Bố ơi, con nhớ Bố Cháu gái từ Mỹ gởi chúc mừng ngày Người Cha. Không rõ các nước có mừng Cha khác nhau không, nhưng Cha chỉ có 1 và luôn là người ít được nhớ hơn bà Mẹ dịu dàng, gần gũi con cái. Tôi cũng gần Mẹ hơn Cha , nhưng trong kí ức của tôi người Cha quá cố vẫn nguyên vẹn hình bóng nhân hậu, lặng lẽ thương yêu gia đình, con cháu, anh em và những người bên dưới của ông, kể cả khi ông rầy rà con cháu ngỗ nghịch . Ông ít nói , ít tranh cãi , ít ra lệnh, mà chỉ sống bằng hành động theo đạo lý của tôn giáo và thế hệ ông, cho gia đình và cuộc sống quanh ông. Công bằng, bác ái và chân thực là điều ông đã dậy tôi qua những ngụ ngôn của La Fontaine và giáo lý của chúng tôi . Là con út nhỏ hơn người anh kế gần 10 tuổi , tôi được ông " chiều" hơn anh chị một chút . Ông ăn 1 lóng mía tôi cũng được ngồi bên, tôi lại chỉ thích khúc "đầu mặt" khi ông cắt thêm vào khúc " mía thịt " dài hơn cho tôi, Mẹ tôi không chịu được mùi thịt trâu bò, thịt chó, bơ sữa , anh chị tôi theo mẹ , mâm hai Bố con ăn riêng khi có những món đó đã giúp tôi thành " Vô Kị" khi ra đời . Lúc 3 chị em còn sống với Bố Mẹ chưa ai lập gia đình , ví tiền của ông chỉ mình tôi dám lục khi thèm quà vặt do Mẹ không hề cho tiêu tiền . Ông lĩnh lương là đưa hết cho Mẹ, Mẹ thường "lục" ví ông kiểm soát để " châm" thêm tiền cho ông ăn sáng , tôi lục để tìm tiền lẻ . Có lần tôi thèm kem quá mà trong ví ông chỉ có tờ bạc 50 chục tôi liều lĩnh một cách ngu ngốc lấy tờ 50 chục này định chiều về trả lại tiền dư , hôm đó ông ăn phở Tầu Bay mở ví không còn tiền phải để ông tài xế của sở trả , chiều về ông âm thầm hỏi tôi khi tôi đưa ra 1 nắm tiền đúng...49 đồng. Ông kéo tôi ra 1 góc để tránh Mẹ và từ đó tôi được nghe nhiều lần chuyện ngụ ngôn " Au Loup" , con chó sói của cậu bé đùa dối hô hoán giả tạo và lần sau cậu đã chết vì chó sói thật do không ai đến cứu . Là người Bắc trong nhà không có chuyện con trai ở trần mặc quần đùi, tối đi ngủ dù trời nóng cũng phải mặc pyjama hay quần ta dài, áo may ô , ông không bao giờ la rầy tôi khi phá luật mà chỉ " dũa" ông anh không chăm dậy em. Sáng sớm thức dậy ông bắt mỗi anh em vào toilet ngồi 15 phút , anh em tôi thoát khỏi di truyền bệnh táo bón khủng khiếp của Mẹ chính nhờ "cữ " mặc niệm bắt buộc mỗi sáng này của ông . Ông còn cả kho ca dao, cách ngôn cho mọi trường hợp để dậy tôi . Hay sang nhà bạn thì " Năng mưa thì tốt lúa đường - Năng qua lại lắm xem thường nhau đi " , quần áo luộm thuộm thì " Y phục xứng kì đức .." . Duy có một điều ông không hề dậy tôi bằng lời nhưng từ hành vi của ông, có lần ông đưa cả tháng lương cho người thuộc cấp than thở vợ con đau bệnh không có tiền lo , lâu quá Mẹ hỏi lương thì ông mới rì rầm nói" Nhà nó nghèo quá , đưa cả rồi !!" , khi làm ở Báo Văn Nghệ Tiền Phong đám kí giả văn nghệ sĩ thưòng nắm áo ông vay tiền trước , ông " vay" từ túi Mẹ đưa họ rồi chịu im lặng nghe bà cằn nhằn. Sống như thế nhưng ông không uống thứ nước nào ngoài nước đun sôi , không trà, rượu, cà phê, tất nhiên không thuốc lá và đàn đúm bạn bè , chỉ có công việc, nhà thờ và gia đình , thỉnh thoảng gia đình tụ họp em cháu cuối tuần mở canh Bài Chắn giải trí ông chơi rất dở , có khi còn bị Mẹ tôi cấm vận , tôi hay lấy nê con út lăn vào cầm bài cho Bố để bà thôi cằn nhằn . Các cháu con chị tôi ở Thủ Đức thường nhắc chuyện sau 75 ông đã gần 80 mà vẫn đạp xe từ Tân Bình lên ra vườn dọn dẹp cây cối , hỏi han vài điều, uống li nước lạnh rồi lại đạp xe về lo cho đám cháu nội ở Saigon, lúc đó cả hai anh em tôi đều còn cải tạo. Thời gian trước khi ông mất năm 2005 , ông đã hơi lẫn và chướng, nằm bệnh viện bác sĩ muốn vô nước biển ông nhất định là " Nó định đầu độc tôi cho thuốc giả ", các cháu phải gọi tôi về thủ thỉ giải thích, ông lại cười nói " Bố phải cảnh cáo trước " rồi đưa tay cho vô thuốc. Những năm cuối đời của Cha Mẹ, tôi thật may phước được gần bên để cùng con cháu chăm lo cho hai vị , được các cụ thường đòi có mặt khi nhập viện hay tưởng là trăn trối lần cuối . Cha tôi đã mê man ít ngày trước khi mất , người không trăn trối điều gì cho con cháu được ngoài " thương hiệu " di sản của một con người hiền hòa, nhân hậu, bình dị . Mất nhiều năm tôi mới hiểu lí do mình gần Mẹ hơn ông , bà trò chuyện với tôi nhiều hơn ông , dậy dỗ con cái nghiêm khắc hơn ông , cũng làm nhiều quyết định và gánh vác đời sống gia đình, gia tộc nhiều hơn ông . Sự sắc sảo, khôn ngoan rất chính đáng của bà chi phối không chỉ gia đình mà còn toàn gia tộc và mỗi giai đọan quan trọng trong đời tôi ,khi ở xa đau yếu, khó khăn thì chính bà là người chủ trì bàn tính hay đích thân lo liệu, các con, cháu tôi, anh chị tôi , cháu ông bà cũng một tay bà lo liệu . Ông chỉ gần tôi khi tôi đã rất trưởng thành , gần 10 năm cuối đời ông thì hầu như tôi là điểm tựa , sự an tâm, vui thú của ông , là người bạn trẻ duy nhất của ông khi kiên nhẫn giải thích những điều ông hỏi, khi đưa ông đi đây đó vẫn để ông thỏa thích nghiền ngẫm, quan sát , hỏi han về những điều mới lạ quanh ông, suốt đời ông không khi nào nắm giữ, đòi hỏi tiền bạc, tài sản nhưng gần cuối đời ông thường nói tôi đưa tiền , chỉ những số tiền rất nhỏ , khi " Để Bố hớt tóc ", khi " Để bỏ nhà thờ hay cho kẻ khó " , kể cả khi ông đã lẫn thường đến một tiệm thuốc Tây quen gần nhà tự định bệnh, tự kê toa đòi lấy thuốc và nói : " Cháu T. sẽ trả tiền " . Anh dược sĩ quen đồng ý với tôi cứ đưa ông 1 liều thuốc bổ vô thưởng vô phạt cho ông vui. Vâng, đó là cha tôi , người con cả thừa kế của một gia đình địa chủ giầu ruộng đất, được đi học trường Tây trên tỉnh, " Cậu Cả " đã có xe đạp từ thời trước Thế Chiến thứ Hai , về làng cũng ngấm nghé các cô xinh đẹp, nhưng suốt đời ông từ khi cưới Mẹ tôi ông bà không rời nhau được một ngày mà không bồn chồn, bà chỉ đi thăm bà con vài tiếng ông đã bắt cháu đi tìm , khi ông mất bà đã lẫn , khi tỉnh khi mê nhưng khi tỉnh biết ông đã mất bà đã gào khóc làm chúng tôi đau đớn bội phần " Ông ơi , sao ông không gắng sống thêm cho tôi hầu hạ ông . Các con ơi, các con mồ côi Bố rồi !!!" Xin chúc mừng các người Cha là anh, là bạn, là con cháu tôi, nhân viên của tôi hôm nay . Xin những bạn còn Cha hãy tận hưởng tình cha con thân thiết và lòng thảo hiếu dành cho người lúc tuổi gìa bóng xế . Bố ơi, con nhớ Bố.
Chúa Nhật 15/6/2014 Saigon
|