MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: đề mục chính :: các bài mới
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm
Thứ Hai, Ngày 13 tháng 1-2014
Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm
 
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
phân tích, tuyển hợp và chuyển dịch
 
http://www.vatican.va/holy_father/francesco/apost_exhortations/documents/papa-francesco_esortazione-ap_20131124_evangelii-gaudium_en.html.
 
 
Niềm Vui Phúc Âm - Bối Cảnh Lịch Sử
 
Vẫn biết văn kiện đầu tay của Đức Thánh Cha Phanxicô không phải là Tông Huấn "Niềm Vui Phúc Âm - Evangelii Gaudium" ban hành ngày Lễ Chúa Kitô Vua bế mạc Năm Đức Tin 24/11/2013, mà là Thông Điệp "Ánh Sáng Đức Tin - Lumen Fidei" được ký ban hành vào ngày Lễ Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô 29/6/2013.
 
Tuy nhiên, Thông Điệp Ánh Sáng Đức Tin hầu như của ĐTC Biển Đức XVI hơn là của ngài, vì bức thông điệp này, như ngài xác nhận ở đoạn 7 là chính vị giáo hoàng tiền nhiệm của ngài "đã hầu như hoàn tất bản nháp đầu tiên cho bức thông điệp về đức tin", còn ngài chỉ "tiếp tục văn kiện hay ho này và góp thêm một ít phần của mình vào đó".
 
Còn Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, tuy là đóng góp của Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ lần thứ 13 trong thời đoạn từ 7-28/10/2012 về chủ đề "Việc Tân Truyền Bá Phúc Âm Hóa để Truyền Đạt Đức Tin Kitô Giáo", thế nhưng người đọc vẫn thấy được những nét độc đáo của chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô, qua giọng điệu của ngài, chủ trương của ngài cũng như cách sử dụng từ ngữ của ngài, những gì ngài đã bày tỏ qua các cuộc phỏng vấn công khai trước đó.
 
Công Đồng Chung Vaticanô II là một mốc điểm lịch sử quan trọng nhất cho Giáo Hội ở vào hậu bán thế kỷ 20 trước khi tiến vào ngàn năm thứ 3 Kitô giáo, một công đồng kéo dài 3 năm 2 tháng (11/10/1962 - 8/12/1965), ban hành 16 văn kiện, 4 hiến chế (constitutions), 9 sắc lệnh (decrees) và 3 tuyên ngôn (declarations), trong đó có hai văn kiện tiêu biểu nhất cho công đồng thứ 21 này của Giáo Hội, đó là Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội "Ánh Sáng muôn dân - Lumen gentium" (21/11/1964) và Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội "Vui mừng và hy vọng - Gaudium et spes" (7/12/1965).
 
Sau công đồng này, ngoại trừ vị giáo hoàng 33 ngày là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I (26/8-28/9/1978), có 3 vị giáo hoàng hậu công đồng cho tới nay: Nếu Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (16/10/1978 - 2/4/2005), một triết gia nhân bản, và Đức Thánh Cha Biển Đức XVI (19/4/2005-28/2/2013), một thần học gia về chân lý đức tin, là hai vị giáo hoàng, qua các văn kiện và chiều hướng hoạt động của mình, tiêu biểu cho một Giáo Hội  là "ánh sáng muôn dân", thì Đức Thánh Cha Phanxicô, qua đời sống bình dân và tinh thần từ ái của ngài, là vị giáo hoàng tiêu biểu cho một Giáo Hội thực hiện sứ vụ mang "vui mừng và hy vọng" đến cho loài người, nhất là cho thành phần nghèo khổ và tội lỗi trong một thế giới càng văn minh con người càng bạo loạn và diệt vong.
 
Không phải hay sao, chính hai văn kiện được Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành: Thông Điệp "Ánh Sáng Đức Tin" và Tông Huấn "Niềm Vui Phúc Âm" đã đủ nói lên chiều hướng của Công Đồng Chung Vaticanô II: Giáo Hội là "Ánh Sáng muôn dân" để mang "Niềm Vui và hy vọng" đến cho thế giới tân tiến ngày nay? Bức Thông Điệp "Ánh Sáng đức tin", hầu như tác giả là Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, nếu được coi là tiêu biểu cho một Giáo Hội "Ánh Sáng muôn dân", thì cũng có thể là tiêu biểu cho hai vị Giáo Hoàng uyên bác về kiến thức đã tham dự Công Đồng Chung Vaticanô II, đó là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, một nghị phụ chính thức của Công Đồng này, và Đức Thánh Cha Biển Đức XVI là cố vấn thần học cho một nghị phụ của Công Đồng này. Bức Tông Huấn "Niềm Vui Phúc Âm", nếu được coi là tiêu biểu cho một Giáo Hội mang "Niềm Vui và hy vọng" đến cho nhân loại, thì cũng có thể là tiêu biểu cho vị Giáo Hoàng đã công khai khẳng định rằng ngài mong muốn có được “một Giáo Hội sống nghèo và là một Giáo Hội  cho người nghèo” (Tông Thư Niềm Vui Phúc Âm khoản 198).  
 
Và nếu di sản Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II để lại cho chung Giáo Hội trong ngàn năm thứ ba Kitô giáo được gói ghém trong Tông Thư "Mở Màn Ngàn Năm Mới - Novo Milennio Ineunte" ban hành ngày 6/1/2001 để bế mạc Đại Năm Thánh 2000, đó là "duc in altum - nước sâu thả lưới" (Luca 5:4), thì vị Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã được sai đến trong vòng gần 8 năm ngắn ngủi, (cho đến khi ngài tự ý từ nhiệm), là để dẫn Giáo Hội đến chỗ "nước sâu" và Đức Thánh Cha Phanxicô đang được sai đến là để "thả lưới".
 
Thật vậy, Vị tiền nhiệm Biển Đức XVI của ngài, với bản chất thâm trầm nội tâm và kiến thức thần học uyên bác, đã dẫn Giáo Hội đến chỗ "nước sâu" qua hai văn kiện của 2 Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới, một vào năm 2005 về Thánh Thể và một vào năm 2008 về Lời Chúa, đó là Tông Huấn "Bí Tích Yêu Thương - Sacramentum Caritatis" ban hành ngày 22/2/2007, và Tông Huấn "Lời Chúa - Verbum Domini" ban hành ngày 30/9/2010. Ngoài ra, ngài còn ban bố 3 bức thông điệp cũng có tính chất tu đức và nội tâm, thứ tự như sau: "Thiên Chúa là tình yêu - Deus caritas est" (25/12/2005), "Niềm hy vọng cứu độ - Spe salvi" (30/11/2007), và "Yêu thương trong chân lý - Caritas in veritate" (29/6/2009). Chưa hết, vị giáo hoàng tiền nhiệm này còn mở Năm Đức Tin (11/10/2012 - 24/11/2013), và gần hoàn tất bức thông điệp thứ 4 về đức tin của ngài (như được đề cập đến trên đây).
 
Về phần mình, với kinh nghiệm mục vụ rất già giặn và đầy thực tế, vị giáo hoàng từ một miền đất "tận cùng trái đất" (cụm từ được ngài sử dụng lần đầu tiên khi ngỏ lời với dân chúng ở Quảng Trường Thánh Phêrô  tối ngày 13/3/2013 trong tư cách là một tân giáo hoàng mới được tuyển bầu), miền đất nghèo khổ Mỹ Châu Latinh ở Á Căn Đình được sai đến với ngai tòa Phêrô để đại diện Chúa Kitô, dẫn Giáo Hội tiếp tục từ chỗ "nước sâu" đến sứ vụ "thả lưới". Phải nói rằng bức Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm là phản ảnh sống động nhất và trung thực nhất về tinh thần và đường hướng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Nguyên nhan đề của bức Tông Huấn có từ ngữ "niềm vui" đã đủ hiện lên gương mặt luôn tươi cười đầy phấn khởi của ngài cũng như chiều hướng của ngài rất thiết tha muốn mang "vui mừng và hy vọng - gaudium et spes" đến cho thế giới ở vào thời điểm lịch sử hết sức buồn thương và khẩn trương hiện nay.
 
Riêng tôi, càng đọc Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, tôi càng tự nhiên cảm thấy dường như đang ứng nghiệm lời Chúa Giêsu tiên báo về ngày tận thế như sau: "Vì sự dữ gia tăng mà lòng mến nơi hầu hết đã trở nên nguội lạnh... Tin mừng về Vương Quốc này sẽ được loan báo khắp thế giới như là một chứng từ cho tất cả mọi dân tộc. Chỉ sau đó mới đến ngày cùng tháng tận" (Mathêu 24:12,14).
 
Qua câu tiên báo này của Chúa Giêsu về thời điểm trước ngày cùng tháng tận, chúng ta thấy:
 
1- vào chính lúc con người trở nên nguội lạnh thì tin mừng lại được rao giảng khắp thế giới, tức là cả thế giới đã trở thành nguội lạnh, thiếu bác ái yêu thương, sống hận thù sát hại nhau, cần phải được Trời Cao nhắc nhở qua sứ vụ truyền bá phúc âm hóa của Giáo Hội;
 
2- và chỉ sau khi tin mừng cứu độ được rao giảng khắp nơi rồi thì mới tới ngày cùng tháng tận, tức là việc rao giảng tin mừng khắp thế giới, như việc rao giảng của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả cho dân Do Thái xưa, là để dọn đường cho Chúa Kitô tái giáng "để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Nước Người sẽ vô cùng bất tận".
 
Lịch sử đã xẩy ra như thể ứng nghiệm lời tiên báo này của Chúa Kitô về thời tận thế "Tin mừng về Vương Quốc này sẽ được loan báo khắp thế giới như là một chứng từ cho tất cả mọi dân tộc": ở chỗ, chưa bao giờ thấy trong lịch sử Giáo Hội có các vị giáo hoàng thực hiện các chuyến tông du khắp thế giới, bắt đầu từ ngay trong Công Đồng Chung Vaticanô II, qua chuyến tông du lịch sử đầu tiên của Đức Thánh Cha Phaolô VI ở Thánh Địa trong thời khoảng 4-6/1/1964. Sau 11 chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phaolô VI tới 104 chuyến tông du của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong vòng 26 năm rưỡi, tức trung bình 4 chuyến 1 năm, và 24 chuyến tông du của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong vòng 8 năm, tức trung bình 3 chuyến một năm.
 
Công cuộc và sứ vụ truyền bá phúc âm hóa này càng khẩn trương hơn nữa, khi thế giới loài người mỗi ngày mỗi trở nên lạc loài hơn bao giờ hết, với tình trạng khủng hoảng đức tin trong Giáo Hội, cùng với hiện tượng của một xã hội loài người đang bị phá sản luân lý chưa từng thấy bởi thứ văn hóa chết chóc gây ra bởi nọc độc tương đối chủ nghĩa.
 
Sự kiện trùng hợp ở đây là văn kiện đúc kết của Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường lệ lần thứ XIII năm 2012 về việc tân truyền bá phúc âm hóa lại do chính vị giáo hoàng năng nổ truyền giáo Phanxicô ban hành, nhan đề "Niềm Vui Phúc Âm", trong đó, các nghị phụ của Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới này nói chung và Đức Phanxicô nói riêng muốn nhắm đến chính tác nhân truyền bá phúc âm hóa, hơn là đến đối tượng được truyền bá phúc âm hóa, như trong Tông Huấn "Evangelii Nuntiandi - Loan Báo Phúc Âm" (8/12/1975) của Đức Thánh Cha Phaolô VI, văn kiện đúc kết Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ lần thứ III năm 1974, cũng như hơn là đến chính sứ vụ truyền giáo, như trong Thông Điệp "Sứ Vụ Cứu Chuộc - Redemptoris Missio" (7/12/1990) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.
 
Đó là lý do Tông Huấn này đã mở đầu (đoạn 1) bằng câu bao gồm chính tinh thần và chiều hướng của nó như sau: "Niềm vui Phúc Âm là những gì tràn đầy tâm can và đời sống của tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận việc Người cống hiến ơn cứu độ cho thì được giải phóng khỏi tội lỗi, buồn đau, trống rỗng nội tâm và lẻ loi cô quạnh. Niềm vui luôn được tái sinh nơi Chúa Kitô. Trong Tông Huấn này, tôi muốn phấn khích tín hữu Kitô giáo hãy khai mào một giai đoạn mới của một việc truyền bá phúc âm hóa được đánh dấu bằng niềm vui này, trong khi vạch ra những đường lối mới cho cuộc hành trình vào những năm trước mắt của Giáo Hội".
 
Rõ ràng là câu mở đầu Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm trên đây bao gồm 2 yếu tố chính đó là tác nhân truyền bá phúc âm hóa và đường lối mới cho việc tân truyền bá phúc âm hóa. Bởi thế, để vừa ngắn gọn hơn mà vẫn không mất ý nghĩa của toàn văn kiện, vừa dễ dàng hơn trong việc nắm bắt ngay được hai ý chính cốt yếu làm nên văn kiện này, nhưng vẫn không vì thế mà coi thường các câu khác trong bản văn không được trích dịch (bởi những câu này chỉ phụ thuộc hay diễn giải thêm), người dịch ở đây sẽ thực hiện việc tuyển hợp những câu, những đoạn / những khoản nào của Bức Tông Huấn sát với hai ý tưởng chủ yếu nhất trong toàn văn kiện.
 
Sau đây bô cục tổng quan hai phần chính và những khoản tiêu biểu nhất của bức Tông Thư nên đã được người dịch chuyển dịch, trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh. Những tiểu đề theo bố cục và nội dung của bức Tông Thư này vì thế cũng đã được người dịch sắp xếp căn cứ vào câu chủ yếu đầu tiên của bức Tông Thư.
 
Phần Một: Thành phần tác nhân loan truyền Niềm Vui Phúc Âm
 
1- Niềm Vui Phúc Âm - một sứ vụ không chấp nhận khuynh hướng phản chứng nơi mục vụ viên
2- Niềm Vui Phúc Âm - một sứ vụ bất khả thiếu và bất khả châm chước của Kitô hữu
3- Niềm Vui Phúc Âm - một sứ vụ cần phải được tràn đầy Thần Linh mới có thể hoàn thành
 
Phần Hai:  Đường lối mới loan truyền Niềm Vui Phúc Âm
 
1- Niềm Vui Phúc Âm – cần một cuộc hoán cải về mục vụ
2- Niềm Vui Phúc Âm - trước những thách đố của thế giới ngày nay
3- Niềm Vui Phúc Âm - những cách thức để  truyền đạt
4- Niềm Vui Phúc Âm - đặc biệt cho người nghèo hèn
 
(còn tiếp)
Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Ly Rượu Mừng (1/14/2014)
Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Hội Kiến Với Ngoại Trưởng Mỹ Kerry (1/14/2014)
Ba Điều Tạo Hạnh Phúc Năm Mới (1/14/2014)
Hương Xuân Vị Tết (1/14/2014)
Hoàn Thiện Xuân (1/14/2014)
Tin/Bài cùng ngày
Thường Xuân (1/13/2014)
Ước Mơ Xuân (1/13/2014)
Sống Thật Mùa Xuân (1/13/2014)
Tin/Bài khác
Chúa Xuân Xót Thương (1/12/2014)
Bé Đếm Lịch (1/12/2014)
Hồi Tưởng Ngày Xuân (1/12/2014)
Con Trẻ Giêsu Có Biết Mọi Thứ? (1/11/2014)
Mùa Xuân Hồng Ân (1/11/2014)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768