Thực phẩm mà người Mỹ
gọi là legumes gồm có các loại hạt đậu khô dùng để nấu ăn, như đậu Hà Lan, đậu
tây cô ve, đậu đen, đậu lima, pinto, pha, đậu ngự.Chữ légume của Pháp là để
nói tới các loại rau, cải, củ.
Còn thực phẩm mà người
Việt ta gọi là Ðậu hoặc Ðỗ thì người Mỹ lại chia ra thành 2 loại: bean và pea.
Nói chung tất cả đều là hạt đậu nằm trong những vỏ dài mà khi chín sẽ nứt ra
làm đôi. Đậu được trồng ở khắp nơi trên thế giới và có tới trên mười ngàn loại
khác nhau.
Theo các nhà khảo cổ
thì đậu được trồng trước tiên ở các quốc gia Đông Nam Á châu từ cả chục ngàn
năm về trước. Nhiều nơi, đậu được gieo giữa hai luống ngô, vì đậu có thể hấp
thụ nitrogen từ không khí, tồn trữ dưới đất và làm đất giầu thêm chất này để
giúp ngô tăng trưởng.
Giá trị dinh dưỡng
Hạt đậu là nguồn dinh dưỡng rất phong phú, ngon mà tương đối
lại rẻ tiền.
Đậu nành cung cấp đủ các loại amino acid thiết yếu mà cơ thể
cần. Đậu có nhiều calcium, cho nên các vị tu hành, người ăn chay có thể sống
lành mạnh chỉ với đậu hũ và các sản phẩm khác của đậu nành. Ðậu có lượng đạm
chất cao hơn các các loại ngũ cốc khác từ hai đến năm lần.
Hạt đậu có nhiều sinh tố nhóm B, nhiều sắt, potassium, rất
nhiều chất xơ. Đa số hạt đậu đều có rất ít chất béo và calories, ngoại trừ đậu
nành và đậu phụng lại có nhiều chất béo lành bất bão hòa.
Đậu có ít calories nhưng có nhiều nước.
Một trăm gram đậu nấu chín cho 100-130 Calories và 7 gram chất
đạm, tương đương với số đạm trong 30 gram thịt động vật. Đậu nẩy mầm có nhiều
đạm hơn đậu nguyên hạt. Khi ăn chung đậu với các loại hạt, đạm của đậu có phẩm
chất tương đương với đạm động vật.
Người Bắc Mỹ và người Âu ít chú ý đến các loại đậu vì nấu các
đậu này mất nhiều thời gian, phải ngâm đậu trước khi nấu. Để tiết kiệm thì
giờ, dùng đậu chế biến nấu chín đựng trong hộp rất tiện lợi: chỉ việc đổ bớt
nước mặn trong đậu hoặc rửa đậu cho bớt mặn rồi nấu.
Nhưng người Nam Mỹ và Á Châu xem các loại hạt đậu là một thành
phần quan trọng của lương thực.
Ở Châu Mỹ La Tinh, từ Mễ Tây Cơ xuống đến Trung Mỹ, Nam Mỹ,
đâu đâu cũng thấy có đậu đen và đậu đỏ (black and red beans) trong các bữa ăn.
Ở Ấn Độ, đậu lăng (lentil) được ăn trộn với gạo và rất phổ biến. Nhật Bản có
loại đậu màu nâu gọi là azuki được ăn với cơm.
Ở Trung Hoa và Nhật Bản, Việt Nam đậu nành rất thông dụng
trong việc chế tạo tương và chao, tầu hũ.
Hạt đậu nấu chín có thể ăn khi còn nóng hay để
nguôi.
Có thể nấu đậu với thịt, cá hoặc với các loại rau khác. Đậu
nấu chín cũng có thể cho thêm gia vị, nghiền nát rồi quệt vào bánh mì kẹp để
ăn.
Đậu tươi không cần nhiều thời gian để nấu, nhưng khi phơi khô
thì cần ninh nấu lâu hơn. Để rút ngắn thời gian nấu, ta có thể ngâm đậu trong
nước nóng vài giờ cho đậu thấm nước và mềm hơn. Nước ngâm đậu có thể dùng để
nấu món ăn cho thêm hương vị.
Vài Ưu điểm của đậu
1- Đậu chứa một loại chất xơ gọi là pectin. Chất xơ này có khả
năng hút nước và nở ra trong dạ dày khiến người ta có cảm giác no không thèm
ăn. Nó cũng làm chậm tiến trình hấp thụ thực phẩm trong ruột, giúp bệnh nhân
tiểu đường tránh được sự tăng gia quá mau đường huyết, và cơ thể khỏi phải
tiết ra nhiều insulin hơn.
Các loại đậu "bean" và "pea" thì lại có một lượng pectin nhiều
hơn táo một chút. Như vậy các đậu này giữ vai trò quan trọng trong sự làm giảm
lượng cholesterol trong máu, còn tốt hơn cả loại cám yến mạch (oat
bran).
Trong các loại đậu, đậu nành được xem là hữu hiệu nhất để giảm
cholesterol và triglyceride trong máu.
Nghiên cứu ở Ý và Thụy Sĩ cho thấy là, bệnh nhân có
cholesterol cao, mà ăn nhiều chất đạm từ đậu nành thay thế cho thịt cá, thì
mức cholesterol của họ giảm xuống 31%. Kết quả này xem ra còn tốt hơn tác dụng
của các loại thuốc giảm cholesterol đắt tiền bán trên thị trường. Bác sĩ James
Anderson, Đại học Kentucky, khuyên bệnh nhân mỗi ngày ăn một cốc đậu pinto nấu
chín để hạ cholesterol.
2- Cũng theo bác sĩ Anderson, ăn đậu thường xuyên giảm nhu cầu
Insulin để chữa bệnh tiểu đường, vì đậu làm đường trong máu tăng lên rất
chậm.
3- Gần đây các nhà khoa học lại mới tìm ra một tác dụng vô
cùng bổ ích của các hạt đậu, đó là khả năng chống ung thư. Đậu có chứa chất
acid phytic, một chất chống oxi hóa rất mạnh. có thể chận đứng tiến trình ung
thư hóa của tế bào.
Ngoài ra, khảo cứu ở súc vật trong phòng thí nghiệm cho thấy
đậu "bean", đậu "pea" và đậu lăng "lentil" có chứa chất ức chế protease là
chất có khả năng phòng chống ung thư da, vú và gan. Thử nghiệm ở người cũng
thấy tác dụng tương tự về phòng chống ung thư vú và nhiếp hộ
tuyến.
Chuyên gia về ung thư Anne Kennedy cho chuột ăn một hóa chất
gây ung thư, nhưng khi chất ức chế protease được bôi vào miệng chuột thì ung
thư không xẩy ra.
4- Đậu giúp đại tiện đều đặn, dễ dàng vì phẩn to hơn, mềm hơn,
từ đó giảm thiểu được các nguy cơ ung thư ruột già và trực tràng. Đó là kết
quả các nghiên cứu của Tiến sĩ Sharon Fleming, Đại học Berkeley,
California.
5- Một khoa học gia Ấn Độ, SN. Sanyaldan nhận thấy dân số Tây
Tạng không thay đổi trong suốt 200 năm. Thực phẩm chính của họ là đậu. Sau
nhiều năm tìm hiểu, ông ta thấy đậu có khả năng ngăn ngừa sinh đẻ nhờ hóa chất
m-xylohydroquinone. Ông ta thử cho đàn bà dùng thì tỷ lệ sinh đẻ giảm hẳn, mà
đàn ông dùng thì số lượng tinh trùng cũng giảm. Nhận xét này đang được nghiên
cứu kiểm chứng thêm. Ngoài ra có lẽ tác dụng của nó không mạnh bằng các dược
phẩm ngừa thụ tinh hiện có, nên ít ai để ý tới.
Một vài vấn đề khi ăn Ðậu
Một đặc tính của đậu là sản xuất rất nhiều hơi (gas) trong
ruột, với hậu quả gây ra trung tiện làm cho ta mắc cỡ.
Nguyên do là vì nhiều người thiếu diêu tố (enzyme) để tiêu hóa
chất đường alpha-galactosides trong đậu. Khi xuống ruột, đường này bị các vi
sinh vật phân hóa, tạo ra nhiều chất hơi. Nhưng kinh nghiệm cho hay nếu thường
xuyên ăn đậu thì trở ngại này có thể không đáng kể vì cơ thể sẽ quen đi. Vả
lại, các bác sĩ đều cho biết trung tiện không phải là một vấn đề sức khỏe mà
chỉ có thể là một vấn đề trong giao tế xã hội. Ông Tổ của nền Y học Tây phưong
Hippocrates nói rằng trung tiện cần thiết cho sức khỏe con người. Dân Trung
Hoa cho rằng trung tiện là dấu hiệu của một sự tiêu hóa tốt.
Benjamin Franklin, một trong những vị cha già lập quốc của
nước Mỹ, đã viết một đoạn văn hài hước về hiện tượng tiêu hóa này. Ông đề nghị
các nhà bác học hãy thí nghiệm để tìm ra chất nào khiến con người ăn vào có
thể sản xuất ra trung tiện có mùi thơm tho.
Không phải chỉ các loại đậu mới tạo ra hơi trong ruột. Các
thực phẩm khác như ngũ cốc, hành, tỏi, bắp su và nhiều thức ăn có chất xơ
(fiber) đều tạo ra hơi do phản ứng hóa học hoặc sự lên men trong
ruột.
Có nhiều cách để làm giảm bớt hơi của đậu trong quá trình tiêu
hóa. Chuyên viên hóa học Alfred Olson giới thiệu cách sau
đây.
Trước khi nấu, ta hãy ngâm đậu với nước trong một đêm; sau đó
đổ nước đi. Nhúng đậu trong nước sôi, hay nấu lên vài phút, sau đó lại ngâm
nước khoảng 4 tiếng đồng hồ trước khi đem ra nấu với thức ăn khác. Khuyết điểm
của cách này là đậu sẽ mất đi nhiều khoáng chất và sinh tố.
Một phương pháp thứ hai là xay đậu để làm thành bột nhão rồi
nêm thêm muối, xì dầu (soya sauce), tiêu, ớt cắt vụn vào bột nhão để chế biến
thành các món ăn cho hợp khẩu vị. Không nên trộn thêm hành tỏi, vì các món này
tạo ra hơi nhiều hơn.
Một vấn đề khác nữa là Đậu khô có nhiều chất purine. Với một
số người nhậy cảm, purine có thể làm tăng uric acid trong máu, đưa tới bệnh
thống phong gout. Tinh thể acid uric đóng trên khớp xương mà thông thường nhất
là ở ngón chân cái làm người bệnh rất đau nhức.
Một vài loại đậu có hóa chất làm tiêu hủy sự hấp thụ các sinh
tố B, E, D, beta carotene trong ruột. Một số đậu khác, nếu không nấu chín, có
thể có vài chất dính liền với khoáng sắt, đồng, khiến hồng cầu tụm lại với
nhau.
Đậu phọng là một trong mươi thực phẩm thông thường nhất gây ra
dị ứng hoặc nhức nửa đầu ở một số ít người dễ nhậy cảm.
Vài loại đậu thường ăn
Trên thị trường, có đậu tươi, đậu khô, đóng hộp hoặc đông
lạnh. Mỗi thứ có một hương vị độc đáo, một hình dáng riêng biệt và cách nấu
nướng cũng khác nhau.
- Đậu đỏ thường nấu chung với gạo, với thịt (stew), làm xà
lách hoặc dùng trong món chili.
- Đậu lima mầu trắng kem hoặc xanh nhạt, hạt nhỏ, hình trái
thận. Đậu này thường dùng để nấu súp, làm xà lách, hoặc hầm với thịt gà. Hầu
hết đậu lima đều được đóng hộp, làm đông lạnh trước khi tung ra thị
trường.
- Đậu Pinto mầu cam, hình bầu dục dùng nhiều trong món cơm nấu
kiểu Mexicain hoặc để hầm với các loại thịt.
- Đậu đen hạt nhỏ, đen bóng ta dùng để nấu chè đường, nấu súp
hoặc ninh với thịt.
- Đậu Adzuki hạt nhỏ, mẫu đỏ bóng loáng dùng làm xà lách, nhồi
gà vịt, nấu súp hoặc ninh với thịt.
- Đậu nành hạt nhỏ mầu vàng hoặc hơi đen làm đậu hũ, tương và
nhiều loại thực phẩm rất ngon khác. Kinh nghiệm ăn uống dân gian ta nói "Ðậu
nành là anh nước lã" hoặc "Ðậu nành rang, cả làng khát nước". Ý nói sau khi ăn
đậu rang này thì rất khát nước.Ðậu nành rất phổ biến ở quê hương ta, với nhiều
phó sản độc đáo, như tương, chao, đậu phụ...
- Đậu Hà Lan mà chỉ có một số nhỏ tươi được bán,
còn hầu hết được đóng hộp hoặc làm đông lạnh. Khi còn tươi, đậu có mầu xanh
sáng, sờ hơi mềm như nhung. Đậu đóng hộp rất thông dụng và dùng trong việc chế
biến nhiều món ăn khác nhau.
Việt Nam ta có đậu đũa, đậu ván, đậu ngự, đâu cô
ve, Hòa lan, đậu đỏ, đen, đậu nành, đậu xanh, đậu tây, đậu nâu, đậu xoắn,
.
Công dụng trị bệnh trong y học cổ
truyền
Ngoài giá trị dinh
dưỡng, một số đậu còn được y học dân gian ta dùng làm thuốc trị bệnh. Đó
là:
a- Đậu ván trắng: còn
gọi là bạch biển Ðậu ván có vị ngọt, tình hơi ôn, tác dụng vào kinh tỳ và vị.
TRong y học cổ truyền, đậu ván khô được dùng để chữa cảm sốt mùa hè, nôn mửa,
tiêu chẩy, tỳ vị suy nhược, chán ăn, rối loạn tiêu hóa; làm thuốc giải nhiệt,
co giật khi nóng sốt cao; giúp tóc lâu bạc.
b- Đậu Xanh. Vỏ đậu
xanh không độc, vị ngọt, tính nhiệt có tác dụng giải nhiệt, làm mắt không mờ.
Hạt đậu xanh cũng có tác dụng giải nhiệt, giải độc tính của thuốc và kim loại,
nấm, tiêu trừ phù thũng, chữa sỏi đường tiết niệu, phòng và chữa cháy
nắng.
c- Đậu Đen. Đậu này
thường dùng để nấu xôi, nấu chè ăn rất ngon. Ngoài ra, đậu cũng bổ thận, lợi
tiểu, nước tiểu trong hơn và nhiều hơn. Sách Tuệ Tĩnh Nam Dược có ghi đậu đen
dùng để chữa đau bụng giữ dội; trúng gió chân tay tê cứng, chóng mặt, sây sẩm
khi sinh đẻ; chữa mắt mờ ra gió dễ chẩy nước mắt; chữa dị ứng, lở ghẻ, hen
suyễn khi đổi thời tiết.
d- Đậu phọng. Đậu phọng
có công dung dinh dưỡng cao, có nhiều chất béo, đạm và nhiều loại sinh tố. Dầu
lạc dùng làm dầu ăn, đốt đèn và chế thuốc.
e- Đậu nành. Đây là
nguồn chất đạm rất quan trọng tại nhiều quốc gia, nhất là quốc gia đang mở
mang. Trong y học, đậu nành dùng làm thức ăn cho người bị viêm khớp, người mới
bình phục sau cơn bệnh nặng, đặc biệt là những người bệnh tiểu đường, huyết áp
cao và có nhiều mỡ trong máu.
g- Ðậu Ðỏ. Ðậu này có
vị ngọt nhạt hơi chua, tính bình. tác dụng vào kinh tâm và tiểu trường. Y học
dân gain dùng đậu đỏ để trị thủy thũng, sưng phù chân, bụng trướng, đau dạ
dầy, tả lị, trĩ đại tiện ra máu, bệnh thiếu vitamin B1, vàng da, lở loét. Trẻ
con chậm biết nói thì các cụ lấy đậu tán nhỏ hòa với rượu bôi dưới lưỡi hàng
ngày.
Bác sĩ Nguyễn
Ý-Đức
Texas