Suy niệm
Lễ Các Linh Hồn
(Suy niệm của Lm.
Giuse Nguyễn Hữu Duyên)
Trong 4 tháng lang thang trên đất Mỹ, tôi nghe và
thấy nhiều cảnh ngộ của cái chết:
Một người VN ở Cali chết thật bình
thường, nhưng nghe nói tang lễ cho cụ ít ra
cũng 20,000.00 USD, riêng cỗ quan đã hết 7,000.00
rồi. Kể ra cái chết ở đấy
cũng có giá cao đấy.
Ở Florida tôi nghe kể về cái chết của
một Bác Sỹ VN, sau năm 75, Ông đã nỗ lực
để nuôi con ăn học thành tài trên đất khách
quê người, ai cũng thành tài và thành công. Bà
Cụ thì mất trước khá lâu. Ông
đến tuổi hưu. Sống một mình, lấy
việc dạy võ dưỡng sinh cho các đồng
hương làm niềm vui. Rồi cụ
phải vào bệnh viện. Cuối cùng cũng đã
chết ở đó, không người thân bên cạnh.
Người ta phải theo giấy tờ trong người
cụ, để điện cho các con cụ. Khi các con có
mặt, tất cả đã ký giấy để hiến
cụ cho khoa thí nghiệm của bệnh viện: vì
tương lai khoa học! Chuyện ấy cũng rất
bình thường, nếu như không có cái chuyện sau
đó. Phải, các đồng hương của cụ, vì
mến yêu tinh thần hy sinh và phục vụ cộng
đồng của cụ, muốn đến làm lễ truy
điệu cho cụ tại tang gia. Nhưng
ở đây con cái cụ quá ngạc nhiên về cái yêu
cầu ấy, vì gia đình không làm gì cả, mọi
việc là bệnh viện đã làm theo cách của bệnh
viện rồi. Cuối cùng, vì sự tha thiết
của các đồng hương, người gia đình
bằng lòng cho họ mượn một tấm ảnh
cụ để tổ chức lễ truy điệu cho
Thầy ở nơi khác.
Ở Arlington, tôi nghe kể về cái chết của
một cụ già người Mỹ. Cụ sống với
cụ Bà ở đây đã lâu, cho dù có 2 người con,
cũng thành đạt, nhưng chẳng bao giờ thấy
họ tới thăm các cụ. Trong trường hợp
cụ bà thế nào không biết, nhưng hàng xóm thấy mùi
hôi nồng nặc từ nhà các cụ, báo cảnh sát,
người ta mới khám ra cụ ông đã chết mấy
ngày rồi!
Tôi cũng được thông tin
về cái chết của 17 thủy binh trên chiến hạm
Cole. Tôi
nhìn trên TV thấy người ta đang tìm kiếm
Thống Đốc Missouri sau tai nạn máy bay. Tôi cũng thấy cảnh
chiếu người ta quăng xác 2 cảnh sát chìm Do Thái
qua cửa sổ, và những cái chết do sự trả
thù.
Cái chết vẫn ám
ảnh cuộc sống con người, cho dù con
người luôn tự hào về tiến bộ, văn minh,
giàu sang và no đủ, dường như là đã
đẩy lùi bóng ma sự chết.
Tuy nhiên, có lẽ
người ta khá thành công trong việc khiến cho con
người không còn nhiều suy nghĩ về những
vấn đề siêu hình, kể cả cái chết. Con
người hầu như chỉ còn kịp suy nghĩ
về công việc làm mỗi ngày của họ thôi. Họ đi bên cạnh cái chết với sự
rất xa lạ.
Nếu
như chỉ có cái hiện tại là quan trọng, thì tôi thiết
nghĩ những cái chết cụ thể trên kia thật vô
cùng phi lý. Những cái chết chỉ vì
cho một hiện tại tốt đẹp, lại bị
chính đứa con mình cưu mang phủ nhận cách
thật phũ phàng. Cho dù bằng lý trí, con
người muốn chối bỏ cái bên kia sự
chết, nhưng bằng chính mỗi một cái chết
của mình, con người lại khẳng định
họ tin vào thế giới bên kia cái chết, cho dù nó là gì,
thì không ai nói thành lời.
Đức Giêsu Kitô, đã
đến, và cũng bằng cái chết của mình, Ngài
khẳng định bên kia sự chết, có thế
giới của sự sống thật: Sự sống chan
hòa yêu thương. Tình Yêu được
đảm bảo bởi Tình Yêu Vô Biên của MỘT
NGƯỜI CHA. Đức Giêsu
đến để đem lửa yêu thương ấy
vào trần gian, để biến đổi mọi
hiện tại của cõi nhân sinh nên hiện tại vĩnh
hằng của Tình Cha với con cái mình.
Ngày lễ Các Linh Hồn
chỉ có ý nghĩa trong Tình Yêu Vĩnh Hằng ấy:
Cuộc sống hôm nay,
không chỉ là cơm bánh, nhưng còn là ánh sáng yêu
thương của Cha rọi soi mọi giây phút cuộc
đời mình. Tình yêu phải phủ trùm
mọi cảnh huống, kể cả cõi sống bên kia cái
chết.
|