THƯ GỞI THÁNH GIOAN PHAOLÔ II BA ĐỜI GIÁO HOÀNG - MỘT LÒNG THƯƠNG XÓT
“Nhân loại không có một nguồn hy vọng nào khác ngoài Lòng Chúa Xót Thương” (JP II)
Kính thưa cha thánh Gioan Phaolô,
Khi đang miệt mài làm công việc loan truyền Lòng Chúa Thương Xót khắp nơi, con đến gặp anh bạn linh mục nhạc sĩ, một người cũng rất nhiệt tình trong công cuộc này. Hai anh em thường gặp nhau chia sẻ những thao thức trở ngại khó khăn khi dấn thân cho sứ vụ. Con đề nghị anh làm một album ngợi ca lòng thương xót.
Mỗi tháng đến đó dâng thánh lễ kính Lòng Chúa Thương Xót, anh lại tặng con một ca khúc mới về lòng thương xót. Bài hát chúng con tâm đắc nhất mà hiện nay các cộng đoàn lòng thương xót đều hát để cầu nguyện, đó là bài “Chúa Giầu Lòng Xót Thương”
“Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng nơi Chúa. Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa, vì ngoài lòng Chúa xót thương, không còn nguồn hy vọng nào. Chúng con đặt vào Chúa, lòng tín thác của mỗi chúng con.
Nhân loại hôm nay đang trải qua bao là sự dữ. Con người hôm nay đang sống trong tuyệt vọng lo âu. Chúng con đến kêu cầu, Chúa giầu lòng xót thương. Ngài mở ra con đường, đưa đến tận nguồn suối yêu thương.”
Con hỏi anh lấy ý tưởng ở đâu mà sáng tác được bài hát “có hồn” như thế. Anh cho biết lấy từ ý tưởng của cha trong bài giảng lễ phong chân phước cho chị Thánh Faustina vào Chúa Nhật sau lễ Phục Sinh 18 tháng 4 năm 1993, tại quảng trường thánh Phêrô ở Rôma :
“Ôi chị Faustina, đời sống của chị phi thường biết bao! Chính chị là người con gái khó nghèo của dân tộc Ba Lan, đã được Chúa Giêsu ưu tuyển để nhắc nhở cho mọi người về mầu nhiệm cao vời của Lòng Chúa Xót Thương !
“Chị viết trong Nhật Ký “Tôi cảm thấy sứ mạng của tôi sẽ không chấm dứt sau cái chết của tôi, nhưng đó sẽ là khởi đầu (NK, 281). Và quả thật đúng như thế! Sứ mạng của chị vẫn tiếp tục và đang sinh hoa kết quả lạ lùng. Thật sự lạ lùng, vì lòng sùng kính của chị đối với Chúa Giêsu nhân lành đang loan truyền khắp thế giới đương đại, và đem về rất nhiều linh hồn! Hiển nhiên đây là một dấu chỉ của thời đại. Sự quân bình của thế kỷ này giờ đây đang chấm dứt, ngoài những tiến bộ vượt xa các thời đại trước, còn cho thấy một nỗi ưu tư sâu sắc và sợ hãi về tương lai. Thế giới không thể tìm đâu được nơi nương ẩn ngoài Lòng Chúa Thương Xót ! ”
Thưa cha,
Con thấy ở đây có một sự trùng hợp nhịp nhàng lạ lùng. Chúa chọn hai vị tông đồ của lòng thương xót đều xuất thân từ Balan. Thánh Faustina tiếp nhận thông điệp Lòng Chúa Thương Xót. Còn cha thì chuyên lo rao truyền Lòng Chúa Xót Thương. Quả đúng như điều Chúa nói với thánh Faustina : Từ Balan sẽ chói lên một tia sáng để sửa soạn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha (NK, 1732).
Nếu không có cha “nhúng tay” vào thì không biết công cuộc này sẽ đi về đâu, như Chúa đã báo trước với Faustina : “Sẽ đến một thời điểm mà công cuộc Thiên Chúa đang đòi hỏi quá nhiều này sẽ ra như hoàn toàn thất bại. Và khi ấy, Thiên Chúa sẽ hành động với quyền năng phi thường để minh chứng tính xác thực của công cuộc. Đó sẽ là một vẻ huy hoàng tân kỳ đối với Giáo Hội, mặc dù đã bị quên vùi trong một thời gian lâu dài, vì một khi Thiên Chúa đã quyết định điều gì, Người sẽ không bao giờ đổi thay. Mặc dù sự hủy hoại này chỉ có vẻ bề ngoài, nhưng đau khổ vẫn là một thực tế…” (NK, 378)
Lời tiên báo này đã ứng nghiệm khi ngày 6-3-1959, dựa vào những tài liệu thiếu chính xác và không đầy đủ liên quan đến mạc khải, Tòa Thánh ban hành thông tư cấm truyền bá việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót theo những hình thức như Faustina đề xuất. Bức ảnh Chúa Thương Xót bị dỡ khỏi một số nhà thờ, bản kinh tuần cửu nhật, chuỗi kinh, và những gì liên quan đến việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót đều bị hủy bỏ.
Lúc ấy công cuộc chính Chúa Giêsu khẩn thiết truyền cho Faustina thi hành, bề ngoài xem như hoàn toàn thất bại. Mãi đến năm 1963, Đức Hồng Y Ottaviani, tổng trưởng Thánh Bộ Phượng Tự, có lòng quan tâm đặc biệt đến sứ mạng loan truyền Lòng Chúa Thương Xót của nữ tu Faustina, đã trao đổi với cha để gấp rút tiến hành việc phong thánh cho chị, vì khi còn là Tổng Giám Mục Giáo Phận Krakow, cha đã khởi sự tiến trình phong thánh ở cấp Tổng Giáo Phận.
Ngày 21-10-1965, sau 27 năm Faustina qua đời, với sự ủy nhiệm đặc biệc của cha, đức cha Julian Groblicki đã khởi sự thu thập thông tin về đời sống và nhân đức của Faustina.
Ngày 20-9-1967, lúc đó vừa được vinh thăng hồng y, cha đúc kết quá trình điều tra về nữ tu Faustina tại giáo phận Cracow, và đệ trình hồ sơ lên Thánh Bộ Phong Thánh tại Roma.
Ngày 15-4-1978, sau một cuộc điều tra tường tận cẩn thận về những tài liệu chính xác nguyên gốc liên quan đến mạc khải của Faustina, Tòa Thánh đã thu hồi thông tư năm 1959. Tạ ơn Chúa, nhờ có cha mà việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót theo những hình thức do Faustina đề xuất, sau 20 bị cấm đoán, đã được chính thức công nhận. Đúng như Faustina viết : “Tôi đã thấy rõ thánh ý Chúa đang và sẽ được thực hiện đến từng chi tiết cuối cùng. Những nỗ lực điên cuồng của kẻ thù không cản trở nổi chi tiết nhỏ nhặt nhất trong những điều Chúa đã tiền định. Có hệ gì nếu có những lần công cuộc dường như hoàn toàn bị tiêu tan; vì chính khi ấy, công cuộc lại càng được củng cố hơn nữa” (NK, 1659). Người làm cho công cuộc loan truyền Lòng Chúa Thương Xót càng ngày càng được phát triển chính là cha đấy ! Chỉ sáu tháng sau ngày công cuộc được phục hồi, ngày 16-10-1978, cha đã được bầu làm Giáo Hoàng với danh hiệu Gioan Phaolô II. Thông điệp thứ 2 của cha ban hành có tựa đề là "Dives in Misericordia" trình bày về Thiên Chúa là "Đấng Giầu Lòng Thương Xót".
Ngày 23 tháng 4 năm 1995, cha đã cử hành thánh lễ Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót và long trọng đặt bức ảnh Chúa Thương Xót ở ngay “Trung Tâm Lòng Chúa Thương Xót” được thiết lập cho giáo phận Rôma ở Sassia. Con nghe lời cha mời gọi : “Hãy tín thác vào Thiên Chúa. Hãy trở nên tông đồ của Lòng Chúa Thương Xót. Theo lời mời gọi và gương sáng của chân phước Faustina, hãy chăm sóc những người đau khổ. Hãy giúp cho mọi người cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa.”
Cha ơi,
Thú thật, làm tông đồ của lòng thương xót không dễ dàng chút nào. Chính bản thân con phải trải nghiệm, phải nếm cảm, phải dìm mình vào đại dương lòng thương xót ấy, rồi mới có thể giúp người khác cảm nhận lòng Chúa xót thương bằng chính việc làm và đời sống của mình. Con phải chấp nhận mọi khổ đau như Faustina “Tất cả những sự đau khổ hiện lên trước mắt tôi. Lúc đầu những ý hướng của tôi không được người ta chấp nhận; rồi sẽ có đủ thứ nghi nan, ngờ vực, xỉ nhục và chống đối. Tôi không sao kể hết ra được. Mọi thứ này lù lù trước mắt tôi như một cơn dông đen ngòm, sấm chớp, sẵn sàng giáng xuống bất cứ lúc nào…” (NK, 190).
Một lần kia, quá mệt mỏi vì cứ bị hiểu lầm nghi ngờ chống đối, con đã thoái thác với Chúa, viện cớ không đủ sức thực hiện công cuộc này. Con vào nhà nguyện than thở với Chúa. Liền ngay đó, Chúa cho con được niềm an ủi khi đọc được đoạn nhật ký của thánh Faustina. Con thấy chén đắng của mình vẫn còn nhẹ so với chị thánh.
“Trong suốt thời gian dài, tôi bị coi như một kẻ bị quỷ ám, bị nhìn bằng ánh mắt thương hại, và bề trên đã thực thi nhiều biện pháp phòng ngừa đối với tôi. Người ta coi tôi là người cuồng loạn, bị hoang tưởng. Tuy nhiên, tôi quyết tâm chịu đựng tất cả trong im lặng và không giải thích gì khi được hỏi. Tôi chịu đựng như một chú chim bồ câu, không hề than vãn… Thế là tôi bị xét đoán tư bề. Không có gì nơi tôi thoát được sự xét đoán của các chị em. Tôi thấy mình đang bị theo dõi mọi nơi như một tên trộm; trong nhà nguyện; trong lúc đang chu toàn các bổn phận; trong phòng riêng; ngay cả chiếc giường đáng thương của tôi cũng bị lục lọi… Một ngày kia, một vị bề trên đã nổi cơn tam bành và làm tôi nhục nhã đến độ nghĩ mình không thể chịu nổi. Mẹ nói rằng : cái chị dở hơi, đồ thị kiến điên khùng, xéo khỏi cái phòng này ngay. Đừng có mà nói vớ vẩn!!! Mẹ tiếp tục trút xuống đầu tôi mọi thứ có thể nghĩ ra. Tôi về phòng riêng, gục mặt trước tượng thánh giá, rồi ngước nhìn lên Chúa mà không sao thốt nên được nửa lời…” (NK, 123-128)
Biết rằng không thể tìm được ai trợ giúp trong những giờ phút tăm tối này, con chỉ biết chạy đến Chúa Giêsu Thánh Thể. Nhưng Satan luôn lợi dụng những giờ phút như thế để gieo vào đầu con những tư tưởng chán chường : “Đây là phần thưởng cho ngươi khi loan truyền lòng thương xót đấy! Làm việc bác ái làm gì để bị hiểu lầm như thế! Buông bỏ việc loan truyền lòng thương xót là sẽ được an thân. Cứ là một linh mục bình thường như những anh em khác có phải sướng không???”
Con đã cầu nguyện với cha, người mà con được vinh dự tiếp xúc 2 lần ở Roma. Giờ đây trên thiên quốc con tin chắc chắn cha đang chuyển cầu cho con, và con nghe văng vẳng lời cha nói trong ngày đăng quang giáo hoàng : “Đừng sợ!”. Trong cơn thử thách, Chúa cũng nói với Faustina “Đừng sợ!” :
“Con được hợp nhất với Cha; con đừng sợ gì cả. Con hãy biết rằng Satan căm ghét con; nó căm hờn mọi linh hồn, nhưng đặc biệt căm thù con, bởi vì con đã giật khỏi quyền thống trị của nó quá nhiều linh hồn” (NK, 412)
“Công cuộc này sẽ giật khỏi nanh vuốt hắn rất nhiều linh hồn, và đó là lý do khiến thần dữ nhiều khi cũng ra sức cám dỗ những người lành ngăn trở công cuộc… Satan căm hờn với Lòng Thương Xót của Thiên Chúa khủng khiếp biết bao! Hắn chống đối với toàn bộ công cuộc này.” (NK, 812)
“Con là chứng nhân của Lòng Thương Xót của Cha. Con sẽ đứng trước ngai tòa của Cha mãi mãi như một chứng nhân sống động cho Lòng Thương Xót của Cha” (NK, 417)
Cha thánh Gioan Phaolô ơi,
Chính bản thân con đã trải nghiệm điều đó. Đáp ứng lời mời gọi của cha “Hãy trở nên tông đồ của lòng thương xót”, con hăng say miệt mài đi khắp nơi, nhất là những vùng sâu vùng xa, để loan truyền sứ điệp này. Có rất nhiều tâm hồn đón nhận. Họ khao khát được nghe, được cầu nguyện với lòng thương xót. Thế nhưng cũng có nhiều nghi nan, ngờ vực, xỉ nhục và chống đối. Nhiều lúc con chán nản, mệt mỏi muốn buông xuôi, bỏ cuộc. Để nâng đỡ con người yếu đuối của con, Chúa cho con đọc được đoạn Nhật Ký, 1789 : “Hôm nay tôi nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa chiếu giãi từ bức ảnh. Nhiều linh hồn đang được lãnh nhận các ơn thánh, tuy họ không công khai nói ra điều ấy. Mặc dù bức ảnh phải trải qua đủ thứ thăng trầm, nhưng Thiên Chúa sẽ nhờ đó mà được vinh quang; những nỗ lực của Satan và các kẻ dữ sẽ vỡ tan tành và phí công tất cả. Bất chấp sự cuồng nộ của Satan, lòng Chúa thương xót sẽ vinh thắng trên toàn thế giới và sẽ được mọi tâm hồn tôn thờ”.
Xác tín vào lời Chúa phán, con lại chỗi dậy tiếp tục hành trình gian khổ loan truyền lòng thương xót không mỏi mệt theo gương của cha.
Làm tông đồ của lòng thương xót, con phải biết đón nhận đau khổ như bạn đồng hành của mình và biến đổi đau khổ thành của lễ đẹp lòng Thiên Chúa “Hỡi tông đồ Lòng Thương Xót của Cha, con hãy công bố cho toàn thế giới về Lòng Thương Xót khôn dò của Cha. Đừng chán ngại trước những khó khăn con phải đương đầu khi rao truyền tình thương của Cha. Những khó khăn này tuy làm con đau khổ, nhưng hết sức cần thiết cho việc nên thánh của con và là bằng chứng cho thấy công cuộc này là của Cha…” (NK, 1142).
Đau khổ thử thách giúp con nên thánh. Khó khăn trở ngại cho con thấy đây là công việc của Chúa. Con nhất định không bỏ cuộc. Trong con luôn có một sự thôi thúc kỳ lạ phải tiếp tục công cuộc này đến hơi thở cuối cùng, vì con nghe Chúa nói với thánh Faustina : “Con hãy nói cho các linh mục về Lòng Thương Xót khôn lường của Cha. Những ngọn lửa thương xót đang bừng cháy trong Cha kêu gào được phung phát; Cha muốn trào đổ mãi cho các tâm hồn; trái lại, các linh hồn lại không muốn tin vào lòng nhân lành của Cha” (NK 177).
Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa được cử hành lần đầu tiên tại quảng trường thánh Phêrô vào ngày 11 tháng 4 năm 1999, một lần nữa cha lên tiếng: “Tôi tha thiết kêu gọi anh chị em hãy trở nên những tông đồ của Lòng Thương Xót Chúa, như chân phước Faustina Kowalska, trong đời sống thường nhật và tại những nơi làm việc của anh chị em.”
Trở nên tông đồ của lòng thương xót trong đời sống thường ngày tại nơi làm việc của mình chính là “thực hành lòng thương xót” như Chúa đã truyền cho Faustina : “Ở mọi nơi trong mọi lúc, con hãy tỏ lòng nhân ái với người lân cận. Con không được thoái thác, kiếm cớ chữa mình hay tự miễn cho mình điều ấy…” (NK 742).
Việc phải đến cũng đã đến, vào Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa, ngày 30 tháng 4 năm 2000, cha đã long trọng tôn phong nữ tu Maria Faustina lên bậc hiển thánh, và ấn định Chúa Nhật sau lễ Phục Sinh là Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa trong toàn Giáo Hội hoàn vũ :
“Hôm nay, niềm vui của tôi thật sự lớn lao khi được trình bày cuộc sống và chứng từ của nữ tu Faustina Kolwalska cho toàn Giáo Hội như một quà tặng Thiên Chúa dành cho thời đại chúng ta…Chúa Kitô đã ủy thác sứ điệp Lòng Thương Xót của Người cho nữ tu này. Những ai đã chứng kiến những đau khổ kinh hoàng mà hai cuộc thế chiến gây ra cho hàng triệu con người đều quá biết rằng sứ điệp Lòng Thương Xót khẩn thiết như thế nào. Chúa Giêsu đã phán với nữ tu Faustina rằng: Nhân loại sẽ không được bình an cho đến khi nào quay về với Lòng Thương Xót của Cha với niềm tín thác (NK, 300)
Cha nhắc nhở chúng con không chỉ biết lãnh nhận và cảm nghiệm Lòng Chúa Thương Xót mà còn phải có lòng xót thương nhau nữa: ‘Phúc cho ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được xót thương’ (Mt 5,7).
Chính cha đã nếm cảm được lòng thương xót nơi “người Samaritan nhân hậu”. Khi một ngày vào tháng 2 năm 1944, sau giờ lao động về nhà, cha bị một chiếc xe nhà binh của Đức đụng phải, rồi bỏ chạy. Cha ngã lăn ra, bất tỉnh bên vệ đường. Lúc ấy có một phụ nữ, không biết từ đâu chạy đến đỡ cha dậy, dìu vào nhà thương cấp cứu. Khi ra khỏi bệnh viện, cha đã cố gắng đi tìm ân nhân ấy để cám ơn, nhưng không gặp được. Lòng thương xót đã thúc đẩy bà ấy tới giúp cha vì bà không thể thấy người khác đau khổ mà không cứu giúp, như thánh Faustina viết : “Tôi đau đớn rất nhiều khi thấy đau khổ của người khác. Tất cả những đau khổ ấy đều vọng lại trong tâm hồn tôi. Tôi mang những khổ ải của họ trong trái tim đến nỗi khiến thể xác của tôi tiều tụy. Tôi muốn tất cả những đớn đau ấy trút xuống mình tôi để xoa dịu cho người chung quanh”.
Con cảm nhận sứ điệp lòng thương xót dành cho những con người đang chịu nhiều đau khổ vì nghèo đói, ốm đau bệnh tật, thử thách gian nan, đang quằn quại dưới gánh nặng tội lỗi, mất hết niềm tin vào cuộc sống. Con thấy biết bao người được ủi an nhờ câu kinh mà Chúa đã tỏ ra cho thánh Faustina : ‘Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa’
Khi cung hiến đền thờ Lòng Chúa Thương Xót ở Krakow Lagiewniki, Balan, quê hương thánh Faustina, vào buổi chiều thứ bảy 17-8-2002, cha đã long trọng dâng loài người cho Lòng Chúa Thương Xót : “Hôm nay, tại đền thánh này, con xin long trọng ký thác thế giới cho Lòng Chúa Thương Xót... Hôm nay đây chúng con ký thác cho Cha vận mệnh thế giới. Xin Cha hãy cúi mình xuống trên chúng con, hãy chữa lành nỗi yếu hèn của chúng con, hãy chiến thắng mọi sự dữ, và hãy ban ơn cho tất cả các dân tộc được cảm nghiệm thấy tình thương của Cha. Chớ gì họ luôn tìm thấy nguồn hy vọng nơi Cha...”
Trong suốt triều đại giáo hoàng, cha không ngừng loan báo, kêu gọi mọi người đến với Lòng Chúa Thương Xót.
Ngày 18-8-2002, trong bài giảng lễ phong Chân Phước cho 4 vị người Balan, cha nhắc nhở chúng con không thể lơ là sứ vụ loan báo cho thế giới điều mà chính Chúa kêu gọi chúng con thực hiện qua chứng từ của thánh Faustina.
“Chúng ta đang tiến vào ngàn năm mới, với di sản vừa thiện vừa ác. Con người sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu, thậm chí đặt mình vào vị trí của Thiên Chúa nữa. Họ cố gắng làm cho Thiên Chúa phải im hơi lặng tiếng nơi tâm hồn con người. Họ muốn làm cho Thiên Chúa hoàn toàn khuất bóng nơi văn hóa và lương tâm các dân tộc. Đã đến giờ sứ điệp Lòng Chúa Thương Xót có thể làm cho các tâm hồn tràn đầy hy vọng và trở nên tia sáng cho một nền văn minh mới, văn minh tình thương.”
Nền văn minh tình thương ấy được biểu hiện cao nhất qua sự tha thứ. Ngày 13-5-1981, cha bị một thanh niên 23 tuổi người Thổ Nhĩ Kỳ tên là Mehmet Ali Agca bắn 4 phát súng 9 ly vào người đang lúc cha đứng chào dân chúng tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Mehmet Ali Agca đã bị kết án tù chung thân. Cha đã vào nhà tù thăm Ali Agca và nói lời tha thứ cho anh. Năm Thánh 2000, cha xin tổng thống Ý tha cho Ali Agca, và sau 20 năm trong tù, anh đã được Ý trao trả cho Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2001. Một trong các viên đạn được lấy ra lúc giải phẫu cho cha ở bệnh viện đã được ghép vào triều thiên của Ðức Mẹ tại Ðền Thánh Fatima trong dịp cha đến hành hương tạ ơn ngày 13-5-1982.
Đau đớn vì bệnh tật từ ngày bị ám sát thoát chết, nhưng cha vẫn cương quyết hoàn thành sứ vụ loan truyền lòng thương xót cho tới khi trút hơi thở cuối cùng lúc 21g37 phút ngày 2-4-2005, áp ngày Lễ Chúa Thương Xót, ngày lễ mà cha đã thiết lập trong Giáo Hội từ năm 2000.
ĐTC Bênêđictô XVI tôn phong cha là Đấng Đáng Kính ngày 19 tháng 12 năm 2009, và phong Chân Phước ngày 01 tháng 5 năm 2010.
Ngày 14-1-2011, ĐTC Bênêđictô XVI công bố sắc lệnh nhìn nhận một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của cha xảy ra chỉ mới 2 tháng sau khi cha qua đời. Đó là trường hợp nữ tu Simon Pierre Normand, thuộc Dòng Tiểu Muội Bảo Sanh Công Giáo, được các bác sĩ điều trị xác nhận bị bệnh Parkinson. Sau khi xem xét cẩn thận các kết luận y khoa, ngày 14-12-2010 các cố vấn thần học đã nhìn nhận sự chuyển cầu của cha là hữu hiệu đưa tới việc khỏi bệnh lạ lùng của nữ tu Simon Pierre Normand.
Cuối cùng vào ngày 05-07-2013, ĐTC Phanxicô đã phê chuẩn vụ án phong thánh, và ngày Chúa Nhật Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót 27-04-2014, cha được tôn phong lên bậc hiển thánh. ĐTC Phanxicô đã chọn ngày này vì lòng sùng kính của cha vào Lòng Chúa Thương Xót, vì việc phong chân phước của cha cũng diễn ra vào Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót năm 2011, và cha cũng đã qua đời vào đêm vọng lễ Lòng Chúa Thương Xót năm 2005.
Kính thưa cha,
Cha ra đi, nhưng sứ mạng của cha vẫn được các đấng kế nhiệm tiếp nối. Dịp bế mạc Đại Hội Tòa Thánh Thế Giới về Lòng Thương Xót năm 2008, ĐTC Benedictô XVI đã mời gọi 4000 kẻ tâm huyết trong 200 đoàn đại biểu đến từ mọi ngóc ngách của thế giới phải hoàn thành huấn lệnh Lòng Chúa Thương Xót :
“Các bạn thân mến, Đại Hội Tòa Thánh Thế Giới về Lòng Thương Xót lần thứ I kết thúc sáng nay với buổi cử hành Thánh Thể trong vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Tôi chân thành cảm ơn các vị tổ chức, cách riêng Giáo phận Roma và gởi tới toàn thể các vị tham dự lời chúc mừng điều giờ đây trở thành một mệnh lệnh : hãy đi và làm nhân chứng cho Lòng Thương Xót Chúa, nguồn hy vọng của mọi người và của toàn thế giới. Chúa Phục sinh ở cùng các bạn luôn mãi !” (6/6/2008).
Huấn lệnh của ĐTC Benedictô không chỉ giới hạn trong các phái đoàn đến Roma dự Đại Hội Tòa Thánh Thế Giới về Lòng Thương Xót, nhưng chắc hẳn ngài muốn nhắm tới tất cả các tín hữu đang khát mong truyền bá Lòng Chúa Thương Xót trên toàn thế giới, những người đã đi theo Lòng Chúa Thương Xót trong Giáo Hội, hoặc những người đã trải nghiệm việc chạm tay chữa bệnh của Lòng Chúa Thương Xót và giờ đây muốn chia sẻ với những người khác.
Lòng Thương Xót là chủ đề đặc biệt của Đức Thánh Cha Phanxicô trong những bài giảng và suy niệm.
“Hãy luôn luôn tín thác nơi lòng thương xót của Chúa, và đừng sợ hãi là kitô hữu và sống như kitô hữu” ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 100.000 tín hữu và du khách hành hương tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô để đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với ngài trưa Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót năm 2013.
“Lòng Thương Xót Có Sức Biến Đổi Thế Giới” ĐTC Phanxicô xác tín như thế với hơn 150 ngàn người tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin vào trưa Chúa Nhật 17 tháng 03 năm 2013.
Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta : “Gương mặt của Thiên Chúa là gương mặt của người cha đầy lòng thương xót, Ngài luôn kiên nhẫn với chúng ta… Vâng, đây chính là lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài luôn kiên nhẫn để hiểu, chờ đợi và không mệt mỏi tha thứ cho chúng ta nếu chúng ta biết quay lại với Ngài với tất cả con tim.”
Trong buổi gặp gỡ các linh mục Roma sáng thứ năm 6-3-2014, ĐTC Phanxicô gợi lại sứ điệp về lòng thương xót của Chúa mà thánh nữ Faustina truyền bá. ĐTC nhắc nhở các linh mục, trong tư cách là thừa tác viên của Giáo Hội, có nhiệm vụ giữ cho sứ điệp về lòng từ bi thương xót của Chúa được luôn sinh động, nhất là trong các bài giảng, các cử chỉ, và các quyết định mục vụ. Theo hình ảnh vị Mục Tử Nhân Lành, linh mục là người từ bi và thương xót, gần gũi dân chúng và phục vụ tất cả mọi người. Bất cứ ai bị thương tổn trong cuộc sống một cách nào đó, có thể tìm thấy nơi vị linh mục sự quan tâm và lắng nghe.
ĐTC cũng cảnh giác và phê bình những linh mục “được khử trùng”, lãnh đạm, những linh mục “phòng thí nghiệm”. Họ không giúp ích gì cho Giáo Hội.
Linh mục nào thực sự có lòng từ bi thương xót cũng sẽ phải hành động như người Samaritano nhân lành, vì con tim của linh mục ấy có khả năng cảm thương. Đó là con tim của Chúa Kitô.
Rồi ĐTC mời gọi các linh mục tự xét mình xem có lòng từ bi, thương xót cảm thông với dân chúng không. Ban tối, linh mục kết thúc một ngày như thế nào? Với Chúa hay với máy truyền hình?
Thú vị nhất là ĐTC ứng khẩu kể lại tấm gương của hai linh mục thuộc giáo phận Buones Aires ở Argentina. Vị thứ nhất nổi bật về việc giải tội và vị thứ hai về lòng từ bi.
Linh mục thứ nhất còn sống, 72 tuổi. Phần lớn các linh mục trong giáo phận đến xưng tội với cha ấy. Một hôm cha ấy đến gặp ĐTC và nói: “Con hơi bối rối vì con tha thứ nhiều quá. Khi cảm thấy cơn bối rối ấy tăng lên mạnh quá, con đến trước Nhà Tạm Mình Thánh Chúa và nói với Chúa Giêsu: ‘Tại Chúa đã làm gương xấu cho con đó!’
ĐTC Phanxicô nhận xét : “Nếu ai sống sự tha thứ ấy, thì cũng có thể trao ban sự tha thứ ấy cho người khác”.
Linh mục thứ hai, ĐTC Phanxicô thú nhận là chính ngài đã ‘lấy trộm’ cây Thánh Giá của vị ấy ngay trong quan tài.
“Đó là cha Aristide, một linh mục Dòng Thánh Thể. Các linh mục khác thường đến xưng tội với cha ấy. Một lần đến thăm Argentina, ĐGH Gioan Phaolô II xin gửi đến cho ngài một cha giải tội ở Sứ Thần Tòa Thánh, và người ta đã gửi vị linh mục ấy đến giải tội cho Đức Giáo Hoàng.
“Khi vị linh mục ấy qua đời, tôi đang là Tổng Đại Diện và ở trong Tòa Giám Mục. Vào buổi sáng Phục Sinh, tôi đọc tờ Fax : “Hôm qua, cha Aristide đã qua đời”. Cha được 94 hay 96 tuổi, khoảng đó. Hôm ấy tôi phải đi gặp các linh mục ở nhà dưỡng lão. Sau bữa trưa, tôi đến nhà thờ của cha Aristide. Trong tầng hầm nhà thờ chỉ có cỗ quan tài với hai bà cụ già, chẳng có hoa gì cả. Tôi tự nhủ: “Vị linh mục này đã tha thứ bao nhiêu tội lỗi cho hàng giáo sĩ, và giờ đây chẳng có bông hoa nào !” Nghĩ thế tôi đi lên và ra chỗ người bán hoa ở ngã tư đường để mua hoa hồng.
“Trở lại hầm nhà thờ, tôi bắt đầu trang điểm quan tài với các hoa vừa mua. Nhìn thấy xâu chuỗi Mân Côi cha Aristide đang cầm ở tay, ‘tên trộm’ mà mỗi người chúng ta vẫn có trong lòng, chợt xuất hiện trong tâm trí tôi. Tôi liền lấy tay dứt cây thánh giá nhỏ của xâu chuỗi Mân Côi trong tay cha Aristide, và cầu nguyện với cha: ‘Xin cha cho con một nửa lòng từ bi của cha’.
“Tôi cảm thấy một cái gì mạnh mẽ. Thánh giá ấy tôi bỏ trong một túi nhỏ và luôn mang theo người. Bây giờ áo Giáo Hoàng không có túi ở ngực, nhưng tôi vẫn luôn mang một túi vải nhỏ bên trong với cây Thánh Giá ấy. Bất cứ khi có một ý tưởng xấu chống lại ai, tôi đặt tay trên túi vải đựng thánh giá ấy, và tôi cảm thấy Ơn Thánh !”.
Cha kính mến,
Thư đã dài rồi, con xin mượn lời kết của cha trong bài giảng thánh lễ tôn phong hiển thánh cho nữ tu Faustina vào ngày 30 tháng 4 năm 2000, để kết lá thư này:
“Con sẽ tán dương Lòng Thương Xót Chúa đến muôn đời. Cả chúng ta nữa, Giáo Hội lữ hành, chúng ta hãy cùng hợp tiếng với Đức Maria Rất Thánh, ‘Từ Mẫu Thương Xót’, cùng với vị thánh nữ mới này, và tất cả những bạn hữu của Người trên Giêrusalem Thiên Quốc ca ngợi Lòng Chúa Thương Xót.
Và thưa chị thánh Faustina, một tặng ân Thiên Chúa ban cho thời đại chúng ta, một quà tặng từ miền đất Ba Lan dành cho toàn thể Giáo Hội, xin cho chúng tôi nhận thức về chiều sâu Lòng Chúa Thương Xót. Xin giúp chúng tôi có một kinh nghiệm sống động về điều đó giữa các anh chị em của chúng tôi. Ước chi sứ điệp ánh sáng hy vọng của chị thánh lan tỏa khắp thế giới, lôi kéo các tội nhân trở về, làm nguôi tan những đối đầu và ghen ghét, mở lòng những cá nhân và những quốc gia để thực thi tình huynh đệ.
Hôm nay cùng với chị thánh, chiêm ngắm thánh nhan Chúa Kitô Phục Sinh, xin cho chúng tôi mượn lời kinh phó thác tin tưởng của chị thánh làm như của chúng tôi mà thưa lên với lòng cậy trông vững vàng:
Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa!
Lm. Giuse Trần Đình Long Dòng Thánh Thể
|