Bài viết dưới đây được
trích trong tập sách "Chúa Thương Xót: Cẩm Nang hướng dẫn kể từ Lúc
Khởi Nguyên cho tới Đức Bênêđíctô Thứ XVI
(Divine Mercy: A Guide from Genesis to Benedict XVI)", nguyên
tác của Tiến sĩ Robert Stackpole, STD,
Nhà Xuất Bản "Marian Press" phát hành.
Trước khi bước vào câu chuyện Thiên Chúa tỏ
tình thương xót đối với nhân loại, chúng ta cần phải hiểu biết đôi chút về ngôn
ngữ "Chúa Thương Xót/ Chúa tình thương (Divine Mercy) quả thực có ý nghĩa
gì. Câu nói này cho thấy một khó khăn về
ngữ học. Xét ra, ngôn ngữ "thương xót (mercy)" sử dụng trong Anh Ngữ
hiện thời có một ý nghĩa rất giới hạn.
Thực ra nó được dùng để nói đến cử chỉ xá lỗi, chẳng hạn như "xin quan tòa tha cho tôi; xin thương xót tôi!"
hoặc, "Hắn trông cậy vào lòng thương xót của tòa
án." Tuy nhiên, trong thần học Công
Giáo chân truyền, thương xót không chỉ có ý nghĩa là hủy bỏ án phạt, mà còn
nhiều hơn thế nữa.
Chúa Thương Xót có nghĩa là Thiên Chúa hạ cố xuống để [thỏa
mãn] những nhu cầu và loại bỏ những đau khổ của các thụ tạo của Ngài. Thánh
Kinh, những huấn dạy của Thánh Thômas Aquinô, và của Đức cố Giáo Hoàng Gioan
Paulô II đều quả quyết với chúng ta điều này.
Cựu Ước cho chúng ta khá nhiều hình ảnh đau khổ của con người và Thiên Chúa vì
xót thương nên luôn tìm cách
giảm nhẹ nỗi đau khổ đó.
Chẳng hạn một trong những hình ảnh đau xót là hoàn cảnh khốn khổ của một
phụ nữ đơn chiếc đang đau đớn vì cảnh đơn chiếc không chồng, không con – hoàn toàn bị bỏ rơi trên thế gian. Đây cũng là
hoàn cảnh tinh thần của hết thảy chúng ta khi thiếu vắng Thiên Chúa. Các ngôn
sứ trong Cựu Ước lấy việc đó để cho thấy rằng dân Israel bị đẩy vào tình trạng
vô cùng khốn quẫn vì tội lỗi và sự bất trung của họ đối với Thiên Chúa. Nhưng
câu chuyện chưa kết thúc ở đây.
Yawêh Thiên Chúa động lòng trắc ẩn xót thương người thiếu phụ
nên đã kết ước với bà và ban cho bà nhiều con cái. Ngài hạ cố đến với người thiếu phụ đang
đau khổ và nâng bà trỗi dậy. Nơi xưa kia chỉ có tuyệt vọng, đơn chiếc, và tâm hồn
tan nát thì nay là hoan hỷ, con cái đầy đàn và tình yêu chung thủy.
Có
thể tìm thấy trong Cựu Ước một tỉ dụ đầy cảm hứng về
mối tình chung thủy thần thiêng xoa dịu người đang đau khổ trong bút ký của vị ngôn sứ
được biết với danh hiệu là [Tiểu] Nhị Isaiah. Ông khích lệ dân Do Thái đang bị lưu đày ở
Babylon đừng mất hy vọng vào Thiên Chúa và Ngài sẽ động lòng thương sẽ giải cứu
họ:
"Hỡi người hiếm muộn son sẻ, không sinh con, hãy hát
mừng cất cao tiếng nói; hỡi người bị đau đớn chuyển dạ sinh con! Thiên Chúa
phán: vì người phụ nữ bị bỏ rơi sẽ có đông con hơn người phụ nữ có chồng. Hãy nới rộng lều ở của
ngươi, và kéo những liều bạt cho căng ra; đừng ghìm giữ lại, nối giây thừng cho
dài thêm và đóng liều cọc của ngươi cho chắc.
Vì tả hữu ngươi sẽ tràn lan ra ngoài, và dòng dõi ngươi sẽ chiếm hữu các
nước và sẽ an cư trong các thành hoang phế.
"Ðừng sợ, đừng hổ thẹn, vì ngươi sẽ không bị xấu hổ, vì
ngươi sẽ không bị làm cho tủi nhục; vì ngươi sẽ quên hết nỗi hổ nhục thời xuân
trẻ, và ngươi không còn nhớ đến bao điều sỉ nhục thời goá bụa nữa. Vì Đấng Tác Thành ngươi là chồng của ngươi,
danh Người là Thiên Chúa các đạo binh; và Đấng Thánh của Israel là Đấng Cứu
Chuộc ngươi, Người được gọi là Đức Chúa trời đất. Vì
Thiên Chúa kêu gọi ngươi như gọi người vợ bị ruồng rẫy hồi xuân trẻ, như
gọi người vợ bị bỏ rơi và tinh thần đang đau buồn, Thiên Chúa ngươi phán. Ta
ruồng bỏ ngươi trong chốc lát, nhưng vì hết sức thương ngươi ta sẽ gom góp các ngươi lại. Đấng Cứu Chuộc
ngươi, Thiên Chúa phán, trong lúc bừng bừng phẫn nộ ta lánh mặt ngươi trong chốc lát, nhưng vì tình nghĩa đời đời Ta động lòng xót thương ngươi.
"Vì đối với Ta cũng giống như những ngày của thời Nôah:
Khi Ta thề với Nôah rằng nước sẽ không còn ngập lụt trên mặt đất nữa, nay Ta
cũng thề như vậy, Ta sẽ không còn nổi giận với ngươi và sẽ không wuở trách
ngươi nữa. Vì Đấng động lòng thương xót
ngươi, Thiên Chúa phán, cho dầu núi có chuyển và đồi có bị dời đi, nhưng tình
nghĩa chung thủy của Ta đối với ngươi sẽ không lay chuyển, và giao ước bình an của
ta sẽ chẳng chuyển lay.” (Isaiah 54:1-10)
Trong Sách Cựu Ước, tiếng Do Thái có hai từ chính mà chúng ta thường dịch ra là thương
xót. Trước hết, đó là từ ngữ "hesed", dịch nghĩa là
"tình yêu chung thủy, giao ước tình yêu." Người nào có biểu tượng hesed là người luôn luôn có thể trông
cậy được, người không bao giờ bỏ rơi bạn.
Theo học giả Thánh Kinh Công Giáo John L. Mckenzie, thì chữ hesed dùng trong tiếng Do Thái thường đi
đôi với một chữ khác để thêm rõ nghĩa, chẳng hạn như hesed-emet (bền vững - tình yêu đáng tin cậy, hesed-sedekah (công chính- tình yêu thánh thiêng, và hesed-yesua (cứu vớt – tình thương
cứu độ). Trong phần chú giải của tông thư Dives
in Misericordia (Giàu Tình Thương Xót), Đức cố Giáo Hoàng Gioan Paulô II
dạy rằng chữ hesed hàm chứa ý nghĩa
là trung tín với bản thân, trung tín với lời hứa và những cam kết của mình
đối với tha nhân (thế nên, cuốn sách
Thánh Kinh thịnh hành của Giáo sư Scott Hahn có nhan đề "Người Cha Giữ
vững Lời Hứa của mình
- The Father Who Keeps His Promises”. Đức Thánh Cha viết:
Trong Sách Cựu Ước chữ hesed
khi được dùng để chỉ Thiên Chúa, thì chữ này luôn liên kết với giao ước mà Thiên Chúa đã thiết lập với dân Israel. Giao ước này là, thuộc một trong những phần
tặng sủng và ơn huệ của Thiên Chúa ban cho dân Israel... Thiên
Chúa đã thiết lập cùng với sự tôn trọng cam kết đó... Giao ước này về phần
Thiên Chúa từng là một tặng sủng và là một ân huệ cho Israel.... Thiên Chúa đã
đưa ra một cam kết để tôn trọng cam kết ấy…
[ chữ hesed thiêng liêng này]
tự phô bày cho
thấy những
gì đã có từ khởi nguyên, nghĩa là, tình thương ban phát, tình thương mạnh hơn phản
bội, ân sủng mạnh hơn tội lỗi (số 52).
Như chúng ta đã thấy trong tỉ dụ mở đầu, toàn bộ kinh
nghiệm của dân Israel đối với Thiên Chúa cũng là hậu quả hesed-yêu thương của
Ngài (Isaiah 54:10): “Đấng động lòng thương xót ngươi, Thiên Chúa phán, ví dầu núi có chuyển và đồi
có lay đi nữa, nhưng tình nghĩa chung thủy [hesed]
của Ta đối với ngươi sẽ không lay chuyển, và giao ước bình an của ta sẽ chẳng
chuyển lay.” Theo John L. Mckenzie đã
chép: "toàn bộ lịch sử về cách đối xử của Yahweh với dân Israel có thể
được tóm gọn trong từ hesed; đó là
động lực chủ yếu thể hiện trong những việc Ngài làm, và là động cơ có tính
thống nhất và có thể hiểu được trong những việc Ngài làm đối với mọi
người." (Tự điển Thánh Kinh)***
Từ ngữ thông dụng thứ hai
để chỉ về tình thương xót của Thiên Chúa trong Cựu Ước theo ngôn ngữ Do Thái là
rachamim: có nghĩa là trìu mến, động
lòng thương xót, một thứ tình trắc ẩn xúc động đến độ tuôn trào lòng thương
xót. Những ai có rachamim có nghĩa là người ấy cùng đồng cảm thương với hoàn
cảnh của bạn và động lòng thương xót đến giúp đỡ bạn. Rachamin
thường cặp đôi với hesed. Bắt nguồn
từ chữ rechem, có nghĩa là cung dạ
mẹ. Vì thế, thứ tình yêu này có quan hệ mật thiết với nhau và sẵn sàng bổ túc
lẫn nhau [thương thay chịu thay], và nhất là để ý quan tâm săn sóc lo lắng cho
những đau khổ của tha nhân. Đức Thánh
Cha coi hesed như là, một cảm xúc,
một thứ tình yêu nam giới (chung thủy, tin yêu, công chính, thành thực với
chính mình và chân thành giữ lời thề với ai đó), trong khi Rachamin lại thuộc nữ giới (quan tâm, động lòng trắc ẩn, cảm thương,
như người mẹ đang đau khổ xót thương đứa con một của bà).
Theo Tân Ước, thì chữ
"thương xót" dịch ra Hylạp (Greek) là eleos. Cũng có thể phiên dịch ra là từ bi lân tuất hoặc quan tâm
chăm sóc. Chữ dầu (oil) có nguồn gốc Hy
lạp nghĩa là đổ ra. Vì thế, khi Giáo Hội hát kinh xin Chúa thương xót [lúc đầu lễ] bằng
tiếng Hy lạp Kyrie Eleison và Christie Eleison (xin Chúa thương xót chúng con) trong phụng vụ của mình, là Giáo Hội
đang van xin tình thương xót của Thiên Chúa đổ xuống trên con cái giáo hội, tương
tự như đổ dầu thánh trên đầu vậy. Theo
các Giáo Phụ của Giáo Hội thời xưa, thì Giáo Hội được sinh ra từ cạnh sườn của
Chúa Kitô, khi Thánh Tâm Ngài chảy máu và nước ra, là biểu hiệu của hết mọi ân
sủng, là biểu hiệu của hai Bí tích cột trụ Rửa Tội và Thánh Thể (Gioan
19:34). Tóm lại, eleos có nghĩa là Thiên Chúa tuôn đổ tình thương xuống trên dân Người.
Theo truyền thống
Latin, thì nguyên ngữ thương xót là misericordia,
có nghĩa là, “tâm thần đau khổ (miserable heart)”. Cha George Kosicki, CBS, thuyết pháp rất hay
về Chúa Thương Xót, đã đúc kết nguyên ngữ Latin : misericordia có nghĩa như
sau “tâm thần bạn đang đau thương vì tha nhân, và bạn gánh lấy đau thương đó để
mưu sự vì nỗi đau của họ.” [người dịch xin tóm gọn: thương thay, chịu thay, đền
thay, mưu ích thay bù đắp thay.]
Quyền Giáo Huấn
(Magisterium) để giải nghĩa về Chúa Tình Thương hầu hết được tìm thấy trong
tông thư Dives in Misericordia (Giàu
Tình Thương Xót, viết năm 1981) của Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Paulô II. Trong tông thư đó, Ðức Thánh Cha trình bày
thành hai tông văn rất quan trọng về Chúa Tình Thương. Bản thứ nhất ngài viết, “Thương Xót là danh
hiệu thứ nhì của Chúa tình thương”. Bản thứ hai,
ngài dạy rằng Chúa thương xót có nghĩa là “Thiên Chúa đại lượng”.
Chúng ta hãy xem xét
lại những văn bản tông thư này.
Thương Xót là Danh
Hiệu Thứ Nhì của Chúa Tình Thương
Đức Cố Giáo Hoàng
không có nói điều gì mới mẻ trong thông điệp này. Theo thần học chân truyền
Công Giáo, thương xót là một loại tình thương son sắt, là một sự biểu lộ tình
thương chung thủy bền vững.
Thường thì tình thương
được định nghĩa như là một sự chia sớt / bù đắp và cho đi/trao ban chính mình
/thí mạng vì tha nhân, là người có lòng vị tha
không ích kỷ chỉ muốn mưu ích cho kẻ khác.
Theo thần học gia Balan (Polish) Ignacy Rozycki giải thích:
Thần Học Tín Lý Chân
Truyền Công Giáo minh giải nhân đức thương xót là khi người lân cận cảm thấy
xót xa đau lòng đến độ động lòng trắc ẩn tuôn trào tình thương. Sự đau xót đó tác động chúng ta sẵn lòng trợ
giúp những ai đang lâm cảnh hoạn nạn khó khăn thiếu thốn và cùng khổ. Theo thần học luân lý gọi "tình thương
xót" này...là không những chỉ biết thương đến quên mình nhưng còn biểu lộ
kết quả tình thương tiềm ẩn ấy thấu xuyên ra ngoài nữa (trích trong “Pillars of Fire in my Soul: the Spirituality
of St. Faustina” (Hỏa trụ Hồn tôi: Linh đạo của Thánh Nữ Faustina), Marian
Press xuất bản, 2003, trang 95).
Vậy, đang lúc chơi đùa với trẻ nít, hoặc đang khi
vui thú tình yêu phu phụ, hoặc hát lên bài ca chúc tụng Thiên Chúa nơi Bàn Tiệc
Thánh, thì đa loại hành động "yêu thương" này được coi như bộc phát
bình thường thế thôi, chứ chúng ta không thể nào gọi những loại "yêu thương" này là hành vi "thương xót" được. Mặt khác, khi đang cho kẻ đói ăn, cho người
khát uống, cho kẻ trần truồng rách rưới ăn mặc, và cho kẻ vô gia cư trú- hoặc thành
tâm đem Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô đến cho kẻ đang bị tuyệt vọng và hư mất- mọi tác hành này đều là xót thương bác ái:
xót thương đến độ hạ mình xuống nâng đỡ
người đang quằn quại đau khổ về cả thể lý lẫn tâm thần. [xin đọc lại kinh thương xót người có 14 mối]
Thương Xót là Thiên
Chúa Đại Lượng
Đức cố Giáo Hoàng
Gioan Paulô II đã viết trong thông điệp "Dives in Misericordia-Giàu Tình
Thương Xót" rằng: Duy chỉ có Thánh Kinh, Truyền Thống, và toàn bộ đời sống
đức tin của Dân Thiên Chúa mới hội đủ bằng chứng ... cho biết Thiên Chúa đại lượng
xót thương và là Thiên Chúa thiện hảo"(số 13). Đức cố Giáo Hoàng đã nhắc lại lời huấn dạy
của Thánh Âugústine và Thánh Thômas Aquinnô.
Nhưng ai nấy trong chúng ta đều muốn biết sự thực sẽ thế nào. Liệu có Thiên Chúa trọn hảo "đại lượng"
hơn ai nào khác chăng? Theo truyền thống triết học của Kitô Giáo và của Công
Đồng Vatican Đệ Nhất định nghĩa về Thiên Chúa rộng ban, là chỉ có một Thiên
Chúa, duy nhất, linh thiêng [vô hình], tác hành Sống Động trọn hảo vô cùng. Ngài không có "chi thể" như chi thể
của các thụ tạo. Hơn nữa, mỗi sự thiện hảo của Ngài- chẳng hạn như Tình thương,
sự trọn lành, quyền năng và sự khôn ngoan của Ngài- chỉ là những danh hiệu khác
thay cho chính danh Ngài. Thần học gia
Balan là Cha Ignacy Rozycki giải thích như thế này:
Theo nhận thức, mọi
thuộc tính của Thiên Chúa đều là Chúa, duy nhất và như nhau. Vì vậy, mọi sự
tuyệt đối khác đều bằng nhau. Chúa Thương Xót cũng giống như là Chúa trọn hảo
[toàn thiện toàn mỹ toàn ái] Chúa quyền năng và Chúa Khôn Ngoan vậy, bởi lẽ cùng một
Chúa và là Thiên Chúa, y hệt như Chúa Khôn Ngoan và Chúa Quyền năng đều là
Thiên Chúa vậy (Hỏa Trụ “Pillars of Fire”, trang. 96).
Hay nói cách
khác,Thiên Chúa không chỉ có thể hiện đôi điều thương xót, và
Người cũng không có tính "phe phái" khi thể hiện tình thương
xót, như nhân tính loài người ta. Trái
lại, Người luôn hiển hiện ở khắp mọi nơi và thương xót khắp mọi giờ khắc. Hết
thảy những gì Người làm đều tỏ lộ tình thương xót của Người, và mọi thuộc tính
của Người cũng vậy. Hết thảy đều là
một-như nhau. Mọi thuộc tính của Người
đều vĩnh cửu! Nhưng mặt khác cha Rozycki viết tiếp:
Mặt khác, nếu, tình thương
xót được hiểu theo nghĩa Thánh Kinh như là chức năng, thế thì, ngay cả khi điều
đó được gọi là một thuộc tính, thì kết quả trên hết của thuộc tính đó đều có
nghĩa là vô biên vô cùng và là tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa xuyên suốt lịch
sử thế gian, và nhất là nơi lịch sử cứu độ của nhân loại. Thực ra, cả hai hesed (tình thương xót trong
Cựu Ước), cũng giống như eleos (tình thương xót trong Tân Ước) đều biểu lộ hành
động yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại. Cựu Ước biểu lộ Thiên Chúa trực tiếp kêu gọi
và hướng dẫn dân Người tuyển chọn, còn trong Tân Ước biểu lộ Người phái gởi Con
Thiên Chúa xuống thế gian trong công việc cứu độ trọn vẹn. Thánh Kinh trình thuật thật rõ ràng mối liên
hệ giữa thương yêu và thương xót đã được thánh Faustina thổ lộ khi chép: 'thương yêu là hoa, thương xót là trái' (Nhật ký, số 948)
Như vậy, nếu chúng ta
hiểu được ý nghĩa thương xót trong Thánh Kinh, thì chúng ta không còn sợ lỗi
nghịch với đức tin nữa, có thể nói rằng
thương xót là thuộc tính cao trọng nhất của Thiên Chúa …[hay nói cách khác] sự
thông hiểu Thánh Kinh này hàm chứa, những kết quả hoạt động từ bi bác ái xót thương
và cao trọng nhất trên thế gian, tình thương xót trỗi vượt trên mọi thuộc tính
Thần Thiêng khác (Hoả Trụ “Pillars of Fire”, trang 96).
Theo chú giải khác gần
giống với lối giải thích này tương tự như sau: Chúa Thương Xót đã biểu lộ tột
cùng mọi hoạt động của Thiên Chúa đối với nhân loại, và để trở nên cớ dẫn đàng
chỉ lối, buộc chúng ta phải lưu ý đến tình thương xót tiềm ẩn đằng sau mọi hoạt
động của Thiên Chúa nơi thế gian.
Ðể rút ra từ ngữ thương
xót dựa trên Thánh Kinh, và dựa theo những huấn giáo của Ðức Cố Giáo Hoàng
Gioan Paulô II, vì thế, chúng ta cố gắng phúc trình cách chính xác về “Chúa Thương
Xót” mà chúng ta nói đó nghĩa là sao.
Trong thư thứ nhất của
Thánh Gioan (4:8). “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Người
hằng hữu, vô biên vô tận, thí mạng vì yêu bằng chính nhân tính của Người, giữa
Ba Ngôi Chí Thánh – Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Vì thế, từ muôn đời, Người vẫn vô biên hằng
có đời đời, Người hưởng niềm hoan lạc tình yêu hiến trao sung mãn, yêu nên nhận
lãnh, và yêu nên trở lại. Người đã hoan
hưởng sự sung mãn yêu đương trọn hảo đó trước khi thế gian được tạo thành – và
thậm chí nếu Người chưa hề tạo dựng nên bất cứ thế giới nào, thì Người vẫn hoan
hưởng tình thương yêu trọn vẹn vĩnh phúc này, bởi lẽ “Thiên Chúa là tình yêu.”
Trong cõi đời đời,
tình yêu hằng hữu mà Người hằng có, ở trong Chúa Ba Ngôi Chí Thánh hằng sống,
thì Người không cần phải “thương xót,” khi không “muốn” hoặc “đau khổ” hoặc “hy
sinh” để khắc phục nhu cầu Hữu Thể Vô Biên Trọn Hảo. Thế thì Chúa Thương Xót có nghĩa là sao nữa?
Thánh Thômạs Aquinô
giải nghĩa thương xót cách thông thường như “tâm hồn chúng ta thương đau chỉ vì
thấy người lân cận đau khổ, một sự thương đau đến độ đánh động chúng ta làm bất
điều gì để có thể để cứu giúp người ấy” (ST II-II.30.1). Cho nên, Chúa Thương
Xót, là Người gánh nguyên khuôn tình thương vĩnh hằng của Thiên Chúa khi hạ cố
đến với chúng ta đáp ứng nhu cầu trọng yếu và
đổ vỡ của chúng ta. Bất kể bản
chất của chúng ta là gì hoặc đau khổ thế nào đi chăng nữa – như tội lỗi, sai
quấy, chịu đau khổ, hoặc chết chóc đi nữa - Người luôn sẵn lòng tuôn đổ tình thương
xót của Người, đến phù giúp chúng ta lúc cần kíp, chỉ vì động lòng thương chúng
ta.
Thực ra, Thiên Chúa
tình thương đối xử với các thụ tạo của Người thương xót luôn mãi. Như khi chúng ta
đọc trong Thánh Vịnh (25:10) “mọi
nẻo đường của Thiên Chúa đều là chân lý và thương xót,” và Thánh Vịnh (145:9), “Tình thương xót của Người vượt trên hết mọi công
việc của Người.”
Vì thế, khi Người tạo
dựng thế gian từ hư vô ex nihilo, và giữ gìn nó trong mọi giờ khắc, thì đó
là tác hành tình yêu thương xót: tình yêu thương của Người thắng vượt vô khả tính,
thắng vượt mọi sự không thể hiện hữu.
Khi Chúa Con nhập thể
và ngự giữa chúng ta, thì đó cũng là tác hành tình yêu thương xót: tình yêu thương của Người bù đắp
những mất mát thiệt hại của chúng ta, Người chỉ đường cho chúng ta đến với Chúa
Cha, và Người kết thành của lễ tiến dâng hoàn hảo để đền vì tội lỗi chúng ta.
Khi Người đổ Thánh
Thần vào tâm hồn chúng ta để đổi mới và thánh hóa chúng ta, thì đó cũng là tình tình yêu thương xót của Người: tình yêu thương
của Người đổ
vào tâm hồn chúng ta để làm động lực bật nút đức tin, đức cậy và đức mến tăng
trưởng, và để chúng ta hoan hỷ phụng sự Người. Thánh Vịnh 136 ca vãn rất hay. Đang
khi chúng ta mừng lễ mọi công việc sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa, thì thánh
vịnh không ngớt tung hô: "vì
tình thương xót của Người đời đời chẳng cùng", "muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương" (Robert Stackpole, Jesus, Mercy
Incarnate, Marian Press, 2000, trang.112).
Lễ Kính Chúa Tình Thương Chúa Nhật Phục Sinh 27/4/2014.
Sóng biển