Tầm nhìn
Người ta nói “đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”. Đúng vậy! Tuy nhiên, chính đôi mắt cũng có thể là “đầu mối” của sự thiện hoặc sự ác!
Thiên Chúa ban cho đôi mắt để nhìn, nhìn để biết, biết để phân biệt cái gì đúng hay sai, phân biệt để xác địnhnên làm hay không nên làm gì. Cách nhìn rất quan trọng, kể cả cách nhìn của thể lý hoặc cách nhìn của tâm hồn, của trái tim. Cách nhìn nào cũng phải có nghệ thuật và trình độ.
Thật khổ sở khi mắt kém, thật bất hạnh khi khiếm thị hoặc bị mù. Nhưng thật là đại họa nếu con-mắt-linh-hồn bị mù. Ánh sáng đôi mắt rất cần thiết. Chính anh mù đã tha thiết nài xin Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được” (Mc 10:51). Chúng ta cũng phải biết cầu xin như vậy!
Sử gia kiêm nhà xã hội học và nhà phê bình Thomas Carlyle (1795-1881, Anh) nói: “Người có tài thấy được điểm mấu chốt và coi tất cả những thứ khác là dư thừa” (A person who is gifted sees the essential point and leaves the rest as surplus). Cách nhìn này cũng khả dĩ áp dụng trong lĩnh vực tâm linh của người Công giáo.
Trình thuật Lc 19:1-10 cho biết một câu chuyện thú vị:
Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giêsu đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó.
Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôiphải ở lại nhà ông!”. Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!”. Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đâyphân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. Đức Giêsu mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”.
Câu chuyện ngắn gọn, không nhiều chi tiết, nhưng trong đó có hai cách nhìn của hai con người khác nhau, hai ánh mắt đó giao thoa rồi đồng quy. Thật kỳ diệu! Một là tầm-nhìn-của-người-tội-lỗi, tầm nhìn của ông trưởng phòng thuế vụ tên Da-kêu, con người này chẳng ai ưa; hai là tầm-nhìn-của-thánh nhân, tầm nhìn của Chúa Giêsu, một người còn hơn thánh nhân vì Ngài Thiên Chúa chí thánh và nhân hậu.
TẦM NHÌN CỦA TRƯỞNG PHÒNG THUẾ VỤ
Hẳn là ông Da-kêu “khét tiếng” về gian tham, độc ác, nham hiểm,… vì là “chuyên gia” về việc đè đầu bóp cổ dân lành để lấy thuế cho Đế quốc La-mã thời đó. Ông chẳng cần ra tay trực tiếp, mà ông chỉ cần ra lệnh thôi, vì đàn em của ông có mặt khắp ngõ ngách ở các nơi. Lệnh của ông gấp mấy lần ông ra tay trực tiếp.
Một con người tham tàn như thế mà lại muốn thấy mặt Chàng Trai Giêsu ư? Hẳn là có mưu đồ gì đây! Nhưng không, ông lại rất thành tâm và có tầm nhìn “khác người”. Dù chưa hề biết vóc người vẻ mặt của Chúa Giêsu thế nào, chỉ nghe nói Chàng Trai này lạ lắm, nói thẳng nói thật mà chí lý lắm, lý lẽ rạch ròi đâu ra đấy, chưa kể chi những việc lạ, mà tóc thì dài, râu thì rậm, nhìn rất nghệ sĩ, nhìn hiền lắm, nghe người ta vẫn gọi người này là Thầy, là Sư Phụ,... lại còn điển trai và dễ thương nữa! Ông Da-kêu chỉ nghe sơ sơ vậy thôi cũng đã cảm thấy khoái chí lắm, muốn một lần tận mặt cho thỏa lòng, dù chỉ một lần trong đời.
Ông Da-kêu nghe thiên hạ đồn rằng Chàng Trai Giêsu “lạ lùng” này sắp sửa đi qua TP Giê-ri-khô, nơi ông làm việc. Ông thấy đây là dịp may hiếm có, nhưng khốn nỗi ông lùn quá mức, với đám đông như kiến thì ông chỉ có nước thuê máy bay trực thăng bay vòng vòng má ngắm dung nhan Giêsu mà thôi. Nhưng thời đó làm gì có máy bay mà thuê. Kẹt ghê đi!
Ông gãi đầu, bứt tóc, giật râu, bóp trán,… toát cả mồ hôi mồ hôi hột. OK, number one. Được rồi! Ông vội vàng ra đi, nhưng ông khéo léo đi theo đường vòng lên trước đám đông, rồi leo lên một cây sung cao nhất. Tốt. Thế là chắc ăn. Ngồi trên cây vừa khỏe vừa nhìn rõ nhất. Cách nhìn của ông Da-kêu độc đáo hết sức. Có lẽ dân thuế giỏi tính toán nên mới nghĩ ra độc chiêu như thế!
TẦM NHÌN CỦA CHÚA GIÊSU
Dù ông Da-kêu là trưởng phòng thuế vụ, “nổi tiếng” khắp vùng, nhưng ông chỉ “nổi” về điều xấu chứ không “nổi” về điều tốt. Oái oăm vô cùng!
Có thể Chúa Giêsu chỉ nghe nói có một trưởng phòng thuế vụ “mập lùn và độc ác” như thế thôi, chứ chưa chắc Ngài nghe người ta nhắc đến cái tên Da-kêu. Vả lại, đám đông chen lấn theo Ngài toàn là các fan hâm mộ Ngài, dành nhau đến gần Ngài thì khỏi nói. Phải chi thời đó có camera thì tuyệt biết bao! Chắc hẳn đèn flash phải cháy hết thôi. Cũng may mà lúc đó là ban mặt ban ngày, nhìn tỏ tường lắm!
Thế mà lạ ghê đi, Chúa Giêsu đang đi ngon trớn bỗng dưng như có “thần giao cách cảm”, Ngài ngước lên phía trên cây sung và thấy có người ngồi thù lù trên đó. Lão này có mát không ta? Chắc là Chúa Giêsu cũng hơi buồn cười. Nhưng Ngài cảm thấy có sức mạnh vô hình từ ánh mắt ông Da-kêu. Ngài đã thấu suốt tâm hồn ông ta, biết ông này rất muốn gặp mình, muốn mình tư vấn và gỡ rối tơ lòng, thế nên Ngài vừa vẫy tay vừa nói: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”. Tầm nhìn của Sư Phụ còn siêu đẳng hơn nhiều!
Chắc hẳn ông ta cũng chẳng hiểu vì sao mà Con Người Giêsu có dáng vẻ “bụi đời” này lại biết tên mình. Hay thật đấy! Thôi kệ. Tính sau. Ông khoái chí quá nên tụt xuống nhanh, khoái nhất là Giêsu bảo “ở lại nhà”... Ôi, thật là dịp may hiếm có, hoàn toàn ngoài sự mong ước của ông Da-kêu... Trên cả tuyệt vời!
VĨ NGÔN
Ông Da-kêu vừa tụt xuống nhanh, hình như bị rách cả vạt áo, chưa biết ất giáp gì đã hí hửng nói mà không kịp suy tính: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. Có lẽ nhiều người nói ông Da-kêu “uống thuốc liều”, vì dám “cắt nửa vầng trăng” số tài sản kếch sù của mình mà cho người nghèo, và đền gấp bốn số thiệt hại mà ông đã lỡ “lóm lém” cách nào đó: Tham nhũng, hối lộ, ăn chặn,…
Chẳng ai đánh mà khai. Một cách xưng tội thật tuyệt vời. Rất thành tâm sám hối, dốc lòng chừa, và sẵn sàng đền tội ngay. Thảo nào Chúa Giêsu không vui mừng sao được. Ngài chỉ chờ có bi nhiêu thôi! Thế nên Ngài mới tuyên dương ông Da-kêu ngay lập tức: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham”. Phúc thay cho ông Da-kêu!
Dân chúng thấy vạy thì xấu mồm độc miệng nói này nói nọ, không chỉ ghen tức với ông Da-kêu mà dám còn chê Chúa Giêsu là “chơi” với người tội lỗi, vào “phe” với người xấu. Đúng là “điếc không sợ súng”. Loại người này có đầy trong cuộc sống hằng ngày, đâu cũng thấy… Nhưng thôi, chú ý loại “tép riu” làm gì cho phí thời gian và chật cả óc!
Câu kết luận của Chúa Giêsu rất đặc biệt: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”. Chỉ có 11 từ mà có tới 3 động từ: ĐẾN, TÌM, và CỨU. Ba động từ này tạo nên Tam-Giác-Cân của Lòng Chúa Thương Xót.
Lạy Chúa, con không đủ trình độ để có thể nói gì thêm nữa. Con chỉ biết là con khoái kiểu hành động của ông lùn Da-kêu lắm!
TRẦM THIÊN THU
Chúa Nhật XXXI TN, năm C, 3-10-2013