HỐI LỖI
(CN 26 QN.A).
(Ez 18, 25-28;
Phil 2, 1-11; Mt 21, 28-32).
Kinh Thánh là
một kho tàng vô giá bảo toàn tất cả những điều Thiên Chúa mạc khải về sự
khôn ngoan, các giá trị về đức tin, luân lý đạo đức và ân sủng cứu độ.
Thiên Chúa đã chọn gọi các tổ phụ, cha ông, các tiên tri, tư tế và thầy
dậy để ban truyền huấn lệnh và đường lối chính trực. Toàn bộ Kinh Thánh
được hình thành trải qua cả ngàn năm tỏ bày sự khôn ngoan thương trí của
Thiên Chúa. Các ngôn sứ và đặc biệt một số tác giả của sách Huấn Ca,
sách Khôn Ngoan, Châm Ngôn và Thánh Vịnh… đã chia sẻ những trải nghiệm
sống đức tin qua các biến cố thời đại. Khi thời gian đã mãn, Chúa Giêsu
xuống trần đi rao giảng, Ngài đã khai mở một kho tàng ân sủng và con
đường chính thật dẫn vào Nước trời. Trong tất cả các sách vở suy niệm,
giảng giải, chia sẻ và các giáo huấn luôn nói lên những lời lẽ tích cực
tốt đẹp, khuyên dạy và hướng thiện. Sứ mệnh rao giảng là mời gọi mọi
người ăn năn hối cải, sửa đổi đời sống, nên gương tốt lành, làm việc
siêng năng, cư xử hiền hòa, trau dồi nhân đức và thực hành bác ái yêu
thương.
Tiên tri
Ezekiel khuyến khích dân chúng hối lỗi để tìm về nguồn
sống: Nếu kẻ
gian ác, bỏ đường gian ác nó đã đi, và thực thi công bình chính trực, nó
sẽ được sống (Ez 18, 27). Ngay từ thuở ban đầu mới tạo
dựng, sự ác đã len lỏi vào lòng trí của loài người. Tổ tiên Adong và Evà
đã bị sa vào cạm bẫy chiều theo ma quỉ và Cain cũng sa đà phạm tội giết
em. Satan cứ rảo quanh tìm mồi để cắn xé. Con người yếu đuối dễ bị hướng
chiều về đàng dữ. Chúng ta đang
sống giữa một xã hội vàng thau lẫn lộn. Có nhiều người đang tiếp tay
với ma quỉ để mở đường dẫn lối nhiều người đi xa lạc. Sự hướng dẫn
của một số nhà lãnh đạo đã bị biến chất và tha hóa. Một số thầy dậy bị
lôi kéo theo những thị hiếu của con người thời đại. Nhiều nhà lãnh đạo
không còn giữ lập trường kiên định trong vấn đề luân lý đạo đức. Phần
lớn thế hệ trẻ ngày nay nhìn vấn đề cuộc sống rất tương đối và tự do
trong nhiều lãnh vực. Sự tốt sự xấu cận kề khó phân biệt. Những giới
điều tôn giáo dần dần bị loại ra khỏi nơi công cộng hay trường lớp. Rất
nhiều người không có định hướng cho lý tưởng sống, nhưng chỉ sống vui
thỏa qua ngày.
Canh tân sửa đổi đời sống
không phải luôn luôn dễ dàng. Trước hết, tự vấn là chúng ta có muốn cải
thiện đời sống nên tốt lành thánh thiện hay không? Chúng ta có thể cậy
dựa vào đâu để tìm một nguyên lý căn bản chính thật cho lý tưởng sống?
Trong xã hội loài người, có rất nhiều niềm tin, ý thức hệ và quan niệm
sống khác nhau. Vả nữa, nơi nhiều dân nước, chế độ, xã hội và tôn giáo
có những chủ trương thực hành đạo lý khác biệt. Về tiêu chuẩn đạo đức
luân lý cũng khó phân biệt. Một vấn đề đối với người này có thể là xấu,
nhưng với người khác lại là hợp lý và tốt lành. Tùy theo cách nhìn vấn
đề ở khía cạnh khách quan hay chủ quan và về khuynh hướng chính trị, xã
hội, thương mại, tôn giáo, đạo đức và luân lý nhân bản. Chúng ta phải
tìm về nguồn sự khôn ngoan mà Thiên Chúa đã tỏ bày. Chúa đã mạc khải con
đường hướng thiện qua chính Ngôi Lời là Đức Giêsu Kitô. Chúa Giêsu là
đường, là sự thật và là sự sống.
Giáo Hội dùng
mọi cách trong mọi thời để nhắc nhở, khuyến khích và mời gọi mọi người
hối lỗi bỏ đường gian tà mà trở về với Thiên Chúa. Từ xa xưa, tiên tri
Ezekiel đã mở lối cho những người lầm lạc: Nếu nó suy nghĩ và từ bỏ
mọi tội ác nó đã phạm, nó sẽ sống, chớ không phải chết (Ez 18, 28).
Tiên tri nói đến sự sống viên mãn nơi quê trời, nơi niết bàn và là
nơi an hưởng hạnh phúc. Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta đều có kinh
nghiệm về sự yếu đuối, sa ngã và phạm tội. Thú thật, trong đời sống có
một sự hấp dẫn vô hình nào đó kéo lôi chúng ta trì trệ trong vũng lầy
của tội lỗi. Lạ một điều, dù biết là tội, biết là lỗi, nhưng chúng ta
không muốn hối cải, tránh xa, trút bỏ, từ bỏ hay xưng thú. Đôi khi,
chúng ta cứ khất lần để phạm thêm tội cho nhiều, rồi mới đi xưng tội.
Hình ảnh thí dụ: Khi chúng ta có chiếc áo trắng mới tinh, một vết dơ
nhỏ, chúng ta cũng cảm thấy khó chịu và muốn giặt sạch ngay. Khi áo đã
cũ và ngả mầu, chúng ta không màng nữa, dơ cho dơ luôn. Lời Chúa nhắc
nhở chúng ta hãy ăn năn hối cải và sửa đổi đời sống, vì chúng ta không
biết ngày giờ sẽ đến. Sự hối lỗi trở về không bao giờ trễ.
Câu truyện về hai người anh
em được cha sai đi làm vườn nho trong bài Phúc Âm hôm nay, giúp chúng ta
suy gẫm về cuộc sống đạo của mình. Thường khi chúng ta hay có những phản
ứng tiêu cực nhất thời khi chưa kịp nghĩ suy như cãi lời, phản ứng gay
gắt, chối từ và phủ nhận. Nhưng rồi suy đi nghĩ lại, chúng ta có những
đáp trả tích cực hơn. Trong câu truyện, người cha muốn con đi làm vườn
nho: Nó thưa lại rằng: Con không đi. Nhưng sau đó hối hận và đi làm
(Mt 21, 29). Chúng ta không lấy làm lạ về cách hành xử thường ngày
này. Già trẻ lớn bé, ai cũng vướng phải. Trải qua kinh nghiệm trong đời
sống gia đình, cộng đoàn và xã hội, chúng ta cần có sự kiên nhẫn và tâm
tình quảng đại trong việc đối xử với nhau. Vì ai cũng có khả năng để
thay đổi nên tốt hơn. Miễn là cho mỗi người một cơ hội.
Lồng trong câu truyện của hai
anh em, Chúa Giêsu nhìn rõ hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ. Có nhiều người
nghĩ mình tốt lành và thánh thiện, nên không cần hồi tâm xét mình. Do
đó, một số người đã đánh mất cơ hội cho chính mình. Họ hay liếc mắt
hướng về người khác, giơ tay chỉ trích phê bình anh em, khó chịu với
cách buông thả và khinh khi lối sống của những người đang bị lầm lạc.
Chúa Giêsu lên tiếng: Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và
gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông (Mt 21, 31). Lời cảnh
tỉnh của Chúa Giêsu làm chúng ta phải giật mình. Chúa nhìn thấu tâm can
và lòng thành của mỗi người. Chúa ban cho ai nhiều, Chúa sẽ đòi hỏi lại
nhiều. Chúa đã ưu đãi ban cho muôn vàn ân sủng và cơ hội để đổi mới,
nhưng chúng ta lại cứ chứng nào tật ấy mà dậm chân tại chỗ. Thật ra,
chúng ta không cần chờ đợi tới ngày mai, ngay lúc này đây, hãy dùng đôi
phút xét mình, đấm ngực mình, hối lỗi, tìm cách sửa lỗi và xin ơn tha
thứ.
Từ khi trở về cùng Chúa,
thánh Phaolô rất nhiệt tâm thay đổi lối sống của chính mình và viết thơ
khuyên bảo nhiều anh chị em: Chớ làm điều gì bởi cạnh tranh hay bởi
tìm hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi kẻ khác vượt trổi
hơn mình (Phil 2, 3). Có nhiều gương mù gương xấu đã xảy ra giữa các
cộng đoàn dân Chúa. Cũng chỉ vì cái hư danh hão huyền mà gây xung đội.
Sự cạnh tranh giữa các tín hữu đã xảy ra ngay từ khi thiết lập những
cộng đoàn đức tin đầu tiên. Các tín hữu không tránh khỏi những thói tục
trần thế. Vì Nước Trời giống như mẻ cá bắt được mọi thứ cá, lớn bé và
tốt xấu. Giáo Hội là một cộng đoàn tín hữu, cần có hoàn cảnh và môi
trường tốt lành để mọi người được học hỏi trau dồi nhân đức. Khiêm
nhường là nhân đức căn bản giúp chúng ta học biết chính mình và tha
nhân.
Thánh Phaolô đã viết 12 lá
thơ gởi cho các cá nhân và các giáo đoàn. Ngài đã dùng nhiều cách để
diễn tả tâm tình, đôi khi vì quá nhiệt tâm, đã dùng những lời lẽ cứng
rắn, sửa đổi gay gắt, khiển trách nặng nề và trách mắng chua cay. Cũng
có lúc tâm tình rất nhẹ nhàng yêu thương. Trong thơ gởi cho tín hữu
Corintô, Ngài viết: Anh em hãy dành cho chúng tôi một chỗ trong lòng
anh em. Chúng tôi không làm hại ai, không làm cho ai phải sạt nghiệp và
không bóc lột ai (2Cor 7, 2). Nhiều khi những lời giáo huấn chân
thật của Giáo hội và các chủ chăn cũng làm cho chúng ta cảm thấy chướng
tai khó chịu. Tự hỏi: Tại sao chúng ta phải sám hối, phải ăn năn hối
cải, phải hy sinh và phải đi vào con đường hẹp? Chúng ta nên nhớ rằng
lời khuyên dậy của Giáo Hội luôn vì phần rỗi của chúng ta mà
thôi.
Lạy Chúa, Chúa đã tự hạ
mình mà vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá (Phil 2, 8). Xin
cho chúng con kiên trì dõi theo lối bước của Chúa để tìm về nguồn hoan
lạc đời đời.
Lm. Giuse Trần Việt
Hùng
Bronx, New York
|