24 Giờ cho
Chúa - Lễ Hội Thứ Tha (Festival of Forgiveness)
Vì chủ trương "đây là thời điểm của tình
thương", Đức Thánh Cha Phanxicô của chúng ta chẳng những lưu tâm đặc biệt đến
"những người anh chị em hèn mọn nhất" của Chúa Kitô về thể lý mà còn nhất là về
cả luân lý nữa. Theo ngài, chính vì ngày nay "có nhiều người bị thương tích"
mà "hơn 30 năm trước, hay hơn ... cho tới nay" mới là "thời điểm của
tình thương. Đối với ngài, thương tích trong tâm hồn mới thật là quan trọng, cần
phải băng bó và chữa lành. Đó là lý do, trong các cuộc phỏng vấn, nhất là với tờ
La Catholica cuối tháng 8/2013, rồi trong Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm cũng như
trong cả bài Giáo Lý về Bí Tích Hòa Giải ngày 19/2/2014, đến Huấn Từ cho hàng
Giáo Sĩ Rôma ngày 6/3/2014, và cho các phần tử của Tòa Ân Giải Tối cao của Tòa
Thánh ngày 28/3/2014 (xin xem bài huấn từ mới nhất rất hay này vào email ngày
mai, tựa đề "Tình Thương là Tâm Điểm của Phúc Âm), vị giáo hoàng sống khẩu
hiệu "vì thương được chọn" này đã nhấn mạnh đến Bí Tích Hòa Giải rất nhiều. Việc
ngài quan tâm đến Bí Tích Hòa Giải như một cách chính yếu nhất và thiết yếu nhất
để băng bó thương tích lòng người và chữa lành họ còn được thể hiện một cách độc
đáo qua biến cố "24 Giờ cho Chúa - Lễ Hội Thứ Tha" vào cuối tuần vừa rồi
nữa.
Thật
vậy, biến cố đặc biệt bất ngờ được chính Đức Thánh Cha Phanxicô phát động
và được thực hiện bởi Hội Đồng Tòa Thánh đặc trách Cổ Võ
Việc Tân Truyền Bá Phúc Âm Hóa, vào giữa Mùa Chay năm 2014 đó là 24
Giờ cho Chúa được gọi là Lễ Hội Thứ Tha. Biến cố độc đáo chưa từng có
này trong Giáo Hội được bắt đầu từ 5 giờ chiều Thứ Sáu ngày 28/3 ở Đền Thờ
Thánh Phêrô, đến 5 giờ chiều Thứ Bảy 29/3/2014 ở Đền Thánh Lòng Thương Xót Chúa.
Trong Đền thờ Thánh Phêrô, Đức
Thánh Cha đã khai mạc bằng một bài giảng, sau đó ngài cởi áo
choàng tím mùa chay ra, rồi từ bàn thờ, ngài tiến tới các tòa giải tội ở
bên trái bàn thờ, nhưng thay vì ngài tiến đến tòa giải tội được chỉ định cho
ngài thì bất ngờ ngài tiến vào tòa giải tội của một vị linh mục khác đang
ngồi chờ ở trong đó để đích thân xưng tội trước hết, tất cả tác động của ngài
thực hiện bấy giờ từ bàn thờ cho đến khi xưng tội xong xẩy ra chưa đầy 10 phút,
cuối cùng ngài mới vào tòa giải tội được chỉ định cho ngài để giải tội cho
một số người trong vô số người đứng chật cả đền thờ để chờ xưng tội, nhất là với
ngài. Chúng ta có thể thoáng nhìn thấy một chút cảnh tượng ngài tiến vào
tòa để đích thân xưng tội của mình qua cái link video clip sau đây: http://www.romereports.com/pg156264-pope-francis-goes-to-confession-in-st-peter-s-basilica-en
Biến cố 24 Giờ cho Chúa - Lễ Hội Thứ
Tha này đã được các giáo phận trên thế giới nhiệt liệt hưởng ứng tham gia theo
lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô ở cuối Huấn Từ Truyền Tin ngài ngỏ cùng
dân chúng ở Quảng Trường Thánh Phêrô vào trưa Chúa Nhật Thứ III Mùa Chay ngày
23/3/2014, nguyên văn như sau:
"Vào ngày Thứ Sáu và Thứ Bảy, chúng ta sẽ thực hiện một thời điểm thống hối đặc biệt được gọi là
'24 Giờ Cho Chúa'. Nó sẽ được bắt đầu bằng một cuộc cử hành trong Đền Thờ
Thánh Phêrô vào chiều Thứ Sáu, sau đó vào buổi tối rồi thâu đêm sẽ có một số nhà
thờ ở trung tâm Rôma sẽ mở cửa để cầu nguyện và Giải Tội. Nó sẽ là - chúng ta có
thể gọi nó thế này - nó sẽ là một lễ hội thứ tha, một
biến cố cũng diễn ra ở nhiều giáo phận và giáo xứ khắp thế giới. Chúng ta cần
phải cử hành ơn tha thứ Chúa ban cho chúng ta, như người cha trong dụ ngôn đứa
con hoang đàng đã làm. Khi người con trở về thì ông đã ăn
mừng, thứ tha tất cả mọi tội lỗi của nó. Nó sẽ là
một lễ hội thứ tha".
Có thể tóm gọn nguyên văn các ý
chính yếu tiêu biểu trong bài giảng khai mạc cho "24 Giờ cho Chúa - Lễ
Hội Thứ Tha" của Đức Thánh Cha Phanxicô như sau:
"Việc hoán cải không phải là một
vấn đề của một lúc nào đó hay là một giai đoạn nào đó trong năm: nó là một cuộc
dấn thân suốt cả cuộc đời. Ai trong chúng ta dám cho rằng mình không phải
là một tội nhân chứ? Không ai dám. Tất cả chúng ta đều là tội nhân. Thánh Tông
Đồ Gioan đã viết: 'Nếu chúng ta cho rằng mình không có tội thì chúng ta là kẻ
lừa dối mình và sự thật không có trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi
của mình thì Người là Đấng trung thành và công minh sẽ tha thứ cho chúng ta các
tội lỗi chúng ta đã phạm cùng thanh tẩy chúng ta khỏi tất cả những gì là
bất chính'. Đó là những gì xẩy ra trong việc cử hành này cũng như trong tất cả
mọi người vào ngày thống hối đây. Lời Chúa chúng ta đã lắng nghe đưa chúng ta
đến hai yếu tố thiết yếu về đời sống Kitô hữu".
Yếu tố thứ nhất đó là "Hãy mặc lấy con người
mới": "Con người mới,
'được dựng nên giống như Thiên Chúa', được sinh ra nơi Phép Rửa, khi họ lãnh
nhận cùng sự sống của Thiên Chúa, một sự sống làm cho chúng ta trở thành con cái
của Ngài và liên kết chúng ta với Chúa Kitô cũng như với Giáo Hội của Người. Sự
sống mới này giúp chúng ta nhìn vào thực tại bằng cặp mắt khác, không bị chia
trí bởi những thứ không đáng kể... khỏi những thứ qua đi trong thời gian. Vì
thế, chúng ta cần phải loại bỏ hành vi tội lỗi mà tập trung vào những gì là
thiết yếu. 'Con người quí báu ở nơi
những gì họ là hơn nơi những gì họ có'. Anh chị em hãy gắn mắt của mình vào
những gì là thiết yếu. Đó là cái khác biệt giữa sự sống bị biến dạng bởi
tội lỗi và sự sống được ân sủng sáng soi. Tất cả mọi hành vi cử chỉ tốt
lành đều xuất phát từ tâm can của con người được canh tân theo Thiên
Chúa".
Yếu tố thứ hai đó là "Ở lại trong tình yêu": "Tình yêu của Chúa Giêsu Kitô muôn đời bền vững, và sẽ
không bao giờ cùng vì nó là chính sự sống của Thiên Chúa. Tình yêu chiến thắng
tội lỗi và cống hiến sức mạnh để chỗi dậy mà bắt đầu lại, vì nhờ ơn tha thứ mà
tâm can được đổi mới và hồi phục sức lực. Tất cả chúng ta đều biết điều này đó
là Cha của chúng ta không bao giờ mệt mỏi yêu thương và đôi mắt của
Ngài không bao giờ biết chán chường nhìn coi con đường dẫn về nhà xem có
thấy bóng dáng người con đã bỏ nhà và lạc loài trở về hay chăng... Chúng ta có thể nói về việc Thiên Chúa hy vọng, ở chỗ, Cha của chúng ta luôn đợi chờ chúng ta;
chẳng những Ngài để cửa mở mà Ngài còn đang đợi chờ chúng ta nữa... Thiên Chúa chẳng những ở nguồn mạch của tình yêu mà
Ngài còn kêu gọi chúng ta hãy noi gương bắt chước đường lối yêu thương của Ngài
nơi Chúa Giêsu nữa: 'Như Thày đã yêu thương các con thế nào các con cũng
phải yêu thương nhau như vậy'. Cho tới khi Kitô hữu sống
tình yêu thương này họ mới trở nên thành phần môn đệ khả tín của Chúa
Giêsu Kitô trên thế giới. Tình yêu không thể nào khép kín mình lại. Theo
bản chất của mình, nó là những gì cởi mở, lan truyền và sinh hoa kết trái, nó
bao giờ cũng phát sinh ra tình yêu mới".
Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc
bài giảng của mình bằng cách đề cập đến sáng kiến "24
Giờ cho Chúa" và kêu gọi giới trẻ tham dự vào sáng kiến này như là thành phần
thừa sai hòa giải, truyền đạt cho những ai họ gặp "niềm vui lãnh nhân ơn tha thứ
của Cha và tái nhận thức được trọn vẹn tình thân hữu với Ngài. Ngài chấm dứt
bằng những lời sau đây:
"Cha của chúng ta đang chờ đợi chúng ta, Cha của chúng
ta tha thứ cho chúng ta, Cha của chúng ta ăn mừng chúng ta. Nếu anh chị em đến
với Ngài bằng tất cả sự sống của mình, thậm chí bằng nhiều tội lỗi đi nữa, thì
thay vì khiển trách anh chị em, Ngài lại tỏ ra hân hoan vui sướng: đó là Cha của
chúng ta. Anh chị em phải nói về điều này, hôm nay anh chị em phải nói với nhiều
người như thế. Ai cảm nghiệm được lòng thương xót Chúa thị được thôi
thúc trở thành một con người mang tình thương đến cho những ai hèn mọn nhất và
nghèo khổ nhất trong chúng ta. Chúa Giêsu chờ đợi chúng ta nơi 'những người anh
chị em hèn mọn nhất này'".
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tuyển
hợp tín liệu từ Zenit 28/3/2014 http://www.zenit.org/en/articles/francis-starts-festival-of-forgiveness-by-going-to-confession và
VIS 31/3/2014 http://www.vis.va/vissolr/index.php?vi=all&dl=9ad6f541-8967-6ec4-b782-53396974e580&dl_t=text/xml&dl_a=y&ul=1&ev=1
|