Tin Đức Giáo Hoàng bị nghe lén
Vũ Văn An11/1/2013
Cơ Quan An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ, ngày 31 tháng Mười, bác bỏ việc mình theo dõi các cuộc điện đàm của Đức Giáo Hoàng và các chức sắc cao cấp của Tòa Thánh, cho rằng các cáo buộc loại này đăng trên tạp chí Panorama của Ý gần đây là “không đúng sự thật”.
Bất chấp lời tuyên bố trên, đây cũng không hẳn là lần đầu tiên Tòa Thánh bị nghe lóm hay theo dõi tình báo. Vì từ lâu, Tòa Thánh vốn bị coi là “đài nghe nghóng” hết sức lý tưởng, thu tin từ một hệ thống bao la gồm nhiều linh mục, nhà truyền giáo, tu sĩ, nhà ngoại giao và giáo dân.
Gần đây nhất, năm 2010, các cú điện thoại của Đức Bênêđíctô XVI đều bị cảnh sát Ý nghe lóm. Chính họ thú nhận đã nghe lóm những cú điện thoại này trong cố gắng điều tra Guido Bertolaso, trưởng ngành bảo vệ dân sự của Ý, lúc đó đang bị tố cáo tham những.
Đức Bênêđictô XVI không bị tố cáo điều gì sai cả; ngài thực hiện bốn cú điện thoại cho Bertolaso, là người điều hợp các cố gắng giải cứu nhân vụ động đất tại L’Aquila năm 2009. Tuy nhiên, các chức sắc của Tòa Thánh hồi đó hết sức bất bình về vụ nghe lén này.
Gần đây hơn, chính Tòa Thánh thi hành việc thám thính các điện thoại của mình. Trong vụ điều tra năm 2012 về các rò rỉ tài liệu mật từ Phủ Giáo Hoàng, Tòa Thánh nhìn nhận có cho phép “một vài vụ nghe lén và kiểm tra” liên quan tới việc đặt máy nghe “hai hay ba” đường dây điện thoại.
Nhưng không vụ nghe lén nào trên đây so sánh được với tầm cỡ những vụ nghe lén điện thoại và dò la tình báo đối với Tòa Thánh trong thế kỷ 20.
Một câu truyện dài
Suốt thời Chiến Tranh Lạnh, nhiều điệp viên đã xâm nhập vào Tòa Thánh và gửi nhiều tin tức giá trị về Mạc Tư Khoa. Trong cuốn “Các Điệp Viên Tại Vatican - Chiến Tranh Của Liên Bang Xô Viết Chống Giáo Hội Công Giáo”, tác giả John Koehler tiết lộ rằng các lãnh tụ Xô Viết, trong nhiều năm, đã có thể theo dõi các cuộc bàn luận nội bộ của các nhà lãnh đạo Tòa Thánh, nhờ khá nhiều hệ thống điệp viên. Ông cho biết cách các trưởng ngành tình báo của Cộng Sản đã khai thác ra sao vai trò làm diễn đàn bàn thảo chính sách của Vatican, và sau đó đã phúc trình cho Mạc Tư Khoa nhiều tin tức liên quan tới các chiến lược ngoại giao tế nhị được các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Âu Châu ngay thực trình bày với Tòa Thánh.
Koehler cho biết cơ quan tình báo KGB của Xô Viết dựa nhiều vào việc đặt các “con bọ” (bugs, máy nghe trộm) tại các phòng sở chủ yếu của Vatican. Ông đặc biệt cho biết trường hợp “đáng tởn” là cặp vợ chồng quản gia dâng tặng Đức Hồng Y Agostino Casaroli một bức tượng Đức Mẹ bằng gốm. Không ai hoài nghi gì vì người chồng chính là người chú của Đức Hồng Y Casaroli. Nhưng trong bức tượng ấy là một “con bọ” tức một máy phát sóng rất nhỏ nhưng cực mạnh được một người lợi dụng cặp vợ chồng này từ toà đại sứ Xô Viết tại Rôma theo dõi. Ông cho rằng còn một máy phát sóng khác được dấu kín trong một ngăn tủ tại phòng ăn của Đức Hồng Y.
Ngoài ra, theo Koehler, các điệp viên của Stasi, tức cơ quan tình báo Đông Đức và các điệp viên của Bảo Gia Lợi và Ba Lan cũng thường xuyên tổ chức các hệ thống nghe lén Vatican rồi chia sẻ tin tức với KGB.
Năm 1970, KGB đã có thể theo dõi trọn buổi gặp gỡ giữa Đại Sứ Henry Cabot Lodge và Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh lúc ấy là Đức HY Jean Villot. Hai vị này thảo luận các ý định của TT Nixon liên quan tới các căng thẳng tại Đông Nam Á, Trung Đông và các cuộc thương thảo SALT. Koehler cho hay: sau đó, Leonid Brezhnev đã nhận được báo cáo tỉ mỉ cuộc gặp gỡ này.
Thế Chiến II
Thời Thế Chiến II, các cường quốc đồng minh vốn coi Vatican là “un covo di spie”, ổ gián điệp, một phần vì phần đông các viên chức ở đây là người Ý, vốn bị coi là có cảm tình với chế độ Phátxít Mussolini, phần khác vì sự có mặt đông đảo các nhà ngoại giao ngoại quốc đến trú ẩn tại đây.
Chính vì thế, mức độ nghe lén Vatican đã gia tăng hẳn lên. Việc này được Owen Chadwick giải thích khá rõ trong cuốn “Britain and the Vatican During the Second World War” (Anh Quốc và Vatican Thời Thế Chiến Hai). Cuốn này thuật lại các chi tiết liên quan tới Đại Sứ Anh tại Tòa Thánh, Sir D’Arcy Osborne, và thời gian ông sống bên trong Vatican qua suốt cuộc chiếm đóng Rôma của Đức Quốc Xã.
Chadwick viết rằng: “Không một ai, bất luận là giáo hoàng hay một nhà ngoại giao nào, có thể làm gì mà chính phủ Ý không biết”. Theo ông, điều khiến Giáo Triều lo ngại nhất là các điệp viên tạo chuyện để chứng minh rằng Vatican là kẻ thù của Ý và do đó buộc phải trục xuất các nhà ngoại giao như Osborne.
Ông cho hay phần đông cảnh sát Vaticn làm việc cho Phátxít và người Ý nghe lén hệ thống điện thoại của Vatican, tự do mở các thư từ và điện tín gửi vào Tòa Thánh.
Tòa Thánh cực lực phản đối việc này, ít nhất cũng năm lần, nhất là về việc bóc thư từ và điện tín. Các phản đối này luôn được sự hỗ trợ của Đại Sứ Ý bên cạnh Tòa Thánh. Nhưng ông cho rằng Bộ Nội Vụ của Ý “nhất định không chịu nhượng bộ”. Quan điểm thầm kín của họ là: trong tình trạng chiến tranh và trong lúc quốc gia lâm nguy, các điều khoản của Hiệp Ước Lateran phải bị đình chỉ.
Theo Chadwick, thỉnh thoảng, để làm vừa lòng Vatican, họ sa thải một nhân viên nào đó mắc sai lầm vì phương pháp quá lộ liễu, vụng về; nhưng họ nhất định không có ý ngưng việc kiểm soát thư từ của Vatican. Và họ khá thành công trong việc kiểm soát này. Ngày nay, hàng đống thư từ của các đại sứ vẫn còn tìm thấy trong văn khố của chính phủ Ý.
Chadwick còn tiết lộ rằng Gestapo có đặt một điệp viên bên trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh từ cuối thập niên 1930 qua đầu thập niên 1940. Ông cho rằng: “Đức Giáo Hoàng biết rõ sự hiện diện của điệp viên này” và các viên chức cao cấp của Giáo Triều còn biết cả nhiệm vụ được chỉ định cho anh ta nữa, chủ yếu là theo dõi tác phong các giám mục Đức và thư từ của các ngài; do đó, sự hữu hiệu của anh ta gần như không còn.
Ông cho hay điệp viên này hầu chắc là Alexander Kurtna, một chủng sinh người Estonia, là người bị khám phá không có ơn gọi nhưng vẫn xin ở lại làm giáo dân và làm thông dịch viên cho một số phòng sở của Vatican. Anh ta bị phát giác khi tình báo Ý bắt giam anh ta năm 1942 vì tội làm gián điệp cho Nga và sau đó, còn bị khám phá làm việc cho cả Gestapo nữa.
Nhưng một điệp viên nổi hơn nữa là Virgilio Scattolini. Bị đuổi khỏi tờ L’Osservatore Romano năm 1939, anh ta khởi sự bán tin cho người Đức năm 1941. Theo Chadwick, các tư liệu đôi khi khá gây sốc, nhưng đôi khi chỉ có chút căn bản trong các đàm tiếu tại Vatican.
Những kẻ được cài vào này phần lớn do chính trưởng cơ quan Sicherheitsdienst của Đức là Reinhard Heydrich tuyển dụng. Vốn là một trong những tên trùm chính của Diệt Chủng, Heydrich muốn cài những kẻ săn tin đáng tin cậy vào hệ thống Vatican, trong đó, có các chủng sinh thần học Đức đang theo học tại Rôma.
Thế Chiến I
Gián điệp săn tin cũng là một việc thịnh hành thời Thế Chiến I. Vụ phát giác nổi tiếng diễn ra khi một Đức Ông người Bavaria là Rudolph Gerlach, “thị thần và thân tín” của Đức Bênêđíctô XV bị lột mặt nạ làm gián điệp cho Đức. Nhưng Đức Bênêđíctô XV tỏ lượng khoan hồng với người phụ tá lâu năm này nên đã lo liệu để vị chức sắc này an toàn tới Thụy Sĩ năm 1917. Không ai rõ số phận sau đó của vị chức sắc này ra sao.
Lực lượng phản gián chắc chắn cần thiết trong cả hai thế chiến. Trước đó, có lúc Vaticn cũng đã tổ chức lực lượng này, nhưng sau đó lực lượng này đã ngưng hoạt động. Trong cuốn “Spies In The Vatican: Espionage & Intrigue From Napoleon to the Holocaust” (Các Điệp Viên Tại Vatican: Gián Điệp và Âm Mưu từ Napoléon tới Nạn Diệt Chủng), David Alvarez giải thích rằng các cố gắng triệt hạ thế lực của Vatican trong thế kỷ 19 mạnh đến nỗi một sở an ninh không chính thức đã được tổ chức tại Vatican. Nhưng sau năm 1870, sở này đã bị cắt bỏ khi ngôi vị giáo hoàng buộc phải từ bỏ các lãnh thổ của mình. Từ đó, Vatican dựa vào các giáo sĩ để giải quyết các vấn đề truyền thông mật và thu lượm tin tức.
Trước khi được bầu, Đức Bênêđíctô XVI cũng là tập chú theo dõi của Stasi Đông Đức suốt 3 thập niên, trước khi được bầu làm giáo hoàng. Theo một trong các điệp viên Đông Đức, Đức HY trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin “có một ảnh hưởng đối với việc lớn mạnh của tác phong chống cộng trong Giáo Hội Công Giáo, nhất là ở Châu Mỹ La Tinh”. Các điệp viên này cho biết Đức Gioan Phaolô II yêu cầu Đức HY Ratzinger tổ chức việc giúp đỡ “các hoạt động phản cách mạng tại Ba Lan” sau khi Phong Trào Đoàn Kết ra đời năm 1980.
Chi tiết các hoạt động của Stasi đã được công bố năm 2005 bởi tờ Bild am Sonntag. Văn khố Stasi cho thấy có một điệp viên tại Vatican cung cấp “chi tiết chính xác” của mật nghị bầu giáo hoàng năm 1978, tức mật nghị bầu Đức Gioan Phaolô II. Tờ báo này ghi nhận rằng cảnh sát mật vốn lưu giữ một hồ sơ rất đầy đủ về đức HY Ratzinger lúc ấy. Họ mô tả ngài như người “thoạt đầu khá e dè khi nói truyện” nhưng lại có một “duyên dáng chinh phục lòng người”.
Tóm lại, Vatican không phải là kẻ xa lạ đối với việc gián điệp. Nếu các lời tố cáo đối với việc nghe lén của Cơ Quan An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ mà đúng, thì nước này quả đã đứng chung hàng ngũ với những quốc gia ngỗ nghịch xưa nay vốn là kẻ thù của Giáo Hội Công Giáo, một điều chắc chắn chính phủ Obama rất muốn tránh.