“ANH EM HÃY LÀM VIỆC NÀY ĐỂ TƯỞNG NHỚ ĐẾN THẦY”
(viết theo Lm. Erasto Fernandez,sss)
Trước Công Đồng Vatican II, đối với hầu hết mọi người, bữa tiệc Thánh Thể (hoặc thánh lễ như vẫn được gọi vào thời đó) không mang ý nghĩa gì hơn là một hy tế: Hy tế thánh thiện của thánh lễ chủ yếu nói về Thánh Thể. Thuật ngữ này không chỉ biểu thị điều muốn nói về Thánh Thể, nhưng còn biểu thị điều được mong đợi thực hiện: chỉ hỗ trợ cho “hy lễ” mà vị linh mục dâng lên nhân danh bản thân mình. Không lạ gì khi người ta rất quen thuộc với trạng thái thụ động trong thánh lễ. Người ta “đi” Lễ, “nghe” Lễ; trong điều kiện tốt nhất, họ tham dự thánh lễ – đây hoàn toàn là cách thức rất diễn cảm mà chúng ta nhìn vào thánh lễ.
Một cách thức khác diễn tả cùng sự thật là: Đối với rất nhiều Kitô hữu, thánh lễ là một nghi lễ mà họ tham dự, hầu nhận được điều gì đó – được ân huệ, sức mạnh để tránh tội lỗi, ơn tha thứ tội lỗi, gần gũi với Đức Giêsu, hoặc bất cứ điều gì! Ngay cho dù cuộc rước kiệu trong phần Dâng Lễ Vật vẫn thường được tiến hành, và phần này diễn tả một số ý tưởng về việc dâng hiến, nhưng đây chính là việc dâng hiến với một cái nhìn về việc nhận được: khi bạn càng dâng hiến, thì bạn càng nhận được!
Khi Công Đồng Vatican II thay đổi toàn bộ phương pháp cử hành thánh lễ, thì chúng ta được yêu cầu không phải là “đi” Lễ, hoặc “nghe” Lễ, nhưng là “tham dự thánh lễ”. Từ này không chỉ theo ngữ nghĩa, nhưng đây là một cách thức thực sự mới mẻ, về việc nhìn vào những điều xảy ra trong giáo hội. Chúng ta không còn quy tụ chung quanh “bàn thờ”, nhưng đúng hơn, chúng ta quy tụ tại “Bàn Tiệc của Chúa”. Chúng ta vui mừng đến với nhau, để ca tụng việc chúng ta nên một với Đức Kitô, trong Đức Kitô, và nên một với nhau. Kitô hữu là người đã từng cảm nghiệm được lòng nhân lành, lòng thương xót, và ân cần yêu thương của Chúa, và họ cùng nhau đến với các anh chị em mình, hầu xác nhận, nói với những người khác về “Tin Vui” này và hân hoan với Tin Vui này.
Rõ ràng, không ai có thể có một buổi cử hành một mình – hoàn toàn tự mình –, nhưng phải có một nhóm hoặc một cộng đoàn. Nhưng trong một buổi cử hành phụng vụ, điều quan trọng cần ghi chú, điều quan trọng hơn hết, là mỗi người tham dự đều phải là một chủ tế. Mỗi người đến đó, vì họ có điều gì đó để nói, điều gì đó để làm.
Chính vì hiện nay, chúng ta coi thánh lễ như một buổi cử hành, nên có rất nhiều hoạt động, hoặc tham dự, qua việc cầu nguyện, ca hát và nói chung, trong tất cả mọi việc diễn ra hầu làm nên thánh lễ. Việc tham dự của giáo dân vào bài đọc, chú giải, chuẩn bị các lời nguyện tín hữu, ngay cả việc cho Rước Lễ – toàn bộ việc này không chỉ là một cách nhân nhượng đối với giáo dân; đây chính là công việc của giáo dân, theo quyền hạn của họ. Mỗi giáo dân đều có một vai trò, và khi mỗi chúng ta đều có thể làm được đôi chút việc gì, thì chúng ta có một buổi cử hành thánh lễ trong một cộng đoàn đích thực.
Chúng ta đã áp dụng phương pháp này suốt khoảng 20 năm, và chúng ta hy vọng rằng hầu hết mọi Kitô hữu, giáo dân và ngay cả hàng giáo sĩ, đều sẽ hiểu được mục tiêu, sau những thay đổi của Công Đồng Vatican II. Tuy nhiên, toàn bộ điều mà Công Đồng Vatican II dường như đã đạt được là làm cho mọi người nhận ra rằng họ đóng một vai trò trong việc cử hành – chủ yếu trong việc cử hành, ngay cả nếu điều này thực sự được hiểu nhiều theo nghĩa sâu xa nhất của nó, thì chắc hẳn điều này bắt đầu thay đổi đời sống mọi người; vì trong thánh lễ, chúng ta không thể thực sự ca tụng tình yêu và lòng nhân lành của Thiên Chúa, nếu chúng ta không ý thức được hành động tình yêu này trong cuộc sống mình. Hơn nữa, khi chúng ta càng nhận lấy một quan điểm cử hành tích cực trong thánh lễ, thì chúng ta càng trở nên ý thức rằng tình yêu Thiên Chúa vẫn có tác dụng trong cuộc đời chúng ta sau buổi cử hành. Dần dần, nhưng một cách hiệu quả, chúng ta bắt đầu “sống, cử động và hiện hữu chính ở nơi Người” (Cv 17:28).
Nhưng thật không may, hầu hết mọi người đều đồng ý rằng các buổi cử hành thánh lễ của chúng ta lại không tạo ra được loại hiệu quả lâu dài đó trong đời sống. Dường như thánh lễ kết thúc với bài thánh ca cuối cùng, và đời sống hằng ngày ít mang chứng từ được ảnh hưởng từ thánh lễ. Chắc hẳn chúng ta cần phải thực hiện nhiều việc cần thiết hơn trong phạm vi này của đời sống, chứ không chỉ cử hành thánh lễ.
Ở cuối phần Truyền Phép, chúng ta có lệnh truyền rõ rệt của Đức Giêsu: “Anh em hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy”. Những lời này vẫn được sử dụng để chứng tỏ sự kiện rằng trong Bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu ban cho các môn đệ quyền “truyền phép” Thánh Thể, vì thế, Người đã truyền chức linh mục cho các ông. Mặc dù điều này chắc chắn đúng, và không ai tranh cãi, nhưng chúng ta vẫn không được quên rằng những lời này cũng được áp dụng cho tất cả mọi Kitô hữu, ban đặc quyền cho họ và thách thức họ (vì họ cũng là tư tế), về việc “truyền phép” Thánh Thể. Do đó, những lời này rất quan trọng đối với tất cả chúng ta.
• Làm
Trước hết, hãy ghi chú rằng Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta phải làm điều gì đó khi quy tụ để cử hành thánh lễ. Thật là hoàn toàn xa lạ đối với tinh thần của Đức Giêsu, khi các môn đệ cùng nhau đến, để rồi chỉ trở thành những khán giả trong một vở kịch, bất kể buổi lễ thánh thiêng như thế nào! Đức Giêsu muốn từng người và mọi người hiện diện đều phải tích cực, phải làm điều gì đó. Đây là nguyên nhân tại sao Công Đồng Vatican II nhấn mạnh rất nhiều vào ý tưởng về “thánh lễ như buổi cử hành”, vì trong một buổi cử hành đích thực, từng người đều phải tham dự – mọi người đều có việc nào đó để làm.
Điều này thật rõ ràng, hiển nhiên, trong cách thức giáo hội tiên khởi cử hành thánh lễ. Có vài vai trò cần được thực hiện, và không người nào thi hành quá một vai trò. Chẳng hạn, cần có một người đọc các bài đọc, người nào đó hướng dẫn việc ca hát, những người khác mang các lễ vật lên và giám sát việc phân phối các lễ vật này sau thánh lễ, những người khác giúp cho việc “Rước Lễ”, trong khi vẫn còn những người khác tự nhận lấy việc chuẩn bị chỗ (ngày nay, ông từ thực hiện việc này). Một nhóm người khác xem xét việc chuẩn bị bánh, rượu, nến và khăn trải bàn thờ – vì thế, rõ ràng buổi cử hành hoàn toàn là việc của “cộng đoàn” – tất cả mọi người đều có việc nào đó để làm và cùng nhau làm, đây là ý nghĩa lớn hơn của sự “nên một” và sau đó là sự “cộng tác”.
Tuy nhiên, khi thời gian qua đi, thánh lễ càng ngày càng trở nên xa lạ hơn đối với cuộc sống mọi người; chủ yếu vì tiếng La tinh, vốn đang là ngôn ngữ phụng vụ, không còn là “phương ngữ” nữa, và cũng vì những lễ nghi khác nhau của triều đình được đưa vào phụng vụ. Vì thế, cần đến các chuyên viên, và Kitô hữu bình thường tự cảm thấy mình càng ngày càng trở nên không cần thiết nữa – cho đến thời điểm mà thậm chí linh mục có thể dâng thánh lễ một mình, trong một căn phòng nhỏ âm thầm nào đó của đan viện. Ngay cả như vậy, thì ít nhất về mặt lý thuyết, chiều kích giáo hội của thánh lễ, sự kiện thánh lễ vẫn còn là “công việc của giáo hội”, vẫn được duy trì mạnh mẽ trong suốt lịch sử giáo hội.
Vì thế, thật đúng đắn và chính đáng, khi tất cả mọi người hiện diện trong thánh lễ đều nên làm việc nào đó. Nhân đây, ngay cho dù hơn 20 năm kể từ Công Đồng Vatican II, chúng ta vẫn chưa bỏ được não trạng thụ động đối với thánh lễ, cả đối với các bí tích khác. Ngay cả ngôn ngữ và cách thức chúng ta nhìn vào các bí tích vẫn bộc lộ tính thụ động của mình! Chúng ta đi để “nhận được” các bí tích – và trong thực hành, chúng ta chỉ là những người nhận tất cả các bí tích, thụ động nhận điều mà chúng ta coi như trao cho chúng ta. Chỉ trong bí tích hôn phối, chúng ta mới có ý thức nào đó về vai trò chủ động của mình – ít nhất chúng ta ý thức rằng đôi hôn phối là những người thi hành bí tích, và vị linh mục chỉ được đặc quyền làm nhân chứng thôi! Vì thế, cần phải thực hiện nhiều điều về phương pháp nói chung đối với đời sống bí tích của giáo hội, trước khi chúng ta có thể bắt đầu nghiêm túc thực hiện lệnh truyền này của Đức Giêsu trong thánh lễ.
Nhưng như vậy, khi công nhận rằng chúng ta hiện diện trong thánh lễ để làm việc nào đó, thì rõ ràng câu hỏi kế tiếp là: Chúng ta có bổn phận phải làm gì? Phải chăng chúng ta cứ ngồi và đứng đúng lúc, lớn tiếng đọc những câu đáp một cách hiểu biết, thực hiện phần đóng góp nhỏ bé của mình đối với bài đọc v.v...? Mặc dù đây là phần tối thiểu cơ bản, nhưng vẫn còn nhiều việc hơn mà Đức Giêsu đang yêu cầu chúng ta phải làm.
• Tưởng Nhớ
Việc mà Đức Giêsu yêu cầu chúng ta làm là “tưởng nhớ”. Điều này thường được hiểu là “kỷ niệm”. Chúng ta hiểu là nhớ lại hoặc gợi lại. Tưởng nhớ là một từ chuyên môn, biểu thị điều gì đó rất đặc biệt nơi dân Do Thái. Điều này đi thật xa, vượt trên việc chỉ là ký ức hoặc nhớ lại; cũng không được nhầm lẫn với việc thực hiện lập lại, làm việc nào đó tương tự như việc Đức Giêsu đã làm.
Nói đúng ra, tưởng nhớ nghĩa là làm ngay bây giờ, ngày hôm nay, một cách đồng nhất với cùng hành động mà Đức Giêsu đã làm. Điều này đơn giản có nghĩa là đưa ra đúng lúc, cùng chính hành động mà Đức Giêsu đã từng làm trong Bữa Tiệc Ly. Bây giờ, rõ ràng một kỳ tích như vậy chỉ có thể dành cho Thiên Chúa, vì Người ở bên ngoài thời gian và không gian, và Người không bị ràng buộc vào những giới hạn hoặc hạn chế của chúng. Thiên Chúa vĩnh viễn ở trong lúc này, vì thế, những hành động của Người luôn luôn nằm trong hiện tại – ngược lại đối với chúng ta, từng hành động đều bị ràng buộc vào thời gian, và ngay khi hành động được thực hiện, thì nó lùi vào quá khứ. Một lúc sau, hoặc một giờ sau, chắc hẳn tôi có thể làm một việc khác tương tự như việc này, nhưng không bao giờ là cùng một việc giống hệt nhau. Nhưng đối với Đức Giêsu thì khác hẳn.
Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng Đức Giêsu đã tự hiến tế “một lần là đủ” – Người là Đấng không cần phải dâng lễ tế hy sinh mỗi ngày, như các thượng tế khác vẫn làm, vì những tội lỗi của họ và của những người khác, vì Người đã dâng hy tế này một lần là đủ, bằng cách dâng hiến chính mình Người. Lề luật chỉ định các thượng tế là những người lệ thuộc vào tình trạng yếu đuối; nhưng lời thề hứa, đến sau Lề luật, lại đặt Chúa Con đã nên thập toàn cho đến muôn đời (Dt 7:27-28). Vì thế, lễ tưởng nhớ chỉ có thể dành cho Thiên Chúa. Mọi ví dụ khác mà chúng ta có đều chỉ là ngày kỷ niệm hoặc lễ kỷ niệm. Do đó, trong lễ kỷ niệm 25 năm ngày kết hôn, hai vợ chồng đến tham dự thánh lễ, và sau bài giảng, một lần nữa, vị linh mục chúc lành cho hai chiếc nhẫn mà họ đeo cho nhau, chúng ta không làm chứng một lễ kỷ niệm, vì lý do đơn giản là hai người không kết hôn lại một lần nữa, như họ đã làm trước đây 25 năm. Điều tương tự đối với việc kéo cờ lên trong Ngày Độc Lập và Cộng Hòa – đất nước không trở thành một đất nước tự do và cộng hòa một lần nữa.
Vì thế, điều Đức Giêsu yêu cầu chúng ta thực hiện, đó là làm cho hiện diện lại hành động của Người: như vậy, một cách hiểu đúng hơn về việc tưởng nhớ, đó là hành động hiện diện lại, làm cho hiện diện lại chính xác việc mà Đức Giêsu đã từng làm. Đây là thách thức đối với chúng ta – việc công bố!
Nhưng một lần nữa, chúng ta có thể hỏi: Việc Đức Giêsu đã từng làm trong Bữa Tiệc Ly, mà hiện nay Người muốn chúng ta làm cho hiện diện lại, chính xác là gì? Trong bản văn chúng ta đang suy niệm, Đức Giêsu chỉ định việc Người muốn chúng ta trình bày, vì Người nói: “Anh em hãy làm việc này!”.
• Cầm Lấy-Tạ Ơn-Bẻ Ra-Trao Cho
Lời phát biểu của Đức Giêsu về “việc này” có thể được tóm tắt trong bốn động từ quan trọng: Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra ra và trao cho các môn đệ, nói rằng: “Tất cả anh em hãy cầm lấy mà ăn – đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em”. Đây là những hành động chủ yếu của Đức Giêsu, mà bây giờ, Người muốn chúng ta làm cho hiện diện lại, làm cho thực sự trở lại trong bối cảnh và cuộc đời riêng của mình. Bây giờ, điều quan trọng là chúng ta cảm thấy được đầy đủ ý nghĩa của thách thức và việc công bố chứa đựng trong lời phát biểu này: Với tư cách môn đệ Đức Giêsu, nếu tôi làm cho hành động của Người hiện diện lại, thì nhất thiết tôi phải có cùng tinh thần và thái độ mà Người đã từng có, khi Người đến với Bữa Tiệc Ly.
Mặc dù đây là sự lập lại, nhưng điều quan trọng cần nhớ là đối với Đức Giêsu, thật không hề dễ dàng, khi tuân phục thánh ý Thiên Chúa và chấp nhận cái chết vào lúc gay go của cuộc đời Người. Nói theo con người, nếu vào thời điểm đó, Thiên Chúa yêu cầu Đức Giêsu rút lui khỏi bối cảnh, thì Người có thể làm sao để thiết lập Vương Quốc của Người, đây là điều hoàn toàn không rõ ràng. Sau khi Đức Giêsu ra đi, không vị tông đồ nào rất tin tưởng vào mục đích đích thực và nét đặc trưng của vương quốc mà họ có thể thi hành sứ vụ của Người. Chắc hẳn nếu hiện nay Đức Giêsu phải ra đi, thì vương quốc này sẽ tan vỡ thành tro bụi, như rất nhiều đế quốc vĩ đại khác trong suốt lịch sử. Như vậy, tất cả mọi sự nơi Người đều sẽ nổi dậy chống lại việc chấp nhận sắc lệnh của Chúa Cha, rằng Người phải trải qua cái chết ở thời điểm này. Tuy nhiên, với niềm tin mạnh mẽ không thể lay chuyển nơi tình yêu của Chúa Cha, và niềm mong ước luôn luôn ban cho chúng ta những điều tốt đẹp cho chúng ta, Đức Giêsu vẫn mạnh dạn tiến bước: Người cầ m lấy tấm bánh sự sống của mình, và với lời chúc tụng vui tươi trên môi, Người từ bỏ mình, bẻ tấm bánh sự sống của mình ra, quảng đại trao bánh “cho anh em”.
Bây giờ, nếu chúng ta phải làm cho hiện diện lại những hành động của Người, và quan trọng hơn, thái độ của Người, thì chúng ta cũng cần phải cầm lấy tấm bánh sự sống của mình, như hiện nay chúng ta trải nghiệm nó một cách cụ thể, những thánh giá đặc trưng mà chúng ta đương đầu, những tình huống quá đáng tại nhà và cơ quan; những người bạn thân lại phản bội hoặc bỏ rơi chúng ta, chính khi chúng ta cần đến sức mạnh và sự hỗ trợ của họ; những năm qua, sức khỏe và năng lực của chúng ta suy giảm – tất cả những điều này khiến chúng ta cảm thấy mình ở trong một tình trạng không thể chịu nổi, mà chúng ta sẽ không bao giờ có khả năng đương đầu với nó! Đây chính là tấm bánh mà chúng ta được yêu cầu phải bẻ ra, với lời ca tụng trên môi và niềm hy vọng vui tươi trong tâm hồn mình, hầu bắt đầu bẻ gãy sự phản kháng khủng khiếp của chúng ta – và tự-hiến thân, có lẽ ngay cả cho những kẻ phản bội chúng ta và sẽ xé nát chúng ta thành từng mảnh!
Với những đợt trào dâng nỗi sợ hãi phun lên thật mạnh mẽ từ bên trong, chúng ta nói (những lời mà chúng ta thực sự cất lên trong câu tung hô sau khi Truyền Phép) : “Đức Kitô đã chết, Đức Kitô sống lại, Đức Kitô sẽ lại đến!”. Nói cách khác, đúng là Đức Kitô đã chết, nhưng cái chết này vẫn không hết chuyện – Người đã sống lại từ cõi chết, và Người sẽ lại đến trong vinh quang – cũng vậy, khi tôi chết (về mặt danh tiếng, con người, hoặc tình trạng), thì tôi sẽ sống lại (ngay cho dù tôi không thể nhìn thấy khi nào hoặc như thế nào), và tôi cũng sẽ chia sẻ trong vinh quang trọn vẹn của Người. Đây chính là mầu nhiệm đức tin mà chúng ta vẫn tuyên xưng, và trong đức tin, chúng ta giữ vững lời Thiên Chúa, vì Người là Thiên Chúa trung thành, Đấng sẽ không đi ngược lại lời hứa của Người.
• Làm Cho Thầy Hiện Diện Lại
Bây giờ, không phải cho đến khi tôi thực sự làm việc này (chính xác việc mà Đức Giêsu đã từng làm, và với trạng thái tinh thần của Người), thì tôi mới để cho việc tưởng nhớ diễn ra. Do đó, chúng ta có thể nói rằng ý nghĩa đầy đủ của từ cuối cùng trong câu này, Thầy, tùy thuộc rất nhiều vào từng người chúng ta. Vì chỉ khi nào tôi tự bẻ mình ra một cách quảng đại và yêu mến, vì ích lợi của những người khác, thì bấy giờ, tôi mới làm cho Đức Giêsu hiện diện lại. Khá thông thường, trong quá khứ, chúng ta vẫn nghĩ đến sự hiện diện của Đức Giêsu trong Thánh Thể theo một cách thức rất tĩnh lặng và không liên quan đến ai. Chúng ta tưởng tượng rằng Đức Giêsu trở nên hiện diện ngay khi những lời truyền phép được thốt ra (ngay cả do một linh mục bất xứng hoặc ở trong tình trạng tội lỗi!). Điều này đúng, nhưng không phải là chân lý trọn vẹn, phong phú, có tác động mạnh mà Đức Giêsu đã ban cho chúng ta. Người không đến nhằm mang lại cho chúng ta một sự hiện diện tĩnh lặng, khách quan, để rồi sau đó, chúng ta mang đi quanh trong đám rước. Nếu lần Người đến đầu tiên là trong máu thịt (“Ngôi Lời đã trở thành người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” – Ga 1:14), thì tại sao hiện nay, việc Người đến một cách bí tích lại bị giới hạn chỉ thành một sự vật – tại sao chúng ta vốn là con người sống động, chúng ta lại cũng không trở thành những bí tích về sự hiện diện của Người? Và đây là điều mà dường như Đức Kitô hàm ý, khi Người nói: “Anh em hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy!”. Người muốn hiện diện bây giờ, trong cuộc đời bạn và tôi – trong những hành động, suy nghĩ, mong ước của chúng ta – trong từng khía cạnh cuộc đời chúng ta. “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2:20). Tới mức độ hiện nay, chúng ta không thích nghi lối sống của mình với lối sống của Đức Kitô, tới mức độ chúng ta làm cho sứ điệp của Người trở nên nghèo nàn đi.
Nếu chúng ta lấy ví dụ về một tảng băng, thì ví dụ này có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về điều cực kỳ cần thiết đối với Kitô hữu, đó là phải trở thành một Kitô khác. Ngọn núi băng khổng lồ chỉ là một thực thể, có thể nói là một hữu thể. Vì nó là một tổng thể, nên bất cứ điều gì nói về một phần, thì đều cũng phải gán cho tất cả các phần khác. Chẳng hạn, để cảnh báo các thủy thủ về những tảng băng này, thì cần phải đặt tên cho chúng. Cái tên này áp dụng vào phần tảng băng nổi lên bên trên mặt nước, cũng như 9 phần 10 tảng băng còn ẩn bên dưới mặt nước. Khi mùa hè đến, tảng băng bắt đầu tan chảy – điều này có nghĩa là phần bên trên mặt nước tan chảy, do đó, làm cho toàn bộ ngọn núi băng trở nên nhẹ hơn; vì thế, một lớp trước đây vốn ở bên dưới mặt nước, thì bây giờ lại nổi lên bề mặt. Khi lớp này tan chảy, lớp kế tiếp sẽ “nổi lên” bề mặt, và cứ thế, cho đến khi toàn bộ tảng băng đều tan chảy.
Khi sử dụng ví dụ về tảng băng, chúng ta có thể hiểu rằng thật quan trọng như thế nào đối với chúng ta, khi làm chính xác việc mà Đức Giêsu đã từng làm đối với Thánh Thể. Toàn bộ tảng băng chính là Đức Kitô. Phần nổi lên bên trên mặt nước nguyên thủy là Đức Giêsu trong cuộc đời trần thế của Người. Trong con người của Đức Kitô, Người “cầm lấy bánh ...”, Người thưa “Xin Vâng” đối với Chúa Cha. Nhưng điều có thật nơi Đức Giêsu (phần nổi lên bên trên mặt nước), thì cũng có thật đối với phần bên dưới mặt nước, bao gồm chúng ta, hết thế hệ này sang thế hệ khác. Đức Giêsu sống cuộc đời của Người, nói lời Xin Vâng, và ra đi khỏi thế gian này. Điều này giống như sự tan chảy lớp băng trên cùng. Sau đó, đến lượt lớp thế hệ kế tiếp đối diện với mặt trời, nói chính xác điều mà Người đã nói, ý muốn nói điều Người đã nói, và trung thành thực hiện việc đó. Và việc này vẫn diễn ra, hết thế hệ này sang thế hệ khác, để rồi hiện nay, đến lượt tôi nói lời Xin Vâng, bẻ ra tấm bánh của cuộc đời mình. Khi tôi không tự bẻ mình ra, hoặc ngay cả khi tôi bẻ ra nhưng không theo “tinh thần” của Đức Kitô, thì bằng cách này hay cách khác, tôi đặt bản thân mình bên ngoài Đức Kitô, hoặc thậm chí chống lại Đức Kitô – tôi không nên một với Người, hoặc không hòa hợp với Người.
Vì thế, bằng cách này hay cách khác, động cơ đối với sự hiện diện của Đức Giêsu tùy thuộc vào cách thức tôi quảng đại đáp lại Lời Công Bố: “Anh em hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy!”. Mỗi lần chúng ta tự bẻ mình ra vì ích lợi cho những người khác, thì chúng ta cảm nghiệm được sự hiện diện của Người. Điều này có thể diễn tả bằng một lời diễn giải nhẹ nhàng của Đức Giêsu: “Mỗi lần các ngươi làm việc này (tự bẻ mình ra) cho người anh em bé nhỏ nhất, là các ngươi làm cho Tôi hiện diện giữa các ngươi”. Lời diễn giải này không đơn thuần là ý tưởng viễn vông: Thánh Luca nhấn mạnh chính xác điều này, trong bản tường thuật của ngài về hai môn đệ trên đường Emmau – Đức Giêsu đã hiện diện một cách ẩn mình, suốt dọc theo con đường, khi Người giải thích chi tiết cho họ về các bài Kinh Thánh. Chỉ đến khi hai môn đệ sẵn sàng bỏ đi sự riêng tư và lợi ích của họ, bằng cách mời người khách lạ chia sẻ bữa ăn với họ, thì họ mới phát hiện Đức Giêsu đang thực sự hiện diện và sôi nổi vận động họ trở lại với cộng đoàn, và một lần nữa, họ khám phá được sự hiện diện của Người ở giữa họ.
Sự việc chúng ta đáp lại câu tung hô tưởng nhớ biểu thị rằng chúng ta đã lắng nghe Lời Công Bố, và thực sự sẵn sàng noi gương Đức Giêsu, qua việc không sợ hãi tự bẻ mình ra trong sự vâng phục thánh ý Chúa Cha. Đức tin và sức sống mà chúng ta đọc hoặc hát câu tung hô nên biểu thị điều gì đó cho những người chung quanh; hơn nữa, nếu chúng ta đáp lại một cách hào hứng, thì chắc chắn những lời này trở lại với tâm trí, vào những lúc chúng ta cần đến chúng nhất – một đòi hỏi đột ngột đối với chúng ta, những tin xấu đưa ra cho chúng ta không đúng lúc v.v...
• Cha Thánh Maximillian Kolbe
Qua việc đáp lại này, chúng ta nói rằng: “Quả thật Đức Kitô đã chết – nhưng Người đã sống lại và sẽ đến trong vinh quang. Vì thế, khi tôi chết (dù đó là cái chết từ từ, dần dần của sự tự-hiến thân, hoặc ngay cả cái chết trọn vẹn và đầy đủ vào cuối đời) thì tôi vẫn tin rằng tôi cũng sẽ sống lại và chia sẻ trong vinh quang của Người”. Hơn nữa, vì tôi tin tưởng điều này, nên bây giờ, tôi không sợ từ bỏ mình hoặc mất đi bản thân!
Chúng ta có một tấm gương truyền cảm hứng về kiểu hoàn toàn từ bỏ mình và không sợ hãi nơi cha thánh Maximillian Kolbe. Trong thế chiến II, quy luật tại tất cả các trại tập trung ở Đức là nếu một tù nhân bỏ trốn, thì người ta sẽ chọn cách ngẫu nhiên bất cứ 10 người nào trong số những người thuộc nhóm của tù nhân này, và bỏ vào xà lim chết đói. Vì thế, buổi tối, khi phát hiện một tù nhân trong nhóm của cha Maximillian đã bỏ trốn, thì viên sĩ quan chỉ huy nghiêm túc nhưng lại nhẫn tâm đã gọi 10 tù nhân ra và cho họ xếp hàng trước mặt người còn lại.
Khi những tù nhân này sắp bước đi, thì một tù nhân trẻ nhất đã hết sức lớn tiếng kêu lên một cách thật đáng thương, van xin được miễn khỏi, vì anh ấy có người vợ trẻ và một đứa con phải chăm sóc. Những tiếng kêu xé lòng của anh đã rơi vào những lỗ tai điếc – nhưng chỉ bề ngoài thôi; vì một lúc sau, có một sự thinh lặng khủng khiếp trong trại, khi một tù nhân khác dũng cảm bước ra trước mặt viên sĩ quan chỉ huy và thì thầm điều gì đó vào lỗ tai ông ta. Một việc như vậy không bao giờ được thực hiện mà không bị trừng phạt. Thay vì tiếng quát tháo thông thường mà các tù nhân tin là sẽ xảy ra, thì họ đều kinh ngạc khi thấy viên sĩ quan chỉ huy cười nhạo người tù nhân này, cha Padre Maximillian Kolbe, và ông ta nói với ngài: “Được thôi, Padre, anh cứ việc thế chỗ cho tên tù nhân đó!”, và ông ta đã ra lệnh cho hai tù nhân đổi chỗ cho nhau. Cha Maximillian đi đầu 10 tù nhân bất hạnh đến xà lim chết đói, trong khi họ cứ ca hát chiến thắng, và suốt thời gian ở đó, ngài vẫn giữ vững tinh thần cho họ, hướng dẫn họ cầu nguyện, ca hát và những việc thuộc loại như vậy. Phải mất nhiều ngày hơn bình thường, để các tù nhân này lần lượt chết, từng người một – nhưng một cách đặc trưng, từng tù nhân vẫn có bài hát vui tươi trên môi. Cha Maximillian sống lâu hơn tất cả các tù nhân đó, nhưng cuối cùng, khi người ta cần có xà lim cho một nhóm khác, thì những cai tù đã quyết định kết thúc mạng sống của ngài bằng một mũi tiêm chất độc cyanide.
Mỗi khi chúng ta nghe nói đến vị anh hùng siêu phàm này, thì câu hỏi tự nhiên đến trong tâm trí là: “Tại sao cha Kolbe lại làm một việc như vậy?”, hoặc thậm chí: “Điều gì mang lại cho ngài sức mạnh để từ bỏ mạng sống quý giá của mình? – xét cho cùng, ngài có thể làm được rất nhiều việc hơn vì chính nghĩa là lẽ công bằng, nếu ngài tiếp tục sống!”. Tôi muốn gợi ý rằng bằng cách này hay cách khác, chính các thánh lễ mà ngài cử hành, ngay cả trong trại giam, đã truyền cảm hứng cho ngài hành động như vậy. Nếu trong từng thánh lễ, ngài đều nghe thấy Lời Công Bố và “nhìn thấy” tấm gương tự-hiến thân của Đức Giêsu (cũng hiến thân để cứu mạng sống của những người khác), và đáp lại Lời Công Bố này bằng những cách thức nhỏ bé, thì chúng ta không ngạc nhiên khi ngài chớp lấy cơ hội này, để hoàn toàn dâng hiến chính mạng sống của mình! Việc cha Kolbe tự-hiến thân hằng ngày trong thánh lễ sẽ chuẩn bị cho ngài món quà tặng anh hùng và vĩ đại, đó là chính mạng sống của mình. Qua việc phong thánh ngài, Thánh Kolbe vẫn tiếp tục sống giữa chúng ta – cái chết của ngài không hề vô ích, không chỉ đối với tù nhân mà ngài đã cứu được mạng sống (người đã có mặt trong buổi lễ phong thánh ngài vào tháng 11-1982, đúng 40 năm sau sự kiện cứu mạng này), nhưng cả đối với chúng ta nữa!
Như vậy, cách thức Lời Công Bố tác động trong giai đoạn này sẽ như thế này: Khi tôi tự khóa chặt trong những nỗi sợ hãi, hoài nghi và mong ước ích kỷ của mình, nhằm tự bảo vệ bản thân bằng mọi giá, thì tôi nhận thấy trước mặt mình tấm gương của Đức Giêsu – một người trẻ trong trạng thái sung sức nhất của cuộc đời, vẫn vui vẻ và không sợ hãi khi từ bỏ mạng sống mình thậm chí cho đến chết. Tất cả mọi sự trong tôi dường như đều la lớn: “Điều này không nên xảy ra – đây là điều vô nghĩa!”. Tuy nhiên, khi tôi nhận thấy Đức Giêsu vẫn thanh thản từ bỏ mình, thì điều này làm cho tôi ngừng lại và đặt câu hỏi: “Nếu Người có thể làm như vậy, thì tại sao tôi không thể làm được? Tại sao tôi lại là một kẻ hèn nhát đến thế? Bằng cách này, liệu tôi sẽ thực sự có khả năng giữ an toàn cho cuộc đời mình không? Tôi giữ được bao lâu, và có ích lợi gì?”.
Tôi lại nghe thấy những lời của Đức Giêsu: “Trừ phi hạt lúa mì ...”. Tôi nhận thấy những hành động của Người phần nào theo cách thức thánh Phêrô nhìn vào đôi mắt Đức Giêsu, trong đêm Người bị bắt giữ – và tôi tự cảm thấy mình được gọi ra ngoài, bước đi trong đức tin, và từ bỏ điều mà trước đây tôi đã từng bám víu! Đức Kitô đã chết, Đức Kitô sống lại, Đức Kitô sẽ lại đến! Vì thế, tôi cũng sẽ như vậy! Tôi không thể nhìn vào đôi mắt Đấng Cứu Độ chịu đóng đinh của tôi, để rồi vẫn cứ tiếp tục phấn đấu một cách tuyệt vọng, nhằm bảo vệ và giữ an toàn cho cuộc đời mình.
Lm. Giuse Trần Đình Long Dòng Thánh Thể
|