áp và nhịp tim. Hàm răng mỗi ngày thêm mờ
xỉn vàng ố vì được khói thuốc lá "bao
bọc, chở che".
Nicotine tiếp tục xâm
nhập trung ương thần kinh, giải phóng tiếp
Dopamine trong cơ thể, khiến người hút cảm
thấy hưng phấn. Tuy nhiên, cùng lúc ấy, Carbon monoxide
trong khói thuốc tích tụ dần trong máu, làm giảm
khả năng vận chuyển Oxy của cơ thể
tới những cơ quan quan trọng.
Quá trình trên diễn ra lặp
đi lặp lại theo từng hơi thuốc. Sau khi hút
xong điếu thuốc, lượng Dopamine trong não trở
về mức bình thường, khiến sau đó ta lại
có cảm giác thèm thuốc lá một cách tự nhiên. Do đó
nếu lặp đi lặp lại việc hút thuốc, ta
sẽ mau chóng trở thành con nghiện và nghiện nặng.
Rõ ràng, thuốc lá xâm nhập
quá nhanh và tác động nguy hiểm gần như ngay
lập tức. Liệu cơ thể chúng ta có cơ chế
nào đề phòng một cách tự nhiên không? Các nhà khoa
học cho ta biết là có, song phải mất tới 8
giờ đồng hồ sau khi hút một điếu
thuốc, cơ thể con người mới đào
thải hoàn toàn các chất độc xâm nhập cơ
thể, dù vậy, sự phản kháng ấy nhìn chung
đều vô cùng yếu ớt, đến gần như
bất lực.
Vài giây sau khi ta hút hơi
thuốc đầu tiên, mắt, mũi đều có
những phản ứng kích thích như chảy
nước. Các lông mao trong khí quản tỏ ra quá yếu
ớt và chúng bị giết chết bởi khói thuốc.
Hệ quả là cơ thể phản ứng bằng cách ho
khan, nhắc nhở ta rằng, các lông mao đang gặp nguy
hiểm. Khói thuốc lá giết chết các lông mao ở khí
quản chỉ trong tích tắc.
Thế nhưng, nếu
tiếp tục hút tới điếu thứ hai, thứ ba
và những điếu tiếp sau, số lượng lông
mao còn sống sót ít dần và hết hẳn. Khi đó,
bạn sẽ không thấy ho nữa. Đó cũng là lý do vì
sao người hút thuốc thời gian đầu không cảm
nhận được những nguy hại của thói quen
xấu này. Vì vậy, khi những cơn ho không còn xuất
hiện, cũng chính là lúc hãy cẩn thận tới sức
khỏe của bản thân.
Sâu bên trong cơ thể,
phổi gần như không có cách gì chống lại hắc
ín có trong khói thuốc. Hắc ín bám vào các phế nang
phổi và giết chết dần các tế bào phổi
khỏe mạnh.
Theo thời gian, các giác quan
cảm nhận mùi, vị đều có chút thay đổi
song người nghiện thuốc không hề nhận ra –
nhưng thật đáng ngại, đó lại chính là cách
cơ thể cảnh báo chúng ta, cảnh báo như không
cảnh báo vì không có dấu chỉ.
Chưa hết, khi khói thuốc
lá xâm nhập vào máu, Carbon monoxide làm giảm khả năng
vận chuyển Oxy của máu tới các bộ phận quan
trọng. Cơ thể con người phản ứng
bằng cách tăng huyết áp, nhịp tim lên 10-25 nhịp mỗi
phút.
Những vết chân chim ở
đuôi mắt cũng là dấu hiệu khuyên bạn nên
dừng hút thuốc. Hậu quả của việc hút
thuốc lá có lẽ không cần phải bàn thêm, vì rõ ràng,
thuốc lá là một sát thủ thầm lặng vô cùng nguy
hiểm.
Trăm
ngàn điều lợi
Như đã biết, thuốc
lá gây ra đủ thứ bệnh. Bỏ thuốc lá,
rất có lợi. Lợi thể xác, lợi tinh thần và
lợi cho cả túi tiền chung của gia đình nữa,
vì thuốc lá ngày càng lên giá.
Các nghiên cứu khoa học cho
biết, bỏ thuốc lá không bao giờ sợ đã quá
trễ, còn bỏ làm gì nữa. Bỏ càng sớm lại
càng lợi cho sức khỏe và tăng thêm chất
lượng cuộc sống.
Chắc chắn rồi, bỏ
thuốc lá khiến chúng ta bớt bệnh tật và
sống chất lượng hơn. Điều này đúng
cả với trường hợp dù ta đã hút thuốc
suốt bao năm tháng, và hút nhiều. Người bỏ
thuốc ít bị bệnh tim, tai biến mạch máu não, ung
thư, bệnh phổi hơn người tiếp tục
hút.
Ngoài ra, bỏ thuốc, bạn
cũng sẽ thấy kết quả tốt liền
trước mắt. Cơ thể của bạn nồng
nhiệt cám ơn bạn ngay phút bạn bỏ hút, và
bắt tay ngay vào việc sửa chữa các hư hoại
do thuốc lá gây ra. Ngay trong ngày bạn giã từ
thuốc lá, nhịp tim và áp huyết của bạn khá
hơn, và các chất hóa học độc hại có trong khói
thuốc bắt đầu rời cơ thể bạn.
Rồi trong vòng vài tuần, sự tuần hoàn của máu
trong cơ thể bạn khả quan, bạn không còn ho khan
và khò khè nhiều như trước, đờm cũng
thấy ít hẳn đi.
Nếu bạn hút 20
điếu một ngày, và nay quyết chí bỏ hẳn,
cơ chế sửa chữa trong cơ thể bạn
sẽ xảy ra rất ngoạn mục.
Sau 2 tiếng đồng
hồ, chất Nicotine, tác nhân tai hại chính trong khói
thuốc, bắt đầu rời cơ thể bạn.
Sau 12 tiếng, chất Carbon
monoxide, từ khói thuốc thấm vào máu bạn, đã hoàn
toàn rời khỏi cơ thể bạn, máu bạn không còn
bị chất Carbon monoxide ức chế, sẽ mang
dưỡng khí (oxygen) đến cho các cơ quan hữu
hiệu hơn.
Trong vòng 1 tuần, bạn
nếm thức ăn thấy ngon hơn, ngửi
hương vị cuộc đời thấy nồng nàn
hơn. Hơi thở, tóc, ngón tay, răng bạn sạch sẽ
hơn, bớt các mùi hôi. Sự tuần hoàn trong cơ
thể bạn tiếp tục tiến triển theo
chiều hướng tốt. Tất cả chất Nicotine
đã biến mất trong hệ thống cơ thể
bạn, những triệu chứng khó chịu nhất do
việc bỏ hút cũng dịu dần.
Trong vòng 1 tháng, niêm mạc lót
lòng cơ quan hô hấp của bạn bắt đầu
hồi phục và loại bỏ dần các đàm nhớt
gây ra do thuốc lá. Mới đầu bạn sẽ ho ra
đàm nhầy; đàm này có nhiệm vụ làm sạch phổi
bạn, và giúp chống nhiễm trùng. Sau đó, bạn vui
thấy mình ho ít đi. Nghẹt mũi, mệt mỏi, khó
thở cũng giảm dần.
Cùng với nó, khi nhất
quyết ngưng hút, bạn cũng có thể thấy
trước một cuộc sống nhiều chất
lượng hơn, cùng một lòng tự hào đã bỏ
được thuốc lá, một thứ khó cai bỏ
nhất. Bạn cũng sẽ đỡ tốn tiền mua
thuốc lá và tiền trả cho sự chữa trị các
bệnh do thuốc lá gây ra.
Cuối cùng nhưng cũng là
quan trọng nhất, bỏ thuốc lá còn giúp môi
trường trong nhà bạn trong lành trở lại, vợ
con bạn hết hiểm nguy vì không bị hít ngửi khói
thuốc do bạn thở ra mỗi hơi, đồng
thời, bạn đã nêu gương tốt cho con cháu, vì
các bé khi lớn lên sẽ chẳng dám hút thuốc, nếu
bố mẹ các cháu không hút.
Thuốc lá và Đại
lễ Giáng sinh
Các tư vấn về
thuốc lá đều khuyên rằng, khi quyết
định cai bỏ thuốc lá, rất nên chọn một
ngày nào đó ý nghĩa và đáng nhớ để khởi đầu
như Kỷ niệm ngày cưới, ngày lễ, ngày
tốt nghiệp v.v... Lời khuyên ấy thật hữu lý
và rất ích lợi, vậy, còn dịp nào có ý nghĩa và
tốt lành hơn Mùa Giáng sinh? Năm xưa, Chúa giáng hạ
xuống phàm trần và sinh ra nơi hang đá Bêlem chỉ
một lần duy nhất, để hôm nay và mãi mãi, Ngài còn
tiếp tục sinh ra hàng muôn triệu lần, trong mỗi
cõi lòng, nơi những ai đích thực tin nhận và kính
thờ Ngài.
Là tín hữu, ai cũng
thuộc lòng và tâm niệm lời Chúa phán: “Ai muốn theo
làm môn đệ Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình
mỗi ngày theo Ta”. Chẳng ai nói người hút thuốc
lá sẽ phải sa hỏa ngục, nhưng căn cứ
lời Chúa phán, có một điều chắc chắn
rằng, sẽ không thể là môn đệ Chúa đích
thực nếu chưa từ bỏ thuốc lá, do đó,
ngoài thân xác và tinh thần, thuốc lá còn là vấn
đề tâm linh hết sức nghiêm túc, không ai
được phép xem nhẹ coi thường.
Thân thể ta là một tiểu
vũ trụ với vô số tế bào các loại, các
tế bào ấy đều có sự sống, chúng là các
thể sinh mệnh. Giáo lý dạy, xác thân là Đền
thờ của Thiên Chúa Ba ngôi, đền thờ ấy
đã bị phá hủy từng phần qua mỗi hơi
thuốc của ta.
Ngày Giáng sinh, ta dâng Chúa những
tâm tình nguyện cầu cùng ngọn nến bó hoa đã là
điều quý, nhưng món quà giá trị nhất mà Chúa mong
đợi, chính là hy sinh những đam mê bản thân,
đó cũng là thực thi lời Chúa cách chủ
động tích cực khi biến niềm tin trừu
tượng thành hành động cụ thể, một
đức tin đi kèm việc làm bảo chứng. Có
như thế, mỗi ngày, ta sẽ trở nên giống Chúa
hơn theo từng bước hoàn thiện chính bản thân
mình.
Quyết tâm “từ bỏ”
cũng là dũng cảm bước vào cuộc đấu
tranh nội tâm hết sức khó khăn và đầy gay go
thử thách. Đức Phật nói về điều này: “Thắng
trăm vạn quân không bằng thắng chính mình. Chiến
thắng chính mình là chiến công oanh liệt nhất”.
Trước ngày Đại
lễ, khắp nơi đã rộn ràng chuẩn bị
với rất nhiều hang đá đủ kiểu hoành
tráng đẹp đẽ, đủ loại tượng
ảnh cách tân đầy sáng tạo đã gây
được bầu khí hân hoan phấn khởi vui
tươi, nhưng tất cả sẽ chỉ là những
hình thức của một tôn giáo lễ hội, nếu
người tín hữu thiếu ý thức khát khao hoàn
thiện, chẳng chút nào chuyển biến thăng hoa.
Lạy Chúa!
Bao nhiêu mùa Giáng sinh đã qua
đi trong đời, nhưng con vẫn là con, nội tâm
con vẫn bao trùm những cũ kỹ ù lỳ chai sạn,
chẳng chút nào chuyển hóa đổi thay, dù vậy, con
vẫn tự hài lòng, vẫn an tâm tự cho rằng mình
không đến nỗi nào dù hàng ngày vẫn thản nhiên hút
thuốc, chẳng mảy may nghĩ suy hoặc lăn
tăn mặc cảm sau bao nhiêu năm tháng trường
kỳ đam mê.
“Môn đệ Chúa”- Một danh
vị đẹp đẽ, cao cả và chứa chan hy
vọng. Hôm nay, mùa Giáng sinh nữa lại đến, con
chợt giật mình sợ hãi vì nhận ra vận mệnh
mong manh đời mình, vì chẳng xứng đáng chút nào
với danh hiệu cao quý kia. Nói cách khác, con chỉ là
loại hàng giả với bề ngoài sáng sủa của
người môn đệ Chúa, còn bên trong, thực chất
chỉ là hai lá phổi đã nám đen hắc ín, những
hơi thở ra đầy hôi hám khi đứng gần,
cùng với làn da khô sạm và cáu xỉn của kẻ
nghiện thuốc lá mà thôi.
Xin thương xót con, ôi!
Lạy Chúa.
Xuân
Thái.
|