Cảnh giác và sẵn sàng đón Chúa
(Suy niệm của Lm
Vũ Thái Hòa)
Khung cảnh lễ
cưới trong dụ ngôn rất quen thuộc với thính
giả của Chúa Giêsu: tại nhà cha mẹ mình, cô dâu
chờ chú rể đến rước để làm lễ
chúc lành và ăn tiệc cưới
tại nhà trai. Khi chú rể và đoàn phù rể kéo
đến đón cô dâu, đoàn phù dâu sẽ ra đón
rước với đèn, đuốc sáng. Sở dĩ
đám cưới làm vào ban tối vì ban ngày thời
tiết rất oi bức. Trước đó,
hai gia đình thương lượng với nhau, về
của hồi môn chẳng hạn. Vì
thế, nhà gái có thể chờ lâu, có khi đến nửa
đêm.
Câu chuyện đám
cưới tưởng sẽ diễn tiến tốt
đẹp, không ngờ kết cuộc thật thảm
hại, với những chi tiết rất khó tin: năm cô khôn
ích kỷ không chịu chia sẻ dầu, bắt năm cô
dại đi mua dầu lúc đêm khuya, về đến
cửa phòng tiệc đóng kín, và thái độ của chú
rể đối với các cô đến chậm.
Thực ra,
đây chỉ là bài dụ ngôn, nên chúng ta phải tìm hiểu
ý nghĩa tổng quát của nó. Để
hiểu rõ hơn dụ ngôn hôm nay, chúng ta phải
đặt dụ ngôn trong thời điểm Chúa Giêsu
giảng dạy về ngày quang lâm của Người.
Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự cần thiết
của sự cảnh giác vì không ai biết ngày nào, giờ
nào Người sẽ trở lại để phát xét chung. Không phải được chọn
cầm đèn ra đón chú rể là tự động
được vào dự tiệc cưới, cũng
như không phải chỉ xưng mình là người Ki-tô
hữu là được cứu rỗi! Giấy chứng
chỉ rửa tội không phải là vé vào cửa miễn
phí và tự động của Nước Trời đâu!
Trong dụ
ngôn có năm trinh nữ được khen là khôn, không
phải do sự khôn ngoan tự nhiên của mình, nhưng vì
thông hiểu dự định của Thiên Chúa. Còn
năm cô kia bị chê là dại, không
phải do sự đãng trí và sơ suất của mình,
nhưng do một thái độ tinh thần quên Chúa. Vấn đề quan trọng nhất là việc
chú rể đến trễ. Qua dụ
ngôn này, Chúa dạy chúng ta ý nghĩa của thời gian.
Đó là một thử thách của đức
tin. Sự cảnh giác và sẵn sàng là hai chữ quan
trọng nhất trong dụ ngôn này. Chúng ta
phải cảnh giác vì Chúa Ki-tô sẽ đến lúc mà không
ai ngờ tới.
Mặc dù nói
về sự trở lại của Chúa Ki-tô, dụ ngôn
cũng cho chúng ta một bài học về lợi ích
trước mắt và cụ thể, đó là giúp mỗi
người chúng ta chuẩn bị cho cái chết của
mình. Tháng 11, tháng cầu cho các linh hồn, nhắc
nhở chúng ta phải luôn chuẩn bị: sự chuẩn
bị cần phải tích cực và cá nhân.
-
Chuẩn bị tích
cực: được nhập vào đoàn rước
chờ đợi hoặc mang đèn vẫn chưa
đủ, mỗi người chúng ta cần phải tích
trữ dầu, có nghĩa là phải luôn duy trì tinh thần
và đức tin sống động, trong tình bác ái. Có
như thế, sự chuẩn bị mới trọn vẹn.
-
Chuẩn bị cá nhân: ngày
đó, chúng ta tưởng có thể nhờ cậy vào
người khác. Không! Người khác có thể giúp chúng ta,
nhưng họ không thể thay thế chúng ta
được. Sự tương trợ là điều
trọng yếu trong đời sống Ki-tô giáo, nhưng
mỗi người có trách nhiệm riêng của mình. Một
số người cảm thấy khó chịu về tính ích
kỷ của năm trinh nữ khôn ngoan. Họ không thể
cho mượn dầu, vì có nhiều điều chúng ta không
thể cho mượn được, tình yêu chẳng
hạn. Chúng ta không thể thay thế lòng ước ao
bằng đồ vật được! Chúa Giêsu nói:
Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất,
và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy
đã bùng lên! (Lc 12,49). Lửa tình yêu
đó đã nung đốt chúng ta khi lãnh nhận bí tích thánh
tẩy. Nhưng sau đó, chúng ta có gìn giữ cho ngọn
lửa được sáng mãi hay không?
Câu kết
luận của Chúa Giêsu Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em
không biết ngày nào, giờ nào nhấn mạnh ý nghĩa
của dụ ngôn. Sự mong đợi
Chúa trở lại không phải là một thời gian
trống rỗng nhưng là thời gian chuẩn bị tích
cực. Lịch sử cứu độ
vẫn tiếp diễn. Hãy tỉnh thức, hãy
sẵn sàng! Đừng để lỡ ngày
giờ đón rước Chúa Ki-tô khi Người trở
lại, cũng như trong giờ sau hết của chúng ta.
Chúng ta có hẹn với Chúa mọi lúc trong
cuộc sống của chúng ta. Khi có
chuyện vui, Chúa mời gọi chúng ta san sẻ niềm vui
đó. Khi có chuyện buồn (bệnh
tật, tang...), Chúa mời gọi chúng ta không sống khép
kín, nhưng đến với những ai đang cùng chung
hoàn cảnh. Họ cần
được người khác hiểu, thông cảm,
khuyến khích và song hành với họ. Như thế,
trong mọi nơi và mọi lúc, chúng ta luôn cầm đèn
sáng và làm chứng rằng Chúa Ki-tô là ánh sáng thế gian.
|