Hãy vào trong hoan lạc của
chủ ngươi
(Suy niệm của Lm.
Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến)
Dụ ngôn được
trình bày dưới hình thức một chuyện kể.
Về văn mạch của đoạn 25,14-30 xem bài chú
giải phúc âm Chúa nhật XXXII Thường Niên A. Dụ
ngôn có thể phân chia thành ba màn: 1/ Ông chủ trao tài sản
cho các tôi tớ (25,14-15); 2/ Các tôi tớ hành động
với những nén bạc được giao (25,16-18); 3/
Ông chủ tính sổ sách (25,19-30).
1/ Dẫn nhập. Ông
chủ trao tài sản cho các tôi tớ (25,14-15)
Dụ ngôn nói đến
một người giàu có trước khi đi xa, giao cho
các tôi tớ những nén bạc để sinh lợi.
Với liên từ đầu câu 1 “cũng thế”, hôsper, và
gar liên kết dụ ngôn nầy với dụ ngôn
trước, và có chung chủ đề là một trách
nhiệm được giao phó và phải hoàn thành. Dụ
ngôn nói đến sự vắng mặt của
người chủ. Một người sắp sửa ra
đi, apodçmôv, (c. 14) và ông đã ra đi, apedçmçsen (c. 15).
Trước khi ra đi ông giao cho các tôi tớ ông các nén
bạc để sinh lợi trong thời gian ông vắng
mặt. Talanton, theo nguyên ngữ là một đơn vị
đo lường. Ở đây là một số
lượng tiền bạc đo bằng một talent (x.
18,24). Một talent có thể bằng 6.000 đồng
bạc, và một đồng bạc là lương một
ngày công. Chủ đề người chủ giao cho
người quản lý trông coi tài sản của mình tìm
thấy trong một số dụ ngôn. Tuy nhiên trong dụ
ngôn nầy, nhấn mạnh đến việc sinh lời
tài sản ấy. Tài sản giao cho các tôi tớ nầy không
phải là nhỏ. Khi trao, paradidômi (c. 14), cho họ, không
thấy nêu lên lý do của việc nầy. Sang phần hai,
mới biết mục đích của việc trao tài
sản là để sinh lợi. Động từ “sinh
lợi”, kerdainô, được dùng đến 4 lần khi
nói đến hành động của hai người tôi
tớ đầu tiên (cc. 16.17.20.22). Kerdainô, ”kiếm
được” do đầu từ công sức (x. 16,26;
18,15). Số tiền đã được giao tùy theo
khả năng riêng của từng người.
Người chủ biết rõ khả năng của các tôi
tớ mình.
2/ Các tôi tớ hành
động với những nén bạc được giao
(25,16-18)
Nén bạc được
giao cho 3 người tôi tớ: người năm nén,
người hai nén và người một nén. Trong
đoạn nầy các động từ đều ở
thì bất định (aorist), diễn tả sự nhanh
chóng của các hành động. Dụ ngôn không nói họ làm
gì với các nén mạc, mà chỉ nói cả hai người
tôi tớ đầu tiên çpagasato en autois, “làm việc với
những nén bạc ấy”, và kiếm được
những nén bạc gấp đôi. Người nhận 5 nén
sinh lợi thêm 5 nén. Người nhận 2 nén sinh lợi
thêm hai nén.
Người thứ ba có
hành động nghịch lại (c.18). Liên từ “nhưng”,
de, chỉ hành vi tiếp sau sẽ trái ngược. Việc
đào đất và chôn dấu nén bạc trong đó chỉ
sự cất giấu an toàn (x. 21,33; 13,44). Người
nầy không muốn nén bạc của ông chủ không sinh
lợi, mà chỉ lo giữ khỏi mất đi.
3/ Ông chủ tính sổ
sách (25,19-30)
Sau một thời gian dài
chủ trở lại. “Một người” ở câu
dẫn nhập, bây giờ được xác định là
“kurios”, ông chủ/Chúa (c. 19). Tương tự như trong
dụ ngôn 10 trinh nữ (25,11[2x]), từ kurios thường
được dùng trong phần hai của dụ ngôn, lúc có
tính cách quyết định. Synairô logos, “tính sổ” cụm
từ lấy từ ngôn ngữ thương mại,
rất giống với việc vua tính sổ (x. 18,23.24), và
chỉ sự phán xét cánh chung.
Lời lẽ của hai
người đầu tiên rất giống nhau (cc. 20-23),
chỉ khác chữ số nén bạc. Cả hai người
tôi tớ đều được gọi là “ngay
thẳng” và “trung tín” (cc. 21.23) vì họ đã hoàn thành
bổn phận được đòi hỏi. Lời khen
ngợi nầy tương tự với câu 24,46. “Phúc cho
tôi tớ nầy đang làm như vậy khi chủ trở
về”. “Hãy vào hưởng vui mừng của chủ
ngươi” (25,21.23). Nhiều lần Tin Mừng nói
đến việc “vào Nước Trời” (5,20; 7,21; 18,3)
vào sự sống (18,8-9; 19,16). Và ở đây nói đến
niềm vui. “Niềm vui” liên quan rất mật thiết
với những điều thuộc về Thiên Chúa:
thấy ánh sao dẫn đường (2,10), tìm
được kho tàng Nước Trời (13,44), thấy
Chúa sống lại (28,8). Nói tóm, “vào trong hoan lạc với
chủ ngươi” là vào hưởng hạnh phúc
Nước Trời.
Khác với hai
người tôi tớ trước, người tôi tớ
thứ ba bắt đầu bằng lời phê phán ông
chủ để biện minh cho việc mình đã làm
(25,24-30). Sklçros, “cứng”, “cứng lòng (19,8), nghĩa bóng là
“khắt khe”, “ác nghiệt”, “không thương xót” (x. 1 Sam
25,3). Gặt nơi không gieo. Thu nơi không vãi. Hai câu song song
và đồng nghĩa (gặt = thu; gieo = vãi). Như thế
theo lời người tôi tớ nầy, ông chủ là
người kiếm lợi nhuận cách bất chính. Và
người tôi tớ nầy sợ không thể sinh lợi
được như đòi hỏi của ông chủ, nên
đã chôn giấu nén bạc nơi an toàn. Người
nầy đã đưa lại nguyên vẹn cho chủ
một nén bạc, không thêm không bớt. Hành động
như thế, người nầy đã làm như
người đã thắp đèn và để dưới
đáy thùng (5,15).
Lời của ông chủ
tiếp theo rất dài (25,26-30). Đáp lại ông chủ
lập lại lời không phản đối lời
người tôi tớ nói về ông, và ông không phải đối
điều nầy. Ông còn chỉ cho người tôi tớ
cách làm lợi nén bạc mà không phải nhọc công (c. 27).
Ông gọi người tôi tớ nầy là ”bất hảo”
và “lười biếng” (c. 26). Từ “bất hảo” áp
dụng cho con người (7,11; 12,34). Người tôi
tớ nầy bị gọi là “bất hảo”, ponçros, theo
nghĩa là người nầy đã không suy nghĩ như
người chủ (x. 20,15) và không hành động như
chủ muốn (x. 18,32). Oknçros, thông thường
được dịch là “lười biếng”, nhưng
ở đây có thể có nghĩa là “ngần ngại”,
“sợ hãi”. Do sợ sinh lợi không thành, mà người
nầy đã không dám kinh doanh với nén bạc của mình.
Vì người tôi tớ
tỏ ra “vô dụng” với nén bạc được trao,
chủ đã lấy lại nén bạc ấy, và trao cho
người thứ nhất (c. 28). Các động từ
trong câu 29 ở thể thụ động có Thiên Chúa là tác
nhân. Người đã có lại được thêm và
người không sinh lợi được nén bạc
được trao, mất luôn cả điều họ
đang có. Và người nầy chịu hình phạt
nặng nề, vì đã không làm theo ý chủ (ném vào nơi
tối tăm 8,12; 22,13; khóc lóc và nghiến răng 8,12;
13,42.50; 22,13; 24,51; x. Lc 12,47).
Người tôi tớ
không độc lập với chủ của mình, nhưng
ở trong tương quan phục vụ với chủ.
Người tôi tớ không làm theo ý riêng, mà ý muốn của
chủ. Con người hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa
vì do Người tạo dựng. Mỗi người tùy
theo khả năng được ban cho mà phụng sự
Thiên Chúa hết tâm hồn.
|