Sống Tháng
Các Linh Hồn
(Suy niệm của Lm. Gioan B. Nguyễn Đình Lưu)
“Con hãy nhớ đến mẹ
mỗi khi dâng thánh lễ”. Lời
thánh Monica cũng chính là ý nguyện mà các linh hồn tiền
nhân muốn nhắc nhở cùng chúng ta là con cháu của các
ngài.
Đài truyền
hình Thành phố Hồ Chí Minh tối Thứ Năm tuần
trước có phát đi chương trình: “Những
đứa con hiếu thảo”. Một trong những khuôn
mặt được giới thiệu đó là anh Kim
Sơn. Tuổi thơ của anh là những tháng ngày đen
tối, bởi cha mẹ đã sớm ly dị khi đã có
với nhau ba mặt con. Thiếu sự yêu thương
dạy dỗ, Kim Sơn xa dần trường học
để bước vào trường đời. Bài
học đầu đời mà Kim Sơn học
được đó là bài học lừa lọc, dối
trá, đấu đá để dành quyền sống. Kết
cục của những tháng ngày ngang dọc là những ngày
đen tối trong chốn lao tù, là sự hận
đời đen bạc, là nỗi buồn tuyệt
vọng cô đơn.
Trong lúc đó,
mẹ của anh vẫn tần tảo với gánh bún riêu,
lê gót qua các phố chiều, chắt chiu từng
đồng, để đổi lấy cho anh những
hũ chao, những lon ruốc sả. Trải qua nhiều
năm tháng, tình thương của người mẹ không
hề xói mòn, hy vọng của mẹ không hề bị
dập tắc. Cuối cùng tình mẹ đã chiến
thắng. Năm 2005, anh được ra khỏi trại
và quyết tâm làm lại cuộc đời. Ổn định
cuộc sống, anh lập gia đình và đưa mẹ
về sống chung để có dịp phụng
dưỡng. Anh dứt khoát không để mẹ phải
gánh bún đi bán, anh hứa với lòng mình: mẹ muốn
ăn gì, mặc gì, anh sẽ mua cho mẹ. Anh còn tuyên
bố: hạnh phúc nhất của đời tôi là
được sống với mẹ, là được
ở bên mẹ mãi mãi.
Câu chuyện của anh Kim Sơn, hẳn phải làm
ấm ấp bao tấm lòng của các bà mẹ, đang
được sống trong sự chăm sóc ân cần
của con cháu, sau một đời tần tảo vất
vả. Tuy nhiên, không phải ai cũng được
hưởng những ngày tháng hạnh phúc trong sự đùm
bọc của con cái. Lại càng ít người còn nhớ
và lo lắng cho cha mẹ khi các ngài đã qua đời. Chính
vì thế mà Giáo hội đã dành ngày 2 tháng 11 này, và trọn
tháng 11 để khơi dậy lòng hiếu thảo nơi
những người Kitô hữu, cũng là những
người con của gia đình.
Ai trong chúng ta lại chẳng một lần sinh ra
bởi cha mẹ, chẳng được ấp ủ trong
mái ấm gia đình. Đây chính là chiếc nôi của tình
yêu, ngôi trường của lòng nhân ái. Từ trong cái xã
hội nhỏ bé ấy, chúng ta đã được bú
mớm, nuôi dạy, và từng ngày lớn lên trong vòng tay yêu
thương của tình cha, và tiếng ru ầu ơ
của mẹ. Để đổi lấy cho chúng ta
sức khỏe, cha mẹ đã phải đổ bao
mồ hôi sức lực để có bữa cơm
miếng cá cho con; lại còn biết bao trăn trở lo
lắng cho chúng ta về đường đức tin,
học vấn. Hôm nay, chúng ta thành người, có
địa vị, có cuộc sống an lành, có gia đình
ổn định, lại chính là lúc mà các ngài nhắm
mắt xuôi tay. Cái giá mà các ngài phải trả cho sự thành
đạt, thành nhân của chúng ta, đâu chỉ là công
sức, là nước mắt, là những héo hắt khổ
đau, mà có khi còn cả mạng sống mình. Ca dao
ViệtNam đã mượn hình ảnh rất quen thuộc
để diễn tả sự hy sinh ấy:
“Con cò lặn
lội bờ ao, gánh gạo nuôi chồng...”
hay:
“Cha mẹ
thương con như biển hồ lai láng,
con thương
cha mẹ tính tháng tính ngày”.
Giờ phút này, nghĩ lại công ơn to lớn
của các bậc tổ tiên ông bà cha mẹ, ai trong chúng ta
lại không cảm thấy dạt dào niềm xúc
động nhớ thương. Nỗi niềm trắc
ẩn thôi thúc chúng ta phải làm một cái gì đó cho các
ngài, giúp đỡ các ngài, báo hiếu các ngài.
Ai dám quả quyết: hạnh phúc đang ở trong
tầm tay của các người thân yêu chúng ta, hay vẫn
còn đang là số phận đau thương của
chốn hỏa hòa rên xiết.
Vì vậy cùng với lòng tưởng nhớ tri ân,
chúng ta hãy thực hiện điều mà các ngài ngày đêm
mong chờ khao khát: đó là sớm giúp các ngài ra khỏi
chốn luyện hình đau thương, vào chung
hưởng hạnh phúc với Chúa. Công việc này, tự
sức các ngài không làm được, chỉ biết trông
cậy vào chúng ta là con cháu.
Theo lời khuyên bảo của Giáo hội, chúng ta hãy
gửi đến cho các đẳng linh hồn nhiều
lời cầu nguyện, nhiều việc lành hy sinh,
nhất là những thánh lễ trên Bàn Thờ. Bài đọc
sách Mikea mà chúng ta vẫn nghe trong thánh lễ an táng đã
đề cao việc quyên góp xin lễ cho các linh hồn, là
một điều hết sức cần thiết và quí giá.
Bởi vì khi cử hành thánh lễ, là tái hiện hy tế
Thập giá của Chúa Giêsu, là hiện tại hóa Mầu
Nhiệm cứu độ cho các đẳng linh hồn, là
mở ra cánh cửa hy vọng cho các người thân của
chúng ta, là đưa các ngài từ chốn đau khổ
tối tăm vào nơi ánh sáng hạnh phúc.
Và còn gì hạnh phúc hơn, khi chúng ta biết rằng
một khi được đón nhận vào tham dự
hạnh phúc với Thiên Chúa, các linh hồn sẽ cầu
bầu cùng Chúa cho chúng ta là con cháu của các ngài còn đang phải
từng ngày chiến đấu vật lộn với
những cam go thử thách. Cuộc thử thách ấy
đang diễn ra từng ngày không cân sức, giữa
thế lực của ma quỷ, của sự tội,
của đam mê với niềm tin còn quá mỏng dòn và non
yếu của người Kitô hữu.
Như Đức Kitô đã từng an ủi các Tông
đồ trong giờ phút biệt ly đầy nước
mắt và đau thương: Lòng các con đừng xao
xuyến... thì các đẳng linh hồn cũng đang khích
lệ và ngỏ lời cùng chúng ta:
- Đừng xao xuyến vì Con Thiên Chúa đã chết
để đền thay tội lỗi của chúng ta.
- Đừng xao xuyến vì Ngài đi là để
dọn đường cho chúng ta.
- Hãy tin vào Thiên Chúa vì Ngài là Đấng từ bi và giàu
lòng thương xót.
- Hãy tin vào Thiên Chúa và trung thành với Ngài qua các công
việc bổn phận hằng ngày và việc giữ các
giới răn của Chúa.
Xin vì công nghiệp của Đức Kitô, nhờ
lời cầu bầu của các thánh và cầu nguyện
của cộng đoàn dân Chúa, Chúa sẽ tha thứ, và
sớm đưa các đẳng linh hồn về
hưởng hạnh phúc, sau cả đời đã tin
tưởng phó thác nơi Chúa.
Kim Sơn sau cả một quãng thời gian đi hoang,
không màng đến sự hy sinh vất vả và
nước mắt của mẹ, nhưng cuối cùng, anh
đã làm cho người mẹ mình thỏa lòng mát dạ khi
đã hối hận trở về, cùng dành trọn thời
gian còn lại để lo lắng chăm sóc tuổi già
của mẹ.
Còn phần chúng ta, được đánh thức qua
câu chuyện của anh Kim Sơn, chúng ta sẽ làm gì cho các
bậc tổ tiên ông bà cha mẹ, anh chị em thân yêu
của mình trong ngày hôm nay và trong tháng các đẳng linh
hồn này?
Xin Chúa cho mỗi chúng ta, luôn biết tỏ lòng
thảo kính đối với các bậc tổ tiên ông bà,
cha mẹ, anh chị em đã qua đời, bằng
việc đọc kinh, dâng những hy sinh việc lành, và
đặc biệt là thánh lễ mồng 2 tháng 11 hôm nay, xin
vì công nghiệp của Con Chúa trên Thập giá, mà thứ tha
muôn tội lỗi và đưa các ngài về hưởng
hạnh phúc tôn nhan Nước Chúa.
|