|
Thứ Ba, Ngày 17 Tháng 12 Năm 2013, Thánh Lagiarô
|
|
Thứ Ba, Ngày 17 tháng 12-2013
|
Thứ Ba, NGÀY 17 THÁNG 12 NĂM 2013, Thánh Lagiarô
Lagiarô, người bạn của Ðức Giêsu, là anh em của bà Mácta và Maria, được các người Do Thái thời ấy nói rằng, "Kìa xem ngài quý mến ông là chừng nào." Và trước sự chứng kiến của họ, Ðức Giêsu đã cho Lagiarô sống lại sau ba ngày nằm trong mộ.
Sau khi Ðức Giêsu chết và sống lại, có nhiều truyền thuyết về cuộc đời Thánh Lagiarô. Người ta nói rằng ngài đã viết lại những gì được thấy ở bên kia thế giới trước khi được Ðức Giêsu cho sống lại. Có truyền thuyết cho rằng ngài theo Thánh Phêrô đến Syria. Truyền thuyết khác lại nói rằng mặc dù người Do Thái ở Jaffa đã ép buộc ngài và các chị em của ngài lên một chiếc thuyền bị đâm thủng, nhưng họ đã cập Cyrus một cách an toàn. Ở đây, sau khi làm giám mục trong 30 năm, ngài đã từ trần cách bình an.
Một nhà thờ được xây cất để tôn kính ngài ở Constantinople và một số thánh tích được đưa về từ Cyrus vào năm 890. Truyền thuyết Tây Phương lại nói rằng có một chiếc thuyền không mái chèo cập bến nước Gaul (nước Pháp bây giờ). Ở đây, ngài làm giám mục của Marseilles, bị tử đạo sau khi đã hoán cải nhiều người, và được chôn cất trong một cái hang. Thánh tích của ngài được đưa về một vương cung thánh đường mới ở Autun năm 1146.
Có một điều chắc chắn là trước đây người ta đã sùng kính thánh nhân. Khoảng năm 390, vào thứ Bảy trước Chúa Nhật Lễ Lá, người ta thường rước kiệu ngay tại ngôi mộ mà Lagiarô đã được sống lại từ cõi chết. Ở Tây Phương, Chúa Nhật Thương Khó trước đây được gọi là "Dominica de Lazaro" (Chúa Nhật Lagiarô), và Thánh Augustine cho chúng ta biết ở Phi Châu, phúc âm về đoạn Lagiarô sống lại được đọc trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá.
Trích từ NguoiTinHuu.com
*
Ngày 17 Tháng 12, THÁNH SI-MON PHAN ĐẮC HÒA
Y Sĩ Tử Đạo
* Gương Thánh nhân
Nếu xét về phương diện bền lòng chịu khổ vì Chúa, có thể công nhận Thánh Si-mon Hòa là một trong số các Thánh Tử đạo Việt Nam . Trong thời gian 08 tháng bị giam ở Quảng Trị, thánh nhân phải chịu tra tấn trên 20 lần, khi thì bị đánh đòn, lúc chịu kềm kẹp, lúc bị những thanh sắt nung đỏ dí vào da thịt cháy khét, đau đớn dữ dội, nhưng ngài vẫn cố sức chịu đựng, trung thành bền đỗ tin theo Chúa. Nhờ đó mà Chúa thương ban cho ngài phúc tử đạo trường sinh, đúng như lời Chúa phán:
“Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét bách hại. Nhưng ai bền chí đến cùng sẽ được cứu thoát” (Mt. 10,23).
Phan Đắc Hòa sinh năm 1774, tại làng Mai Vĩnh tỉnh Thừa Thiên, trong một gia đình ngoại giáo, nhưng hiền lương chất phác. Chẳng may người cha mất sớm, bà mẹ phải đùm bọc chị em cậu đến giúp việc cho một gia đình Công giáo ở xứ Như Lý, tỉnh Quảng Trị. Nhờ gương sáng đạo đức của gia đình nầy, cậu cảm thấy mến mộ đạo. Khi mọi người trong nhà đọc kinh sáng tối, cậu thường lắng nghe, học hỏi, và cuối cùng xin mẹ cho gia nhập đạo. Sau một thời gian học giáo lý, cậu được lãnh Bí tích Rửa tội, chọn thánh Si-mon làm bổn mạng.
Từ đó được gần gũi tiếp xúc với các cha trong họ đạo, cậu ước muốn đi tu giúp việc Chúa. Cậu đến xin cha sở, và được ngài hướng dẫn một thời gian rồi gởi vào chủng viện. Nhưng trong lúc tu học ở đây, cậu nhận thấy ý Chúa muốn cậu làm chứng nhân cho Chúa ở giữa đời hơn, nên sau khi bàn hỏi cha linh hướng, cậu xin trở lại gia đình, theo học nghề thuốc với một danh y trong vùng. Nhờ có năng khiếu nhất là nhờ Chúa thuơng, cậu học hành giỏi giắn; và khi ra hành nghề lương y, Si-mon Hòa chữa bệnh thật kết quả. Bệnh nhân khắp nơi tuôn đến nhờ ông chữa trị, và ông chữa được hết. Do đó, danh tiếng ông ngày càng lan rộng, ông được dịp giúp đỡ nhiều người, nhất là những người nghèo khó, già yếu cô thân.
Lúc đó, ông thấy cần có người trợ lực, để vừa làm bạn đời vừa phục vụ bệnh nhân. Ông lập gia đình, sinh được 12 người con. Ông bà tận tụy lo giáo dục con cái, trong khi vẫn nhiệt thành chăm sóc những người bệnh. Dù bận bịu với bao nhiêu công việc như thế, ông bà luôn chu toàn bổn phận đối với Chúa, sống đời đạo đức, kính mến thờ phượng Chúa hết lòng. Giáo dân thấy vậy thì chọn ông làm trùm họ, để cộng tác với cha sở, phục vụ các linh hồn.
Từ ngày nhận chức trùm trong họ, ông càng cố gắng sống đạo đức sốt sắng hơn, để làm gương cho mọi người. Thấy ai nguội lạnh bê tha, ông khuyên lơn an ủi. Những người nghèo khó bệnh tật, ông tận tình giúp đỡ chăm sóc. Đối với việc nhà chung, ông nhiệt thành lo lắng. Trong thời buổi cấm đạo, nhà ông là nơi trú ẩn an toàn cho các Linh mục. Năm 1839, vua Minh Mạng ra chiếu chỉ bách hại Công giáo ác liệt. Mặc dầu biết việc chứa chấp các Đạo trưởng là nguy hiểm đến tính mạng, ông vẫn can đảm cho các ngài ẩn náu trong nhà. Khi thấy nhà mình không được an toàn, ông tìm cách đưa các ngài đến chỗ ở bảo đảm hơn. Đêm 13 tháng tư năm 1840, ông dùng thuyền chở Đức Cha Y đến làng Hòa Ninh ẩn trốn. Thuyền ông bị phát hiện, quân lính đuổi theo bắt ông và Đức Cha, giải nộp về Huế.
Trong thời gian tám tháng bị giam ở đây, quân lính điệu ông ra tra tấn trên 20 lần, bằng đủ mọi cực hình đau đớn ghê tởm. Nào là đòn vọt, kềm kẹp, nung lửa. Nhiều lần ông kiệt sức ngã gục, nhưng đức tin ông không gục ngã. Ông vẫn cương quyết trung thành bền đỗ theo Chúa, dù phải khổ đến đâu, phải chết cách nào ông cũng sẵn sàng chấp nhận, miễn là làm chứng Chúa là Chúa Cả trời đất và đạo Chúa là đạo thật.
Và Chúa đã thưởng lòng bền đỗ chịu khổ của ông . Ngày 20 tháng 12 năm 1840, quân lính dẫn ông ra pháp trường An Hòa tại Huế. Đến nơi quan còn cố bảo ông quá khóa, đạp lên thánh giá bỏ đạo. Ông đáp:
- Tôiđã cố gắng tin Chúa đến giờ nầy, đã hơn 20 lần bị tra tấn hành khổ, lẽ nào đến giây phút sắp được chết vì Chúa mà tôi lại chối Chúa bỏ đạo. Xin quan cứ y án thi hành.
Thế là sau hồi chiêng trống báo hiệu, đầu vị anh hùng đức tin rơi xuống, linh hồn về nơi cực lạc muôn đời.
Ngày 27 tháng 05 năm 1900, Đức Thánh Cha Lê-ô 13 tôn phong Chân phước cho ngài và ngày 19 tháng 06 năm 1988, Đức Gioan Phaolô 2 suy tôn ngài lên bậc Hiển Thánh.
* Quyết tâm
Hết lòng kính mến thờ phượng Chúa, yêu thương giúp đỡ mọi người, và bền lòng chịu khổ chịu cực làm chứng cho Chúa đến giây phút cuối cùng, theo gương thánh Si-mon Hòa tử đạo!
* Lời nguyện
Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. A-men.
|
|