MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Bài #7 --- Rửa Tội Âm Hồn Nhập Xác, Được Không ? (l.m. Phêrô Hoàng Minh Tuấn, Cssr) ---đoạn Thứ Ba: Đường Hướng Hoạt Động Mục Vụ
Thứ Hai, Ngày 5 tháng 5-2014
ĐOẠN THỨ BA

ĐƯỜNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ

Tại miền chúng tôi ở (bên Ý) thấy quảng cáo công khai các hoạt động ma thuật đầy dẫy nơi công chúng, từ những bảng quảng cáo dọc các đường lộ, trong niên giám điện thoại, trong báo chí, qua làn sóng truyền thanh, truyền hình, cho đến trong các sạp, các tiệm sách…(bên VN chúng ta thì chưa đến nỗi)

Trước một hiện tượng đã phát triển thành rộng lớn như thế, đang đe dọa đức tin chân chính của Kitô hữu được trao cho chúng tôi săn sóc, dẫn dắt mục vụ, chúng tôi (các Giám mục) thấy thúc bách phải tăng cường việc thông tin, rồi làm cho dân chúng nhạy cảm trước vấn đề, và sau cùng giáo hóa.

Quả là bất hạnh khi thấy những người chạy đến nhờ cậy các pháp sư và các thuật sĩ huyền bí, thường đại đa số lại là Kitô hữu thuộc các cộng đoàn chúng ta. Niềm tin của họ đã trở nên yếu ớt và lu mờ đến nỗi họ không còn nhận thấy mê tín dị đoan, ma thuật và tôn sùng Satan là điều phản nghịch triệt để với đức tin Kitô giáo. (x. chú thích dưới cuối, số 30)

a/  Phúc âm hóa (Hiểu và sống Phúc Âm)

Vậy phận sự đầu tiên của chúng ta là phải tăng cường việc Phúc âm hóa tín hữu thuộc mọi tầng lớp xã hội, thuộc mọi lứa tuổi, bởi vì não trạng ma thuật bắt rễ và phát triển dễ dàng hơn ở nơi nào thiếu sót sự hiểu biết về đức tin.

- Tin Mừng sẽ làm cho hiểu biết Thiên Chúa, Đấng đã tự mặc khải và tự hiến một cách hoàn toàn tự do trong Đức Giêsu Kitô, vì yêu thương nhân loại vô điều kiện.

- Thiên Chúa đã nói và đã làm xong tất cả trong Chúa Kitô, Đấng được lập làm “con đường” và “cửa” dẫn tới thế giới thần linh hạnh phúc của Thiên Chúa. Không có ai khác có thể đem ơn cứu thoát đến cho ta :

“Đức Kitô, Đấng Cứu Thế, là trung gian độc nhất giữa Thiên Chúa và loài người” (1Timôtê 2.5), “và không có Danh (danh tức là người) nào dưới gầm trời này để nhờ Danh đó mà chúng ta được cứu thoát” (Công vụ 4.12)...

- “Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa không chỉ nói với loài người, mà còn tìm kiếm họ... Tại sao tìm kiếm họ ? Vì họ đã lìa xa Người” (Trích lời Đức Giáo Chủ Gioan-Phaolô II, Tông thư : “Thiên niên kỷ thứ ba đang tới”, số 4 và 7).

- Trong Đức Kitô, Thiên Chúa Cha đã cho chúng ta mọi sự và đã nói hết mọi sự. Không còn phải đợi trông gì từ phía Thiên Chúa những mặc khải nào khác nữa.

- Đời sống đức tin không cần những điều kỳ diệu lạ lùng nhiều hay ít, và không nên chờ đợi những chuyện siêu nhiên trên trời đột nhập trần gian cách dễ dãi. Thánh Phaolô đã căn dặn: “Vì chúng ta bước đi nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy...” (2 Corintô 5.7)

Tin là phú thác đời sống mình vào tay Thiên Chúa, nhờ lãnh nhận “Sự Sáng thật” (Gioan 1.9) từ Người ban cho, ánh sáng ấy rọi vào u tối của ta, và cho ta khả năng tiến bước mà không sợ sa vào những con đường tối tăm, lầm lạc.

- Từ đấy, việc của con người là đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, nhờ biết cách đọc những mời gọi của Người trong các biến cố cuộc sống họ, trong các con người họ gặp, trong những hoàn cảnh mà hằng ngày họ va chạm.

·   Những cái giúp ta chống lại cách hiệu quả nhất các độc hại của những thực hành ngụy tôn giáo và ngụy đạo đức, đó là :

        +Nghe rao giảng đạo lý và đức tin chân thật ;

        +sống kinh nghiệm ơn cứu độ nhờ các Bí tích ;

                 +mối dây đoàn kết huynh đệ và liên đới trong cộng đoàn ;

                 +dấn thân tận tụy phục vụ anh chị em khác vì tình thương.

        Đồng thời, chúng tôi căn dặn những giáo lý viên hãy ra sức dạy giáo lý cẩn thận cho giới trẻ, hầu ngăn ngừa những ma lực cám dỗ của những môn “huyền bí” làm lệch lạc lương tâm và ý thức của họ.

b/ Canh phòng

Phận sự của chúng ta còn phải canh chừng các tâm tình tôn giáo và những cách thực hành, qua đó các tín hữu diễn tả lòng tin của họ.

Một não trạng thiên về mê tín có khả năng làm hư hại ngay cả những “việc thờ phượng mà chúng ta dâng lên Thiên Chúa chân thật ! Chẳng hạn một vài việc hành đạo, tự bản chất là chính đáng, hợp pháp và cần thiết, nhưng người ta lại gán cho chúng một tầm quan trọng có mầu sắc ma thuật ; hay những lời kinh và các dấu Bí tích được sử dụng như thể chúng tự động có một hiệu lực ma thuật, [i] mà không đòi buộc đương sự phải có những tâm tình tin yêu cần thiết, đó là rơi vào mê tín dị đoan rồi” (CEC, số 2111).

Một cách đặc biệt, phải hết sức thận trọng về những hình thức đạo đức bình dân và các cuộc hành hương, nhất là được tổ chức đi đến những nơi mà người ta đồn có việc hiện ra hay có những hiện tượng khác lạ (ví dụ : Ảnh tượng Chúa hay Đức Mẹ khóc, chảy nước mắt máu…) [ii]

Chúng tôi cũng kêu gọi những nhóm hay những phong trào hội họp một nơi để gặp gỡ, trao đổi, cầu nguyện hay lo chuyện thiêng liêng, cố tránh những cử chỉ có thể gây ngộ nhận, dị nghĩa, và có xu hướng đề cao tính cách vật chất của những nghi thức (như đặt tay, công thức giải thoát, v.v...) [iii]; và cũng phải coi chừng vấn đề tâm lý quần chúng dễ bị khích động khi hội họp chung với nhau.

c/  Đón tiếp

Những thân chủ của thế giới “đen”, của các mê tín dị đoan và ma thuật không chỉ là những người nghèo nàn về mặt văn hóa và đức tin. Đôi khi sự nghèo nàn còn sâu xa hơn thế nhiều, nghĩa là trước những biến cố quan trọng trong cuộc đời, biết bao người không biết cậy dựa vào đâu để giải quyết.

Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, chúng ta đều biết rằng : không thể nào lại đương đầu với sự ác, đau khổ, thất bại và sự chết bằng cách chạy đến nhờ cậy quyền lực ma thuật, huyền bí, nhờ các pháp sư môi giới, hay tham gia vào những nhóm tôn giáo bí truyền màu sắc “đông phương”. Chẳng khác nào “tránh vỏ dưa, lại gặp vỏ dừa”.

Vì thế, những người mất phương hướng trước các bí nhiệm của cuộc đời ấy, cần được chúng ta trước tiên tiếp đón, nghe họ, soi sáng cho họ, nâng đỡ họ bằng tình liên đới và sự lưu tâm của cả cộng đoàn, để họ vượt thắng những hoàn cảnh khắc khoải, xao xuyến, sợ hãi và bất ổn về tương lai hậu vận.

đ/ Huấn giáo

Chúng tôi kêu gọi các giáo xứ hãy chuẩn bị sao để sẵn sàng tiếp đón những người đã thực hành ma thuật, để cho họ thấy bằng chứng mạnh mẽ rằng tất cả các phương thế có sẵn trong Hội Thánh đều có sức cứu độ : nào Lời Chúa, các Bí tích (cách riêng phép Xá giải và phép Thánh Thể), cầu nguyện, niềm thông hiệp huynh đệ, phục vụ nhau trong tình bác ái...

Huấn giáo hoặc trình bày đức tin một cách có hệ thống là đặc biệt quan trọng :

-                                  Hãy nhấn mạnh về sự tốt lành của mọi sự, mọi loài trong tạo thành ;

-                                  Quyền Chủ Tể tuyệt đối của Thiên Chúa, là Đấng Tạo Thành và là Cha ;

-                                  Tinh thần các mối phúc ;

-                                  Việc cứu chuộc và canh tân mọi sự nhờ bởi hiến tế thập giá và vinh thắng phục sinh của Chúa Kitô trên tội lỗi và ma quỉ ;

-                                  Viễn tượng về Nước Thiên Chúa cánh-chung đang đến, và mọi người, mọi vật đều phải qui phục, ngõ hầu Thiên Chúa là tất cả trong mọi người.

Vì biết rằng khi gặp đau đớn thể xác và tâm thần, nhiều người dễ bị thúc đẩy tìm giải thoát nơi những tay thực hành thuật huyền bí, nên rất cần phải soi sáng cho tín hữu biết giá trị của thập giá (tức là biết chấp nhận cách vui lòng những khổ đau) để đạt tới ơn cứu độ. Đức Giáo Chủ Gioan-Phaolô II, trong bài “Đau Khổ Cứu Rỗi”, số 26, viết : “Người người tự hỏi đau khổ có ý nghĩa gì, và họ đã đi tìm lời giải đáp theo mặt nhân loại. Họ đã nhiều lần hỏi Thiên Chúa về điều ấy, cũng hỏi cả Đức Kitô nữa... Thực ra, Đức Kitô không trả lời trực tiếp hay một cách trừu tượng, cho câu hỏi của loài người về ý nghĩa sự đau khổ. Người ta sẽ nghe dần dần câu trả lời có sức cứu rỗi của Ngài, mỗi khi họ chấp nhận chia sẻ các đau khổ của Đức Kitô.”  Quả thế, nhờ Đức Ki-tô, anh em đã được phúc chẳng những là tin vào Người, mà còn được chịu đau khổ vì Người.” (Philiphê 1:29), bởi vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.” (Rm 8.17).

      e/  Thánh hóa

Việc chữa lành thiêng liêng cho tâm hồn người nào quay về với Chúa, sẽ thể hiện nhờ bởi lòng thương xót mà Chúa Cha đổ xuống trên ta qua Con của Người (x. Ephêsô 2.1-6). Mà ơn cứu độ của Đức Kitô thì được thông truyền cho nhân loại bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, qua các Bí tích : Các Bí tích nhập đạo (Phép Rửa, Phép Thêm Sức, Phép Thánh Thể), các Bí tích chữa lành (phép Xá giải và xức dầu bệnh nhân) và các Bí tích xã hội (Truyền chức và Hôn phối).

Nhờ Lời Chúa và các Bí tích, Hội Thánh chu toàn sứ vụ “làm Bí Tích phổ quát về ơn cứu độ cho hết cả loài người” (Hiến Chế : Ánh sáng muôn dân, số 1). Trong mỗi cộng đoàn Kitô giáo, ở đó người ta nghe loan báo về Chúa Kitô và phụng sự Ngài, công cuộc cứu chuộc loài người đều được thực hiện.

g/ Chúc lành

Nằm trong số các hoạt động bí tích của Hội Thánh, còn có những nghi thức chúc lành, “chúng biểu thị sự huy hoàng, phong phú của ơn Cứu Độ của Đấng Phục Sinh, vốn từ nay hiện diện trong lịch sử như một nguyên lý mới làm cho đời sống nhân loại và cả vũ trụ được biến đổi. ‘Chúc lành’ quả thực là một hành động có tính bí tích do Hội Thánh làm, trong đó lộ rõ ra lòng tin vào sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa trong thế giới, và vào sự vinh thắng phục sinh của Chúa Giêsu”.

Sách Nghi thức mới của phụng vụ Giáo Hội cho ta một số những công thức chúc lành (hay cũng gọi là “làm phép”) cho người, cho những nhóm gia đình, cho các nơi ở hoặc nơi làm việc, cho các vật dụng cũng như cho những hoạt động khác nhau của con người.

Nhưng nếu người ta không hiểu đúng sách “Làm các phép”, sẽ có thể gây ra một thái độ ma thuật và mê tín, nghĩa là coi sách đó như là một bí kíp ban phát những bùa chú, hay pháp thuật tự động phát sinh hiệu quả, chẳng cần cầu nguyện và lòng tin gì cả. Vậy phải hiểu cho đúng tinh thần của nó và theo sát cẩn thận các nghi thức của nó, cốt yếu là nó nhằm làm tăng trưởng đức tin và niềm xác tín rằng Thiên Chúa Cha tỏ lòng ưu ái và ban phép lành cho ta và mọi vật liên quan đến ta.

h/ Phép trừ quỉ

Không hiếm người đi đến các tay pháp sư, phù thủy và thuật sĩ huyền bí để xin được giải thoát khỏi những ảnh hưởng mà họ cho là của ma quỉ, hoặc do bùa ngải hay bị thư ếm... Kết quả thế nào ? Kết quả là các vấn đề lại thêm phức tạp và trầm trọng về sau...

Việc bùa ngải, thư ếm, (xem chú thích 27 dưới cuối), đều là những hành động mà chỉ những kẻ có lòng tin yếu ớt và ngây thơ mới mắc phải, dẫu vậy chúng gây ra những lệch lạc nghiêm trọng cho tâm hồn họ.

Đến xin quyền lực ma thuật, phù phép can thiệp giúp mình thực là chuyện vô cùng nguy hiểm, bởi vì Satan thực tế có khả năng gây ảnh hưởng trên con người bằng hành động thông thường là cám dỗ và còn bằng hành động ngoại thường mà Thiên Chúa cho phép trong một vài trường hợp (Xem trình bày ở chú thích 8 dưới cuối). Vả lại, làm sao người ta lại chạy đến nhờ cậy pháp sư để mong được giải thoát khỏi ảnh hưởng và khống chế của ma quỉ, như thế chẳng khác gì “nhờ quỉ mà trừ ma”, chẳng lẽ họ đã quên lời Đức Giêsu nói : Satan không xua trừ Satan đâu : “Bất cứ nước nào tự chia rẽ, thì sẽ điêu tàn… Nếu Xa-tan trừ Xa-tan, thì Xa-tan tự chia rẽ: nước nó tồn tại sao được ?” (Matthêu 12.25-26).

Chỉ có một cách là chạy đến nhờ quyền năng của Thiên Chúa, mà chính Đức Giêsu đã thi hành thời sứ vụ ở trần gian:

“Nếu Tôi cậy vào Thần khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ông.” (Matthêu 12.28).

 Chúa Kitô đã ban cho các Tông Đồ và các môn đệ quyền năng trừ tà ấy.thế :

Càng ngày càng nhiều những trường hợp người ta chạy đến cùng linh mục để xin ngài trừ quỉ cho, sau khi đã nhiều phen thử nhờ cậy các phù thủy và pháp sư mà chỉ gặt được những kinh nghiệm độc hại.

Hành động mục vụ giải thoát của linh mục sẽ chẳng cậy vào sự gì khác, ngoài niềm xác tín rằng : Hội Thánh làm cho sự vinh thắng của Chúa Kitô trên ma quỉ và tội lỗi được hiện diện và tác động hiệu lực lúc này.

Tuy vậy, nên nhớ : Quyền lực cứu độ của Chúa Kitô thi triển hết hiệu năng trong các Bí Tích, chứ không phải trong việc trừ quỉ. Vì thế ảnh hưởng độc hại nhất, cũng như tiêu cực nhất mà ma quỉ gây ra cho người ta, là khi nó lôi kéo họ vào tội lỗi, chứ không phải là khi nó ám hay nhập vào họ.

Chống lại ảnh hưởng ma quỉ, việc trừ tà không là liều thuốc ở trên hết và mạnh hơn hết. Liều thuốc này, người ta phải tìm ở đâu ?

Thưa : Ở trong một đời sống dấn thân và gắn bó với Chúa Giêsu, trong cuộc sống tình huynh đệ giữa cộng đoàn Giáo Hội, trong việc siêng năng lãnh các bí tích, trong việc cầu nguyện sốt sắng và liên lỉ, trong sự chăm chỉ nghe Lời Chúa mà sẵn sàng vâng theo. Chẳng phải Thánh Gioan đã gói ghém trong một câu rất hàm súc này sao : Chúng ta biết rằng phàm ai đã được Thiên Chúa sinh ra (tức là được tái sinh bởi Phép Rửa), người đó không phạm tội ; nhưng có Đấng Thiên Chúa đã sinh ra (tức là Chúa Giêsu) giữ gìn người ấy, và Ác thần không đụng đến người ấy được.” (1 Gioan 5.18)

Một việc trước tiên phải làm, khi tiếp xúc kiên trì và vô vị lợi với những người nghĩ mình bị quỉ ám, là sẽ tìm hiểu xem có thực đấy là trường hợp có ma nhập, quỉ ám thật hay chỉ là những bệnh thần kinh (như suy nhược thần kinh quá độ, tinh thần bị tổn thương, mát, mất trí, động kinh, khùng điên, loạn óc, v.v...). Cần mời các bác sĩ và chuyên gia, hoặc tâm lý trị liệu gia cùng cộng tác với linh mục để có thể phân biệt đâu là bệnh tâm thần, đâu là quỉ ám. Nhưng tốt nhất những người này phải là những người “có ý thức về những thực tại thiêng liêng” (Nghi thức trừ quỉ “ad interim”, số 16).

i/  Can thiệp của Hội Thánh

Chỉ có quyền lực của Thần khí Thiên Chúa mới trừ được quỉ, chữa được bệnh tật, như chúng ta đã nghe Chúa Giêsu tuyên bố trên đây :

“Nếu Tôi cậy vào Thần khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ông.” (Matthêu 12.28).

Bởi vậy, Người nói với các môn đệ là Người ra đi (chịu chết và về cùng Chúa Cha) là để sẽ sai Thần khí, Đấng Phù Trợ, từ Cha đến : “Ngài sẽ chứng minh thế gian sai lầm về tội lỗi,... về việc xét xử : vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi” (Gioan 16.7-11).

Và Chúa Giêsu công bố sự thất bại của Tên Thù : “Giờ đây Thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài !” (Gioan 12.31). Rồi quả quyết : “Thầy đã thấy Xa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống.” (Luca 10.18).

Và Chúa Kitô đã ban cho các Tông Đồ và các môn đệ khác quyền năng ấy của Thần khí để trừ tà và chữa bệnh trong khi thi hành sứ vụ :“Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.”(Matthêu 10.1; Luca 9.1; Máccô 3.13-15; 6.7; Luca 10.17).

 Không chỉ ban cho các Tông đồ và môn đệ ưu tuyển, Chúa còn rộng ban, nhất là từ sau Phục Sinh, cho cả những kẻ tin được quyền làm các dấu lạ, trong số đó có việc “trừ quỉ” nữa : "Những dấu lạ này sẽ đi theo những người có lòng tin : nhân danh Thày họ sẽ trừ quỷ…" (Máccô 16.17; xem Công vụ 5.16; 8.6-7; 16.18; 19.12).

“Phép trừ tà nhằm xua đuổi ma quỉ hoặc giải thoát khỏi ám ảnh của chúng, nhờ quyền uy thiêng liêng mà Chúa Kitô đã trao ban cho Hội Thánh” (CEC, số 1673). Kể từ đó, người trong Hội Thánh luôn luôn vẫn thi hành quyền năng do Chúa Kitô ban mà trừ quỉ, và đẩy lui các ảnh hưởng độc hại của chúng ; cũng luôn cầu xin với lòng trông cậy, nhân danh Chúa Giêsu, để được “cứu khỏi kẻ Dữ” (Lời cầu xin cuối cùng của Kinh Lạy Cha, Matthêu 6.13). (Trích sách Nghi thức trừ quỉ..., số 6-7).

 Cha G.Amorth viết trong quyển “Nhà Trừ Quỉ”: “Quyền năng này, mà Chúa Giêsu ban cho tất cả những người tin vào Ngài, vẫn còn hiệu lực đầy đủ. Đó là quyền năng phổ quát, dựa trên lời cầu nguyện và lòng tin. Nó có thể được thực hiện bởi cá nhân hay cộng đồng. Nó luôn luôn sẵn sàng ứng đáp và không đòi hỏi một quyền bính đặc biệt nào. Tuy nhiên, chúng tôi phải nói rõ ra rằng trong trường hợp này chúng ta nói về những kinh nguyện giải thoát (prayer of deliverance), chứ không nói về những câu trừ quỷ (tức là việc trừ quỉ đúng nghi thức : exorcism).

Thật vậy, việc thi hành cách công khai chức vụ trừ quỉ ấy, được dành cho các Giám mục và linh mục nào được các ngài ủy nhiệm (Giáo luật, số 1172). Giáo luật tuyên bố rằng không ai được làm việc trừ quỉ nếu chưa được Đấng Bản quyền sở tại ban phép đặc biệt và rõ ràng (Giáo luật số 1172, đoạn 1), và còn ấn định rằng phép ấy chỉ do Đấng Bản quyền sở tại ban cho vị linh mục nào trổi trang về đạo đức, về kiến thức, về khôn ngoan và đời sống liêm khiết (Giáo luật trên, đoạn 2).

(Hình bên : Thánh Phanxicô đờ Borgia đang tiến hành việc trừ quỉ).

Căn cứ vào điều khoản này, kỷ luật Giáo Hội đã nhắc nhở về một quan niệm thấy càng ngày càng phổ biến cho rằng “ai đã chịu phép Rửa tội đều là một nhà trừ quỉ” ; và trong một số những đoàn thể trong Giáo Hội, người ta hội họp nhau để trừ tà, thì quan niệm và cách làm ấy không hợp pháp, và nhất là “cũng không được phép dùng công thức trừ quỉ rút ra từ công thức được Đức Giáo Chủ Lêô 13 công bố, và càng không được phép dùng toàn bản văn của việc trừ quỉ ấy” (Thư của bộ Giáo lý Đức tin : “Inde ab aliquot annis”, năm 1985, số 2).

 Kỷ luật trên đây nhắm vào những ai, không được Đức Giám Mục chỉ định mà công khai thi hành việc trừ quỉ đúng nghi thức (exorcism). Nhưng không ngăn cấm linh mục hay giáo hữu (riêng lẻ cá nhân hay họp nhau) cầu nguyện xin Chúa xua đuổi tà ma khuấy khuất (prayer of deliverance).

Xem thế, về việc trừ quỉ, Hội Thánh tỏ ra rất thận trọng. Bởi bản chất và ý nghĩa, việc trừ quỉ chỉ đích thật trong những trường hợp quỉ ám được xác định chắc chắn. Những trường hợp như thế là trầm trọng nhất, nhưng cũng họa hiếm xảy ra nhất. “Nếu không thấy rõ ràng những dấu hiệu của ma quỉ can thiệp (vị linh mục) không được làm phép trừ quỉ” (Nghi thức trừ quỉ..., số 16).

Có lẽ vì quá thận trọng, quá kỹ lưỡng cho nên trong Giáo Hội không mấy ai dám nhận chức vụ trừ quỉ nữa, thành ra cánh đồng này coi như bị bỏ hoang cho ma quỉ hoành hành, vì thế cha G.Amorth, trong quyển “Nhà trừ quỉ”, có lời than phiền về sự kiện :

“Ngày nay Giáo Hội Công Giáo đã quá lơ là với sứ mạng đặc biệt này (việc trừ quỉ), và bởi đó con cái Giáo Hội không chạy lại với Thiên Chúa nữa (nhờ các vị đại diện Người là các linh mục, để tìm sự giải thoát), nhưng là tìm đến với Satan. Việc chạy đến với các phù thủy, thày cúng, kẻ bói bài, thầy bùa thầy ngải ngày càng gia tăng; chỉ có rất ít các nạn nhân chạy đến cùng các nhà trừ quỷ (của Giáo Hội) và thường là sau khi đã chịu đau khổ dưới tay “những kẻ khác”. Chúng ta đang chứng kiến sự ứng nghiệm những lời trong Kinh Thánh liên quan đến Vua A-khát-gia. Trong lúc vua bị bệnh nặng, ông đã sai sứ giả đi cầu vấn Ba-an-dơ-vúp (vua các loài quỷ!), thần của dân Êc-rôn, để hỏi cho biết số phận tương lai. Tiên tri Ê-li-a đã chặn các sứ giả này và hỏi họ : "Ở Ít-ra-en không có Thiên Chúa hay sao mà các ngươi đi hỏi thần Ba-an-dơ-vúp ?" (2Vua 1, l-4).

Để đáp ứng những nhu cầu của các tín hữu bị những rối loạn tâm linh loại ấy làm khốn, nên đặt ra trong toàn giáo phận một vài linh mục được Đức Giám mục ủy nhiệm quyền thường xuyên để chu toàn chức vụ ấy, cách riêng tại những nhà thờ hay Thánh đường rất đông người lai vãng.

Chức vụ trừ quỉ phải được thi hành trong bối cảnh mục vụ chung của toàn Giáo phận. Mong ước chớ gì các giáo phận hay Tổng giáo phận làm sao thiết lập được những trung tâm tham vấn hay cố vấn gồm các linh mục và chuyên gia có khả năng định hướng thiêng liêng hay biết phân biệt rành rẽ cho những người có nhu cầu.

Khi một giáo phận không có được những vị (linh mục) riêng để làm chức vụ trừ quỉ, các Giám mục có thể đồng ý ủy nhiệm cho một số linh mục chức vụ trừ quỉ chung cho liên địa phận.

Các linh mục được ủy nhiệm việc trừ quỉ, phải theo hạn kỳ báo cáo bằng giấy viết về các hoạt động của các vị, phải sử dụng các sách Phụng vụ về việc ấy, đã được phê chuẩn và đang thông dụng trong Hội Thánh. Còn nữa, mỗi năm, dưới sự chủ tọa của Giám mục, sẽ tổ chức một cuộc gặp mặt trong miền để lượng giá cho đúng, để trao đổi thông tin và để có một mục vụ hiệp nhất đường lối.

 

***

 

 



[i]    Ví dụ : rước tượng Đức Mẹ là dịp người ta đổ xô đến, lấy tay vuốt ve tượng rồi xoa mặt mình để cầu phước, để chữa bệnh v.v... Đọc Kinh X… này mấy lần, thì được gìn giữ khỏi tai họa ; đeo ảnh vảy này thì súng đạn bắn không thủng v.v…

[ii]  Đây là vài ví dụ về những hình thức đạo đức bình dân : ngắt hoa lá ở đó về nấu làm như thuốc chữa bệnh ; lấy khăn tay lau hay chạm vào ảnh tượng hay vật được coi là thánh thiêng, đem về dùng để chữa lành, để phù hộ v.v… Đành rằng nếu có lòng tin thật, thì những cử chỉ đó có thể là phương tiện Thiên Chúa dùng để làm phép lạ cứu chữa, nhưng thông thường những cái đó dễ bị sử dụng như một thứ bùa phép, “như thể chúng tự động có một hiệu lực ma thuật, mà không đòi buộc đương sự phải có những tâm trạng tin yêu cần thiết” và Giáo luật bảo : “đó là rơi vào mê tín dị đoan rồi” (CEC, số 2111).

[iii]    Nhưng cũng đừng hàm hồ vơ đũa cả nắm, kết án bừa bãi những cử chỉ và nghi thức đó khi chưa kịp phân biệt trắng đen… hay vàng thau lẫn lộn… Muốn tránh dị nghĩa và ngộ nhận, tốt nhất là phải giải nghĩa trước cho rõ.

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Vườn Hoa Đức Mẹ (5/6/2014)
Xin Vâng (5/6/2014)
Hãy Nhớ Mệnh Lệnh Fatima (5/6/2014)
Bổn Mạng Những Người Mẹ (5/6/2014)
Điệp Khúc Kính Mừng (5/6/2014)
Tin/Bài cùng ngày
Lời Thánh Padre Piô Năm Dấu (5/5/2014)
Ai Tín Thác Vào Mẹ Qua Tràng Hạt Mân Côi Sẽ Không Bị Hư Mất (5/5/2014)
Tin/Bài khác
Lạy Nữ Vương Toàn Năng Là Đấng Bầu Cử Cho Chúng Con Trước Tòa Chúa! (5/4/2014)
Lạy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, Xin Cầu Cho Chúng Con! (5/4/2014)
Thơ Tháng Năm Kính Mẹ Maria (5/4/2014)
Nguồn Gốc Tháng Hoa Đức Mẹ (5/4/2014)
Kinh Nghiệm Mân Côi (5/2/2014)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768