Lễ CÁC
ĐẲNG –
Lm. Đaminh Vũ Đình Thái
(Ga 19, 1.23-27a
; Rm 5, 5-11; Ga 6, 37- 40)
Chúng ta
vừa bước vào tháng 11, tháng dành riêng cầu nguyện
cho các kẻ đã qua đời. Thực
ra, chẳng ngày nào mà Giáo Hội, qua các Thánh Lễ, lại
chẳng cầu nguyện cho họ. Nhưng
tháng này, Giáo Hội muốn chúng ta sống ý thức hơn
và thực hành mạnh mẽ hơn việc đạo
đức này. Như vậy, hôm nay
quả là dịp tốt để dâng lễ cầu
nguyện cho mọi tín hữu đã khuất; trong đó có
ông bà, cha mẹ, thân quyến, bạn hữu và các bậc
thầy của chúng ta nơi Chủng Viện này. Nhờ Ơn cứu chuộc của Đức
Kitô, xin cho mọi người đã “vắng
bóng”được tha thứ mọi tội lỗi và
hưởng phúc lộc Thiên đàng”.
Để
xứng đáng dâng lễ và cầu ơn, chúng ta xin Chúa
thanh luyện chúng ta trước.
Giảng lễ:
I. Tôi tin có đời
sau.Tôi tin sự sống lại và sự sống vĩnh
cửu.
Chẳng phải là tín
hữu ngày nay chúng ta mới hùng hồn tuyên tín như
thế (Credo). Nhưng từ xa xưa, Gióp đã tuyên
bố: “Sau khi da tôi đây bị tiêu hủy, thì với
tấm thân này, tôi sẽ được ngắm nhìn Thiên
Chúa. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn
Ngài, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải là
người xa lạ” (G 19, 26-27a). Ông tin có
đời sau. Ông tin rằng Đấng hằng bênh
vực ông vẫn sống và sau cùng, Ngài sẽ đứng
lên trên cõi đất để cứu ông. Niềm tin
của ông bền vững, chắc chắn đến
độ ông ước ao lời ấy của ông được
tạc vào đá cho đến muôn đời.
Là tín hữu, chúng ta xác tín
mạnh mẽ vào lời của Đức Giêsu, Con Thiên
Chúa, là Đấng Cứu chuộc chúng ta, khi Người
nói: “Ý của Đấng sai tôi là tất cả những
kẻ Ngài đã ban cho tôi, tôi không để mất một
ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau
hết” (Ga 6, 39). “Ai tin vào Người Con, thì
được sống muôn đời” (Ga 6, 40).
Không
để mất một ai nghĩa là thế nào? Thánh Phaolô,
qua thư Rôma, giải thích rõ ràng rằng “ngay khi chúng ta còn
là tội nhân, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Người chết cho chúng ta được
cứu, khi chúng ta không có sức làm được gì
để cứu lấy mình”. Không
để mất một ai là “bằng chứng Thiên Chúa yêu
thương chúng ta vô cùng. Ngay khi chúng ta
còn thù nghịch với Thiên Chúa, Ngài vẫn để Con
Ngài chết. Ngài muốn cứu chúng ta khỏi cơn
thịnh nộ của Thiên Chúa, bằng cách cho chúng ta
được nên công chính nhờ máu Đức Kitô
đổ ra. Làm như vậy là để
chúng ta được hoà giải với Thiên Chúa. Giải pháp ấy là kế hoạch cứu
chuộc được thực hiện nhờ Đức
Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 5, 6-11).
Chúng ta
nhắc lại Lời Chúa như vậy để củng
cố thêm niềm tin của chúng ta vào đời sau, vào
sự sống lại và cuộc sống trường sinh
hạnh phúc với Chúa. Làm sao chúng ta có
thể cầu nguyện cho những người đã
chết được, nếu tiên vàn chúng ta còn hiểu
nhạt nhoà mơ hồ về Tình yêu Cứu độ
của Thiên Chúa được thực hiện trong
Đức Kitô như thế.
II. Phải cầu
nguyện cho những vong nhân.
Cầu
nguyện cho những người đã khuất là một
bổn phận không thể xao lãng của chúng ta.
Biết Chúa
cứu, tin rằng Chúa không để mất một ai là
một chuyện. Nhưng Giáo Hội luôn
dạy chúng ta phải, bằng tinh thần hiệp thông luôn
cầu nguyện cho mọi tín hữu đã qua đời,
chứ không được ỷ lại vào Chúa.
Công đồng Vatican II
nhắc lại mầu nhiệm Giáo Hội cùng thông công
như sau: “Trong số những môn đệ Chúa, có
những kẻ tiếp tục cuộc hành trình nơi dương
thế, có những kẻ đã hoàn tất cuộc sống
này nhưng đang được tinh luyện và có
những người đang được chiêm
ngưỡng rõ ràng Thiên Chúa Ba Ngôi vinh hiển. Cả ba thành phần đều hiệp thông
với nhau trong đức mến và truyền thông cho nhau
những của cải thiêng liêng. Nhận biết
đúng đắn sự hiệp thông này trong toàn Nhiệm
thể Chúa Kitô, ngay từ buổi đầu, Giáo Hội
lữ hành hết lòng kính nhớ, cầu nguyện cho
những người đã chết”.
Hơn nữa,
người tín hữu đã chết trong Ơn nghĩa
Chúa, nhưng chưa sạch hết mọi tội, và
chưa đền tội bằng những hình phạt
tạm thời đời này, thì không thể vào thẳng
Thiên đàng được, vì chưa xứng đáng
hưởng Thánh Nhan Chúa. Thánh Gioan cảnh báo rõ trong sách
Khải huyền: “Tất cả những gì ô uế,
cũng như bất cứ ai làm điều ghê tởm và
gian tà, đều không được vào thành…” (Kh 21, 27). Tất nhiên, họ
phải chờ tinh luyện xong mới vào được
Thiên đàng. Thời gian đó là thời
gian xa cách Chúa. Nên Công đồng Florence (1439)
mới định tín có luyện ngục để tinh
luyện các linh hồn.
Purgatorium,
chỉ luyện ngục, có nghĩa là tinh luyện.
Bởi thế, hằng
ngày Giáo Hội dâng lễ nài xin Ơn tha thứ cứu
độ của Chúa Giêsu cho các linh hồn; suốt tháng 11
này và đặc biệt hôm nay ngày 2.11 còn tăng lên gấp
3 (mỗi Linh mục được làm 3 lễ trong ngày). Giáo Hội kêu gọi chúng ta luôn nhớ về và
sốt sắng cầu nguyện cho những người
đã khuất. Cầu nguyện là góp phần mình vào
mở kho Ân xá, nhường cho các linh
hồn nơi luyện ngục, khi họ không thể làm
được việc lành cứu mình. Giáo Hội còn
khuyến khích đi viếng nghĩa địa, sửa
sang mồ mả và cầu nguyện cho các linh hồn, vì:
“Mồ thật chôn các người chết là trái tim của
người sống” (Tục ngữ).
Thế nên,
người sống có nhớ đến, có cầu…thì
người chết mới mát mẻ thanh nhàn. Thật ra, không phải cầu cho người
“chết”. Nếu chết là chấm
tận, hết chuyện thì cầu làm gì và ích lợi gì?
Nhưng là cầu cho nguời vượt qua
cõi chết, đi vào cõi sống muôn đời.
|