Tông Du Thánh Địa 24-26/5/2014
ĐTC Phanxicô - Bài Giảng Lễ với Các Đấng Bản Quyền ở Thánh Địa và Phái Đoàn Tùy Tùng của ĐTC
Ở Căn Thượng Lầu, Thứ Hai 26/5/2014
Thật
là đại hồng ân Chúa đã ban cho chúng ta khi đưa chúng ta cùng nhau đến
Căn Thượng Lầu (the Upper Room) để cử hành Thánh Thể. Trong niềm hân
hoan huynh đệ tôi xin chào quí huynh và tôi muốn bày tỏ lòng ưu ái của
tôi với các Vị Thượng Phụ Công Giáo Đông Phương đã tham dự vào cuộc hành
trình của tôi trong những ngày này. Tôi muốn cám ơn các vị về sự hiện
diện ý nghĩa của các vị, đặc biệt là thân thương đối với tôi, và tôi
trân trọng các vị trong lòng tôi và trong lời nguyện cầu của tôi. Đây là
nơi Chúa Giêsu đã chia sẻ Bữa Tiệc Ly với các tông đồ; nơi mà sau khi
phục sinh Người đã hiện ra giữa các vị; nơi Thánh Linh đã hiện xuống một
cách quyền năng trên Mẹ Maria và các môn đệ, nơi Giáo Hội đã được xuất
phát và Giáo Hội được xuất phát để lên đường. Từ nơi đây Giáo Hội ra đi, với tấm bánh bẻ ra trong tay, các thương tích của Chúa Kitô trước mắt và Thần Linh yêu thương trong lòng.
Nơi
Căn Thượng Lầu này, Chúa Giêsu phục sinh, Đấng được Cha sai, đã tuôn đổ
trên các tông đồ Thần Linh của Người và bằng quyền năng của mình
Người đã sai các vị đi canh tân bộ mặt trái đất (xem Thánh Vịnh
104:30).
Việc lên đường, việc ra đi không có nghĩa là quên lãng. Giáo Hội, trong việc lên đường của mình, bảo trì ký ức về những gì đã xẩy ra nơi đây; Thần Linh, Đấng Phù Trợ, nhắc nhở Giáo Hội về hết mọi lời nói và hết mọi việc làm cùng tỏ cho Giáo Hội thấy được ý nghĩa đích thực của chúng.
Căn thượng Lầu đây nói với chúng ta về việc phục vụ,
về Chúa Giêsu cống hiến cho các môn đệ tấm gương rửa chân cho họ. Việc
rửa chân của nhau là hành động tiêu biểu cho việc đón nhận, chấp nhận,
yêu thương và phục vụ nhau. Nó có nghĩa là phục vụ thành phần nghèo khổ,
bệnh nạn và bị loại trừ, những con người tôi cảm thấy khó sống, những
ai quấy rầy tôi.
Căn Thượng Lầu này nhắc nhở chúng ta về hiến tế nơi
Thánh Thể. Trong hết mọi lần cử hành Thánh Thể Chúa Giêsu đều hiến mình
cho Cha vì chúng ta, nhờ đó chúng ta cũng có thể được hiệp nhất nên một
với Người, hiến dâng lên Thiên Chúa cuộc đời của chúng ta, công việc
của chúng ta, niềm vui của chúng ta và nỗi buồn của chúng ta... hiến
dâng hết mọi sự như là một hy tế thiêng liêng.
Căn thượng Lầu này cũng nhắc nhở chúng ta về tình hữu nghị.
Chúa Giêsu đã nói với 12 vị rằng: "Thày không gọi các con là tôi tớ nữa
mà gọi các con là bạn hữu" (Gioan 15:15). Chúa làm cho chúng ta nên bạn
hữu của Người, Người tỏ cho chúng ta thấy ý muốn của Thiên Chúa và
Người ban cho chúng ta chính bản thân của Người. Đây là yếu tố tuyệt vời
nhất được là Kitô hữu, nhất là làm linh mục, ở chỗ, trở nên một người
bạn của Chúa Giêsu và trong tâm hồn nhận thấy được rằng Người là bạn của
chúng ta.
Căn thượng Lầu này nhắc nhớ chúng ta về việc Thày từ biệt và lời Người hứa sẽ
trở lại cùng bạn hữu của Người: "Khi nào Thày đi ... Thày sẽ trở
lại đem các con đến cùng Thày, để Thày ở đâu các con cũng ở đó" (Gioan
14:3). Chúa Giêsu không lìa bỏ chúng ta, không hề bỏ rơi chúng ta;
Người đi trước chúng ta về nhà Cha của Người, nơi Người muốn mang chúng
ta đến đó nữa.
Tuy nhiên, Căn thượng Lầu này cũng nhắc nhở chúng ta về cái cỏn con, về cái tò mò - "ai là kẻ phản bội?" - và về việc phản bội.
Chính chúng ta, chứ không phải chỉ những người khác, có thể tái diễn
những thái độ ấy bất cứ khi nào chúng ta nhìn anh chị em của mình một
cách khinh khi, bất cứ khi nào chúng ta phán xét họ, bất cứ khi nào
chúng ta phản bội Chúa Giêsu bằng tội lỗi của chúng ta.
Căn
Thượng Lầu này nhắc nhớ chúng ta về việc chia sẻ, tình huynh đệ, sự hòa
hợp và bình an giữa chúng ta. Biết bao nhiêu là yêu thương và thiện
hảo đã tuôn ra từ Căn thượng Lâu này! Biết bao nhiêu là bác ái đã xuất
phát từ nơi đây, như một giòng sông xuất phát từ nguồn mạch của nó,
bắt đầu như một giòng suối rồi sau đó trải dài vươn rộng thành một giòng
thủy triều to lớn. Tất cả mọi thánh nhân đều đã nhận được từ nguồn mạch
này; và vì thế con sông to lớn thánh đức này của Giáo Hội tiếp tục tuôn
chảy: từ Con Tim của Chúa Giêsu, từ Thánh Thể và từ Thánh Linh.
Sau hết, Căn Thượng Lầu này nhắc nhở chúng ta về việc xuất phát một gia đình mới là
Giáo Hội, Người Mẹ thánh, Giáo Hội phẩm trật của chúng ta được Chúa
Giêsu phục sinh thiết lập; một gia đình có một Người Mẹ là Đức Trinh Nữ
Maria. Các gia đình Kitô hữu thuộc về đại gia đình này, và trong đại
gia đình ấy họ thấy được ánh sáng và tìm được sức mạnh để tiến bước và
canh tân, giữa những thách đố và khó khăn trong đời sống. Tất cả con cái
của Thiên Chúa, thuộc mọi dân tộc và ngôn ngữ, đều được mời gọi và kêu
gọi để thuộc về đại gia đình này, như là anh chị em và con cái nam nữ
của Người Cha duy nhất trên trời.
Những chân trời ấy đang được mở ra bởi Căn thượng Lầu này, những chân trời của Chúa Phục Sinh và của Giáo Hội Người.
Từ
nơi đây Giáo Hội tiến lên, được thúc đẩy bởi hơi thở thông ban sự sống
của Thần Linh. Qui tụ lại trong nguyện cầu với Mẹ của Chúa Giêsu, Giáo
Hội sống trong niềm mong đợi liên lỉ một cuộc tái tuôn đổ Thánh Linh.
Lạy Chúa, xin hãy sai Thần Linh của Chúa đến để canh tân bộ mặt trái đất
(xem Thánh Vịnh 104:30)!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ http://w2.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2014/documents/papa-francesco_20140526_terra-santa-omelia-jerusalem.html
|