Thánh Giá, tình yêu
bừng sức sống
(Suy niệm của Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng)
Nhìn lên thánh giá, suy nghĩ nông
cạn và non nớt của loài người dễ cho
rằng, đó là một thất bại to lớn. Người ta cũng dễ dàng
nghĩ rằng, dấu vết của Thánh Giá chẳng qua
chỉ là những kỷ niệm về một cái chết
nhục nhã của một con người mà các Kitô hữu
coi là vị lãnh đạo của mình, còn ghi lại nơi
đời sống các Kitô hữu.
Suy nghĩ như thế là
hời hợt, là dốt nát trước nội dung của
bài học mà Thánh Giá gợi lại. Thực ra, đối với
Kitô hữu, Thánh giá chính là hiện thân, là sự thành công
lớn lao của một tình yêu vừa
tận cùng vừa bất tận. Nói đúng
hơn, đó là sự tận cùng của một tình yêu
bất tận. Đó là một tình yêu
vượt hết mọi rào cảng, vượt thắng
tất cả sự tàn nhẫn và tội ác của con
người. Đó là một tình yêu
hạ mình, một tình yêu mà Thiên Chúa là Chúa trời
đất đã hiến dâng chính mình để cứu
lấy con người.
Nhìn lên Thánh Giá, các Kitô hữu không chỉ ôn lại
một kỷ niệm, nhưng còn thấm thía nỗi
đau trong tâm hồn, vì họ nhận ra dấu vết
khủng khiếp do tội lỗi chính mình gây ra. Từ giữa bóng đêm tội lỗi ấy,
lại tuôn trào sức sống Phục Sinh khơi nguồn
từ Thánh Giá Chúa Kitô.
I. TỪ THÁNH GIÁ
BỪNG LÊN ƠN PHỤC SINH
Mừng lễ Suy tôn Thánh Giá Chúa,
ngắm nhìn Thánh Giá Chúa, ta chỉ thấy một nỗi im
lặng bao trùm.
Nhưng chính trong ý nghĩa của thinh lặng Thánh Giá, ta
lại nghe bằng chính nội tâm mình tiếng gào thét
của một sức mạnh vô cùng: sức mạnh
của một Tình Yêu đời đời bền
vững. Sức mạnh của Tình Yêu
trường cửu làm bừng lên ơn Phục Sinh
giữa những tăm tối của nỗi chết chóc.
Ngay buổi chiều ngày Phục
sinh, Chúa Kitô đã hiện ra với các môn đệ. Sau khi ban bình an, “Chúa cho các ông xem
tay và cạnh sườn” của mình. Cho xem tay
và cạnh sườn cũng đồng nghĩa với
việc Chúa cho xem dấu vết kinh hoàng của Thánh Giá. Nhưng buổi chiều hôm Phục Sinh, thánh Tôma
lại vắng nhà. Ông đã tỏ dấu
nghi ngờ và đòi kiểm chứng sự kiện
Phục Sinh. Đúng một tuần
lễ sau, Chúa Phục Sinh đã đáp ứng đòi
hỏi và giải tỏa nghi ngờ của thánh Tôma.
Người hiện ra và bảo: “Tôma, đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy.
Đưa tay ra mà đặt vào cạnh
sườn Thầy. Đừng cứng lòng
nữa, nhưng hãy tin”. Trước dấu chứng
hùng hồn của Thánh Giá trên thân thể Đấng
Phục Sinh, thánh Tôma chỉ còn biết run rẫy, cúi
đầu thú nhận: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên
Chúa của con” (Ga 20, 19-31).
Chúa Kitô đã phục sinh. Nhưng Chúa chỉ
phục sinh sau Thánh Giá. Vì thế, sự
Phục Sinh dù vinh hiển và khải hoàn đến đâu,
vẫn không thể xóa nhòa bất cứ một dấu
ấn nào của Thánh Giá trên thân thể Đấng Phục
Sinh. Nơi Chúa Kitô, hội tụ cả hai: Thánh Giá và
Phục Sinh. Để có Phục Sinh cần
có Thánh Giá. Như vậy, trước
Phục Sinh đã có Thánh Giá. Thánh Giá
đi trước và Phục Sinh đi sau, làm thành cuộc
Vượt Qua có một không hai trong lịch sử, làm nên
lịch sử và thánh hóa lịch sử. Thánh
Giá khơi nguồn ơn Phục Sinh. Từ Thánh Giá,
bừng lên ánh sáng chói ngời của ơn Phục Sinh.
Bởi Đấng đã ngang qua Thánh Giá vào Phục Sinh
vẫn khắc sâu dấu Thánh Giá nơi thân thể mình dù
đã phục sinh, vì vậy, Thánh Giá:
-
Không bao giờ mai một trên bàn thờ, trong từng
hiến lễ. Chính vì thế, Chúa Kitô vẫn tiếp
tục dâng hy tế của mình để tuôn trào ơn
Phục Sinh mỗi khi dân Chúa cử hành mầu nhiệm
Vượt Qua.
-
Không bao giờ mai một trong Hội Thánh. Chính vì
thế, Hội Thánh từ ngàn xưa, vẫn không ngừng
đón nhận những thử thách và ngày càng lớn lên
trong mọi thử thách ấy.
-
Không bao giờ mai một trong nhân loại. Chính vì
thế, nhân loại vẫn gánh lấy sức nặng
của chính mình để tồn tại, để phát
triển.
-
Không bao giờ mai một trong lịch sử. Chính vì
thế, lịch sử còn đó rất nhiều vết máu
loan vương vãi, sẽ còn tiếp tục loan máu
để gầy dựng một trang sử không phải
cho quốc gia này, thế lực kia, dân tộc nọ,
nhưng là một trang sử Thánh, chứa đựng
ơn cứu độ loài người.
-
Không bao giờ mai một trong sự sống của
thụ tạo. Chính vì thế, "nếu thụ tạo
đã từng ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa
mặc khải vinh quang của con cái Người” (Rm 8, 19),
sẽ còn tiếp tục “rên xiết và quằng quại
đau đớn như sắp sinh nở” (Rm 8, 22) cho
đến ngày chuyển vào “trời mới đất
mới” (Kh 21, 1).
-
Không bao giờ mai một trong đời người.
Chính vì thế, đời người vẫn còn đó
nhiều đau đớn, ưu phiền, tang tóc…
Và mãi mãi sẽ không bao giờ mai
một. Nhân loại vẫn còn, thụ tạo vẫn còn,
vẫn còn đó dấu ấn vô cùng của Thánh Giá.
Nếu Chúa Kitô đã phục sinh
ngang qua Thánh Giá, chúng ta cũng sẽ như Chúa của mình,
sẽ phải đón nhận Thánh Giá, rồi vào vinh quang
Phục Sinh.
Bước theo Chúa, vác Thánh Giá để
đến Phục Sinh, đó là hành trình tất yếu,
sẽ không bao giờ vắng bóng trong đời người.
Vì thế, dấu vết kinh hoàng
của Thánh Giá trên thân thể Đấng Phục Sinh còn là
một nhắc nhở cho ta về khuôn mặt tình yêu vô
bờ bến của Thiên Chúa. Chính vì tình yêu, Thiên Chúa đã cúi mình thật sâu trong
thân phận con người để ta được
diễm phúc làm con Thiên Chúa.
II. THÁNH GIÁ, BÀI CA
TUYỆT MỸ CỦA TÌNH YÊU
Mãi mãi, dấu Thánh Giá vẫn không bao giờ mai một
trong Hội Thánh nói riêng và trong nhân loại nói chung,
để bất cứ nơi đâu, nếu nhìn thấy
bóng dáng Thánh Giá, người ta nhận ra rằng, tình yêu
của Thiên Chúa là một tình yêu chung thủy, vẫn mãi mãi
hiện diện giữa lòng đời. Đó
là bài ca tuyệt mỹ của tình yêu tuyệt đối.
Thánh Gioan đã ghi nhận lời của Chúa Giêsu,
cũng chính là ghi nhận lời của Tình Yêu không cùng
ấy: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban
Con Một mình, để tất cả những ai tin ở
Người Con ấy thì không phải chết, nhưng
được sống đời đời” (Ga 3, 16).
“Yêu… đến nỗi đã ban”, Cụm từ tuy
đơn giản nhưng khắc họa sự lớn lao
hết sức của tình yêu, đủ nói lên tất
cả sức mạnh, tất cả sự tha thiết,
tất cả sự mãnh liệt của một tấm lòng
yêu thương. Còn hơn cả một lòng
yêu thương mà chúng ta vẫn bắt gặp nơi
nhiều anh chị em, bởi Đấng đã “Yêu…
đến nỗi đã ban” ấy không phải là tình yêu con
người dành cho nhau, nhưng là tình yêu của
Đấng Tạo Thành dành cho thụ tạo của mình.
Đó là Tình Yêu của Thiên Chúa hiến dâng cho
loài người. Và tình yêu mà Thiên Chúa đã trao hiến
ấy, không phải là cái gì bên ngoài Thiên Chúa, nhưng là chính
bản thân Thiên Chúa, là chính Đấng phát xuất từ
giữa cung lòng Thiên Chúa. Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm
người, là hiện thân khôn tả của tình yêu vô cùng
mà Thiên Chúa dành cho loài người.
Vì thế, khuôn mặt thập giá của Chúa Kitô là
bằng chứng hùng hồn nhất, là tiếng nói mạnh
mẽ nhất, là nét bút tuyệt vời nhất, là vết
khắc sâu sắc nhất về một tình yêu bền
vững có một không hai trong lịch sử nhân loại,
tình yêu của Thiên Chúa từ trời cao dành cho người
trần thế. Bởi vậy, cái chết của Con
Người chịu đóng đinh kia,
cho thấy chiến thắng của tình yêu siêu phàm. Cái
chết uy hùng kia biểu dương một
tình yêu mạnh hơn sự chết, có sức tiêu diệt
hận thù và làm phát sinh từ trong cái chết của
tội lỗi loài người một nguồn sống vô
tận cho cả loài người.
Nơi Thánh Giá, chúng ta nhận ra
rằng, chính khi tội ác của con người lên
đến cao điểm, thì cũng là lúc tình yêu của
Thiên Chúa dâng cao tột cùng. Nơi Thánh Giá, tình yêu chiến thắng tội ác;
sự sống chiến thắng sự chết; ánh sáng
chiến thắng bóng tối; tha thứ chiến thắng
hận thù. Đó cũng chính là phương
tiện mà loài người dùng để khử trừ
Thiên Chúa ra khỏi tâm hồn mình, lại được
Thiên Chúa dùng để quay lại cứu độ loài
người.
Vì thế, Thánh Giá, nơi Thiên Chúa hiến trao Con
Một mình, nơi treo Đấng Cứu Độ
trần gian, lại chính là nơi cứu chữa cả
một đoàn con đông đảo trên khắp trần
gian. Và Thánh Giá, nơi sĩ nhục không gì bằng, lại
trở nên vinh quang vô cùng cho tất cả những ai tin.
Bởi tất cả những ai tin, sẽ thuộc về
Chúa Kitô và sẽ được Người cứu thoát
như chính Người đã từng tuyên bố: “Chúa Cha
yêu thương Người Con và đã giao mọi sự
trong tay Người. Ai tin vào Người Con
thì được sự sống đời đời” (Ga
3, 35-36).
III. KẾT LUẬN
Hôm nay, tôn thờ Thánh Giá Chúa Giêsu,
chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vô cùng, vì Người đã yêu
thương ta đến nỗi không còn kể mình nữa,
miễn là ta được sống. Muôn đời, Thánh Giá là bài ca tuyệt
mỹ của một Tình Yêu tuyệt đối: THIÊN CHÚA
YÊU CON NGƯỜI. Thiên Chúa yêu đến nỗi “đã ban
Con Một mình, để tất cả những ai tin ở
Người Con ấy thì không phải chết, nhưng
được sống đời đời”.
Chúa Giêsu đã chấp nhận
chết và chết trên Thánh Giá. Đó là lời nói cuối cùng, vô giá
của tình yêu. Bởi “không có tình yêu nào
cao cả bằng tình yêu của người hiến dâng
mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15, 13). Vì thế, tình yêu mà Chúa Giêsu diễn tả qua Thánh
giá là một tình yêu không còn bất cứ cái gì sánh ví.
Thánh Giá, mầu nhiệm tình thương của Thiên Chúa, là
cuốn sách giá trị tuyệt đối, mà ở đó,
những trang sách viết đầy hai chữ “TÌNH YÊU”.
Cuốn sách ấy mở ra cho con người ơn bình an vô cùng, khiến con người hạnh phúc
và reo vui vì được giải thoát.
Lạy Chúa, chúng con tôn
thờ Thánh Giá Chúa. Chúng con ca tụng Tình Yêu diệu kỳ
của Chúa đã làm cho chúng con được tái sinh trong
sự sống. Xin cho chúng con luôn ý thức Tình Yêu mà Chúa dành
cho chúng con, để chúng con sống suốt đời cho
Tình Yêu của Chúa, và ngày càng xứng đáng với mối
tình siêu nhiên ấy.
Lạy Chúa, xin ban cho
chúng con điều khó khăn trên mọi điều khó
khăn, đó là ơn nhận ra Thánh Giá của Chúa trong
mọi nỗi khổ đau của đời con. Xin cho
con đủ sức và lâu bền đi trên chính con
đường Thánh Giá mà Chúa trao, để chúng con
được thấy tình yêu chia sẻ và nâng đỡ
của Chúa trong suốt mọi chặng đường
Thánh Giá của cuộc đời chúng con.
Lạy Chúa, xin cho
mỗi lần nhìn lên Thánh Giá là một lần chúng con ý
thức ngày một hơn lòng thương xót của Chúa
vẫn bao trùm lấy cuộc đời chúng con, để
biết cảm tạ Chúa bằng lòng yêu thương anh em
xung quanh suốt đời chúng con. Amen.
|