Trong buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần 30/10/2013 hôm qua, ĐTC Phanxicô hình như đã muốn kết thúc loạt bài giáo lý về đức tin liên quan đến đề tài về Giáo Hội của ngài bằng tín điều Các Thánh Cùng Thông Công, thời điểm sắp sửa bước vào Tháng Các Đẳng 11/2013. Một trong những lời khiến chúng ta cần phải suy nghĩ về tín điều Các Thánh Cùng Thông Công này hết sức liên quan đến đời sống đạo hết sức thực tế của chúng ta được ngài gợi lên và nhấn mạnh, nhờ đó chúng ta cũng có thể hiểu được lý do tại sao ngài có thói quen xin giáo dân cầu nguyện cho ngài khi ngài còn là linh mục, nhất là khi ngài làm giám mục, đặc biệt là khi ngài đã làm giáo hoàng: "Ai trong chúng ta - hết mọi người, hết mọi người - lại không cảm thấy thiếu an toàn hay sao, đã không cảm thấy lạc lõng và thậm chí nghi ngờ trong cuộc hành trình đức tin hay sao? Tất cả chúng ta đều cảm nghiệm thấy điều ấy, ngay cả chính bản thân tôi đây: đó là những gì thuộc về cuộc hành trình của đức tin, nó thuộc về đời sống của chúng ta. Tất cả những sự ấy không được làm cho chúng ta bỡ ngỡ lạ lùng, vì chúng ta đều là con người, đầy những yếu hèn và hạn hẹp; tất cả chúng ta đều mỏng dòn, tất cả chúng ta đều hạn hữu. Tuy nhiên, nơi những lúc khó khăn khốn khó ấy cần phải tin tưởng vào ơn trợ giúp của Thiên Chúa bằng việc cầu nguyện thơ thảo, và đồng thời, cần phải tỏ ra can đảm và khiêm nhượng cởi mở với người khác để xin cứu trợ, để xin giúp đỡ. Bao nhiêu lần chúng ta đã làm như thế nhờ đó chúng ta đã có thể thoát khỏi một trục trặc nào đó và lại thấy được Thiên Chúa". Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài tuần này, kèm theo cả bài ngài nói về Mô Phạm của Giáo Hội là Mẹ Maria tuần trước là đề tài bất khả thiếu liên quan đến Giáo Hội. Đức Thánh Cha Phanxicô: Loạt Bài Giáo Lý về Đức Tin
Bài 19 (30/10/2013): Các Thánh cùng thông công
Xin chào anh chị em thân mến buổi sáng!
Hôm nay, tôi muốn nói về một thực tại rất đẹp của đức tin chúng ta, tức là mầu nhiệm "Các Thánh cùng thông công". Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo đã nhắc nhở chúng ta rằng lời diễn tả này bao gồm 2 thực tại đó là việc thông công nơi những điều thánh và việc thông công giữa các người thánh (khoản 948). Tôi sẽ chú trọng đến ý nghĩa thứ hai: nó là một trong những sự thật an ủi nhất nơi đức tin của chúng ta, vì nó nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không đơn côi một mình mà là mối hiệp thông sự sống giữa tất cả những ai thuộc về Chúa Kitô. Nó là một mối hiệp thông được xuất phát từ đức tin; thật vậy, chữ "Thánh" ám chỉ đến những ai tin vào Chúa Giêsu và được tháp nhập với Người nơi Giáo Hội qua Phép Rửa. Bởi thế, các Kitô hữu tiên khởi cũng đã được gọi là "Các Thánh" (cf Acts 9:13.32.41; Rm 8:27; 1Cor 6:1).
Phúc Âm của Thánh Ký Gioan đã chứng thực rằng trước cuộc Khổ Nạn của mình, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cùng Cha cho mối hiệp thông giữa các môn đệ bằng những lời như sau: "Để họ tất cả được nên một như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha, hầu họ được nên một trong Chúng Ta, nhờ đó thế gian tin rằng Cha đã sai Con" (17:21). Nơi sự thật sâu xa nhất của mình thì Giáo Hội sự hiệp thông với Thiên Chúa, là mối thân tình với Thiên Chúa, là cuộc hiệp thông yêu đương với Chúa Kitô và với Chúa Cha trong Thánh Linh, một cuộc hiệp thông được nối dài nơi mối hiệp thông huynh đệ. Mối liên hệ này giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha là "nền tảng" cho mối liên kết giữa Kitô hữu chúng ta: nếu chúng ta được gắn chặt vào "nền tảng" này, vào lò lửa yêu thương bừng nóng là Ba Ngôi này, thì chúng ta thực sự có thể trở nên một tâm hồn và một tinh thần giữa chúng ta, vì tình yêu của Thiên Chúa thanh tẩy cái tôi của chúng ta, thành kiến của chúng ta, những chia rẽ trong ngoài của chúng ta. Tình yêu của Thiên Chúa thanh tẩy cả tội lỗi của chúng ta nữa.
Nếu có được cái nền tảng này nơi nguồn Tình Yêu là Thiên Chúa thì việc chuyển động hỗ tương cũng được chứng thực: từ anh chị em đến Thiên Chúa; cảm nghiệm của mối hiệp thông huynh đệ dẫn tôi đến mối hiệp thông với Thiên Chúa. Việc liên kết giữa chúng ta với nhau mang chúng ta đến chỗ được hiệp nhất với Thiên Chúa, nó mang chúng ta đến mối liên kết này với Thiên Chúa là Cha của chúng ta. Đây là khía cạnh thứ hai của mối thông công giữa các Thánh tôi muốn nhấn mạnh: đức tin của chúng ta cần đến sự hỗ trợ của người khác, nhất là trong những lúc khó khăn khốn khó. Nếu chúng ta liên kết thì đức tin trở nên mạnh mẽ. Tuyệt vời thay việc nâng đỡ nhau trong cuộc thám hiểm tuyệt vời của đức tin! Tôi nói như vậy là vì khuynh hướng muốn khép kín bản thân mình lại đã ảnh hưởng đến cả lãnh vực đạo giáo, nhờ đó có nhiều lần cần phải cố gắng để xin được trợ giúp thiêng liêng từ những ai có cùng cảm nghiệm Kitô hữu với chúng ta. Ai trong chúng ta - hết mọi người, hết mọi người - lại không cảm thấy thiếu an toàn hay sao, đã không cảm thấy lạc lõng và thậm chí nghi ngờ trong cuộc hành trình đức tin hay sao? Tất cả chúng ta đều cảm nghiệm thấy điều ấy, ngay cả chính bản thân tôi đây: đó là những gì thuộc về cuộc hành trình của đức tin, nó thuộc về đời sống của chúng ta. Tất cả những sự ấy không được làm cho chúng ta bỡ ngỡ lạ lùng, vì chúng ta đều là con người, đầy những yếu hèn và hạn hẹp; tất cả chúng ta đều mỏng dòn, tất cả chúng ta đều hạn hữu. Tuy nhiên, nơi những lúc khó khăn khốn khó ấy cần phải tin tưởng vào ơn trợ giúp của Thiên Chúa bằng việc cầu nguyện thơ thảo, và đồng thời, cần phải tỏ ra can đảm và khiêm nhượng cởi mở với người khác để xin cứu trợ, để xin giúp đỡ. Bao nhiêu lần chúng ta đã làm như thế nhờ đó chúng ta đã có thể thoát khỏi một trục trặc nào đó và lại thấy được Thiên Chúa. Trong mối hiệp thông này - hiệp thông nghĩa là 'common-union - hiệp nhất chung' - chúng ta là một đại gia đình, tất cả chúng ta, nơi tất cả mọi yếu tố trợ giúp nhau và nâng đỡ nhau.
Giờ đây chúng ta sang một khía cạnh khác, đó là mối hiệp thông các Thánh còn vượt ra ngoài cuộc sống trần gian này nữa, nó vượt lằn mức sự chết và kéo dài đến muôn đời. Mối hiệp nhất giữa chúng ta ấy vượt ra ngoài dời này và tiếp tục cả ở đời sau; nó là một mối hiệp nhất thiêng liêng xuất phát từ Phép Rửa klhông bị chấm dứt bởi sự chết mà nhờ cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô hướng đến tầm vóc viên trọn của mình ở sự sống trường sinh. Có một mối liên kết sâu xa bất khả chia lìa giữa tất cả những ai vẫn còn đang lữ hành trên thế gian này - giữa chúng ta đây - với những ai đã băng qua ngưỡng cửa sự chết mà vào cõi vĩnh hằng. Tất cả thành phần lãnh nhận phép rửa ở dưới thế này, các linh hồn ở trong Luyện Ngục và tất cả mọi Chân Phúc đang ở trên Thiên Đàng làm nên môt đại gia đình duy nhất. Mối hiệp thông giữa đất và Trời này được thể hiện nhất là bằng lời nguyện chuyển cầu.
Các bạn thân mến, chúng ta có được cái đẹp ấy! Nó là thực tại của chúng ta, của tất cả mọi người, nó làm cho chúng ta thành anh chị em với nhau, nó hộ tống chúng ta trên đường đời và làm cho chúng ta thấy được nhau trên trời. Chúng ta hãy theo con đường này một cách trung thành, một cách hân hoan. Kitô hữu cần phải vui vẻ, bằng niềm vui có được rất nhiều anh chị em đã lãnh nhận phép rửa cùng tiến bước với mình; niềm vui được nâng đỡ bởi sự trợ giúp của anh chị em đang cùng hành trình về trời; và niềm vui được trợ giúp bởi anh chị em đang ở trên trời cầu chúng Chúa cho chúng ta. Chúng ta hãy hân hoan tiến lên trên con đường này! Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh http://www.zenit.org/en/articles/on-the-communion-of-saints--2 Đức Thánh Cha Phanxicô: Loạt Bài Giáo Lý về Đức Tin
Bài 18 (23/10/2013): Mô Phạm Đức Tin của Giáo Hội là Mẹ Maria
Xin chào anh chị em thân mến buổi sáng!
Tiếp tục các bài giáo lý về Giáo Hội, hôm nay tôi muốn nhìn lên Mẹ Maria như là hình ảnh và là mô phạm của Giáo Hội. Tôi xin trích lại lời diễn tả của Công Đồng Chung Vaticanô II. Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân viết rằng: "Như Thánh Ambrôsiô đã dạy, Mẹ Thiên Chúa là hình ảnh của Giáo Hội ở lãnh vực đức tin, đức ái và trọn vẹn hiệp nhất với Chúa Kitô" (khoản 63).
1- Chúng ta hãy đầu với khía cạnh đầu tiên, Mẹ Maria là mô phạm của đức tin. Mẹ Maria tiêu biểu như một mô phạm cho đức tin của Giáo Hội ở chỗ nào? Chúng ta hãy nghĩ về Trinh Nữ Maria, một người con gái Do Thái đang hết lòng chờ đợi việc cứu chuộc của dân mình. Thế nhưng, trong tâm can của người con gái Do Thái trẻ trung ấy đã có một bí mật mà ngay cả chính cô cũng chưa biết, đó là theo dự án yêu thương của Thiên Chúa cô đã được ấn định làm Mẹ của Đấng Cứu Chuộc. Vào lúc Truyền Tin, vị Sứ Giả của Thiên Chúa nói cô là "đầy ân phúc" và tỏ cho cô biết ý định ấy. Cô Maria đã trả lời "xin vâng" và từ lúc ấy đức tin của cô Maria có được một ánh sáng mới, ở chỗ, đức tin của cô tập trung vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng mặc lấy xác thịt từ cô và làm trọn các lời hứa hẹn cứu độ. Đức tin của Mẹ Maria là tầm mức viên trọn đức tin của dân Do Thái, của tất cả cuộc hành trình, và tất cả lộ trình của dân tộc đang đợi chờ cứu chuộc này được chất chứa ở nơi cô, và chính ở chỗ này mà cô là mô phạm cho đức tin của Giáo Hội, một Giáo Hội có Chúa Kitô, hiện thân cho tình yêu vô cùng của Thiên Chúa, là tâm điểm của mình.
Mẹ Maria đã sống đức tin này như thế nào? Mẹ đã sống đức tin ở những gì là đơn thường của ngàn việc làm thường nhật cùng với những lo lắng như mọi người mẹ, như lo lương thực, quần áo, chăm sóc nhà cửa.... Chính cuộc sống hằng ngày này của Đức Mẹ đã trở thành như cái cơ sở cho mối liên hệ đặc thù và cuộc đối thoại sâu xa đưoọc bộc lộ giữa Mẹ và Thiên Chúa. Tiếng "xin vâng" của Mẹ, một tiếng xin vâng đã trọn hảo ngay từ đầu, gia tăng cho đến giờ phút Thập Giá. Ở đó, vai trò mẫu thân của Mẹ đã mở ra để ôm lấy hết mọi người chúng ta, cuộc sống của chúng ta, để dẫn dắt chúng ta đến với Con của Mẹ. Mẹ Maria đã liên lỉ sống chìm ngập trong mầu nhiệm Thiên Chúa hóa thân làm người, như là người môn đệ đầu tiên và hoàn hảo nhất của Người, ở chỗ Mẹ chiêm ngắm hết mọi sự nơi tâm hồn của Mẹ trong ánh sáng của Thánh Linh, để nhờ đó Mẹ hiểu và sống trọn ý muốn của Thiên Chúa.
Chúng ta có thể tự vấn xem chúng ta có để cho mình được soi sáng bởi đức tin của Mẹ Maria là Mẹ của chúng ta hay chăng? Hay chúng ta nghĩ về Mẹ như là một ai đó xa cách hoàn toàn khác hẳn với chúng ta? Trong những lúc gian nan khốn kó, thử thách, tối tăm, chúng ta có nhìn lên Mẹ như một mô phạm cho lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng hằng chỉ muốn sự thiện cho chúng ta? Chúng ta hãy nghĩ về điều này như sau: có lẽ tốt cho chúng ta khi chúng ta tái nhận thức được rằng Mẹ Maria là mô phạm và là hình ảnh của Giáo Hội nơi đức tin mà Mẹ có được!
2- Chúng ta sang khía cạnh thứ hai: Mẹ Maria là mô phạm đức ái. Mẹ Maria là gương mẫu sống động về tình yêu đối với Giáo Hội ở chỗ nào? Chúng ta hãy nghĩ đến thái độ sẵn sàng Mẹ đã tỏ ra đối với người chị họ của Mẹ. Trong việc thăm viếng người chị họ này, Trinh Nữ Maria chẳng những đã cống hiến việc trợ giúp bề ngoài của Mẹ mà còn cống hiến cả Chúa Giêsu nữa, Đấng bấy giờ đang sống trong bụng dạ của Mẹ. Việc mang Chúa Giêsu đến ngôi nhà này tức là việc mang đến đấy niềm vui, một niềm vui trọn vẹn. Bà Elizabeth và ông Zacaria hân hoan trước biến cố thụ thai đường như bất khả ở tầm tuổi của mình, thế nhưng chính con người trẻ Maria mới là người đã cống hiến cho họ niềm vui trọn vẹn, một niềm vui xuất phát từ Chúa Giêsu cũng như từ Thánh Linh, và được thể hiện bởi đức ái nhưng không, bởi việc chia sẻ, trợ giúp và thông cảm nhau.
Đức Mẹ cũng muốn cống hiến đại tặng ân Giêsu cho chúng ta, cho tất cả chúng ta nữa; và cùng với người Mẹ cống hiến cho chúng ta tình yêu của Người, bình an của Người và niềm vui của Người. Về điều này Giáo Hội cũng giống như Mẹ Maria, ở chỗ, Giáo Hội không phải là một tiệm bán đồ, Giáo Hội không phải là một cơ quan về nhân bản, Giáo Hội không phải là một tổ chức ngoài chính quyền (NGO - Non Government Organization). Giáo Hội được sai đến để mang Chúa Kitô và Phúc Âm của Người cho tất cả mọi người. Giáo Hội không cống hiến chính bản thân mình - dù nhỏ hay lớn, dù mạnh hay yếu, Giáo Hội cưu mang Chúa Giêsu và cần phải như Mẹ Maria khi Mẹ đi thăm viếng Bà Elizabeth. Mẹ Maria đã mang gì đến cho bà? Chúa Giêsu. Giáo Hội mang Chúa Giêsu, Đấng là tâm điểm của Giáo Hội, ôm ẵm Chúa Giêsu! vậy theo giả thuyết thì nếu Giáo Hội không mang Chúa Giêsu Giáo Hội sẽ là một Giáo Hội chết. Giáo Hội cần phải mang Chúa Giêsu, mang tình yêu của Chúa Giêsu, mang đức ái của Chúa Giêsu.
Chúng ta đã nói về Mẹ Maria, về Chúa Giêsu. Còn về chúng ta thì sao? Chúng ta có là Giáo Hội hay chăng? Chúng ta đã mang tình yêu nào đến cho người khác? Phải chăng tình yêu của Chúa Giêsu là những gì chia sẻ, là những gì thứ tha, là những gì hỗ trợ, hay là một thứ tình yêu trôi qua, như thứ rượu quá loãng giống như nước lã? Nó có phải là một tình yêu mạnh mẽ, hay là một tình yêu yếu hèn đến độ tùy thuộc vào cảm xúc, đến độ nó tìm cách lấy lại, một tình yêu vụ lợi? Vấn đề nữa là tình yêu vụ lợi có làm cho Chúa Giêsu hài lòng hay chăng? Không, không phải, vì tình yêu cần phải cho đi một cách nhưng không, như của Người. Những mối liên hệ như thế nào ở giáo xứ chúng ta, ở cộng đồng chúng ta? Chúng ta có đối xử với nhau như anh chị em hay chăng? Hay chúng ta phán xét nhau, chúng ta nói xấu nhau, chúng ta chỉ chăm sóc cho mảnh vườn riêng của mình? Hay chúng ta có chăm sóc cho nhau chăng? Đó là những câu hỏi về đức bác ái!
3- Một cách vắn tắt về khía cạnh thứ ba: Mẹ Maria là mô phạm hiệp nhất với Chúa Kitô. Cuộc sống của Trinh Nữ Maria là cuộc sống của một người nữ thuộc dân tộc của Mẹ: Mẹ Maria đã cầu nguyện, Mẹ đã làm việc, Mẹ đã đến hội đường... Thế nhưng mỗi hành động đều được thi hành trong mối hiệp nhất trọn hảo với Chúa Giêsu. Mối hiệp nhất này đạt đến tột độ của nó trên Đồi Canvê: ở đó Mẹ Maria đã liên kết với Người Con bằng cuộc tử đạo của trái tim Mẹ cũng như bằng việc hiến dâng sự sống của Người lên cho Chúa Cha vì phần rỗi của nhân loại. Đức Mẹ đã thông phần vào nỗi đớn đau của Người Con và cùng Người chấp nhận ý muốn của Chúa Cha, bằng việc tuân phục sinh hoa kết trái, mang lại vinh thắng thực sự trên sự dữ và sự chết.
Thực tại mà Mẹ Maria dạy cho chúng ta rất là mỹ lệ đó là luôn luôn hiệp nhất với Chúa Giêsu. Chúng ta có thể tự vấn xem chúng ta có nhớ đến Chúa Giêsu chỉ khi nào chúng ta có vấn đề hay chúng ta cần đến Người, hay mối liên hệ của chúng ta có phải là mối liên hệ liên lỉ, một mối thân hữu sâu xa hay chăng, cho dù có những lúc mối hiệp nhất này đòi chúng ta phải theo Người trên con đường Thập Giá?
Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng của Người, sức mạnh của Người, để nhờ đó mộ phạm của Mẹ Maria, Mẹ của Giáo Hội, được phản ảnh nơi đời sống của chúng ta cũng như nơi đời sống của hết mọi cộng đồng trong giáo hội. Chớ gì được như thế!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh
http://www.vatican.va/holy_father/francesco/audiences/2013/documents/papa-francesco_20131023_udienza-generale_en.html
|