Suy niệm của JKN
Câu hỏi gợi ý:
1. Chúng ta là những người đang
lữ hành tiến về Quê Trời, nhưng có bao giờ
chúng ta đặt vấn đề về điều
kiện không có không được để về
được Quê Trời là gì không? Nếu không có
điều kiện cần thiết ấy thì việc
lữ hành vất vả của ta có ích lợi gì không? Vấn
đề quan trọng như thế tại sao ta lại
không quan tâm?
2.
Nếu Thiên Chúa cho
cả những người không có tình yêu, vẫn còn ích
kỷ, ghen ghét, hận thù... vào Thiên Đàng, thì Thiên Đàng
ấy có hạnh phúc được không? Thiên đàng ấy có
khác gì trần gian không?
3.
Đức tin hay tình yêu là “vé” để
vào Nước Trời. Nhưng thứ đức tin không
việc làm, chỉ được tuyên xưng ngoài
miệng, thứ tình yêu không cụ thể, chỉ nói ngoài
môi miệng, có thể dùng làm “vé” vào Nước Trời
được không? Tại sao?
Suy tư gợi ý:
1. Mô tả lại
dụ ngôn
Theo phong tục
của các dân tộc, khi cô dâu về nhà chồng, cô
thường kêu thêm những cô gái đồng trang lứa
làm phù dâu, để cùng tiễn đưa cô về nhà
chồng cho có bạn. Theo phong tục Do Thái, những cô phù dâu
này ngoài việc trang điểm và mặc quần áo
đẹp còn phải mang theo đèn, vì
chàng rể thường đến đón dâu vào buổi
tối, là đầu ngày (ngày của Do Thái bắt
đầu từ 6 giờ tối). Các cô phù
dâu sẽ cùng cô dâu đi về nhà chồng để
dự tiệc cưới. Khi chàng rể đến,
các cô sẽ cầm đèn thắp sáng trong suốt hành trình
đi đến chỗ dự tiệc. Vì
thế, đúng ra các cô hễ đã mang đèn thì phải lo
liệu mang dầu đi. Khi nghe báo tin chàng rể
đến, mấy cô không đem theo
dầu mới khám phá ra đèn mình không có dầu, và phải
ra tiệm mua dầu. Trong khi các cô ra đi thì chàng rể
đến, năm cô đã sẵn sàng theo
chú rể đi dự tiệc cưới. Khi các cô kia mua dầu về thì đã quá trễ. Các cô tới chỗ dự tiệc thì cửa
đã đóng, không vào được nữa. Sự
thường mà nói, mấy cô này quả thật là khờ
dại: chỉ vì không biết lo liệu mà lỡ chuyện
của mình. Công trang điểm, mặc quần áo
đẹp, chờ đợi... trở thành “công cốc”!
2. Ý nghĩa dụ
ngôn
Dụ ngôn trên là
một minh họa nói về những người đang
thực hiện một mục đích nào đó, nhưng
không hề ý thức về những gì mà mục đích ấy
đòi hỏi, nên cuối cùng trở thành “sôi hỏng
bỏng không”, “nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì”. Dụ ngôn trên có khác gì chuyện một học sinh
chuẩn bị đi thi mà không hề nghĩ tới
chuyện phải chăm lo học hành, nên khi vào phòng thi
chẳng có một kiến thức nào trong bụng. Hay
như một người chuẩn bị nấu cơm mà
không hề nghĩ đến chuyện phải có gạo
mới nấu được, chỉ biết lo tìm củi
lửa, nồi nấu... để rồi tới lúc
phải nấu thì chẳng có gạo để nấu. Hay
như người sắp lên máy bay để đi du hành
mới khám phá ra mình quên mua vé. Dụ ngôn hay các minh họa
trên có thể áp dụng cho việc nên thánh hay cho cuộc
lữ hành về Nước Trời của chúng ta.
Rất nhiều Kitô
hữu lúc nào cũng ngưỡng vọng về hạnh
phúc đời sau, và thường cầu xin cho mình
được “ái mộ những sự trên trời” (Kinh
Môi Khôi). Họ khá ý thức rằng mình đang
trên đường lữ hành về Quê Trời. Nhưng
trong số những Kitô hữu ấy có được bao
nhiêu người tự hỏi xem những điều
kiện cốt yếu nhất để vào Nước
Trời là gì, để rồi thực hiện cho bằng
được những điều kiện ấy, hầu
chắc chắn đạt được mục đích
mình nhắm tới? Vì quả thật, có biết bao Kitô
hữu đang cố gắng thực hiện đủ
mọi thứ chuyện chẳng đâu vào đâu hầu
vào được Nước Trời, mà chuyện cốt
yếu nhất để có thể vào đấy thì
lại chẳng làm! Họ có thể là những Kitô hữu
được tiếng là đạo đức, vì họ
ngày nào cũng đi dự thánh lễ, sáng tối nào
cũng đọc kinh cầu nguyện, hội đoàn nào
cũng tham gia, thậm chí họ bỏ cả bổn
phận chính yếu nhất của mình để thực
hiện những điều ấy! Vì thế, rất có
thể vào ngày phán xét họ sẽ bật ngửa vì
ngạc nhiên khi nghe Chúa phán: “Ta không hề biết các
ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn
làm điều gian ác!” (Mt 7, 23). Để tránh tình trạng đáng tiếc này
xảy ra cho mình, chúng ta cần phải nắm thật
vững những điều kiện cốt yếu không
thể thiếu để vào Nước Trời là gì.
3. Nước
Trời là một nơi hoàn toàn hạnh phúc chỉ dành cho
những người biết yêu thương, sống
vị tha
Nước Trời
hay Thiên Đàng được định nghĩa là
một tình trạng vĩnh cửu, hoàn toàn hạnh phúc,
một nơi không còn đau khổ, được dành cho
những người biết thật sự yêu
thương: yêu Chúa thương người. Định nghĩa ấy rất hợp lý.
Để hiểu sâu xa điều ấy, ta thử
đặt vấn đề: khi về nơi lý
tưởng ấy, liệu người ta có thể hoàn
toàn hạnh phúc khi phải sống chung
với những người ích kỷ, không biết yêu
thương không? Nếu những người trên thiên
đàng vẫn còn ích kỷ, còn ác ý, còn lãnh đạm, còn
hẹp hòi, còn hay nghĩ xấu cho người khác, dù
chỉ một chút xíu, thì họ có thể hoàn toàn hạnh
phúc và làm cho những người chung quanh họ cũng
hoàn toàn hạnh phúc cho đến đời đời,
không hề gây ra một chút đau khổ nào không? Chưa
hoàn hảo, chưa đủ khả năng yêu
thương mà đã vào Thiên Đàng thì ta sẽ làm ô
nhiễm cái hạnh phúc tinh tuyền - không vương chút
đau khổ - của Thiên Đàng rồi, và biến Thiên
Đàng trở thành một cái gì không còn là Thiên Đàng
nữa. Do đó, Thiên Đàng đòi hỏi những
người bước vào phải hoàn toàn vị tha, tràn
đầy tình thương, sẵn sàng hy sinh cho tha nhân. Nếu còn chút gì là ích kỷ, ghen ghét, hận thù...
thì chưa thể vào được, và cần phải
được thanh luyện ở luyện ngục cho
đến khi nào trở nên hoàn toàn vị tha, tràn
đầy tình yêu thương với mọi người
mới vào được Nước Trời.
4. “Đức tin
đắt giá” và “đức tin rẻ tiền”
Theo Kinh Thánh,
để vào được Nước Trời thì
phải là người công chính. Mà người công chính là
người có đức tin, vì “người ta
được trở nên công chính nhờ đức tin” (Rm
3, 22); “Ápraham đã tin Thiên Chúa, và vì thế được
kể là người công chính” (4, 3). Chúng ta, những Kitô
hữu, đều được coi là đã tin vào Thiên
Chúa, vậy có phải chúng ta đều là những
người công chính không? Thưa không
chắc, vì có hai loại đức tin. Theo
thánh Giacôbê thì đó là “đức tin có việc làm” và
“đức tin không việc làm”. Còn theo nhà thần
học D. Bonhoeffer, thì đó là “đức tin đắt giá”
và “đức tin rẻ tiền”.
“Đức tin
đắt giá” là đức tin được chứng
tỏ bằng hành động, là đức tin có việc
làm.
Đây mới chính là đức tin đích thực, mới
làm cho người ta nên công chính. Gọi là “đắt giá”
là vì để có được đức tin ấy,
người ta phải trả một giá rất đắt
là sự hy sinh bản thân, chấp nhận mất mát, không
chỉ thời giờ, của cải hay những thứ
ngoài mình, mà thậm chí cả mạng sống, hay bản
thân mình nữa. Còn “đức tin rẻ
tiền” là đức tin không phải trả giá bằng
hành động, bằng việc làm, bằng sự hy sinh.
Đó là thứ đức tin chỉ được tuyên
xưng ngoài miệng, có thể được tuyên xưng
hết sức mạnh mẽ, có vẻ như đầy
xác tín, nhưng lại không được chứng tỏ
bằng những hành động cụ thể. Thánh Gia-cô-bê
nói về hai loại đức tin này như sau: “Có
đức tin mà không hành động theo
đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức
tin có thể cứu người ấy được
chăng? Đức tin không có hành động là
đức tin chết” (Gc 2,14.17).
“Đức tin không có hành động là đức tin vô
dụng” (2,20).
Đức tin
đích thực phải được thể hiện thành
tình yêu, thành những hành động yêu thương. Ngay
cả tình yêu cũng có hai loại: “tình yêu đắt giá” và
“tình yêu rẻ tiền”, nói cách khác: tình yêu có việc làm và
tình yêu ngoài môi miệng. Thánh Giacôbê cũng nói về thứ
tình yêu đãi bôi: “Giả như có người anh em hay
chị em không có áo che thân và không đủ của ăn
hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ:
"Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no",
nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ
đang cần, thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2,15-16).
Tóm lại,
để vào được Nước Trời, chúng ta
cần tin vào Thiên Chúa, vào Đức Giêsu Kitô, nhưng
phải tin bằng thứ đức tin đích thực,
được chứng tỏ bằng việc làm, tức
thứ “đức tin đắt giá”. Mà
hễ đã là đức tin đích thực, tất nhiên nó
sẽ phải được thể hiện thành tình yêu
thương thật sự, bằng những hành
động yêu thương cụ thể. Chính vì
thế, tới ngày phán xét cuối cùng, Thiên Chúa chỉ phán
xét về tình yêu đích thực của ta đối
với tha nhân mà thôi (x. Mt 25,31-46). Vì tình
yêu đích thực hay tình yêu được trả giá
đắt đó chứng tỏ một đức tin
đích thực. Không ai có thể thật
sự tin vào Thiên Chúa, vào Đức Giêsu mà lại sống
không có tình thương. Tại sao? vì kẻ tin Ngài thì ắt phải giống
như Ngài, mà Ngài, tự bản chất, chính là tình yêu (x.
1Ga 4,8.16a).
Vậy cái “vé”
cần thiết đến mức không có không
được để vào Nước Trời chính là tình
yêu đích thực. Không có tình yêu đích thực,
chúng ta đừng mong vào được Nước
Trời. Đó chính là “đèn có dầu” để chúng
ta - những “cô phù dâu” - thắp sáng lên khi đón “chàng
rể” - là Đức Kitô - vào “tiệc cưới
Nước Trời”.
Cầu nguyện
Lạy Cha, Cha chính là
Tình Yêu. Vì thế, để kết hiệp với Cha, con
cũng phải là tình yêu, là hiện thân của tình yêu,
đặc biệt giữa những người sống chung quanh con. Nếu con không thể hiệp
nhất với họ bằng tình yêu, làm sao con có thể
hiệp nhất với Cha được? Nếu
những người cùng bản chất với con mà con
không hiệp nhất với họ được, làm sao
con có thể hiệp nhất với Cha được?
Xin Cha hãy tăng cường tình yêu nơi con, để con
hiệp nhất được với mọi
người. Amen.
|