Mùa Thường Niên III Năm A, Thánh Gioan Bosco, (1815 - 1888) Chính nguyên tắc giáo dục của Thánh Gioan Bosco đã được sử dụng rộng rãi trong các trường học ngày nay. Ðó là một hệ thống ngăn ngừa, loại bỏ các hình phạt thể xác và đưa các học sinh vào một môi trường lành mạnh ít có cơ hội phạm tội. Ngài cổ võ việc thường xuyên lãnh nhận bí tích Hòa Giải và Thánh Thể. Ngài pha trộn phương cách dạy giáo lý và sự hướng dẫn của một người cha, nhằm kết hợp đời sống tâm linh và công việc, việc học và việc chơi đùa. Ðược khuyến khích đi tu để có thể giúp cho các trẻ em, Gioan thụ phong linh mục năm 1841. Công việc phục vụ giới trẻ của ngài khởi sự khi ngài gặp một em mồ côi và giúp em chuẩn bị Rước Lễ lần đầu. Sau đó ngài quy tụ các người trẻ lại và chỉ dạy họ về giáo lý. Sau thời gian làm tuyên uý cho một trại tế bần của các thiếu nữ, Cha Gioan mở nhà trường Thánh Phanxicô "de Sales" cho các em trai. Một vài người bảo trợ giầu có và quyền thế đã giúp đỡ tài chánh, nên ngài có thể mở hai trường dạy nghề cho các em trai, trường dạy đóng giầy và dạy may quần áo. Vào năm 1856, số các em theo học tại hai trường đã lên đến 150 em, và có thêm một máy in để xuất bản các tài liệu giáo lý. Sự quan tâm của ngài đến việc giáo dục và xuất bản khiến ngài xứng đáng là quan thầy của các người tập sự trẻ tuổi và các nhà xuất bản Công Giáo. Tiếng tăm của Cha Gioan ngày càng lan rộng và, vào năm 1850, ngài phải tự huấn luyện các người trẻ muốn theo đuổi con đường của ngài vì lúc ấy thật khó để duy trì ơn thiên triệu. Năm 1854, một cách bán chính thức, Cha Gioan và những người theo ngài đồng ý đứng dưới tên tổ chức Thánh Phanxicô "de Sales". Với sự hỗ trợ của Ðức Giáo Hoàng Piô IX, Cha Gioan quy tụ 17 người và thành lập dòng Salesian vào năm 1859. Hoạt động của dòng nhắm đến việc giáo dục và công cuộc truyền giáo. Sau này, ngài tổ chức dòng Salesian nữ để giúp đỡ các thiếu nữ. Ngài từ trần năm 1888 lúc bảy mươi hai tuổi. Lời Bàn
Thánh Gioan Bosco giáo dục toàn thể con người -- thể xác và linh hồn. Ngài tin rằng tình yêu Ðức Kitô và sự tin tưởng của chúng ta vào tình yêu ấy phải thấm nhập vào tất cả sinh hoạt của chúng ta -- học hành, chơi đùa, làm việc. Ðối với Thánh Gioan Bosco, là một Kitô Hữu có nghĩa phải luôn luôn nỗ lực, không chỉ một tuần một lần, xem lễ ngày Chúa Nhật là đủ. Chính khi tìm kiếm Thiên Chúa trong sinh hoạt hàng ngày, hãy để tình yêu ấy hướng dẫn chúng ta. Tuy nhiên, Thánh Gioan nhận ra được tầm quan trọng của sự huấn nghệ và giá trị con người cũng như sự tự trọng do bởi tài nghệ và khả năng làm việc, do đó ngài cũng huấn luyện các người trẻ trong các ngành nghề.
Lời Trích
"Mọi sự giáo dục đều dạy một triết lý sống; nếu không bởi lời nói thì bởi sự đề nghị, sự gợi ý, và bởi môi trường. Mỗi một phần của giáo dục đều có liên hệ với nhau. Nếu tất cả sự tổng hợp ấy không đem lại một cái nhìn tổng quát về đời sống, thì đó không phải là giáo dục" (G.K. Chesterton, The Common Man). Trích từ NguoiTinHuu.com
* Ngày 31 tháng 1, THÁNH GIOAN BỐT-CÔ, Linh mục
*Gương Thánh nhân:
Gioan Bốt cô chào đời năm 1815, trong một gia đình nông dân nghèo khó ở Béc si, cách thành phố Tôrinô khoảng 20 cây số. Cha ngài mất sớm, để lại 3 người con. Mẹ ngài là bà Magarita phải tần tảo nuôi ngài.
Ở Béc-si không có trường học, Bốtcô phải vất vả sang cha xứ làng bên học đạo đức và giáo lý. Năm 1826, ngài rước lễ lần đầu và sau đó xin vào chủng viện. Sau những năm học tập tu luyện, Ngài được thụ phong linh mục năm 1841.
Ngài thấy ngoài đường phố đầy dẫy những đứa trẻ lang thang vất vưởng, không ai chăm sóc dạy bảo. Từ đó, ngài quyết định dâng trọn đời mình để lo lắng giúp đỡ tuổi trẻ, nhất là những trẻ cô thân lạc lõng, bụi đời. Ngài qui tụ chúng lại, nuôi dưỡng chúng, dạy dỗ cho chúng biết Chúa, mến Chúa, giúp chúng sửa đổi tánh nết, tập chúng làm việc.
Số trẻ ngài càng đông. Ngài phải tìm mướn nhà cho chúng ở. Nhưng mẹ ngài lo lắng bảo: - Con không có tiền làm sao mướn nhà được?
Nhưng ngài trả lời: Chúa quan phòng giàu có vô cùng. Ngài hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Chúa. Và Chúa luôn giúp đỡ ngài. Giải quyết được chỗ ở, ngài còn cần người cộng tác để giáo dục, hướng dẫn các trẻ. Ngài cầu nguyện, và Chúa soi sáng cho ngài lập một tu hội chuyên lo huấn luyện giới trẻ, theo tinh thần thánh Phanxicô ĐơXan. Năm 1859, ngài chính thức cho một số tu sĩ tuyên khấn, giữ ba lời khuyên Phúc Âm: khó nghèo, thanh tịnh và tuân phục. Đó là các tu sĩ Salêdiêng, hiện đang có mặt trên 102 quốc gia, chuyên lo giáo dục, đào tạo thanh thiếu niên.
Đường lối giáo dục của thánh Gioan Bốtcô căn cứ trên tình yêu, cậy dựa vào hồng ân của Thiên Chúa. Ngài luôn khuyên bảo các tu sĩ cộng tác với ngài: - Cha khuyên các con hãy bắt chước lòng bác ái của thánh Phaolô trong cách ngài đối xử với các người mới theo đạo, khiến nhiều khi ngài phải khóc lóc, nài van khi thấy họ ít nghe lời và phụ bạc tình thương của ngài. Hãy tránh những gì khiến người ta tưởng mình hành động theo dục vọng. Khi sửa phạt, thật khó mà giữ được sự bính tĩnh cần thiết, để người ta khỏi tưởng mình đang hành động vì thị uy hay nhằm trút hết cơn giận của mình.Hãy coi những trẻ em dưới quyền ta như con cái. Hãy đặt mình xuống phục vụ chúng, như Đức Giêsu đã đến không phải để chỉ huy, nhưng để phục vụ; hãy sợ cái gì có vẻ muốn điều khiển, và hãy điều khiển chỉ vì muốn phục vụ đắc lực hơn mà thôi. Đức Giêsu đã xử như thế với các tông đồ. Người chịu đựng sự dốt nát, tính cứng cỏi và cả đến lòng kém tin của họ. Người tiếp đón tội nhân cách tử tế và thân mật đến nỗi lắm kẻ ngạc nhiên, lắm kẻ khó chịu, nhưng lại khiến nhiều người hy vọng được ơn tha thứ. Chính vì vậy, Người đã bảo ta học cùng Người mà ở hiền lành và khiêm nhượng trong lòng . Lòng ta đừng rối lên, đừng khinh bỉ nhìn ai và đừng nói lời nguyền rủa bao giờ. Hãy có lòng nhân từ đối với hiện tại, hy vọng đối với tương lai: như vậy, các con sẽ thực sự là những người cha của tuổi trẻ và thực sự chu toàn được phận sự giáo dục”.
Thánh nhân qua đời năm 1888 tại Turinô, và được phong thánh năm 1937.
* Quyết tâm: Noi gương thánh Gioan Bốt cô, tôi tin cậy Chúa quan phòng, và hy sinh lo cho tuổi trẻ sống nên người và xứng đáng làm con Chúa.
* Lời nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã cho xuất hiện trong Hội thánh một người cha và một bậc thầy của giới thanh thiếu niên là thánh Gioan Bốt cô linh mục. Xin Chúa cũng đốt lửa yêu mến trong lòng chúng con, để chúng con biết phụng sự một mình Chúa, và lo cho anh em được cứu độ. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen
|