“Hắn là tên phản kitô»
Thế nhưng, vấn đề
then chốt được đặt ra ở đây vẫn cần phải được tiếp tục giải quyết, đó là làm sao
có thể điểm mặt "tên phản kitô" và "nhiều tên phản kitô như vậy", nhờ đó không
bị hắn cùng đồng bọn "phản kitô" của hắn đánh lừa?
Có
thể nói trong toàn bộ Thánh Kinh Tân Ước chỉ có một mình Thánh ký Gioan là vị
nói đến "phản kitô" và là chuyên viên về "tên phản kitô" và "nhiều tên phản kitô
như vậy" mà thôi. Điển hình nhất ở Thư I (2:18-23) và Thư II (2:7-11) của
ngài. Chính nhờ vị tông đồ này mà chúng ta điểm mặt được chân tướng của "tên
phản kitô" và "nhiều tên phản kitô như vậy". Ở chỗ, ngài đã điểm
mặt chúng như
sau: "Ai là kẻ gian trá? Kẻ chối rằng Giêsu là Đức kitô. Hắn là tên phản
kitô, chối cả Cha lẫn Con - Who is the
liar? He who denies that Jesus is the Christ. He is the antichrist, denying the
Father and the Son" (1Gioan 2:22); "Nhiều người lừa dối đã xuất hiện trong
thế gian, những con người không công nhận Đức Giêsu Kitô đến
trong xác thịt. Tên này là kẻ lừa dối! Hắn là tên phản
kitô! - Many
deceiful men have gone out into the world, men who do not acknowledge jesus
Christ as coming in the flesh. Such is the deceitful one! This is the
antichrist!" (2Gioan 7).
"Tên phản kitô" và
"nhiều tên phản kitô như vậy" đầu tiên và trên hết "chối bỏ Giêsu là
Đức Kitô" và "không công nhận Đức Giêsu Kitô đến trong xác thịt" này
chính là con khổng long cùng đồng bọn của nó: "Một con khổng
long rực lửa có 7 đầu và 10 xừng... Cái đuôi của
nó kéo một phần ba tinh tú từ trời mà hất xuống đất"
(Khải Huyền 12:2-3).
Con khổng long đây
là gì nếu không phải là đệ nhất minh thần Luxiphe. Một phần ba tinh tú đây là gì
nếu không phải là đồng bọn ngụy thần với hắn. Cái đuôi của con khổng long
đây là gì nếu không phải là gương mù của nó và sức cám dỗ của nó mãnh
liệt đến độ đã lôi kéo được cả 1/3 thần trời từ ban đầu theo
hắn để ngang nhiên phản loạn, chống lại ý định vô cùng khôn ngoan, trọn hảo
đầy yêu thương của Thiên Chúa liên quan đến dự án nhập thể nơi Con của Ngài, như
được Thánh ký Gioan thị kiến thấy qua hình ảnh tiêu biểu “đứng trước” và “rình nuốt” của con
rồng “rực lửa” hận thù, với đầy những âm mưu (“7 đầu”) có tính cách hiếu chiến
bạo lực (“10
xừng”): "Bấy giờ
con rồng đứng trước người nữ sắp sinh con, rình nuốt người con của
bà" (Khải Huyền 12:4).
"Tên phản kitô" và
"nhiều tên phản kitô như vậy" cũng xuất hiện trên trần gian nữa "khi đến thời
gian ấn định, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài sinh bởi một người nữ..." (Galata
4:4). Nếu "Tên phản kitô" và "nhiều tên phản kitô như vậy" "chối bỏ Giêsu là Đức
Kitô" và "không công nhận Đức Giêsu Kitô đến trong xác thịt"
thì lịch sử đã cho thấy thật sự đã xẩy ra nơi một quận vương "Hêrôđê truy
tìm để sát hại Con Trẻ" (Mathêu 2:13), cũng như nơi Hội Đồng Đầu Mục Do
Thái: "Các trưởng tế và kỳ lão thuyết phục dân chúng xin tha Barabas và lên án
tử Giêsu" (Mathêu 27:20); "Ngay khi các trưởng tế và đám vệ binh đền thờ
vừa thấy Người thì la ó lên rằng 'Đóng đanh hắn! Đóng đanh hắn!'" (Gioan 19:6).
"Tên phản kitô" và
"nhiều tên phản kitô như vậy" vẫn tiếp tục xuất hiện, nhất là vào
thời tận thế, như Chúa Kitô đã cảnh báo ở đoạn 24 của Phúc Âm Thánh Mathêu
ở câu 5 và 11, nhất là câu 24: "Những kitô giả
và tiên tri giả sẽ ra mặt, thực hiện các dấu lạ và sự lạ lớn lao đến độ có
thể đánh lừa được cả thành phần được tuyển chọn - False messiahs and false prophets will appear,
performing signs and wonders so great as to mislead even the chosen if that were
possible".
"Tên phản kitô" và
"nhiều tên phản kitô như vậy" “có thể đánh lừa được
cả thành phần được tuyển chọn” - bằng cách nào? Nếu không phải, như chính Chúa Kitô đã
tiết lộ cho biết là bằng cách giả mạo tư cách của Người và giả mạo danh của
Người: "Nhiều
kẻ sẽ đến cố đóng vai của Thày - many will come attempting to
impersonate me. Họ nhận mình 'Ta là Đức Kitô!' và họ sẽ
lừa dối được nhiều người" (Mathêu 24:5).
Phải chăng đó là
lý do chúng ta đang thấy càng ngày càng nhiều những hiện tượng lạ, thông điệp
lạ, sự lạ, dấu lạ v.v. chưa từng thấy trong lịch sử Giáo Hội, mà xuất xứ của
chúng đều được cho là từ Trời, từ Chúa? Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ
rằng, Chúa Kitô, ngoài việc "phán xét kẻ sống và kẻ chết", như chúng ta
tuyên xưng trong Kinh Tin Kính, "xuất hiện lần thứ hai là để mang ơn
cứu độ đến cho những ai thiết tha trông đợi Người" (Do Thái 9:28), nghĩa là
Người đến để cứu "những ai bền đỗ đến cùng" (Mathêu 24:13), trung thành với đức
tin vào Người bằng đời sống bác ái "yêu thương nhau như Thày" (Gioan 13:34;
15:12).
Đó là lý do
khi tái giáng Người sẽ "phán xét kẻ sống và kẻ chết"
(Kinh Tin Kính) về một "đức tin thể hiện qua đức ái"
(Galata 5:6; xem Mathêu 25:35-45), chứ không phải để chứng thực Người là
ai nữa, như khi Người đến lần thứ nhất, bằng các phép lạ, dấu lạ hay sự lạ,
như 3 năm Người loan báo và thiết lập Vương Quốc của Thiên Chúa
xưa kia. Bởi đó, hãy đề phòng và coi chứng những gì "lạ lùng", những thứ lạ lùng
trước con mắt tò mò và yếu tin của chúng ta nhưng lại có thể thực hiện bởi các
tay phù thủy hay bởi
chính ma quỉ qua trung gian con người.
Chẳng hạn đã xẩy
ra với các tay phù thủy người Ai Cập khi họ tung cây gậy xuống đất cũng hóa
thành rắn như Aaron làm, hay khi họ chạm cây gậy nước liền biến nước thành máu
như Aaron làm (xem Xuất Hành 7:10-12; 20-22), khiến Vua Pharao Ai Cập càng trở
nên cứng lòng không đáp ứng lời Thiên Chúa yêu cầu qua trung gian Moisen trong
việc cho Dân Do Thái ra khỏi đất nước của ông. Hay những thứ lạ lùng đã do
chính Satan làm cho Chúa Kitô trong hoang địa, khi hắn dùng quyền năng
của hắn mang Người lên núi đỉnh núi rất cao để nhìn xem tất cả chư dân thiên hạ
cũng như lên trên nóc đền thờ để có thể tự gieo mình xuống (xem
Mathêu 4:5,8), một thứ phi thân quá sức là siêu phàm chưa bao giờ thấy ở nơi các
tay cao thủ đệ nhất giang hồ trong các phim Tầu.
Thậm chí hãy coi
chừng và đề phòng cả những sứ điệp và thông điệp được tung ra hay tuyên truyền
nữa, vì Chúa Kitô đã nói hết “tất cả sự thật” (Gioan 16:13) rồi trong Phúc Âm.
Chính các cuốn Thánh Kinh, nơi chất chứa các mạc khải thần linh liên quan mật thiết
với những chân lý đức tin bất diệt và phần rỗi đời đời của con
người, còn phải được Huấn Quyền của Giáo Hội
tuyển chọn và công nhận, sau khi đã loại trừ đi các thứ Ngụy Phúc Âm, Ngụy Thư
ngay từ ban đầu, huống chi các thứ mạc khải tư không buộc
tin,
ngoại trừ những sứ điệp hay
thông điệp này hợp với Phúc Âm và được Huấn Quyền chẳng những công nhận mà còn
cổ võ cùng phát động
thực hành nữa, điển
hình nhất là Sứ Điệp Fatima được Chị Lucia ghi lại trong bộ Hồi Ký 4 tập của
mình, hay Sứ Điệp Lòng Thương Xót Chúa trong Nhật Ký của Chị Thánh
Faustina v.v.
Chúng ta hãy nhớ
rằng, cho dù các phụ nữ nói chung và Chị Mai Đệ Liên nói riêng có được Chúa Kitô
Phục Sinh hiện ra trước cả các vị tông đồ chăng nữa, thậm chí vì thế mà Chị Mai
Đệ Liên có thể được gọi là “tông đồ của các tông đồ“ đi nữa, thì chị và
những người phụ nữ
diễm phúc này cũng
phải tuân theo lệnh của Người về trình lại cho thẩm quyền các tông đồ (xem
Mathêu 28:10; Gioan 20:19), thành phần trước nhất và trên hết được Chúa
Kitô Phục Sinh ủy thác sứ vụ cùng trách nhiệm phải rao giảng Phúc Âm của Người
và làm chứng về Người mà thôi (xem Mathêu 28:18-20; Marco 16:16; Luca
24:46-48).
Satan có thể dùng
đủ mọi thủ đoạn để đánh lừa chúng ta, cho dù chúng ta thuộc thành phần được
tuyển chọn (xem Mathêu 24:24), trong khi chúng ta chưa chắc đã dám cho mình
là ngoan đạo, là bé nhỏ, là “khôn như rắn và chân thật như bồ câu” (Mathêu
10:16), và thuộc về thành phần được tuyển chọn thì lại càng dễ bị rơi vào cạm
bẫy của hắn hơn. Nếu chủ ý theo dõi những diễn tiến thì kinh nghiệm thực tế cho thấy
Satan ngày nay có thể đánh lừa chúng ta bằng
cách bóp méo sự thật, chẳng hạn như: 1- bớt đi sự thật, 2- thêm vào sự thật, 3- thay thế sự
thật, 4- tạo tĩnh sự thật.
Sự thật bị
bớt đi: như
trường hợp Ảnh Lòng Thương Xót Chúa không có 5 Dấu Thánh hay hàng chữ "Jesus, I
trust in You!" hoặc thiếu cả hai yếu tố thiết yếu làm nên tấm ảnh
này.
Sự thật được
thêm vào:
như trường hợp Di Chúc của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II không hề có những kinh
này kinh kia kèm theo các lời hứa để được ơn này ơn nọ.
Sự thật bị
thay thế: như trường hợp Bí mật Fatima phần ba chỉ là một thị kiến không hề
có lời Mẹ nói nào nhưng đã được thay bằng Bí Mật Fatima thứ ba với
những lời được gán cho Đức Mẹ nói đầy tính cách hù dọa tuy có vẻ kêu gọi
con cái ăn năn thống hối.
Sự
thật được tạo tĩnh: như trường hợp các mạc khải tư chất chứa những lời
khuyên tốt đẹp nhưng kèm theo một cái gì đó rất tinh vi phản lại với tín lý và
luân lý của Giáo Hội, chẳng hạn có khuynh hướng chống Công Đồng Chung Vaticanô
II về việc canh tân phụng vụ v.v.
Một trong những
dấu hiệu cho thấy chúng ta quả thực đã trúng kế kẻ thù, đã lọt vào
bẫy của kẻ
thù, đó là lúc chúng
ta bắt đầu, dù biết hay không biết, bắt đầu ngờ vực thẩm quyền của Giáo Hội, bắt
đầu đặt vấn đề với tín điều buộc "tôi tin Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công
giáo và tông truyền". Thực tế cho thấy có một số người không tin Giáo Hội bằng
tin những thông điệp này các sứ điệp nọ, coi thẩm quyền "tông truyền" của Giáo
Hội suốt 2000 năm lịch sử không bằng lý thuyết mới mẻ của nhà thần học này triết
gia kia, một khi các sứ điệp, thông điệp từ đâu đó, lý thuyết thuần trần gian
của ai đó hợp với thị hiếu của họ, hợp với ý thích và chủ trương của họ.
Có thể nói thành
phần dễ chấp nhận những gì khác không phải là giáo huấn của Giáo Hội và hơn giáo
huấn của Giáo Hội, hoặc dễ chấp nhận những gì khác trước cả giáo huấn của
Giáo Hội, đến độ khi Giáo Hội phủ nhận những gì họ đang tin
tưởng là họ chối bỏ Giáo Hội, chống đối Giáo Hội v.v. Bấy
giờ họ chẳng khác gì
như cành nho đã khô héo, cho đến khi hoàn toàn tách rời và rụng xuống
khỏi thân nho (xem Gioan 15:5). Họ là thành phần chủ trương “đạo theo” hơn là “theo
đạo” hay thay vì “theo đạo”, dù vô tình hay cố ý: tức là họ chủ trương “đạo theo
họ” chứ không phải “họ theo đạo” hay hơn là “họ theo đạo”.
(còn
tiếp)