HỘP SÔCÔLA NHÂN ANH ĐÀO
Đó là một Giáng sinh kinh khủng! Trước Giáng sinh năm đó, vào
ngày 30 tháng 6 năm 1997, con trai đầu lòng của tôi, Cameron, được chẩn đoán
là bị ung thư máu.
Sau cuộc di
chuyển đầy đau đớn bằng trực thăng quân đội đến bệnh viện Walter Reed, trải
qua ba lượt hóa trị khốc liệt, bị cắt phổi, và chịu đựng một cuộc xét nghiệm
tủy xương hết sức kinh hoàng... cháu được chuyển đến bệnh viện trường Đại học
Duke. Vào ngày 4 tháng Mười hai, Cameron được thay máu. Đó cũng là
nỗ lực cuối cùng.
Bây giờ đang là đêm Giáng sinh. Chúng tôi đón lễ tại một căn
phòng nhỏ trong khu điều trị. Những năm trước, chúng tôi dành hàng tuần liền
để làm bánh trái chuẩn bị cho ngày lễ này.
Nay thì bánh Giáng sinh được gia đình và bạn bè gửi đến, vì tôi muốn
dành hết thời gian ở cạnh Cameron để an ủi cháu trong những lúc buồn tẻ.
Trước đó cháu đã bị cách ly trong nhiều tuần vì cháu không có hệ miễn nhiễm,
vốn là hậu quả của những lần hóa trị và các loại thuốc giúp tạo tủy xương
mới. Vài món quà gởi đến trước ngày lễ theo đường bưu điện được mở ra
ngay tức thì. Chúng tôi cần có bất cứ thứ gì từ đâu đó để tạo cho cháu
chút niềm vui.
6 giờ chiều ngày Giáng sinh luôn luôn là thời khắc kỳ diệu. Vào
cùng giờ đó, gia đình chúng tôi ở Iowa, Wisconsin, California, hay Washington
D.C. đều đồng loạt mở quà. Điều này mang lại cho chúng tôi cảm giác sum
họp gần gũi, dù đang ở cách xa nhau. Cha và mẹ kế của Cameron, rồi các
anh chị em của nó cũng đang mở quà ở tại nhà mỗi người ở Fayetteville, bang
North Carolina. Giáng sinh này chỉ có Cameron và tôi trong căn phòng nhỏ
trang trí đơn sơ.
Do yêu cầu của môi trường vô trùng ở bệnh viện, những thành viên khác
trong gia đình không được phép có mặt. Cuộc sống của Cameron giờ đây gắn
liền với những tiếng o o đều đều của thiết bị lọc máu và tiếng bíp bíp của sáu
chiếc bơm truyền máu nối vào ống thông trong tim. Dù vậy, Cameron vẫn
luôn tỉnh táo. Chờ đến đúng 6 giờ chiều, Cameron mới mở quà. Nó
muốn duy trì thói quen truyền thống này của gia đình. Tôi đưa cho cháu
ít món quà mà trước đó tôi đã để dành lại. Cháu rất
vui.
Cameron thận trọng với sang phía bên kia chiếc giường bệnh viện, đưa
cho tôi một cái hộp nhỏ màu xanh lá. Chiếc hộp được gói rất đẹp, rõ ràng
là được một cửa hàng bán quà lưu niệm thực hiện. Các góc cạnh ngay ngắn,
trên hộp có đính một mẩu ruy-băng thòng xuống, với cái khuy móc bằng vàng chạm
nổi. Tôi ngạc nhiên hỏi, “Cho mẹ hả?”
“Dạ,” cháu trả lời. “Nếu con không có quà gì để biếu mẹ trong lễ
Giáng sinh thì đâu còn là con nữa.” Tôi nghẹn ngào gần như không nói
được. “Làm sao mà con có được vật này? Con nhờ một cô y tá ra cửa
hàng lưu niệm mua phải không?”
Cameron nằm xuống giường cười tinh nghịch, “Không phải. Hôm qua,
khi mẹ về nhà vài tiếng đồng hồ để tắm rửa, con đã lén đi xuống dưới
lầu.”
“Cameron! Con đâu được phép đi ra khỏi phòng!
Con có biết rằng con rất yếu không? Họ để con đi như vậy
sao?”
“Đâu có!” Cháu cười to hơn, “Chẳng ai nhìn thấy cả.
Con cứ thế mà đi thôi.”
Đây quả là một thành tích không nhỏ, vì sau khi thay máu,
Cameron càng trở nên yếu ớt hơn. Cháu không bước được, nhất là khi không có ai
đỡ. Cháu phải có một nghị lực thật phi thường mới có thể một mình đi qua
hết khu điều trị, đẩy theo mình cả một dàn treo thiết bị thuốc men và các bơm
truyền dịch.
Làm thế nào nó có thể đi xuống được chín tầng lầu để đến
cửa hàng bán quà lưu niệm trong bệnh viện? “Đừng lo, mẹ. Con mang
cái mặt nạ thở, và chống một cây gậy. Ồ, khi trở lên, họ quay con một
trận ra trò. Con chẳng cần phải len lén đi lên gì cả. Họ đã
túa ra đi tìm con.”
Tôi ôm thật chặt chẳng chiếc hộp và bật khóc. “Mở ra đi
mẹ,” cháu bảo tôi. “Món quà nhỏ bé thôi mà. Nhưng nếu mẹ không có
được món quà nào trong ngày này thì còn gì là Giáng sinh
nữa.”
Tôi mở chiếc
hộp sôcôla nhân anh đào do cửa hàng lưu niệm gói. “Đó là thứ mẹ vẫn thích phải
không?” cháu hỏi.
Tôi âu yếm nhìn đứa con trai mười tám tuổi đã chịu bao
nhiêu đau đớn ngay sau khi vừa tốt nghiệp trung học. Lòng hiếu thảo của
cháu đã khiến tôi vô cùng cảm động. Tôi vội nói, “Đúng rồi. Đúng là thứ
mẹ thích.” Cháu cười khúc khích, “Mẹ thấy không, ngay cả khi ở trong
bệnh viện, mẹ con mình vẫn giữ được những truyền thống gia
đình.”
“Con trai ạ, đây là món quà quí nhất mà mẹ từng nhận được
trong đời,” tôi nói với cháu những lời phát xuất từ chính lòng mình.
“Chúng ta sẽ bắt đầu một truyền thống mới. Từ nay, mỗi Giáng sinh chúng
ta chỉ tặng quà là sôcôla nhân anh đào để ghi nhớ kỷ niệm Giáng sinh năm 1997
này trong bệnh viện Đại học Duke, ghi nhớ cuộc chiến đau đớn của con với bệnh
ung thư máu, nhớ nỗi kinh hoàng chúng ta đã phải chịu và niềm hạnh phúc khi
chúng ta vượt qua được hoạn nạn.” Truyền thống mới đã được khai sinh từ
đó, ở chính trong bệnh viện này, mẹ con tôi cùng ăn sôcôla nhân anh đào.
Đó thật là một mùa Giáng sinh tuyệt vời!
Cameron qua đời vào ngày 4 tháng 3 năm 1998, sau hai cuộc
thay máu không thành công. Cháu rất dũng cảm. Không bao giờ cháu
chịu đầu hàng bệnh tật. Không bao giờ cháu chịu bỏ
cuộc.
Giáng sinh năm nay là Giáng sinh đầu tiên tôi không còn
có cháu. Giáng sinh đầu tiên tôi không có quà của cháu để được mở
ra.
Còn đây là món quà của tôi gởi tặng bạn. Một hộp sôcôla nhân anh
đào. Tôi mong rằng khi gói quà này được mở ra, nó sẽ nhắc bạn nhớ rằng
tinh thần của ngày lễ Giáng sinh là được sum họp với gia đình, bè bạn, tạo nên
truyền thống, hoặc mở đầu những truyền thống mới, nhưng trên tất cả những thứ
tốt đẹp ấy là tình thương yêu.
Đông
Phương - Nam Phương
|