Chúa Giêsu Thăng Thiên mang về tặng Cha 5 Dấu Thánh.
(ĐTC Phanxicô: Huấn Từ Lạy Nữ Vương Chúa Nhật Thăng Thiên 1/6/2014)
Xin chào anh chị em thân mến,
Hôm nay, ở Ý cũng như ở các xứ sở khác, biến cố Chúa Giêsu Thăng Thiên được cử hành, 40 ngày sau Phục Sinh. Sách Tông Vụ trình thật tình tiết này, việc Chúa Giêsu cuối cùng xa lìa môn đệ của Người và thế giới này (1:2,9). Phần Phúc Âm Thánh Mathêu lại trình thuật lệnh truyền của Chúa Giêsu cho các môn đệ: một lời mời gọi ra đi, xa lìa và loan báo sứ điệp cứu độ của Người cho tất cả mọi dân nước (28:16-20). "Hãy đi - go", đúng hơn "hãy ra đi - leave" trở thành chữ chính yếu cho bài Phúc Âm hôm nay: Chúa Giêsu ra đi về cùng Cha và truyền cho các môn đệ của mình hãy ra đi tiến vào thế giới.
Chúa Giêsu ra đi, Người lên trời, tức là Ngài trở về cùng Cha từ thành phần Người đã được sai đến trong thế gian. Người đã hoàn thành công việc của Người, nên Người trở về cùng Cha. Thế nhưng đây không phải là một thứ phân ly, vì Người mãi ở với chúng ta dưới một hình thức mới mẻ. Bằng việc thăng thiên của mình, Chúa Kitô phục sinh thu hút ánh mắt của các tông đồ - cũng như của chúng ta - lên trời cao để tỏ cho chúng ta thấy rằng Cha là đích điểm cho cuộc hành trình của chúng ta. Chính Người đã nói rằng Người ra đi để dọn chỗ cho chúng ta trên trời. Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn hiện diện và chủ động trong những thăng trầm của lịch sử loài người bằng quyền năng và các tặng ân của Thần Linh Người. Người gần với mỗi người chúng ta, cho dù chúng ta không thấy Người bằng con mắt của chúng ta. Người ở đó! Người hỗ trợ chúng ta, Người dẫn dắt chúng ta, Người nắm lấy tay chúng ta và nâng chúng ta lên khi chúng ta ngã xuống. Chúa Giêsu phục sinh gần gũi với Kitô hữu đang bị bách hại và kỳ thị. Người gần với hết mọi con người nam nữ khổ đau. Người gần với tất cả chúng ta, ngay cả hôm nay đây ở quảng trường này với chúng ta. Chúa ở với chúng ta! Anh chị em có tin điều ấy chăng? Vậy chúng ta hãy cùng nhau nói: Chúa ở cùng chúng ta!
Chúa Giêsu, khi về trời, Người mang về cùng Cha một tặng vật. Tặng vật? Đó là các thương tích của Người. Thân thể của người rất đẹp đẽ, không bị bầm dập, không có các vết thương đòn vọt, mà là các thương tích (nơi tay, chân, cạnh sườn và trái tim của Người) vẫn còn đó. Khi trở về cùng Cha, Người tỏ cho Cha thấy các thương tích của Người mà nói cùng Cha rằng: "Xin Cha hãy nhìn mà xem, đây là cái giá thứ tha mà Cha đã trả" Khi Chúa Cha nhìn vào các thương tích của Chúa Giêsu thì Ngài bao giờ cũng tha thứ cho chúng ta, không phải vì chúng ta tốt lành mà là vì Chúa Giêsu đã đền thay cho chúng ta. Nhìn vào các thương tích của Chúa Giêsu, Chúa Cha càng xót thương hơn. Đó là việc làm cao cả của Chúa Giêsu trên trời ngày nay, đó là tỏ cho Cha cái giá thứ tha là các thương tích của Người. Điều này là những gì tuyệt vời và nó khiến chúng ta không còn sợ hãi để xin ơn tha thứ. Chúa Cha luôn tha thức vì Ngài nhìn vào các thương tích của Chúa Giêsu, nhìn đến tội lỗi của chúng ta mà tha thứ tội lỗi cho chúng ta.
Thế nhưng, Chúa Giêsu cũng hiện diện nơi Giáo Hội nữa, Giáo Hội được Người sai đi để nối dài sứ vụ của Người. Lời cuối cùng Người nói cùng các môn đệ của Người là lệng truyền ra đi: "Vậy các con hãy đi tuyển một môn đồ nơi tất cả mọi dân nước" (Mathêu 28:19). Lệnh truyền này là một cái gì bắt buộc (mandate) chứ không phải tùy ý (optional)! Cộng đồng Kitô hữu là một cộng đồng "ra đi", "lên đường". Thậm chí Giáo Hội được xuất phát nơi 'việc ra đi". Vậy anh chị em sẽ hỏi tôi rằng: Thế các cộng đồng tu kín thì sao? Đúng thế, cả họ nữa, vì họ bao giờ cũng phải "ra đi" bằng nguyện cầu, bằng cõi lòng của họ hướng về thế giới, hướng tới các chân trời của Thiên Chúa. Còn thành phần lão thành và trẻ em thì sao? Cũng thế, bằng nguyện cầu và hiệp nhất với các thương tích của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu nói cùng thành phần môn đệ thừa sai của Người rằng: "Thày ở cùng các con mãi mãi cho đến tận thế" (Mathêu 28:20). Tự mình, thiếu Chúa Giêsu, chúng ta không thể làm được bất cứ sự gì! Trong việc tông đồ, sức riêng của chúng ta, các phương tiện của chúng ta, những cơ cấu của chúng ta, cho dù chúng là những gì cần thiết song vẫn chưa đủ. Không có sự hiện diện của Chúa và quyền năng của Thần Linh Người thì việc làm của chúng ta, cho dù được tính toàn khéo léo mấy chăng nữa, vẫn trở thành vô hiệu. Bởi thế mà chúng ta cần phải ra đi đến với dân chúng mà nói cùng họ về Chúa Giêsu.
Cùng với Chúa Giêsu, Đức Maria Mẹ của chúng ta là Đấng phù giúp chúng ta. Mẹ đã ở trong nhà Cha, Mẹ là Nữ Vương Thế Giới và vì thế chúng ta giờ đây kêu khấn cùng Mẹ. Thế nhưng, như Chúa Giêsu, Mẹ cũng ở cùng chúng ta, Mẹ là Mẹ của những gì chúng ta hy vọng.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ http://www.zenit.org/en/articles/on-the-ascension-of-christ