Tha nhân là thân thể
Chúa Giêsu – Lm. Trần Ngà.
(Trích trong ‘Cùng
Đọc Tin Mừng’)
Một linh mục nọ ngỏ lời
với cộng đoàn phụng vụ rằng: "Khi trao
Mình Thánh Chúa cho anh chị em, tôi nâng Mình Thánh Chúa lên và nói: Mình
Thánh Chúa Kitô! Tất cả anh chị em đều tin
thật đó là Mình Thánh Chúa và từng người đáp
lại: Amen, nghĩa là mỗi người tuyên xưng
đó chính là Mình Thánh Chúa thật sự và cung kính
rước Người vào lòng. Thế nhưng, nếu tôi
chỉ vào từng người ngồi quanh đây và nói:
Đây là thân thể Chúa Giêsu thì có lẽ anh chị em không
tin người đó là thân thể Chúa, không tỏ lòng tôn
kính và không muốn đón rước người đó vào
nhà mình, nếu không ưa thích người đó.
Ngay lúc đó, dưới hàng ghế giáo dân có
tiếng xì xào. Hình như nhiều người không
đồng quan điểm với Cha sở về nội
dung nầy.
Sau thánh lễ hôm ấy, một thanh niên
đến gặp cha sở và thưa:
-
Thưa
cha, trong bài giảng hôm nay, chúng con giật mình khi nghe Cha nói
từng người chung quanh chúng ta đây, kể cả
những người tàn tật, bần cùng, tội
lỗi... đều là thân thể Chúa Giêsu.
-
Thế anh
không tin mọi người là thân thể Chúa Giêsu sao?
-
Con tin
tấm bánh thánh mà linh mục đã truyền phép và trao cho
giáo dân rước lễ thật sự là Thân Thể Chúa;
còn người cha, người mẹ, người anh
chị em, người láng giềng... không thể là thân
thể Chúa được. Cha có bằng chứng gì
chứng tỏ tha nhân là thân thể Chúa Giêsu không?
-
Nói có sách,
mách có chứng. Bằng chứng đây (giơ cuốn Tân
Ước ra), anh hãy đọc Thánh Phaolô, trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn
Cô-rin-tô: "Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em
là phần thân thể của Đức Kitô sao?" (I Cr 6,
15).
-
Thật
thế ư? Thế thì Cha có biết vì sao thánh Phaolô nói
bạo như thế không?
-
Thánh Phaolô
dạy điều nầy căn cứ vào kinh nghiệm
bản thân. Hồi ấy, Phaolô chưa tin vào Chúa Giêsu, ông
nhiệt thành với lề luật và hăm hở tìm
bắt những người theo Chúa
Giêsu. Nên nhớ là vào thời điểm đó Chúa Giêsu
đã sống lại và lên trời rồi.
Trên đường Damas, Phaolô bị quật
ngã và có tiếng Chúa Giêsu vang lên giữa thinh không: "Sao-lô,
tại sao ngươi bắt bớ Ta?" Phaolô hết
sức kinh hoàng: "Thưa Ngài, Ngài là ai?" Có tiếng
từ trời đáp: "Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt
bớ". (Cv 22, 6-9)
Thế là từ hôm ấy, Phaolô không dám
bắt bớ các tín hữu nữa, vì ông biết rằng:
họ là những Giêsu khác, bắt bớ họ là bắt
bớ Chúa Giêsu.
Người thanh niên vẫn còn hoài nghi, anh
hỏi tiếp:
-
Vậy
thưa cha, đó là giáo lý của thánh Phaolô. Còn về
phần Chúa Giêsu, có bao giờ Người dạy như
thế không?
-
Có chứ!
Nào, mời anh lật qua Tin Mừng Matthêu, chương 25, trong
dụ ngôn về ngày phán xét cuối cùng. Đó là bài chúng ta
vừa nghe đọc hôm nay đây.
Qua dụ ngôn nầy, Chúa Giêsu tỏ cho
thấy những ai cho những người đói khát
đầu đường xó chợ một bát cơm thì
Chúa nói là họ cho Chúa ăn. Những
ai cho người rách rưới hoặc mình trần
một manh áo, thì Chúa nói là họ đã cho Người
mặc. Những ai cho người sa
cơ thất thế không nơi nương tựa
được trú ngụ một thời gian thì Chúa nói là
họ đã cho Chúa trọ nhà... Nói như thế, Chúa Giêsu
tự đồng hoá mình với mọi người chung quanh. Nói khác đi, bất cứ ai
cũng được Chúa Giêsu nhìn nhận là chính
Người.
-
Thật
thế ư? Vậy mà lâu nay con không ý thức điều
đó. Và thưa cha, sách giáo lý công giáo có chỗ nào nói như
thế không cha?
-
Đây,
giáo lý công giáo đây, anh mở ra xem, bài nói về Bí tích thánh
tẩy, số 1267: "Bí tích thánh tẩy làm cho chúng ta thành
chi thể trong Thân Thể Chúa Kitô".
-
Thế các
Đức Giáo Hoàng có dạy như thế không?
-
Đây
nữa (chìa sách ra), Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong tâm thư gửi các gia đình có viết, anh
đọc thử xem: "Thiên Chúa đã đồng hoá
với người cha, người mẹ, người con
trong gia đình. Những gì mỗi thành viên trong gia đình
làm cho nhau là làm cho chính Chúa".
-
Thưa
Cha, khi mới bước vào gặp cha, con không tin tha nhân là
thân thể Chúa Giêsu, nhưng bây giờ thì con đã tin. Nhưng
xin hỏi cha, vậy con có buộc phải tôn kính tha nhân
như tôn kính Chúa trong nhà thờ không?
-
Trước
hết, anh hãy nghe lời dạy của Mẹ Têrêxa Calcutta. Hôm ấy, có một thiếu nữ
Ấn-độ đến gặp Mẹ Têrêxa Calcutta
để tìm hiểu Hội Dòng của Mẹ.
Trước hết, Mẹ nói với người thiếu
nữ ấy: "Con hãy qua nhà hấp hối. Ở đó,
con sẽ gặp nhiều người bất hạnh nghèo
khổ, bệnh tật đang nằm chờ chết. Con
hãy săn sóc an ủi họ".
Thiếu nữ vừa quay lưng đi thì
Mẹ Têrêxa gọi giật lại: "Nầy con, khi dâng
thánh lễ, con thấy linh mục trân trọng mình thánh Chúa
Giêsu sau khi truyền phép thế nào, thì con cũng hãy trân
trọng những con người bất hạnh ấy
như thế".
Nói như thế, Mẹ Têrêxa Calcutta muốn dạy rằng: mỗi một con
người dù bần cùng khốn khổ đến đâu
cũng phải được tôn trọng như Mình Thánh
Chúa.
-
Ngoài
Mẹ Têrêxa Calcutta, có vị thánh nào khác tôn trọng con
người như chính thân thể Chúa Giêsu nữa không?
-
Có
nhiều: thánh Gioan Kim Khẩu, thánh Elisabet Hung-ga-ri, thánh
Phanxicô Atxidi, vv... Có lần Phanxicô gặp một
người phong hủi rất ghê tởm. Ban đầu
Anh định xa lánh, nhưng sau đó, Phanxicô cảm
nhận ra người phong hủi đó là một phần
thân thể bị thương tích, bị lở loét của
Chúa Giêsu, nên Anh đã đến chào
hỏi và ôm hôn người phong hủi đó.
-
Thưa
cha, con thấy nhiều tín hữu rất mực tôn kính Chúa
Giêsu trên bàn thờ, còn những chi
thể sống động của Chúa Giêsu trong đời
thường thì hình như không được ai tôn kính.
-
Đúng
thế! Vì vậy, thánh Gioan kim khẩu
dạy chúng ta đừng phân biệt đối xử
giữa Chúa Giêsu trong nhà thờ và Chúa Giêsu ngoài nhà thờ.
Chúa Giêsu trong nhà thờ và Chúa Giêsu ngoài nhà thờ, tức là
những anh chị em khác, phải được tôn
trọng như nhau. Để tôi đọc cho anh nghe
lời dạy của người:
"Bạn muốn tôn kính thân thể
Đức Kitô ư? Chớ khinh chê thân thể ấy khi thân thể
ấy trần trụi. Đừng có thái độ
nầy là trong nhà thờ thì tôn kính, cho thân thể
Người mang những y phục lụa là gấm vóc,
nhưng ở ngoài lại coi thường, để cho
thân thể ấy phải giá lạnh và trần trụi.
Thân thể Chúa ở đây (trong nhà thờ) không cần y
phục, nhưng cần tâm hồn trong trắng; còn thân
thể Chúa ngoài kia (tức là tha nhân) thì
cần được chăm lo tận tình."
-
Thưa
cha, dường như đối với nhiều
người, việc khinh dể, nhạo báng, xúc phạm
đến anh chị em chung quanh là
chuyện nhỏ, chẳng có gì đáng quan tâm.
-
Đó là
một sai lầm tai hại vì đến
ngày phán xét, Chúa Giêsu sẽ nói với những kẻ ấy
rằng: "Quân bị nguyền rủa kia! Hãy đi cho
khuất mắt Ta mà vào chốn cực hình đời
đời dành cho ma quỷ và các thần dữ, vì xưa
kia, ngươi đã khinh dể, nhạo báng, xúc phạm
đến ta!..."
]]]
Nội dung trên
đây là giáo lý cốt tuỷ của đạo thánh Chúa.
Nếu chúng ta tuân giữ được giáo huấn
cốt tuỷ nầy thì đã nắm chắc
được chiếc vé vào cửa thiên đàng trong tay, vì thánh Phaolô trong thư Rôma khẳng
định rằng: "Ai yêu thương người là
đã chu toàn lề luật" (Rm 13, 10).
Nguyện xin Chúa giúp
chúng ta giữ trọn giáo huấn nầy để làm cho
thế giới nầy ấm lên bằng tình yêu
thương nhân ái, đồng thời nhờ đó,
tất cả chúng ta mai đây sẽ được Vua
Giêsu mời đón vào hưởng hạnh phúc đời
đời với Người trên thiên quốc.
|