Mùa Xuân Hồng Ân
Năm năm thấm thoát. Năm mùa Xuân lạ. Anh đã yêu từ lúc nào mà không thể xác định thời điểm, chỉ biết là năm mùa Xuân đã đi qua. Tình yêu trừu tượng và bí ẩn biết bao!
Trong một dịp sinh nhật cô bạn học, anh quen nàng thật hy hữu. Thấy anh đang ngồi lặng lẽ mình ên, một cô gái có ngoại hình “dễ nhìn” đến mời anh nâng ly, lóng ngóng thế nào mà làm đổ nước ngọt lên anh. Thế là “đi đời” chiếc áo “ăn nói” của anh rồi còn gì! Cô sững người, đỏ mặt và bối rối xin lỗi anh. Nhìn mặt thấy “thương” luôn. Chẳng ai lại nỡ giận lúc con gái “tỏ lòng sám hối” như vậy chứ nói chi anh. Thường thì anh rất thẳng tính, ít nói, nhưng gặp cô gái này bỗng dưng anh “biếu không” cho nàng một nụ cười hiền hết biết. Rồi hai người như quen nhau từ lâu, chuyện nổ như bắp rang. Từ đó, họ trở thành thân quen, thường điện thoại cho nhau và cùng nhau đi chơi.
Anh vui hơn khi biết nàng cũng có đạo Công giáo và luôn hăng say trong việc hoạt động truyền bá Lòng Chúa Thương Xót. Thì ra Thảo Trầm là thư ký của cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót giáo xứ Bình Thường, giáo hạt Vô Thường. Một cô gái trẻ mà “chịu” hoạt động công tác hội đoàn như vậy thì kể cũng… “đặc biệt” thật.
Thời gian cứ êm đềm trôi qua, như vừa vô tình vừa cố ý. Thời gian vừa nhanh vừa chậm, vừa ngắn vừa dài. Nắng mưa cứ luân phiên giao mùa. Công việc cũng giao mùa. Tình bạn “chuyển hệ” thành tình yêu theo đúng quy luật càn khôn. Hạnh phúc dâng trào. Tình yêu của họ vẫn thuần khiết như đóa huệ dù lòng họ không ngừng vỗ sóng yêu thương…
Đột nhiên, vào một buổi chiều, anh nhận được email của nàng. Anh nghe reo vui trong lòng. Nhưng anh chợt “xìu” ngay như trái bóng xì hơi khi thấy tờ giấy chỉ vỏn vẹn đúng 20 chữ (bằng tuổi nàng):
Anh,
Không đủ can đảm nói trực tiếp với anh. Mong anh thông cảm. Ba ngày nữa em xuất ngoại.
THẢO TRẦM
Thế thì… tiêu! Anh cười “xót xa” một mình. Anh hiểu. Thảo Trầm không đủ can đảm gặp anh lúc này. Anh cũng cảm thấy lưỡng lự, có lẽ không thể gặp nàng. Gặp lúc này chỉ thêm lưu luyến, có thể gây cho nàng khó xử, chồng chất thêm nỗi buồn mà thôi. Nàng không nói rõ nhưng anh cũng đoán được điều gì đó cần hiểu ngầm qua cách nói úp úp mở mở của nàng. Gia đình nàng không muốn họ quen nhau vì nhiều lý do. Có lẽ anh đoán đúng. Nỗi buồn chợt dâng cao, mênh mang và da diết. Dĩ nhiên anh không thể tiễn nàng dù lòng anh rất muốn, nhưng anh chỉ dám nhắn gởi lời từ giã và cầu chúc qua tin nhắn điện thoại: “Chúc em bình an”. Có thể chuyện tình của họ cũng ngắn ngủi và mau qua như mưa bóng mây!
Thời gian lặng trôi. Có yêu mới thấm thía thế nào là nỗi khổ ray rứt tâm can. Nỗi nhớ quay quắt. Ý nghĩ rối bời, đan xen lung tung… Lòng cứ dặn lòng thôi mơ nhưng mộng lại càng đầy, càng nhiều. Vu vơ chờ, mong manh đợi, dẫu biết chiêm bao chỉ là mộng mị. Rồi tình cũng chỉ còn là vài trang giấy.
Những lá thư thưa dần theo thời gian, rồi bặt vô âm tín. Mơ mộng chan chứa hạnh phúc là khoảng chờ đợi, là nỗi niềm hoài vọng. Đó là cuộc đời. Anh tự an ủi. Mong chi nữa khi Thảo Trầm đâu còn là một cô bé chân chất và dung dị như ngày nào, mà nay nàng là Việt kiều rồi. Cuộc sống khác nhau, văn minh khác nhau. Càng cố quên càng nhớ thêm. Đó là cái nghịch lý trong tình yêu. Nỗi bâng khuâng xếp chật thời gian, những ngày tháng trôi đi chầm chậm. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, cách xa như âm dương cách trở. Không ai có quyền trách cứ hoặc đòi hỏi nhau gì hơn.
Lời lẽ nàng chân thật và tha thiết bao nhiêu thì giờ đây lại hóa phũ phàng bấy nhiêu. Phải chăng lòng chân thật thường là lỗi lầm và hầu như luôn là sự vụng về, như Delaroa đã nói? Có thể lắm. Buồn thì anh chỉ biết nghe nhạc, lúc thì nghe thánh ca, lúc thì nghe nhạc đời. Những bản tình ca xoáy vào tim anh khiến anh ngỡ như đang nghe bản nhạc “Ngày Chủ Nhật Đen” của nhạc sĩ Rulance vậy (*). Anh buột miệng: “Lạy Chúa, con tín thác vào Ngài”.
Phố xá nhộn nhịp hơn vào những giờ khắc cuối năm. Anh thả mắt xuống đường nhìn dòng người qua lại với dáng vẻ vội vã. Nhịp tĩnh mà động. Anh thấy người bưu tá dừng xe trước cổng. Anh chạy ra khi nghe gọi tên mình. Bất ngờ. Anh không dám tin vào mắt mình khi nhìn tên người gởi: Thảo Trầm.
Anh bồi hồi. Buồn vui lẫn lộn. Điềm lành hay điềm xấu? Ý nghĩ cứ giằng co trong anh. Bặt vô âm tín từ lâu, tình như ngủ say giấc sầu đông. Hy vọng trong anh quá mong manh như tơ mà sợi nhớ trong anh như mạng nhện chằng chịt ngày tháng và sợi thương vẫn giăng kín ngõ hồn. Kỷ niệm cũng như hóa xơ cứng. Thời gian và thế thái nhân tình mà! Lẽ nào…? Anh kìm nén xảm xúc để đủ bình tĩnh mở thư. Trang thư thật dài. Lại một bất ngờ nữa đối với anh!
Boston, ngày… tháng… năm…
Em rất buồn khi anh không đến tiễn em hôm đó. Anh có biết là em buồn tới mức nào không? Suốt chuyến bay từ Việt Nam tới Mỹ, em không sao ngăn được nước mắt trào tuôn. Lúc đó, nếu có anh để em gục đầu vào vai anh thì chắc áo anh ướt đẫm như lần nào đó em đã đổ nước ngọt vào anh thôi. Cõi lòng em cứ nặng trĩu vì nhớ anh thật nhiều.
Còn anh, lúc này ra sao? Có gì thay đổi trong anh không? Có khi nào anh buồn và chợt nhớ về em không? Anh vẫn khỏe và vẫn viết nhạc chứ? Ở đây lạnh và buồn lắm, anh biết không? Cứ gọi tên anh mà nghe lòng buồn hơn. Đừng giận và đừng trách em vì làm anh khổ vì em nghe anh. Lúc nào em cũng nhớ anh, cứ mở mắt ra là em nhớ anh. Mỗi đêm, trước khi đi ngủ, em chỉ biết cầu cho anh bình an và thành công. Hãy giữ gìn sức khỏe, đừng thức khuya, vì lúc này em đâu có ở bên anh mà chăm sóc cho anh được.
Người yêu ơi! Anh đã chinh phục trái tim em. Em lỡ yêu anh rồi nên không thể quên anh và cũng không thể xa anh. Anh có nghe em gọi anh không? Nói với em đi anh. Đừng mê nhạc quá mà quên em kẻo người yêu nhỏ của anh sẽ giận hờn đó nghe chưa? Ghét anh lắm đó!
Em có lỗi với anh vì lâu nay em không viết thư cho anh. Nhưng em vẫn nhớ đến anh và cầu nguyện cho anh hằng đêm trước khi đi ngủ. Em tín thác tất cả Lòng Chúa Thương Xót, trong đó có tình yêu em dành cho anh. Em có ý muốn xác định tình yêu mình và có thêm thời gian để gia đình em hiểu rõ chúng mình hơn. Em cần có anh. Anh đừng ngại, cũng đừng nghĩ vu vơ nữa. Em chưa về nước lúc này được. Hẹn gặp anh vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Em sẽ về để chung tay góp phần xây dựng quê hương, nhất là em muốn bù đắp cho anh. Nghe tin bão liên tục đổ bộ vừa qua đã để lại nỗi tang thương cho nhiều gia đình, nơi em đã sinh ra và lớn lên, khiến lòng em quặn đau. Hãy tin tưởng ở em. Chờ nhau, anh nhé! Cho em gởi lời chúc sức khỏe gia đình. Viết cho em ngay nha anh. Thư anh là nguồn động viên cho em rất nhiều đó. Mong thư anh. Chúc anh khỏe và gặp nhiều may mắn.
Thương nhớ dành trọn cho anh,
THẢO TRẦM
Anh lặng người đi. Cảm giác khó tả. Anh ngơ ngẩn nhìn lá thư như cánh en đưa tin Xuân. Cứ vui vui, cứ lâng lâng xao xuyến, ngồn ngộn cõi lòng. Nửa thực, nửa mơ. Mới nghe tin nàng về mà lòng anh nôn nao khó tả, lóng ngóng chờ đợi. Anh bất ngờ quá! Anh nhìn ra xa, thầm nói: “Tạ ơn Chúa. Thảo Trầm ơi! Đừng giận anh vì những suy nghĩ không đúng về em. Yêu em, sợ mất em nên anh nghĩ vậy thôi. Hãy mau về, em nhé! Có em, hẳn mùa Xuân này sẽ tuyệt vời hơn bội phần. Anh vẫn đêm ngày chờ em. Nhớ em nhiều lắm!”
Cây mai trước cửa có đóa mai vừa nở sớm rực vàng. Trời đất giao mùa. Và lòng anh bất ngờ cũng giao thừa, giao thừa sớm. Anh vào lấy cây ghi-ta vừa đệm vừa hát khe khẽ: “Happy New Year…”. Ý Chúa thật là mầu nhiệm: “Tất cả là Hồng ân” (Rm 4:16) và “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136).
Anh quá bất ngờ, anh không dám tin vào những dòng thư kia, thư gởi qua đường bưu điện chứ không phải e-mail. Anh mỉm cười và thầm nghĩ: “Ý Chúa mầu nhiệm, mà cô nàng cũng bí ẩn quá!”. Nắng như vàng hơn và ấm áp hơn, trời như xanh trong hơn. Đối với anh chắc hẳn đây là Mùa Xuân Hồng Ân, Mùa Xuân của Lòng Chúa Thương Xót: “Hồng ân Thiên Chúa bao là, muôn đời con sẽ ngợi ca Ơn Người”.
TRẦM THIÊN THU (*) Nhạc sĩ Rulance (Pháp) đã sáng tác bản nhạc “Ngày Chủ Nhật Đen” (Black Sunday) vào năm 1932. Sau được đổi tên là “Lời Mời Của Ma Quỷ”. Nó tồn tại 13 năm và đã khiến hơn 100 thính giả tìm đến chốn Tây Thiên. Chưa nhà soạn nhạc hoặc chuyên gia tâm lý nào lý giải nổi tại sao ai nghe xong bản nhạc đó đều muốn chết. Các đài phát thanh và truyền hình Anh, Mỹ, Pháp và Tây ban nha đã phải tổ chức hội thảo đặc biệt để kêu gọi các nước Âu Mỹ ngăn chặn sự lan tràn của bản nhạc này. Mãi đến năm 1945, “Lời Mời Gọi Của Quỷ” mới bị hủy. NS Rulance hối hận và nói: “Không ngờ tác phẩm của con lại làm cho đồng loại đau khổ đến thế. Xin Chúa trừng phạt con ở thế giới bên kia”. Dù bản nhạc đó có ma lực kỳ diệu đến thế, nó vẫn là một kiệt tác, và hẳn ai cũng phải công nhận rằng NS Rulance thực sự là một tài năng đặc biệt, vĩ đại, phi thường và xuất chúng.
|