MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Các Tín Điều Về Đức Mẹ
Thứ Tư, Ngày 1 tháng 1-2014

Các Tín Điều về Đức Mẹ

Tín Ðiều là những học thuyết Công Giáo được Hội Thánh khẳng định là chân lý được mạc khải. Tất cả mọi người Công Giáo phải tin những Tín Ðiều này:

Hoài nghi là coi thường chân lý được mạc khải hay ngoan cố chối từ chấp nhận nó. Lạc giáo là sự cố tình chối từ, sau khi rửa tội, một vài chân lý mà đức tin Công Giáo buộc phải tin, hoặc cố tình nghi ngờ những chân lý này; bội (phản) giáo là việc hoàn toàn chối từ đức tin Kitô Giáo; ly giáo là không tuân phục quyền bính ÐGH hoặc sự hiệp thông với các phần tử của Hội Thánh dưới quyền ngài.[1]

Các Tín Ðiều về Ðức Mẹ

Tất cả những gì Hội Thánh muốn chúng ta tin về Ðức Mẹ đều liên quan đến niềm tin vào Ðức Giêsu Kitô và cần thiết cho phần rỗi chúng ta. Chúng ta tôn kính Mẹ Maria, không phải vì Mẹ là Thiên Chúa, nhưng vì Thiên Chúa muốn chúng ta kính trọng Mẹ như là một bình rất quý giá Chúa dùng để ban nguồn ơn cứu độ, là Ðức Giêsu Kitô, cho chúng ta. Chúa Giêsu muốn chúng ta tôn kính Mẹ vì Mẹ là Mẹ Người và Mẹ chúng ta. Mẹ là gương mẫu đức tin của chúng ta. Cuộc sống khiêm nhường, đạo đức, và vâng lời của Mẹ là gương cho chúng ta noi theo. Hội Thánh nhìn lên Mẹ vì Hội Thánh tiếp tục sứ vụ của Mẹ là đem Chúa Giêsu đến cho thế gian và ban sự sống cho chi thể của nhiệm thể Chúa Giêsu. Học thuyết về Ðức Mẹ không phải những gì Công Giáo mới đặt ra như người Tin Lành thường kết tội. Ðức tin vào bốn Tín Ðiều về Ðức Mẹ đã được truyền dạy trong Hội Thánh từ thời các Tông Ðồ và được tóm tắt bằng Kinh Kính Mẹ Thiên Chúa Cực Thánh của Thánh Ephraem xứ Syria (năm 306-373).

Ôi lạy Ðức Nữ Ðồng Trinh, Mẹ Thiên Chúa Tinh Tuyền, Ðức Nữ rất vinh quang, rất nhân từ, cao sang hơn thiên đàng, trong trắng hơn ánh quang mặt trời, hơn các tia sáng… Mẹ cưu mang Thiên Chúa và Ngôi Lời theo nhân tính, mà vẫn giữ trọn đức đồng trinh trước khi sanh con, và vẫn còn là một trinh nữ sau khi sanh con.

1. Maria, Mẹ Thiên Chúa

Từ thời các thánh Tông Ðồ, các Kitô hữu đã tin rằng Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa Nhập Thể. Vì thế, Người là Ngôi Hai Thiên Chúa với hai bản tính. Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật. Bản tính Thiên Chúa và loài người của Người không thể tách rời nhau được. Vì Ðức Kitô là Thiên Chúa làm người (Colossians 2:9, Galatians 1:1,14), nếu Ðức Mẹ là Mẹ Ðức Kitô, thì Ðức Mẹ cũng đúng là Mẹ Thiên Chúa. Công Ðồng Êphêsô (năm 431) công bố rằng Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa để bảo đảm thiên tính của Ðức Kitô, lúc đó đang bị Nestoriô, Giám Mục Constantinople đả kích. Ông ta dạy rằng Ðức Kitô có hai cá thể với hai bản tính khác nhau, và Mẹ Maria chỉ là mẹ của con người Ðức Kitô mà thôi.

Lutherô, Calvin, và những nhà sáng lập các giáo phái Tin Lành chính đều đồng ý về tín điều này.

Nhưng Ðức Mẹ cũng là một tạo vật như chúng ta, và đạo Công Giáo không thờ Ðức Mẹ như một nữ thần. Chúng ta kính Ðức Mẹ vì vinh dự khôn lường của Mẹ là được Thiên Chúa chọn để cưu mang và nuôi dưỡng Ngôi Lời Nhập Thể.

Martinô Lutherô, người sáng lập đạo Tin Lành viết:

“Thật là chính đáng khi gọi Mẹ không những là mẹ con người, nhưng còn là Mẹ Thiên Chúa… Chắc chắn rằng Ðức Maria là Mẹ của Thiên Chúa thật.”[2]

“Thiên Chúa được sinh ra… Hài Nhi uống sữa của Mẹ mình là Ðấng có từ muôn thủa, Người có trước khi có thế gian, và Người tạo dựng trời, đất… Hai bản tính này kết hợp quá mật thiết với nhau đến nỗi chỉ có một Thiên Chúa và Chúa, mà Mẹ Maria cho Thiên Chúa bú, tắm rửa cho Thiên Chúa, ru Người, và bồng bế Người.”[3]

“Loài người đã gồm tóm tất cả vinh quang Mẹ trong một câu: Mẹ Thiên Chúa. Không ai có thể nói gì cao sang hơn về Mẹ, dù người đó có nhiều lưỡi như lá trên cây.”[4]

“Có phải chỉ một mình Ðức Kitô được tôn thờ không? Chẳng lẽ Mẹ Thiên Chúa Chí Thánh không được tôn vinh sao? Ðây là Người Phụ Nữ đạp dập đầu con rắn. Xin hãy nghe lời chúng con, vì Con Mẹ không từ chối Mẹ điều gì.”[5]

“Chúng ta là con của Mẹ Maria; chúng ta có thể nghe bài hát của các thiên sứ!”[6]

“Ðức Maria là Mẹ Chúa Giêsu và Mẹ mỗi người chúng ta. Nếu Chúa Giêsu là của chúng ta thì chúng ta phải ở cùng Người, và Người ở đâu thì chúng ta cũng ở đó, và tất cả những gì của Người cũng phải là của chúng ta, và như vậy, Mẹ Người cũng là Mẹ chúng ta.”[7]

2. Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

Người Công Giáo tin rằng Thiên Chúa cứu độ Ðức Mẹ cách đặc biệt bằng cách ngăn ngừa Mẹ khỏi tội lỗi, vì vai trò quá đặc biệt của Mẹ trong chương trình cứu độ của Ngài,[8] và sự liên hệ của Mẹ với Ðức Chúa Con (Mẹ) và Chúa Thánh Thần (Hiền Thê).[9] Tổng thiên sứ Gabriel gọi Mẹ là được sủng ái hay đầy ơn phúc trong Tin Mừng Thánh Luca 1:28. Tiếng Hy Lạp, κεχαριτωμενη (kecharitomene), có nghiã “hoàn toàn, hoàn hảo, được ban đầy ơn Chúa.” (Người Tin Lành cho rằng dịch đầy ơn phúc la sai. Nhưng trong bản dịch NIV, TÐCV 6:8, họ dịch đầy ơn phúc của Thiên Chúa cho thánh Stêphanô). Vì lý do này và nhiều lý do khác, Người Công Giáo tin rằng Mẹ không vướng mắc tội lỗi từ khi thụ thai và suốt cả đời Mẹ. Ngay cả Lutherô cũng đồng ý!

“… vì vậy khi linh hồn được tạo thành, Mẹ cùng một lúc được sạch tội tổ tông…. Và như thế, ngay ngay từ giây phút đầu tiên của cuộc đời, Mẹ đã không vướng mắc tội lỗi”. [10]

Các thần học gia thời trung cổ đưa ra một hình ảnh diễn tả Ðức Mẹ cũng được cứu chuộc giống chúng ta ra sao, nhưng bằng cách khác. Hãy tưởng tượng một hố sâu trên con đường mòn trong rừng, tượng trưng cho tình trạng sa lầy trong tội lỗi. Tất cả chúng ta đều rơi vào hố đó, và đắm mình trong bùn. Nhưng Thiên Chúa sẽ kéo chúng ta ra khỏi đó và cứu chúng ta, với điều kiện là chúng ta muốn. Với Ðức Mẹ, Thiên Chúa lại làm cách khác. Ngài không để cho Mẹ rơi vào hố này (như chúng ta). Nhưng trong cả hai trường hợp, qua sự ngăn ngừa hay qua sự giải thoát, thì thật sự chỉ mình Thiên Chúa cứu chúng ta được mà thôi. Ðức Mẹ được như vậy vì ơn sủng nhưng không của Thiên Chúa ban, không phải vì công lao của Mẹ, không phải vì sự siêu phàm Mẹ có mà không bắt nguồn từ Thiên Chúa.

Trong Cựu Ước, Hòm Bia Thánh, Ðền Thờ, và Lều Tạm đều ám chỉ Ðức Mẹ, Hòm Bia Sống của Giao Ước Mới, Ðền Thờ Sống Ðộng của Chúa Thánh Thần, và Nhà Tạm Mới của Thánh Thể. Càng gần Thiên Chúa, con người càng phải thánh thiện hơn.Thầy cả Thượng Phẩm của dân Do Thái chỉ được vào “cung Thánh” nơi Lều Tạm hay Ðền Thờ một năm một lần, nếu không sẽ chết.[11] Hòm Bia Thánh cũng rất thánh đến nỗi chỉ một ít người được chạm đến.[12] Đ Đối chiếu các đoạn Kinh Thánh Tân Ước và Cựu Ước chúng ta thấy có sự tương quan giữa Ðức Mẹ và Hòm Bia Thánh.[13] Nếu những vật vô tri như thế còn trở nên “thánh” vì gần Thiên Chúa, thì Mẹ Maria, Ðấng cưu mang Thiên Chúa còn thánh thiện hơn thế nào? Người Tin Lành thường không hiểu được quan niệm này vì quan điểm sai lầm của họ về sự công chính hóa bề ngoài theo pháp luật không nhất thiết đưa đến sự thánh thiện thực sự.

Lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội được cử hành ở Ðông Phương từ thế kỷ thứ 7 và ở Tây Phương từ thế kỷ thứ 9. Hầu hết các Giáo Phụ và các thánh (thánh Irênê, thánh Ephraem, thánh Ambrôsiô, thánh Augustinô, thánh Anselmô…) đều tin rằng Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Nhưng trong thời Trung Cổ, thánh Tôma Aquinô, thánh Bônaventura và thánh Albertô Cả không công nhận học thuyết Vô Nhiễm vì các ngài không giải thích được sự liên quan giữa học thuyết này và Tội Tổ Tông và công trình cứu độ chung của Ðức Kitô. Nhưng các ngài rất tôn sùng Ðức Mẹ và tin rằng Chúa giữ gìn Mẹ khỏi mọi tội lỗi suốt cả đời. Vấn đề này được giải quyết bởi các thần học gia thuộc dòng Phanxicô vào thế kỷ thứ 15 bằng cách giải thích rằng Sự Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ được thể hiện qua việc Thiên Chúa tiền đặt ơn cứu độ của Ðức Kitô cho Mẹ.

Hầu hết các nước Tây Phương, Anh, Pháp, Ðức, Ý và Tây ban Nha mừng Lễ Mẹ Vô Nhiễm từ thế kỷ 11 và 12. Ðến thế kỷ thứ 15, toàn thể Hội Thánh mừng lễ này.

Ngày 8 tháng 12 năm 1854, ÐTC Piô IX công bố rằng

“Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, ngay từ giây phút đầu tiên chịu thai, nhờ ơn riêng và đặc quyền của Thiên Chúa Toàn Năng, qua việc thấy trước công nghiệp của Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Chuộc loài người, đã được gìn giữ khỏi mọi tỳ vết của Tôi Nguyên Tổ.”[14]

Ðể chuẩn y Tín Ðiều này, Mẹ đã hiện ra cùng thánh Bernadette tại Lộ Ðức vào năm 1858 và cho thánh nữ biết rằng Mẹ là “Ðấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.”

Hầu hết người Tin Lành ngày nay không tin vào tín điều Vô Nhiễm, nhưng Lutherô đã viết:

“….cho nên khi linh hồn được thấm nhập, cùng một lúc đó Mẹ được tẩy sạch tội tổ tông……….. Và như vậy, ngay trong giây phút Mẹ bắt đầu cuộc sống, Mẹ không có tội gì cả.”[15]

“Thiên Chúa đã tạo nên linh hồn và thân xác Ðức Trinh Nữ Maria đầy Thánh Thần, cho nên Mẹ không có tội lỗi gì cả.”[16]

“Mẹ đầy ơn phúc, được công bố là hoàn toàn không vướng mằc tội lỗi… Ơn sủng của Thiên Chúa đổ tràn trên Mẹ mọi sự tốt đẹp và làm cho Mẹ tránh được mọi sự dữ…. Thiên Chúa ở với Mẹ, có nghĩa là mọi việc Mẹ làm hay đang làm giở dang là thuộc về Thiên Chúa, và là tác động của Thiên Chúa trong Mẹ. Hơn nữa Thiên Chúa giữ gìn và bảo vệ Mẹ khỏi tất cả những gì có thể làm tổn hại Mẹ.”[17]

Nhiều người Tin Lành tin rằng việc sùng kính Ðức Mẹ của Lutherô là một sai lầm của ông vì ông ta chưa loại bỏ được tất cả những sai lầm của Công Giáo. Nếu như thế thì làm sao họ có thể tin vào những học thuyết khác ông ta dạy như Duy Kinh Thánh và Duy Ðức Tin, vì ông ta cũng có thể sai lầm về những điều đó?

3. Trọn Ðời Ðồng Trinh

Hầu hết người Tin Lành ngày nay tin rằng Chúa Giêsu được sinh ra bởi một Trinh Nữ, nhưng không chấp nhận quan niệm là Ðức Mẹ đồng trinh trọn đời. Ðây không phải là giáo huấn mới của Hội Thánh Công Giáo. Niềm tin này bắt nguồn từ Tông truyền, và không trái nghịch với Thánh Kinh. Các Giáo Phụ, ông Tertullian (213), ông Origen (232), Thánh Athanasiô (362), Thánh Gioan Chrysostom (370), Thánh Gregoy thành Nyssa (371), Thánh Giêrônimô (383), Thánh Ambrosiô (396), và Thánh Augustinô (401),.. cho đến các ông tổ Tin Lành, Lutherô và Calvin, đều công nhận rằng Ðức Mẹ Trọn Ðời Ðồng Trinh. Mặc dầu người Tin Lành thời nay cố gắng dùng Thánh Kinh để chứng minh rằng Ðức Mẹ có con khác ngoài Chúa Giêsu. Lý luận của họ không có gì mới cả. Vào thế kỷ thứ tư, Helviđiô là người đầu tiên dùng cùng những câu Thánh Kinh (này) để đả kích giáo điều này, và thánh Giêrônimô, một học giả Kinh Thánh lừng danh, đã dùng Kinh Thánh để quở trách ông. Thánh nhân gọi luận điệu của Helviđiô là mới lạ, ác tâm, và cả gan lăng mạ đức tin của cả nhân lọai. (Về Việc Trọn Ðời Ðồng Trinh cuả Ðức Nữ Maria – chống lại Helvidiô).
Ðây là những luận điệu họ đưa ra để chứng mimh rằng Ðức Mẹ có nhiều con khác sau khi sinh Chúa Giêsu.

1) Tân Ước nói về anh chị em của Chúa Giêsu.

2) Chữ “cho đến khi” và “con đầu lòng” trong Mathêu 1:25.

Họ đúng khi đưa ra việc Chúa Giêsu có anh chị em, nhưng họ không thể chứng minh được rằng những người này là con Ðức Mẹ. Có 218 câu trong Tân Ước dùng chữ “anh em.” Hầu hết dùng để chỉ bà con họ hàng. Có rất ít dùng cho anh em ruột như trường hợp thánh Gioan và Giacôbê. Trong trường hợp anh em Chúa Giêsu, nếu chúng ta đọc kỹ Tin Mừng, chúng ta sẽ khám phá ra rằng họ là anh em họ của Chúa Giêsu như được tả trong Matthew 27:56; Mc 15:40, 16:1; Lc 24:10 và Ga 19:25. Các câu này chứng minh rằng Giacôbê và Giuse là con của một bà Maria khác, vợ của ông Clêopa, là chị em của Ðức Mẹ.

Khi sứ thần Gabriel chào Mẹ, và loan báo việc Nhập Thể của Chúa Giêsu, Mẹ trả lời; “Chuyện đó xảy đến sao được, vì tôi không có quan hệ với người nam?” Nếu Mẹ không tính giữ mình trọn đời đồng trinh thì Mẹ đã không ngạc nhiên khi nghe báo là sẽ có con.

Khi Ðức Chúa Giêsu lên Ðền Thánh với Cha Mẹ Người lúc 12 tuổi, Tin Mừng không nói gì đến anh chị em của Chúa cả, nhưng nói rằng “hai ông bà tìm Người trong số bà con thân quyến.”[18]

Sau hết, trên Thánh Giá, Chúa Giêsu gửi Ðức Mẹ cho thánh Gioan và “từ lúc đó, người môn đệ này đem Bà về nhà mình.”[19] Nếu Ðức Maria có các con khác thì tại sao thánh Gioan phải săn sóc cho Mẹ sau khi Chúa chịu chết?

Chữ “cho đến khi” trong câu “Ông không có liên hệ vợ chồng với bà cho đến khi bà sinh một con trai” chỉ nói rằng hai người không có liên hệ tính dục cho đến khi Chúa Giêsu sinh ra, chứ không nói rằng sau đó họ có liên hệ tính dục. Câu này không chứng minh, cũng không chối bỏ việc Ðức Mẹ trọn đời đồng trinh. Cùng một lý luận có thể được dùng cho chữ “con đầu lòng.” Theo Lề Luật, “con đầu lòng là đứa con mở bụng mẹ.”[20] Ðứa con này phải được thánh hiến cho Thiên Chúa, bất kể sau đó nó có anh chị em khác hay không.

Thêm vào đó, hiền phu thực của Mẹ là Chúa Thánh Thần, chứ không phải thánh Giuse, vì Chúa Thánh Thần đã bao phủ Mẹ trước khi thánh Giuse trở nên chồng thật của Mẹ theo Lề Luật và chương trình của Thiên Chúa. Khi Mẹ đã trở nên Ðền Thờ Chúa Ba Ngôi, Hòm bia của Giao Ước Mới, thì không thể được dùng để sinh các con khác, hay có liên hệ tính dục với một người đàn ông khác mà không phạm đến Sự Thánh Thiện của vai trò của Mẹ.

Ông Martinô Lutherô gọi tín điều này là một điều luật của đức tin.

“Việc Ðức Maria là Mẹ Chúa và vẫn còn đồng trinh là một điều luật của đức tin”[21]

“… biết rằng Mẹ sắp trở thành Mẹ của Con Thiên Chúa, Mẹ không ước mong thành mẹ của người phàm, mà muốn ở mãi trong tình trạng ơn thánh đó.”

“Chắc chắn rằng không ai mạnh sức đến nỗi, dựa theo sự thông minh của mình, không theo Kinh Thánh, mà dám khư khư rằng Mẹ không còn đồng trinh.” [22]

Ông Gioan Calvin viết:

“Helviđiô [một người lạc giáo vào thế kỷ thứ tư] đã tự chứng tỏ sự ngu dốt của mình, khi nói rằng Ðức Maria có vài người con, vì ở trong vài đoạn (Thánh Kinh) có đề cập đến anh em của Ðức Kitô”[23].

“Có môt vài kẻ muốn dựa vào câu này trong Mathêu 1:25, rằng Ðức Maria có các con khác ngoài Con Thiên Chúa, và thánh Giuse sau đó có ăn ở với Mẹ; nhưng lý luận này thật điên rồ biết bao! Vì tác giả Tin Mừng không muốn viết về những gì xảy ra sau đó; mà chỉ muốn làm sáng tỏ đức vâng lời của thánh Giuse, và cho thấy rằng thánh Giuse đã được đảm bảo chắc chắn rằng Thiên Chúa đã sai thiên sứ của Ngài đến cùng Mẹ Maria. Cho nên ông đã không bao giờ ăn ở với Mẹ hay chung chạ với Mẹ… Và ngoài chuyện này, Chúa Giêsu của chúng ta được gọi là con đầu lòng không phải vì có con thứ hai hay ba, nhưng vì tác giả Tin Mừng tôn trọng tiền lệ. Kinh Thánh như vậy nói đến việc đặt tên người con đầu lòng dù có hay không có vấn đề con thứ.”[24]

Và Ulrich Zwingli viết:

“Tôi tin chắc rằng theo lời của Tin Mừng thì một trinh nữ vẹn sạch đem lại cho chúng ta Con Thiên Chúa mà vẫn còn là một trinh nữ trong sạch và vẹn toàn lúc sinh con và sau khi sinh con, cho đến đời đời. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng Mẹ đã được Thiên Chúa nâng lên để hưởng niềm vui đời đời trên tất cả tạo vật, kể các các thánh và các thiên sứ.”[25]

ÐTC Siriciô I (392), Leô I (450), và Công Ðồng Constantinople I (553) đều nói về Ðức Mẹ Trọn Ðời Ðồng Trinh. Sau cùng Công đồng Lateran (649) chính thức xác nhận là Tín Ðiều ở Ðiều Thứ Ba của Công Ðồng này.

4. Mẹ Hồn Xác Lên Trời

Ngay từ thời các thánh Tông Ðồ, các Kitô hữu tin rằng Ðức Mẹ được đưa về Trời sau khi mãn phần. Người Công Giáo, Chính Thống, và các ông tổ Tin Lành đều tin tín điều này.

Tài liệu sớm nhất nói đến việc Mông Triệu là De Obito S. Dominae, được viết vào thế kỷ thứ tư hay thứ năm, và được cho là viết bởi thánh Gioan. Ở Ðông Phương, các thánh Andrê đảo Crete, thánh Gioan Damescene, thánh Modestô thành Giêrusalem, và nhiều thánh khác đều nhắc đến việc Mẹ Lên Trời. Bằng chứng hùng hồn nhất của việc Mẹ Lên Trời là “Ngôi Mộ Trống”. Năm 451, tại Công đồng Chalcedon, Hoàng đế Marcianô muốn làm chủ di hài của Mẹ, thánh Juvenal, Giám Mục Giêrusalem, thưa với ông rằng: “Ðức Mẹ tạ thế trước sự hiện diện của các thánh Tông Ðồ, trừ thánh Tôma. Khi thánh Tôma yêu cầu mở mộ Mẹ thì chỉ có ngôi mộ trống; từ đó, các thánh Tông Ðồ kết luận rằng xác Mẹ đã được đưa lên Trời.”

Lễ Ðức Mẹ Mông Triệu được cử hành tại Palestine trước năm 500. Khoảng năm 700, lễ này là một trong những lễ chính tại Rôma, và cũng là Lễ Buộc.

Ngày 1 thánh 11, năm 1950, ÐTC Piô XII công bố Tín Ðiều Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Như đã được dạy trong Thánh Kinh rằng chết là hậu quả của tội lỗi.[26] Vì việc xác phàm bị tan rữa là hậu quả của tôi lỗi,[27] nên sự không có tội làm cho thân xác được sống lại sau khi chết (như việc Mẹ Lên Trời). Mẹ Maria chia sẻ với Con Mẹ ơn chiến thắng tội lỗi, sự chết, và ma quỷ như đã nói trước trong sách Sáng Thế Ký 3:15. Vì chúng ta Mẹ mà là “hoa quả đầu mùa” của Công Trình của Ðức Kitô, là Ðấng chung cuộc sẽ chiến thắng sự chết và làm cho các thánh có một thân xác vinh hiển và không hay chết. Ðiều này áp dụng cho Ðức Mẹ thật là hợp lý vì Mẹ là Mẹ của Con Thiên Chúa – để “biểu tượng” thế giới được cứu độ sẽ đến qua việc Vô Nhiễm Nguyên Tội và Hồn Xác Lên Trời của Mẹ. Thánh Kinh nói đến những biến cố tương tự như Mông Triệu: Enoch,[28] Elijah,[29] các người lành sống lại sau khi Chúa Giêsu chịu đóng đanh.[30] Thật là phi lý và không chấp nhận được khi quả quyết rằng một sự kiện không xảy ra vì không được kể lại trong Thánh Kinh. Ðiều này cũng điên rồ như nói rằng Chúa Giêsu không làm một phép lạ nào khác ngoài những phép lạ tìm thấy trong Thánh Kinh.[31] Nếu việc Ðức Mẹ Lên Trời không quá sức khác biệt với những gì xảy ra trong Thánh Kinh, thì những quan điểm thần học liên hệ được tìm thấy cách gián tiếp từ Thánh Kinh, và được minh xác bởi sự chứng nhận của Truyền Thống Kitô Giáo thời sơ khai, thì tin vào điều này không có gì gọi là “thờ thần tượng” hay “thiếu căn bản Thánh Kinh”.

Ðể kết thúc, tôi xin dùng lời của Mục Sư Charles Dickson, một Mục Sư phái Lutherô trong 30 năm qua rằng:

“Chúng ta có thể lập luận cách hợp lý rằng tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ðức Nữ Trinh Maria, thay vì làm mờ trọng tâm của công trình Cứu Ðộ của Ðức Kitô, thì thực sự làm nổi bật các tín lý căn bản có thể được mọi Kitô hữu chấp nhận.

Hiểu rõ giá trị cuả Thánh Mẫu Học qua nhãn quan chính xác là nhận ra sự liên hệ quan trọng của nó với nhân chủng học, Kitô học và Cứu Ðộ học. Thánh Kinh, Thánh Truyền và lý trí là những lý luận cấp bách cho toàn thể cộng đồng Kitô hữu để suy nghĩ lại về đề tài này và nhận ra sự quan trọng của tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội đối với mọi Kitô hữu. Nhờ việc mở ra hay mở lại đầu óc chúng ta, tùy trường hợp, chúng ta có thể thiết lập những con đường truyền thông mới trong việc tìm kiếm sự hợp nhất Kitô Giáo lớn lao và ý nghĩa hơn.”[32]

Bài này dùng nhiều tài liệu, nhất là dựa theo bài Catholic Marian Doctrines: A Brief Biblical Primer của Dave Armstrong, Một Mục Sư Tin Lành trở lại Công Giáo. Những bài viết của ông để bênh vực Ðạo Công Giáo được tìm thấy trong website: http://ic.net/~erasmus

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Xin Mẹ Giải Thoát Chúng Con Khỏi Ngàn Nỗi Hiểm Nguy! (1/19/2014)
Hãy Tin Tưởng Mẹ Maria (1/17/2014)
Mẹ Là Mùa Xuân (1/11/2014)
Những Địa Điểm Hành Hương Kính Đức Mẹ Tại Việt Nam (1/7/2014)
Cn 2226: Đức Mẹ Là Đấng Tháo Gỡ Nút Thắt(undoer Of Knots) (1/3/2014)
Tin/Bài cùng ngày
Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa (1/1/2018)
Mẹ Thiên Chúa (1/1/2018)
Mùa Giáng Sinh, Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa (1/1/2018)
Lễ Mẹ Thiên Chúa (01/01) (1/1/2018)
Tin/Bài khác
Suy Niệm Mầu Nhiệm Đức Maria Mẹ Thiên Chúa (1/1/2018)
Mẹ Thiên Chúa (1/1/2018)
Tâm Sự Với Mẹ Thiên Chúa (1/1/2015)
Lễ Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Năm A (1/1/2015)
Mẹ Chúng Ta (1/1/2015)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768