Bác ái chuyên chế hay tự do ?
Bác ái là yêu thương mọi người, không trừ ai. Chuyên chế là độc đoán, áp đặt, như người ta thường nói “quân chủ chuyên chế”. Bác ái mà sao lại chuyên chế? Đó mới là vấn đề!
Trong nhiều điều mà Đức Kitô đã dạy các môn đệ, bác ái là một trong các quy luật có “giá trị cốt lõi”. Ngài dạy chúng ta yêu thương tha nhân như chính mình, cho người cởi trần có áo mặc và cho người đói khát có cái ăn, cái uống. Ngài quở trách những kẻ khoe khoang giàu có qua việc bỏ tiền ra làm từ thiện, xây nhà thờ, xây bệnh viện, mở trường học,… nhưng chỉ là “phần thừa” và muốn làm vinh danh chính mình chứ chưa hẳn vì yêu thương, còn bà góa nghèo khổ chỉ bỏ ít tiền, nhưng đó là cả tấm lòng hy sinh của bà, muốn cứu giúp tha thân thật lòng.
Hãy nhớ thật kỹ: Yêu thương vì muốn tốt cho người khác mới là bác ái đích thực, cho người khác những thứ mà đối với mình vẫn cần thiết chứ không dư thừa, nghĩa là có phần “sự sống” của mình trong phần chia sẻ đó. Nếu không thì chỉ là “bác ái chuyên chế” – tức là hình thức có dạng như việc bác ái nhưng thực tâm người làm bác ái chưa thực sự tốt.
Đức Kitô đặt “gánh bác ái” lên đôi vai chúng ta vì Ngài muốn chúng ta sống trách nhiệm và liên đới với nhau, nhất là đối với những người nghèo khổ – cả về vật chất lẫn tinh thần. Tất nhiên “gánh” thì luôn “nặng”, với một mức độ nào đó. Gánh nặng thì khó di chuyển, nhưng có khó thì mới “bõ công”. Sự thiếu thốn có thể là thiếu thốn về tinh thần hoặc vật chất, nhưng khi nói tới sự thiếu thốn, người ta thường nghĩ ngay tới những người tiếu thốn vật chất, họ sống khổ ở khắp nơi: “Người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có” (Ga 12:8).
Thật vậy, khắp trên thế giới, và ngay bên cạnh chúng ta chứ chẳng đâu xa, vẫn luôn có những người nghèo dưới mức trung bình, thiếu thốn ngay cả những thứ cơ bản nhất: thực phẩm, quần áo, và chỗ trú ngụ. Còn mọi thứ khác đều là những thứ không thực sự cần thiết: Điện thoại, xe cộ, máy vi tính, hàng hiệu, cao lương mỹ vị, đồ trang sức,... Thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu chỗ ở thì người ta chết chắc, nhưng thiếu điện thoại hoặc xe cộ thì người ta vẫn sống phây phây!
Nói vậy chắc hẳn có người sẽ dè bỉu và liếc mắt như tia điện xẹt. Nhưng yêu thương là trách nhiệm của chúng ta đối với tha nhân, và đó là lệnh truyền của Chúa Giêsu. Mệnh lệnh thì không thể không thực hiện!
Mới đây, ĐGH Phanxicô nói: “Giáo hội như Đức Mẹ. Giáo hội không là một cửa hàng, một cơ quan từ thiện, hoặc một tổ chức phi chính phủ. Giáo hội đến để trao Đức Kitô và Tin Mừng cho mọi người. Giáo hội mang Đức Kitô và phải giống như Đức Maria vội vã lên đường đi thăm Chị Ê-li-da-bét”.
Tóm lại, chúng ta khả dĩ nhận biết rằng Đức Kitô là Hoàng tử Bình an, đồng thời Ngài cũng là Nguồn Tự Do. Một hành động bác ái nên bắt nguồn từ sự hòa bình của Đức Kitô và sự tự do mà chính Ngài đem lại. Đó là tự do đối với tội lỗi – tức là không phạm tội, khô thói hư, không tật xấu, đồng thời tự do yêu mến và phụng sự Thiên Chúa trung thành hơn. Hành động bác ái biến mọi người tự nguyện trở thành nô lệ của Thiên Chúa và tha nhân, giúp người khác trút bỏ những gánh nặng của cuộc sống, nhất là không trở thành gánh nặng của nhau.
Bác ái là điều khó nhưng lại rất kỳ diệu! Vì đức mến (bác ái) rất quan trọng: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 13:13). Bác ái cũng đa dạng, có thể thực hiện bằng nhiều cách.
Một hôm, có một người nghèo hỏi Đức Phật: “Tại sao con nghèo như thế, thưa ngài?”. Phật ôn tồn: “Vì con chưa học được cách bố thí cho người khác”. Người ấy ngạc nhiên nói: “Con không có thứ gì cả, lấy gì con bố thí?”.
Đức Phật dạy: Cho dù con hoàn toàn không có cái gì, con vẫn có thể thực hiện bố thí 7 điều này:
1. Bố thí nụ cười.
2. Bố thí ái ngữ, nói lời tốt.
3. Bố thí tâm hòa ái, lòng biết ơn.
4 Bố thí ánh mắt nhìn thẳng, hiền từ.
5. Bố thí hành động nhân ái.
6. Bố thí nhường chỗ cho người cần.
7. Bố thí lòng bao dung.
Chúng ta sẽ “nghèo” suốt đời nếu chưa thực sự yêu thương tha nhân đúng tinh thần bác ái. Công giáo có kinh “Thương Người Có Mười Bốn Mối”, được chia làm hai phần: Thương xác và thương hồn.
Thương xác gồm bảy mối:
1. Cho kẻ đói ăn.
2. Cho kẻ khát uống.
3. Cho kẻ rách rưới ăn mặc.
4. Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc.
5. Cho khách đỗ nhà.
6. Chuộc kẻ làm tôi.
7. Chôn xác kẻ chết.
Thương linh hồn gồm bảy mối:
1. Lấy lời lành mà khuyên người.
2. Mở dậy kẻ mê muội.
3. Yên ủi kẻ âu lo.
4. Răn bảo kẻ có tội.
5. Tha kẻ dể ta.
6. Nhịn kẻ mất lòng ta.
7. Cầu cho kẻ sống và kẻ chết.
Cả 14 mối đều rất thực tế và cần thiết, nhưng cả 14 mối đó cũng chỉ là những điều đơn giản chứ không cao xa chi cả. Thương người là bác ái, bác ái là đức ái hoặc đức mến. Thánh Phaolô định nghĩa: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được” (1 Cr 13:4-8).
Lạy Chúa, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người (Thánh Phanxicô Assisi).
TRẦM THIÊN THU
|