Sống
lại – ĐTGM. Giuse Ngô
Quang Kiệt
Trong
chương trình “Những điều bạn có
thể chưa biết” của đài VTV3 có
tường thuật một trường hợp lạ
lùng: Một phụ nữ
bị nhồi máu cơ tim. Chị tắt thở. Chị
đã chết. Nhưng nhiều giờ sau, chị
tỉnh lại. Các bác sĩ hỏi chị
đã thấy gì trong thời gian ấy. Chị
trả lời: chị thấy mình như bay bổng lên cao,
và từ trên cao chị nhìn xuống thấy các bác sĩ, các
y tá đang chăm sóc cho mình, nhìn thấy thân xác mình nằm
bất động, nhìn thấy thuốc men, dụng cụ
y tế. Chị cũng nhìn thấy một chiếc giày
tennis cũ màu xanh da trời, đế giày bị mòn ở
mép trong bàn chân, giây giày màu trắng, đầu một
sợi dây thòng xuống dưới đáy giày. Nghe lời
tả rất chi tiết của chị, vị bác sĩ
chuyên điều tra băn khoăn để ý tìm kiếm.
Một hôm vị bác sĩ đi qua tòa nhà đối
diện nhìn sang bệnh viện, bà giật mình kinh hãi vì
thấy ở tầng ba của tòa nhà, trên một gờ xi
măng rất cheo leo, có một chiếc giày tennis cũ ai
đã đặt ở đó tự hồi nào. Vị bác
sĩ quan sát kỹ lưỡng và thấy chiếc giày
giống từng chi tiết với chiếc giày mà
người chết kể lại: chiếc giày vải
cũ màu xanh, đế giày mòn ở mép trong, dây giày màu
trắng, đầu một dây thòng xuống nằm ở
dưới đáy giày.
Đó là một trong 1370 trường
hợp trở về từ cõi chết mà các bác sĩ
Đức và Mỹ đã điều tra. Theo những người có kinh
nghiệm về cái chết này thuật lại thì: Cuộc
sống ở “cõi bên kia” hạnh phúc
hơn cuộc sống ở đời này. Và
sau khi “chết đi sống lại”, không ai còn sợ
chết nữa, không ai muốn kiếm tiền bạc, danh
vọng, lạc thú gì nữa. Điều
duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương,
quảng đại, phục vụ mọi người.
Tất nhiên đây chưa phải là bằng
chứng chắc chắn về việc người chết
sống lại. Nhưng nó rất
gần với mặc khải của Lời Chúa hôm nay.
Và kinh nghiệm hiếm có của họ
rất có thể hữu ích cho ta. Kinh nghiệm của
họ nói với ta hai điều:
1) Có
cuộc sống khác ở bên kia cái
chết. Kinh nghiệm
của họ phù hợp với niềm tin dân gian, nhất
là của người Việt Nam vẫn tin rằng: thác là phế thách,
còn là tinh anh. Vì tin có sự sống ở bên kia
cái chết mà chúng ta mới thờ kính tổ tiên, cúng
quảy, giỗ chạp.
Niềm tin ấy phù hợp với giáo
lý của Chúa. Khi Môsê thấy Chúa hiện ra trong bụi gai cháy
đỏ. Ông hỏi Chúa là ai. Chúa
trả lời: “Ta là Thiên Chúa của Abraham, Isaác, Giacóp”. Vào thời của Môsê, Abraham đã qua đời
được 5, 6 trăm năm. Vậy
mà Chúa vẫn tự giới thiệu là Thiên Chúa Abraham,
tức là Abraham vẫn sống, đang sống bên Chúa.
Vì Thiên Chúa là Thiên Chúa của người
sống chứ không phải Thiên Chúa của kẻ chết.
Trong
Phúc Âm, Chúa Giêsu nhiều lần nhắc đến cuộc
sống sau cái chết như dụ ngôn người giàu có
và Lagiarô, trong dụ ngôn về ngày phán xét, dụ ngôn lúa
đồng và cỏ dại.
Theo thánh Phaolô, cuộc sống
đời sau mới là đích điểm mà mọi
tạo vật nhắm tới. Trong thư Rôma, Ngài viết: “Muôn
loài thọ tạo những ngong ngóng chờ ngày Thiên Chúa
mạc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư
ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa
bắt phải chịu vậy. Thật vậy, chúng
ta biết rằng: cho đến nay, muôn loài thọ tạo
cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở”
(Rm 8,19-23)
Chúng ta rên siết vì cuộc sống
hiện tại đầy khổ ải. Chúng ta mong chờ cuộc
sống đích thực ở mai sau. Đời
sống này là thời kỳ thai nghén. Ta
phải chịu đau đớn để sinh vào
đời sau.
2)
Cuộc sống ở bên kia rất khác
với cuộc sống hiện tại. Khi Chúa Giêsu trả lời
người Sadducêô, Chúa Giêsu đã mặc khải ba chân lý.
Chân lý
thứ nhất: Chỉ
những ai được tuyển chọn mới
được vào Nước Chúa. Sự
sống đời sau có đó. Nhưng
không phải ai cũng vào được. Chỉ có những người được xét
là xứng đáng mới được vào. Trong Phúc
Âm, nhiều lần Chúa đã nói tới việc tuyển
chọn này. Chúa sẽ loại chiên ra khỏi
dê, lúa tốt ra khỏi cỏ dại, cá tốt ra khỏi
cá xấu. Tiêu chuẩn để chọn lựa là Tám
mối phúc, nhất là giới răn bác ái yêu thương.
Chân lý
thứ hai: Người
ta sẽ giống như thiên thần. Đời
sống trên trời sẽ không có gì giống với
đời sống dưới đất. Sẽ không
còn đói khát nên sẽ không cần ăn
uống. Sẽ chẳng có lấy vợ lấy chồng,
sẽ chẳng cần sinh con để nối dõi vì
người ta không bao giờ chết nữa. Nếu
vậy, trên trời ta có còn là ta nữa không hay ta trở
thành một người khác, một kiếp khác? Thưa, tuy có khác nhưng ta vẫn là ta.
Đứa bé bụ bẫm hôm nay chẳng có gì giống
với cái bào thai ngọ nguậy trong
bụng mẹ hôm qua. Nhưng cả hai
chỉ là một. Bà cụ 90 tuổi hôm
nay chẳng còn gì giống với cô thiếu nữ mà bà
đã là cách nay 70 năm. Nhưng cả
hai vẫn là một. Chú bướm xinh đẹp
nhởn nhơ bay lượn trên khóm hoa hôm nay chẳng có gì
giống với gã sâu xấu xí lê la trên đất hôm qua. Nhưng cả hai vẫn chỉ là một.
Trên
trời, ta sống một cuộc sống khác, không ăn uống, không lấy vợ lấy
chồng. Nhưng ta vẫn là ta. Có khác biệt nhưng vẫn có liên tục.
Chân lý
thứ ba: Ta sẽ
trở thành con Thiên Chúa. Sống lại rồi, ta như
đứa con bấy lâu phiêu bạt xa quê nay
được trở lại nhà cha mẹ. Tâm hồn luôn
bị dằn vặt vì niềm khao khát vô biên, nay mới
được no thỏa: Thiên Chúa chính là hạnh phúc
lấp đầy được vực thẳm khao khát vô
biên của ta. Thánh Augustinô đã nói: “Lạy Chúa, Chúa
dựng nên con cho Chúa, nên lòng con mãi khắc khoải băn
khoăn cho đến khi được nghỉ yên trong
Chúa”. Là con Thiên Chúa, hạnh phúc lớn nhất của ta là
được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa
Ba Ngôi. Sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi là cội
nguồn hạnh phúc, nên thánh Phaolô đã nói: “Những
đau khổ ta chịu bây giờ không thấm gì so với
hạnh phúc sau này ta sẽ được. Và mọi tạo
vật mong tới ngày được giải thoát, không
phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, để
được cùng con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do
và vinh quang” (Rm 8,22). Vì hạnh phúc ấy
mà tám mẹ con trong bài đọc thứ nhất đã cam
chịu mọi khổ hình.
Lời Chúa hôm nay đem lại cho ta bao
niềm hy vọng. Chúa cho ta biết, đời ta sẽ không đi
trong bất định, lạc vào hư vô, nhưng
đời ta có một cùng đích, đó là trở về
với Thiên Chúa là cội nguồn của ta.
Đời ta sẽ không chìm đắm trong đau khổ,
nhưng sẽ vươn lên hạnh phúc, hạnh phúc làm con
Thiên Chúa, hạnh phúc chia sẻ sự sống của Thiên
Chúa Ba Ngôi. Đời ta như vậy sẽ không đi vào
mạt kiếp lụi tàn, nhưng sẽ triển nở
trong vinh quang tự do. Đúng như lời thánh Phaolô nói:
“Gieo xuống thì hư nát, mà chỗi dậy thì bất
diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà chỗi dậy thì vinh
quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà chỗi dậy
thì mạnh mẽ; gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà
chỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15,43-44)
Lạy Chúa, xin cho con biết sống
ở đời này theo đúng Lời
Chúa dạy, để mai sau con xứng đáng
được trở nên con của Chúa. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Cái chết là một thành
phần của đời sống. Bạn chuẩn bị
và đón nhận cái chết thế nào?
2. Con người sinh ra không
phải để chết nhưng để sống.
Bạn hiểu câu này thế nào?
3. Đời sau ta sẽ
sống với Chúa. Ngay từ bây giờ bạn phải làm
gì để chuẩn bị cho cuộc sống với Chúa?
|