Sống Nhân Ái: ĐGM phong cùi Jean Cassaigne-Gioan Sanh (1895-1973) Sống và chết với người phong “Việt Nam, quê hương của tôi” là lời tâm huyết vàng ngọc và cũng là lời trối của vị Thừa sai từ Pháp đến Việt Nam, cống hiến cả cuộc đời cho các dân tộc thiểu số, vật lộn với bệnh phong chốn rừng rậm thâm u, vùng cao nguyên Di Linh, nơi con người hàng ngày quằn quại chiến đấu với bệnh tật và tử thần. Nguồn gốc và Hành trình theo Chúa
Là con trai duy nhất của một tiểu thương buôn rượu là ông Joseph Cassaigne, mẹ là Nelly ở phường Grenade, Adour, địa phận Dax, vùng Tây Nam nước Pháp.
Học sinh của các sư huynh Lasan, Jean là một thiếu niên tinh nghịch nhưng ham đọc sách, đặc biệt là ham thích đọc cuộc đời các vị truyền giáo ở Á Châu, say mê cuốn "Hành trình truyền giáo của Giáo sĩ Đắc Lộ", đến Việt Nam vào thế kỷ 17, nổi tiếng vì đã sáng tác chữ "quốc ngữ" dùng từ ngữ La Tinh để phiên âm tiếng Việt.
Từ nguồn cảm hứng này, Jean mang trong tâm một giấc mơ: RA KHƠI để truyền giáo.
Lên cấp II Trung học, Jean bị buộc theo ngành Thương nghiệp để nối tiếp nghề của bố. Nhưng cậu lấy làm bức xúc, chỉ muốn vào Chủng viện. Năm 1914, chiến tranh Pháp-Đức bùng nổ. Cậu thanh niên Jean phải đầu quân tham chiến, đến 1918 được huy chương Anh dũng bội tinh và từ chối mọi đề nghị hôn nhân. Năm 1920, cậu Jean từ giã "thương trường" để nhập vào "chiến trường của tình yêu" dâng hiến cuộc đời tại Chủng viện Thừa sai Hải ngoại Paris để nối gót các thừa sai đã ra đi vì Chúa.
Năm 1925, được thụ phong linh mục, năm 1926 giấc mộng vàng của Jean Cassaigne đã thành hiện thực: trên danh sách 8 vị thừa sai đuợc cử đi các nước Viễn Đông: Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Lào thì bến đỗ truyền giáo của linh mục Cassaigne là Việt Nam, đất nước thân yêu của Cha Đắc Lộ!
Ban hợp xướng chủng viện đồng ca: Ra đi, bạn hỡi! hãy ra đi, Cõi thế phù vân, bỏ một khi, Chốn xa, danh Chúa đem truyền giảng, Ngày kia sum họp chốn vinh quy. Trích: Lạc quan trên miền Thượng (Lm Phùng Thanh Quang chuyển dịch). Ngày 05/05/1926, tàu cập bến Sài Gòn, Cha Cassaigne được đưa về Cái Mơn học tiếng Việt, chọn tên Việt Nam là Gioan Sanh. Nơi đây sinh hoạt truyền giáo khá nhiều nên cha ao ước đến những vùng xa xôi hẻo lánh ít người được biết Chúa. Mơ ước này được thực hiện khi Đức Giám mục Sài Gòn Dumortier đang thao thức về dân tộc bán khai ở rừng núi Di Linh liền cử ngài lên loan báo Tin Mừng nơi thâm sơn cùng cốc.
Di Linh có thổ dân thuộc bộ lạc K’Ho. Lần đầu tiên gặp ông Tây râu dài, họ sợ quá, chạy trốn. Cha bắt đầu học tiếng K’Ho chỉ bằng cách lắng nghe suốt ngày, đêm về ghi lại một số chữ còn nhớ, nhẩm đi nhẩm lại, mò mẫm một mình để dần dà soạn một cuốn "Thượng ngữ" bỏ túi với 3 thứ tiếng: K’Ho, Pháp, Việt. Cha của người phong
Vì nơi đây bệnh phong cùi hoành hành không ít, cha Gioan đi tìm thăm bệnh nhân, cho họ ít gạo, muối. Lần nọ cha đến thăm một bà bệnh nặng, thân xác héo tàn, cha nói cho bà nghe về Thiên Chúa nhân lành bằng tiếng K’Ho rồi hỏi bà có muốn làm con Chúa về Trời với Chúa không? bà cúi đầu ưng thuận. Cha vội chạy về nhà, lấy nước thanh tẩy bà. Bà tỏ vẻ xúc động, nói: “Ông lớn ơi (theo tiếng K’Ho) tôi sẽ nhớ ông khi tôi về Trời”.
Một ngày khác, đi xa hơn, cha gặp một đoàn người xơ xác kêu gào: “Ông lớn ơi, xin thương đến chúng tôi”, rồi tất cả sụp lạy, khóc oà lên. Cha nghẹn ngào, quyết tâm bằng mọi giá dựng một mái nhà để chăm sóc những người bất hạnh này. Thế là một chòi tranh xuất hiện với sự góp sức của người lành cũng như người bệnh. Cha kêu gọi các bệnh nhân từ trong rừng đến đây chung sống. Với sự hỗ trợ của nhiều nguời quen thân, cha mở được một nhà phát thuốc, băng bó, chữa trị. Rồi cha cũng lâm bệnh sốt rét rừng hành hạ, cha buộc phải về Pháp chữa trị trong 9 tháng. Ngày cha trở lại Di Linh, già trẻ đua nhau chạy, mừng quá, có người quên đóng khố. Cha nhắc: “Các con phải luôn choàng áo và khăn khố để tránh nhiễm độc chứ!”
Công việc ngày càng nhiều, làng phong thêm con cháu, cha kêu gọi các chị Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn giúp cha chia sẻ số phận bạc bẽo của người phong và được 3 chị hết lòng cùng cha chăm sóc bệnh nhân.
Tháng 06/1936, cha ban bí tích Thánh Tẩy cho 46 dự tòng, trong đó có 26 người mắc bệnh phong.
Cha mời các nữ tu Đà Lạt về Di Linh đỡ đầu cho các tân tòng phong; các Nữ Tử Bác Ái, các kinh sĩ thánh Âu Tinh dòng Đức Bà vui mừng và hết lòng cộng tác với cha tinh thần cũng như vật chất, như mở trường, dạy giáo lý… Bà Nam Phương Hoàng hậu gửi một số tiền để tổ chức lễ Rửa Tội cho các tân tòng, bà nhiệt tình ủng hộ hàng năm công việc truyền giáo của cha. Một hôm, một viên chức cao cấp bộ Thanh tra Giáo dục Đông Dương đến Di Linh săn bắn, đi lạc đến làng phong, trông thấy cha đang băng bó cho một người rụng hết ngón tay, ngón chân, ông rợn người và ngạc nhiên hỏi cha Cassaigne: - Ông có quyền nào mà dám mở nhà điều rị căn bệnh ghê sợ này? Ông xuất thân từ Đại học Y khoa nào?
- Tôi chỉ là một linh mục nhưng thấy bệnh nhân quá khổ, sống chui rúc trong rừng sâu rồi chết chẳng ai hay biết, nên tôi thấy có bổn phận thương và chăm sóc họ. Nơi đây tôi vừa là giám đốc vừa là y tá, y công, kể cả hộ sinh nữa! Hiện nay có 129 bệnh nhân, tôi phải ngửa tay xin các nhà từ tâm trợ lực mới kéo dài được cuộc sống của họ đến hôm nay.
Ông Tây ra về. Một tháng sau cha xứ Di Linh nhận một thùng thuốc ký tên: Tổng Thanh tra giáo dục Đông Dương. Bốn tháng sau, cha nhận tin đến Phnom Penh gấp gặp ông giám đốc này. Đến nơi thì mới biết là ông đang chờ cha ban phép Thanh Tẩy!
Hương thơm bác ái của vị linh mục này bay đến tận Paris. Năm 1939, ngài nhận được Huy chương bạc của Hàn lâm viện y khoa Paris gửi tặng mặc dầu ngài chưa bao giờ đặt chân vào một trường y nào. Vậy mà ngài còn làm người "hộ sinh" nữa, giúp một người mẹ phong cùi sinh con. Biết sự việc, Đức cha Drapier trách cha quá liều lĩnh. Cha giải thích: "Ở đây cả làng không có một y tá hay cô đỡ. Tôi là người duy nhất có 10 ngón tay. Nếu một người cùi chạm đến thai nhi thì nguy hiểm lắm. Bà sản phụ lại là một bệnh nhân lở loét, không ai dám đến gần".
Ngày 24 tháng 12 năm 1945, Ngài được tin Toà Thánh Rôma bổ nhiệm ngài làm Giám mục Giáo phận Sài Gòn. Một tin sét đánh: Ngài phải từ biệt những con cháu bệnh tật yêu thương của ngài? Những ngày do dự, quặn lòng, cầu nguyện.
Và cuối cùng, mặc dầu tâm hồn nặng trĩu, ngài đã phải đánh điện qua Rôma: FIAT (Xin Vâng!)
Giám mục trong cơn bão táp
Thời khói lửa, xã hội và Giáo hội, đất nước bị phân chia nhiều thành phần đối kháng nhưng Giám mục Sài Gòn không thiên vị một phe nào, tận tình phục vụ mọi người. Cửa tòa Gíám mục luôn mở rộng đón tiếp mọi người. Nơi nào có nhu cầu hay tai họa, ngài kiếm cách giúp đỡ ủi an.
Ngày 23/06/1943, linh mục Bùi Văn Nho đến mừng lễ Bổn mạng ngài (Gioan Baotixita), ngài vừa đọc phiếu kết quả xét nghiệm xác nhận mình bị nhiễm vi trùng Hansen (Phong). Ngài cười nói: “Đây là quà lễ quan thầy của tôi”.
Cha Nho sững sờ: “Ôi Đức Cha bị nhiễm Phong rồi?”
Đức Cha cười và đáp: “Không phải bị mà là được vì được về Di Linh với đoàn con! Có đau mới hiểu người đau và biết thương họ nhiều hơn”.
Ngài gửi thư cho Đức Khâm sứ Tòa thánh ở Việt Nam và Tổng quyền Hội Thừa Sai Paris xin từ chức trở về Di Linh. Mãi đến năm 1954, ngài vui mừng vì Đức giám mục Việt Nam Simon Hoà Nguyễn Văn Hiền được Toà thánh bổ nhiệm thay ngài làm Giám mục giáo phận Sàigòn. Ngài hân hoan “hồi hương” về Di Linh.
Năm 1955, Đức Cha Sanh tiếp tục phục vụ bệnh nhân mặc dầu bản thân còn mang thêm bệnh sốt rét rừng, lao xương, lao phổi… Nhiều người muốn đưa ngài về Pháp chữa trị nhưng ngài từ chối: “Tôi là người Pháp nhưng trái tim tôi là của người Việt Nam. Tôi muốn sống trong đau khổ và chết nơi đây. Việt nam là quê hương của tôi”.
Đầu năm 1973, ngài bị hôn mê, lúc tỉnh thì dằn vặt với cơn đau khủng khiếp. Ngày 30 tháng 10 năm 1973, ngài tắt thở.
Trong những ngày tang lễ, nhiều dòng người như thác đổ về, hàng trăm linh mục, tu sĩ đến từ cả nước, đại diện chính quyền Pháp, Việt, các Thượng toạ Phật giáo và đại biểu các Tôn giáo bạn, tất cả có đến trên 3000 người. Trong 5 đêm liền, người K’Ho bệnh tật cũng như khoẻ mạnh từ các rừng núi, buôn làng tuôn về, mặc tang phục trắng, canh thức suốt đêm bên cạnh “Người cha lớn bất tử.”
Mọi người chen nhau giành chỗ bao quanh quan tài, bên cạnh một cây Thánh giá với những chữ khắc đậm nổi bật cho đến hôm nay:
Giám mục Jean Cassaigne (1895 -1973) CARITAS ET AMOR
|