Cầu Cho Các Linh Hồn
Một ngày nọ, cậu bé tám tuổi hỏi mẹ: Tại sao con
người phải chết và khi chết rồi, họ sẽ gặp ai.? Người mẹ không thể trả lời cho
cậu trai của mình, vì chị ta không phải là người Công giáo và chị ta cũng không
biết giải thích sao cho cậu bé hiểu. Cậu bé lại hỏi thêm, Thiên Chúa (God) là
ai? Và làm sao chúng ta có thể gặp được Thiên Chúa. Một câu hỏi tưởng chừng rất
đơn sơ, nhưng lại rất khó để trả lời và diễn giải cho cậu bé tám tuổi có những
suy nghĩ như thế. Vấn đề này không chỉ trẻ con mà ngay cả người lớn chúng ta vẫn
có hoài nghi và thắc mắc về hỏa ngục và thiên đàng. Nếu biết có hỏa ngục, thì tại
sao con người vẫn làm những chuyện gian ác và phạm tội.? Và làm sao để chứng
minh có hỏa ngục.? Đây là vấn nạn cho những người đang nghi ngờ về thiêng đàng
và hỏa ngục. Cho nên, Giáo hội dành riêng trong tháng 11 hằng năm để cầu nguyện
cho các linh hồn là để nhắn nhớ chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn còn bị
giam cầm nơi luyện ngục và cho ngay cả chính chúng ta còn đang sống trên trần
này.
Tôi
thiết nghĩ định hướng cho một lối sống là một điều rất cần, bởi vì khi ta định
hướng đúng, thì chúng ta sẽ sống đúng cho lý tưởng sống. Khi cậu bé tám tuổi đặt
vấn đề: người ta chết đi về đâu và sẽ gặp ai?, thì có nghĩa là cậu bé đó đang nghĩ
đến một tương lai, một hy vọng vào sự sống mai sau. Vậy, có hỏa ngục không?
Thưa, có. Để chứng minh và giải thích cho vấn đề này rõ ràng hơn, chúng ta cần
dựa vào Kinh Thánh, lời giáo huấn của Chúa Giê-su và lời chứng của các thánh dạy:
1.
Trong
dụ ngôn về ngày phán xét chung, Chúa Giê-su nói, con Người ngự trên ngai vinh
hiển nói với những người đứng bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, hãy đi
cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác quỷ và sứ thần của
nó” (Mt 25,41). Chúa Giêsu cảnh giác chúng ta về mối nguy “bị ném vào hỏa ngục”
(Mt 5,29); Người nói đến “lò lửa” (Mt 13,50), đến “sự tối tăm” ở đó người ta
“phải khóc lóc và nghiến răng” (Mt 22,31). Ý niệm về án phạt đời đời đã rõ ràng
trong giáo huấn của Chúa Giêsu cũng như văn bản của các tông đồ. Do đó, sự hiện
hữu của hỏa ngục và những hình phạt đời đời là tín điều có cơ sở vững vàng.
2. Thế nhưng, người ta có thể nêu ra nhiều câu hỏi rằng,
Thiên Chúa không muốn bất cứ ai bị hư mất nhưng muốn mọi người ăn năn sám hối
sao? (2Pet 3,9). Đúng vậy, Thiên Chúa mong muốn “mọi người được cứu độ và nhận
biết chân lý” (1Tim 2,4). Thiên Chúa muốn cứu độ mọi người, Ngài làm bất cứ
việc gì để đạt mục đích ơn cứu độ con người, đến nỗi Ngài hiến ban cả Chúa Con
cho nhân loại. Nhưng Ngài không thể cứu chúng ta, khi chúng ta từ chối và không
chấp nhận Ngài. Chúng ta được tạo dựng như những con người tự do nên Thiên Chúa
tôn trọng tự do của chúng ta. Ngài không thể cưỡng bức chúng ta thưa “Vâng”
trước tình yêu của Ngài. Tình yêu Thiên Chúa đợi chờ sự ưng thuận của
chúng ta cho đến giây phút cuối cùng trên trần gian này. Trên đồi Canvê, người
trộm lành quay nhìn về Chúa Giêsu đã được cứu khi sắp lìa đời: “Ngay hôm nay,
anh ở trên Thiên Đàng với tôi” (Lc 23,43).
3. Sách Giáo Lý định nghĩa hỏa ngục là “tình trạng chính
mình tự loại trừ mình cách vĩnh viễn khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa và các
thánh” (số 1033). “Thiên Chúa không tiền định cho ai xuống hỏa ngục cả; nhưng
hỏa ngục là cho những ai có chấp, chối từ và thù ghét Thiên Chúa (phạm tội
trọng) trong tình trạng đó đến cùng” (GLHTCG số 1037).
4.Công
đồng Trentô dạy rằng: "Thánh lễ Misa không những ca tụng Chúa mà còn là lễ
đền tội cho người sống và người đã qua đời". "Lạy Chúa, xin nhớ đến
tôi tớ Chúa là ông bà tổ tiên và anh chị em của chúng con đã được gọi ra khỏi
thế gian, thì xin Chúa ban cho kẻ đã chết như con Chúa, thì cũng được sống lại
như Người" (Kinh Tiền Tụng Thánh Lễ).
5.
Năm 1917, Đức Mẹ đã hiện ra với
ba trẻ nhỏ tại Fatima, Bồ Đào Nha. Trong lần hiện ra ngày 13-7-1917, Đức Mẹ đã
cho ba trẻ em này thấy hỏa ngục. Đây là chứng cớ: “Đức
Mẹ xòe tay ra, những tia sáng như xuyên thấu thế gian, chúng tôi thấy như là
biển lửa. Chìm trong biển lửa đó là ma quỷ và các linh hồn trong dáng vóc con
người, như than hồng trong suốt,
mọi thứ như đồng đen hoặc hoặc bóng lộn, lơ lửng trong lửa cháy, lửa bốc cao đưa người ta lên như đám khói,
rồi lại rơi xuống như những đốm lửa trong ngọn lửa lớn, không trọng lượng hoặc
mất thăng bằng, ở giữa những tiếng la hét và kêu than vì đau khổ và tuyệt vọng, điều đó làm chúng tôi sợ
hãi và phát run vì hãi hùng. Cảnh tượng đó khiến chúng tôi bật khóc".
Ma quỷ có thể phân biệt bằng
cách nhìn chúng giống như những con vật lạ lẫm, gây hoảng sợ, cự tuyệt, đen đủi
và trong suốt như những cục than hồng. Chúng tôi sợ hãi và xin Đức Mẹ cứu giúp,
Đức Mẹ nói với chúng tôi bằng giọng buồn: “Các con đã thấy hỏa ngục,
nơi các linh hồn tội lỗi phải vào. Như vậy, khi các con đọc Kinh Mai Côi, hãy
đọc câu này sau mỗi chục kinh: Lạy
Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con, xin cứu chúng con cho khỏi hỏa ngục, xin đem
các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến Lòng Chúa Thương
Xót hơn”.
Qua
những gì đã trình bày ở trên, chúng ta biết hỏa ngục là nơi giam giữ các linh hồn
phạm tội trọng và chối từ Thiên Chúa. Cho nên, các linh hồn rất cần lời cầu
nguyện, hy sinh và việc làm phúc đức của người thân, nhờ đó các linh hồn được
ơn phúc của Thiên Chúa và tha bớt các hình phạt, để các ngài sớm được hưởng
thánh nhan Chúa. Và chính cho chúng ta biết sống tỉnh thức trước những cám dỗ
quyến rũ của ma quỷ, vì một ngày nào đó chúng ta cũng phải ra đi theo các ngài,
đó là quy luật của kiếp người. Một đám tang đi qua trong đời ta là lời nhắc nhớ
ta ý thức hơn ề phận người và sống sao cho có ý nghĩa để mai này khi ta ra đi, ta
không hỗ thẹn với đời, với người thân, với anh chị em xung quanh khi ta phải ra
trước toàn phán xét của Thiên Chúa. Đó cũng là ý nghĩa mà hôm nay, Giáo hội mời
gọi chúng ta dâng lễ cầu nguyện cho các tín hữu qua đời và cho chính mình. Nhất
là cho chúng ta biết quay trở về và làm lại cuộc đời, sửa đổi tính hư nết xấu: ăn
gian, nối dối, tham lam, ích kỷ, ganh ghét, và hận thù. Đây là điều kiện cần thiết
cho lời cầu xin của chúng ta để được Chúa nhận lời.
Lời cầu: Lạy Chúa, Ngài là Đấng giàu
lòng thương xót, hôm nay chúng con cầu xin Chúa thương đến các linh hồn của
người thân của chúng con cũng các linh hồn chưa được vào thiên đàng. Hiệp cùng
các thánh trên trời, chúng con xin dâng lên Chúa và Mẹ Maria với những lời cầu
nguyện và hy sinh công việc nhỏ bé này. Xin Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh
Thần ban cho các linh hồn tín hữu đã qua đời được nghỉ yên muôn đời. Amen.
|