Cái chết
Hôm nay chúng ta
tụ tập trong nhà thờ này để cử hành lễ
các Linh Hồn, để tưởng nhớ đến
những người đã khuất nhất là những
người đã có một mối liên hệ thương
yêu và ơn nghĩa đối với chúng ta như ông bà cha
mẹ. Chính vì thế mà tôi muốn chia
sẻ một vài ý nghĩa về sự chết. Vậy cái chết là gì và nó đem lại cho chúng
ta những bài học nào?
Cái chết
là một sự dứt bỏ có tính cách cưỡng
bức, nó chia lìa hai người bạn thân thiết
nhất đó là linh hồn và thể xác. Cái chết là
một cuộc hành trình, một chuyến đi cô
đơn nhất vì người ra đi sẽ phải
để lại sau lưng tất cả những gì mình quyến
luyến nhất, từ những người thân yêu
đến tiền bạc và địa vị
được gầy dựng do mồ hôi nước
mắt. Nó sẽ chấm dứt tất
cả những gì chúng ta đã đầu tư trong
cuộc đời. Chính vì thế nó
thường làm cho chúng ta bàng hoàng và sợ hãi.
Thế nhưng, là
người Kitô hữu chúng ta phải nhìn cái chết
dưới ánh sáng đức tin. Thực vậy
dưới ánh sáng đức tin thì cái chết không phải
là một chấm dứt mà là một khởi đầu,
không phải là một ra đi mà là một trở về nhà
Cha, không phải là một chia lìa nhưng là một kết
hợp mật thiết với Thiên Chúa. Từ
đó chúng ta rút ra được những bài học quý giá.
Bài
học thứ nhất đó là ý nghĩa đích thực
của cuộc sống. Ý nghĩa đó
được tóm gọn trong câu giáo lý: Hỏi
người ta sống ở đời để làm gì? Thưa, ta sống ở đời để
nhận biết, thờ phượng, kính mến
Đức Chúa Trời và thương yêu mọi
người như anh em. Hầu ngày sau
được mưu hạnh phúc đời đời.
Câu trả lời này thật ngắn gọn và rõ rệt,
giúp chúng ta giải quyết những vấn đề
đã từng làm cho chúng ta băn khoăn và thắc
mắc. Không hiểu được chân lý này, hay cố tình
quên lãng chân lý này, chúng ta sẽ trở nên những kẻ
lầm đường lạc lối, không còn thấy
được phương hướng cho cuộc
sống, liều mình mất đi cả chì lẫn chài,
cả đời này lẫn đời sau. Murillo, một
hoạ sĩ Tây Ban Nha, đã khắc trên tường phòng
mình hàng chữ như sau: Hãy sống như là sẽ
phải chết. Hãy tập làm quen với cái
chết bằng tinh thần từ bỏ liên tục.
Bài
học thứ hai là bài học khôn ngoan. Trong
mọi hoàn cảnh, hãy chuẩn bị sẵn sàng
để ra trước mặt Chúa mà tính sổ cuộc
đời. Đừng bao giờ quên rằng, chúng ta
được xét xử dựa trên tình yêu: tình yêu
đối với Thiên Chúa và đối với anh em,
chứ không phải là được xét xử theo dáng
bộ bề ngoài và những việc đạo đức
nặng phần trình diễn. Bởi vậy trong nhịp
sống thường ngày, chúng ta có lo thực thi bác ái hay
không, có biết thực tâm tha thứ cho kẻ lỗi
phạm đến chúng ta hay không? Có biết
nở nụ cười hoà giải đối với
những kẻ đã gây nên xích mích, có biết đem
lại niềm vui và hạnh phúc cho những kẻ xung
quanh? Có biết làm chứng nhân cho Chúa
bằng đời sống yêu thương hay không?
Nếu trong cuộc
sống trần gian, chúng ta đã thực sự yêu
thương anh em thì chúng ta mới có thể tiến
lại gần cùng Thiên Chúa, Đấng có một trái tim
cảm thông với đau khổ sẵn sàng để tha
thứ và ân thưởng những
người thiện chí. Khi tâm hồn chúng ta đã giao hoà
cùng Thiên Chúa, thì bấy giờ cái chết không còn nhuốm
vẻ tang tóc bi ai nữa. Chúng ta không còn nói như Laffirgue:
Điều đau buồn nhất trong cuộc sống là
cái chết. Trái lại chúng ta sẽ bảo: Đối
với người tín hữu thì điều an
ủi và khích lệ nhất trong cuộc sống là cái
chết, bởi vì cái chết sẽ chấm dứt
những đau khổ phần xác, để rồi
dẫn đưa chúng ta vào niềm hạnh phúc vĩnh
cửu.
|