"Thà chết
vinh còn hơn sống nhục"
(Trích từ ‘Cùng Nhau Suy Niệm’ – Lm Jos. Tạ
Duy Tuyền)
Từ ngày tổ tông loài người
thoả hiệp với ma qủy quay lưng lại với
Thiên Chúa, ma qủy thường dùng chiêu thức này
để kiếm thêm đồng minh chống lại Thiên
Chúa. Trong vườn địa đàng nó đã nói cùng Adam -
Eva: "cứ ăn đi ngươi sẽ bằng Thiên
Chúa". Ông bà đã ăn. Ông bà đã bắt tay cùng sa tan
để chống lại Thiên Chúa. Con cháu Adam từ
đời này đến đời nọ vẫn còn vô
số người vì sự an nhàn bản thân, vì mong tìm
kiếm lợi lộc, tìm hư danh trần thế, họ
vẫn bằng lòng quay lưng lại với Thiên Chúa
để làm tôi cho ma qủy, để tận
hưởng khoái lạc mau qua trần gian.
Và cũng từ ngày Con Thiên Chúa từ
chối thoả hiệp với sa tan, các môn đệ
của Chúa trải qua bao thời đại vẫn còn
đó những tấm gương quả cảm, anh
dũng can trường từ chối thoả hiệp
với sa tan. Họ thà nghèo đói để
được bình an tâm hồn hơn là kiếm tiền
bằng việc phi nhân thất đức mà lòng chẳng
chút bình an. Họ chấp nhận vâng lời Thiên Chúa hơn
là vâng lời vua chúa trần gian, cho dù phải tù
đầy, gian truân khốn khó. Họ chấp nhận
đánh mất mùa xuân hạn hẹp trần gian để
đổi lấy mùa xuân bất diệt thiên đàng.
Hôm nay chúng ta mừng kính 117 thánh tử
đạo Việt Nam, là con số tượng trưng cho
hơn 130 ngàn vị tiền nhân đã chết trong các
đợt cấm đạo tại Việt Nam từ
cuối thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ
19. Họ đã chết không phải vì chống lại
triều đình. Họ đã chết không phải vì
lỗi công bình bác ái với tha nhân. Họ đã chết vì
không chịu thoả hiệp với thế gian. Giữa
sự sống và sự chết chỉ cách nhau một
lằn ranh. Lằn ranh đó chính là cây thập giá.
Bước qua thì được thoát khỏi cực hình trần
gian. Bước qua thì được trở về với
vợ con, với xóm làng, với chức tước vua ban
và bổng lột trần gian, nhưng các thánh tử
đạo Việt Nam đã không vì thế mà chối Chúa,
bỏ đạo. Không thể vì ham sống sợ chết
mà phải chà đạp lên thập giá là bỏ cơ
hội sống đời đời để đổi
lấy cuộc sống lây lất tạm thời trần
gian. Các ngài thà chịu đòn roi, thà chịu án tử hình
để trung kiên theo Chúa, để lãnh phúc triều thiên
vinh quang bất diệt trên quê trời còn hơn là làm tôi
mọi cho ma qủy. Như trường hợp ông
đội Bường đã thẳng thắn trả
lời với quan quân: "Bên đạo chúng tôi ai chết
trẻ là đi đường tắt, ai chết già là
đi đường trường. Song đàng nào cũng
tới quê thật là nước thiên đàng vậy".
Thế nên, thánh nhân đã khuyên nhủ các đồng
đạo rằng: "Chúng ta hãy vui lòng chịu mọi
sự khốn khó để giữ nghĩa cùng Chúa cho
đến khi nào thánh ý Chúa định thể khác. Nếu
quan có hành hạ thì hãy can đảm chịu đựng.
Hễ xác chết rồi thì hồn chúng ta bay thẳng
về trời, không sợ gì roi đòn. Chịu sự khó
như vậy là vác thánh giá theo Chúa Giêsu. Nếu có đau
đớn quá thì hãy xin Đức Mẹ phù trợ cho
được bền lòng đến cùng".
Đọc lại tiểu sử các thánh
tử đạo Việt nam chúng ta thấy có vô số
lời dụ dỗ thật ngọt ngào. Tại Hà Tĩnh,
các quan cho gọi những người đứng
đầu các họ đạo Công Giáo đến và vẽ
hình chữ thập xuống đất rồi bảo
họ: "Chúng tôi chẳng muốn bắt ép quí vị
điều gì trái nghịch với đạo. Chúng tôi
biết đây không phải là thánh giá mà quí vị tôn
thờ. Vậy hãy bước qua để chúng tôi có
thể trình lại với vua là chúng tôi đã thi hành
lệnh, nếu không chúng tôi mắc lỗi trước
mặt vua". Riêng tại Nghệ An, ông quan tỉnh đã
nói với người công giáo: "Các ông thật dại
dột để mình phải khổ sở. Làm sao chống
lại được với lệnh vua? Đạo ở
trong lòng chứ đâu có ở bên ngoài. Tạm chối
đi, rồi hai ba tháng sau theo trở lại. Hãy xem thánh
Phêrô đã chối đạo ba lần mà vẫn còn
được cất nhắc lên cao".
Song le, có nhiều phản ứng khác
nhau.Có kẻ giả vờ bước qua để
sống an nhàn. Có kẻ đã thản nhiên bước qua vì
gia đình và dòng họ còn cần đến mình. Nhưng
vẫn còn đó nhiều người không chịu bước
qua dù chỉ là giả vờ, dù chỉ là tạm thời
bỏ đạo rồi khi sóng gió đi qua lại quay
lại với Thiên Chúa. Họ đã vui lòng đón nhận
mọi khốn khó để nói lên lòng trung thành với
đức tin vào Chúa.
Riêng cha Anrê Dũng lạc, dù rằng quan
quân mở lối thoát bằng việc cho giáo dân đem
tiền chuộc Ngài nhưng ngài vẫn cương
quyết chối từ. Các giáo dân đã tới trại giam
khuyên nhủ cha rằng: "Thưa cha, cha chịu chết
thì một mình cha lên thiên đàng, mà nếu cha còn ở
lại thì bổn đạo chúng con được
nhờ, vậy xin cha nghĩ lại". Nhưng cha
Lạc đã cấm họ đem tiền chuộc, cha nói:
"Tôi bị bắt lần này là lần thứ ba, thì
đó đúng là thánh ý Chúa định cho tôi như vậy,
anh chị em đừng mất tiền chuộc tôi làm gì.
Tôi cũng như Thánh Phêrô, khi phải bắt lần
trước được giáo dân cầu nguyện cho và
được về, lần thứ hai giáo dân cũng lo
liệu cho được thoát khỏi, nhưng ý Chúa đã
định cho tôi phải chết vì Người như
thánh Phêrô, thì xin anh em đừng chuộc tôi nữa".
Là con cháu các thánh tử đạo
Việt Nam, chúng ta luôn tự hào vì có các vị tiền nhân
đã quả cảm để sống niềm tin, nhưng
liệu rằng chúng ta hôm nay còn mấy ai dám khước
từ những thoả hiệp trần gian để trung
kiên với đức tin của cha ông để lại?
Vẫn còn đó những con người vì chút bổng
lộc trần gian đã bỏ đạo, đã chống
đối đạo. Vẫn còn đó những con người
vì miếng cơm manh áo, vì tương lai của con cái
đã chẳng giữ đạo hay theo đạo một
cách hời hợt. Có cũng như không. Vẫn còn đó những
con người vì tiền mà bán mình, bán con để
kiếm đồng đola bất chính. Họ thà rằng
lỗi luật Chúa còn hơn là bỏ lỡ cơ hội lấy
tiền, lấy bạc. Họ thà rằng mắt mặt
với bà con xóm làng còn hơn là mất túi ba gang mà
"quạ đen ban tặng". Vẫn còn đó
những con người bỏ Chúa chứ không bỏ
tiền, bỏ Chúa chứ không bỏ tình, bỏ giáo
hội chứ không bỏ danh vọng trần gian.
Lạy các
thánh Tử Đạo Việt Nam là cha ông của chúng con,
xưa các ngài đã dùng máu đào để bảo vệ
đức tin xin gìn giữ chúng con luôn trung kiên theo Chúa, dám
khước từ danh lợi thú trần gian để nên
chứng nhân cho Nước Trời trong cuộc sống hôm
nay.
|