"Các nhu cầu của chúng ta, cho dù là chính đáng, không bao giờ được khẩn trương bằng các nhu cầu của người nghèo là những con người không có cả những cái cần để sống nữa"...
"Ai đến với Thánh Thể mà không có lòng cảm thương đối với những ai thiếu thốn và không biết chia sẻ thì không đẹp lòng Chúa Giêsu".
ĐTC Phanxicô - Huấn Từ Truyền Tin trưa Chúa Nhật XVIII Thường Niên ngày 3/8/2014
Anh chị em thân mến,
Trong Chúa Nhật này, Phúc Âm cho chúng ta thấy phép lạ bánh cùng cá được hóa ra nhiều (Mathêu 14:13-21). Chúa Giêsu đã thực hiện việc này ở Biển Galilêa, trong một vùng đất hẻo lánh, nơi Người cùng với các môn đệ của Người lui về sau khi nghe tin qua đời của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả. Thế nhưng đã có nhiều người đi theo Người và tiến đến với Người; nên khi thấy họ, Chúa Giêsu đã động lòng thương họ và đã chữa lành bệnh nạn tật nguyền của họ cho mãi đến tối. Bấy giờ khi thấy rằng đã muộn rồi các môn đệ mới xin Người giải tán đám đông để họ có thể đi vào các làng mạc mà mua đồ ăn. Thế nhưng Chúa Giêsu đã nhẹ nhàng đáp lại rằng: "Chính các con hãy cống hiến cho họ ăn gì đi" (Mathêu 14:16); rồi Người bảo các vị mang 5 chiếc bánh và 2 con cá lại cho Người để Người chúc tụng và bắt đầu bẻ ra mà trao cho các môn đệ hầu phân phát cho dân chúng. Tất cả mọi người ăn uống no thỏa đến độ thậm chí còn dư đồ ăn.
Trong biến cố này, chúng ta có thể nắm bắt được 3 điều nhắn nhủ. Thứ nhất là lòng cảm thương. Trước đám đông vây quanh mình, đến độ có thể nói rằng "không để cho Người yên", Chúa Giêsu đã không phản ứng một cách khó chịu. Người không nói rằng: "đám dân này làm phiền Ta!" Không. Không. Người đã phản ứng bằng một cảm xúc xót thương, vì Người biết rằng họ không tìm kiếm Người bởi tò mò, mà là vì nhu cầu. Hãy lưu ý: cảm thương là những gì Chúa Giêsu cảm thấy chứ không phải chỉ cảm thấy thương hại. Nó còn hơn thế nhiều! Nghĩa là có cảm tình, tức là cảm xúc trước nỗi khổ đau của những người khác cho đến độ tự mang lấy nó vào thân! Chúa Giêsu là như thế! Người cùng với chúng ta chịu khổ, Người chịu khổ với chúng ta, Người chịu khổ cho chúng ta.
Dấu hiệu của lòng cảm thương này ở nơi nhiều lần Người đã ra tay chữa lành. Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy đặt nhu cầu của người nghèo trước nhu cầu của chúng ta. Các nhu cầu của chúng ta, cho dù là chính đáng, không bao giờ được khẩn trương bằng các nhu cầu của người nghèo là những con người không có cả những cái cần để sống nữa. Chúng ta thường nói về người nghèo, thế nhưng khi chúng ta nói về người nghèo chúng ta có cảm thấy rằng những con người nam nữ ấy, những em bé ấy, không đủ sống hay chăng? Họ không có lương thực để ăn, họ không có quần áo để mặc, họ không có thuốc men để uống, thậm chí trẻ em không có cơ hội đến trường? Vì thế, nhu cầu của chúng ta cho dù có hợp tình hợp lý đến đâu vẫn không bao giờ khẩn trương bằng những nhu cầu của thành phần nghèo khổ, những con người thiếu cả những gì thiết yếu để sống.
Điều nhắn nhủ thứ hai đó là chia sẻ. Trước tiên lòng cảm thương là những gì Chúa Giêsu cảm thấy, và rồi sau đó là chia sẻ. Thật là hữu ích khi so sánh phản ứng của các môn đệ, trước đám dân chúng mệt mỏi và đói khát, với phản ứng của Chúa Giêsu. Các vị tỏ ra dửng dưng. Các môn đệ nghĩ rằng giải tán họ thì tốt hơn, nhờ đó họ có thể đi mua đồ ăn. Trái lại, Chúa Giêsu lại nói: "Chính các con hãy cống hiến cho họ ăn gì đi". Hai phản ứng khác nhau, phản ảnh hai thứ lý lẽ đối nghịch, ở chỗ, các môn đệ thì lập luận theo trần gian là thứ lập luận ai cũng cần phải nghĩ đến bản thân mình. Các vị phản ứng như thể các vị muốn nói rắng: "Ai có thân thì người ấy lo - fend for yourselves!"
Trái lại, Chúa Giêsu lại nghĩ theo lý lẽ của Thiên Chúa, thứ lý lẽ của chia sẻ. Biết bao lần chúng ta quay mặt đi để khỏi nhìn thấy anh em của chúng ta đang thiếu thốn cần thiết. Việc quay đi này là một cách nói lịch sự phủi tay rằng: "Có thân thì lo lấy - fend for yourselves". Thái độ này không phải là thái độ của Chúa Giêsu. Đó là thái độ vị kỷ!
Nếu Người giải tán đám đông dân chúng thì rất nhiều người sẽ phải bỏ về bụng trống. Trái lại, một ít ổ bánh và cá ấy, được Chúa chia sẻ và chúc phúc, đã trở thành đầy đủ cho hết mọi người. Hãy chú ý: đây không phải là một màn ảo thuật che mắt, mà là một "dấu lạ - sign"! Một dấu lạ mời gọi lòng tin tưởng vào Thiên Chúa là Người Cha quan phòng, Đấng không để chúng ta thiếu "lương thực hằng ngày", nếu chúng ta biết chia sẻ nó như là những người anh chị em với nhau! Hãy Thương cảm, hãy Chia sẻ.
Sau hết là lời nhắn nhủ thứ ba về phép lạ những ổ bánh là những gì tiên báo cho Thánh Thể. Được thấy nơi cử chỉ Chúa Giêsu "đọc lời chúc tụng" (câu 19) trước khi bẻ bánh mà phân phát cho dân chúng. Cũng cử chỉ này Chúa Giêsu sẽ lập lại ở Bữa Tiệc Ly, khi Người thiết lập việc vĩnh viễn tưởng niệm đến Hy Tế cứu chuộc của Người. Nơi Thánh Thể, Chúa Giêsu không ban một miếng bánh mà là tấm bánh sự sống đời đời, Người ban Bản Thân Mình, hiến Mình cho Chúa Cha vì yêu thương chúng ta. Thế nhưng chúng ta cần phải đến với Thánh Thể bằng những cảm xúc của Chúa Giêsu, tức là bằng lòng cảm thương và bằng ước vọng của Chúa Giêsu là chia sẻ. Ai đến với Thánh Thể mà không có lòng cảm thương đối với những ai thiếu thốn và không biết chia sẻ thì không đẹp lòng Chúa Giêsu.
Lòng cảm thương, việc chia sẻ và Thánh Thể. Đó là đường lối Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta trong Phúc Âm hôm nay. Một đường lối dẫn chúng ta chẳng những đến chỗ đối diện một cách hiệp thông với các nhu cầu của thế giới này, mà còn dẫn chúng ta đến chỗ vượt ra ngoài thế giới này nữa, vì nó xuất phát từ Thiên Chúa và quay trở về với Ngài. Xin Trinh Nữ Maria là Mẹ của Đấng Quan Phòng Thần Linh đồng hành hỗ trợ chúng ta trong cuộc hành trình này.
Đaminh Marioa Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo http://www.zenit.org/en/articles/pope-s-angelus-address-sunday-august-3rd và tự đặt nhan đề và tự ý nhấn mạnh.
|