Sống
đạo và
chết vì đạo
Theo
truyện kể, thì thánh Giuse Xuyên Giám mục địa
phận Trung Đàng ngoài, đã được phúc tử vì
đạo ngày 28.10.1858, ngài đã bị xử án lăng
trì, nghĩa là bị chặt chân chặt tay và bị
cắt thịt ra từng mảnh. Tương truyền
rằng khi thọ án ngài đã có những lời ta thán
những kẻ hành hình ngài là độc ác. Nên vì câu nói
ấy mà mãi tới ngày 29.04.1951 ngài mới được
tôn lên bậc chân phước.
Truyền thuyết trên đây có thể
không đúng với sự thật, nhưng dù sao nó cũng
nhắc nhở chúng ta về điều này: Người
tử đạo không phải là một anh hùng theo kiểu
các anh hùng khác của nhân loại.
Thật vậy, các vị tử
đạo không phải là những anh hùng ngã gục trên
chiến trường với vũ khí trong tay, trong một
cuộc chiến chống lại quân thù. Các ngài là những
con người không biết thù ghét, mà cũng không
được thù ghét bất cứ ai, trái lại luôn luôn
tuân giữ mệnh lệnh Chúa Kitô truyền là “Yêu thương
kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ
ngược đãi mình”. Nếu các ngài có phải chiến
đấu, thì đó là chiến đấu chống lại
sự hèn nhát, khiếp sợ của chính mình.
Vì thế, nếu có một người
nào bị giết, tuy trên danh nghĩa vì đạo, nhưng
lại căm thù những kẻ bách hại mình, hay kiêu hãnh
tự phụ vì tính anh hùng của mình, thì người
đó không thể nào là thánh được, mà cùng lắm
chỉ có thể được coi như một anh hùng
thôi. Cũng vì lý do đó mà Giáo Hội Công giáo không bao
giờ chấp nhận các tín hữu của mình tự sát,
ngay cả trong trường hợp gọi là để
bảo vệ đức tin hay Giáo Hội.
Nói cách khác, người Kitô hữu
được mời gọi trước hết
để sống đạo, chứ không phải chết
vì đạo, bởi vì Thiên Chúa là Chúa của sự
sống, chứ không phải là Chúa của sự chết.
Đàng khác, nếu chúng ta sống đạo đúng theo
đòi hỏi của Tin Mừng, nghĩa là sống
trọn tình bác ái đối với tất cả mọi
người, thì cái chết chúng ta cũng có ý nghĩa là
một cái chết vì đạo. Bởi lẽ chết vì
đạo, trước hết phải là chết vì lòng yêu
mến.
Các thánh Tử Đạo Việt Nam
xứng danh là những vị tử đạo theo cả
hai nghĩa: Các ngài đã chết để tỏ lòng trung
thành với Chúa, với Giáo Hội, nhưng các ngài cũng
chết cũng chết vì tình yêu mến, yêu Chúa, yêu Giáo
Hội, và yêu cả những người bắt bớ và
làm khốn mình. Các ngài đã không thù ghét, không nguyền
rủa, mà có khi còn tỏ lòng biết ơn vì vô tình họ
đã trở thành những người Thiên Chúa dùng
để ban phúc tử đạo cho các ngài.
Vua quan phong kiến có thể coi các ngài
như những kẻ phản bội tổ quốc vì theo
tả đạo, nhưng các ngài thực sự là những
người yêu nước, yêu đồng bào, nên có vị
tuy ước ao được phúc tử vì đạo,
nhưng lại chấp nhận một cuộc sống chui
nhủi, nay trốn chỗ này, mai trốn chỗ khác,
đói khát, hiểm nguy không ngại, chỉ muốn
tiếp tục được phục vụ anh em tín
hữu của mình. Rồi một khi bị bắt, không
một vị nào đã tìm cách chống cự, hay tỏ
vẻ thù nghịch với vua quan lính tráng, trái lại vui
vẻ chấp nhận cái chết như một cách tỏ
lòng trung thành với Chúa và tổ quốc.
Thật vậy, nếu không vì muốn
trung thành với tổ quốc, thì các ngài đã có thể
phản đối hay chống cự, hoặc lên án
những kẻ cầm quyền đã bách hại mình,
nhưng các ngài đã cam tâm và bình thản chấp nhận
cái chết mà không hề oán hận và hối tiếc.
Trường hợp của thánh Phanxicô Trần văn Trung,
cai đội, càng chứng tỏ là người Kitô hữu
này chẳng hề muốn phản bội tổ quốc,
vì ngài đã tình nguyện xin đi đánh giặc, nhưng
vua quan từ chối, vì ngài không chịu bỏ đạo.
Noi gương ông cha mình, người
Việt Nam Công giáo chúng ta hôm nay cũng phải gắn bó
đời sống đức tin của mình với
những đòi hỏi của đời sống con
người trong xã hội, và trong cộng đồng dân
tộc. Chẳng có gì mâu thuẫn giữa đức tin và
lòng yêu nước. Nếu các vua chúa thời trước
tôn trọng tự do tín ngưỡng, thì nhiều vị
tử đạo thay vì phải chết vì đạo,
đã có thể sống đạo mà phục vụ tổ
quốc và dân tộc một cách hữu hiệu và tốt
đẹp biết bao.
|