Sự hiệp thông của các thánh
Sự hiệp thông của các thánh.
Vatican (Vat. 30-10-2013) - Sự hiệp thông của các thánh nảy sinh từ sự hiệp thông với Thiên Chúa và niềm tin nơi Chúa Kitô. Nó nối kết giữa các tín hữu còn lữ hành trên trần gian này với các tín hữu đang được thanh luyện trong Luyện ngục và các thánh trên Thiên Ðàng trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 100,000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiến kiến chung sáng thứ tư 30 tháng 10 năm 2013 tại quảng trường thánh Phêrộ Ðã có hàng chục ngàn tín hữu phải đứng ngoài quảng trường Pio XII và đường Hòa Giải. Trong số hàng trăm đoàn hành hương hiện diện cũng có hai nhóm Việt Nam đến từ Ðức và Hoa Kỳ. Ðặc biệt có phái đoàn các nhóm tôn giáo Irak do Ðức Hồng Y Jean Louis Tauran, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn hướng dẫn, đang tham sự khóa họp tại Roma.
Trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý "sự hiệp thông của các thánh", là một thực tại rất đẹp của đức tin. Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo nhắc nhớ cho chúng ta biết rằng kiểu nói này diễn tả hai thực tại: sự hiệp thông giữa các điều thánh thiện, và sự hiệp thông giữa các người thánh thiện (s. 948). Ý nghĩa thứ hai này là một trong những sự thật trao ban an ủi nhất trong đức tin của chúng ta, bởi vì nó nhắc nhở cho chúng ta biết rằng chúng ta không cô đơn, nhưng có một sự hiệp thông sự sống giữa tất cả những ai thuộc về Chúa Kitộ Ðó là một sự hiệp thông nảy sinh từ lòng tin. Thật thế, từ "các thánh" quy chiếu về những người tin nơi Chúa Giêsu và được tháp nhập vào Người trong Giáo Hội qua bí tích Rửa Tội. Vì thế các kitô hữu tiên khởi cũng đã được gọi là "các thánh" (x. Cv 9,13.32.41; Rm 8,27; 1 Cr 6,1).
Phúc âm thánh Gioan chứng thực rằng trước cuộc Khổ Nạn, Ðức Giêsu đã cầu xin Thiên Chúa Cha cho sự hiệp thông giữa các môn đệ, với các lời này: "Ðể tất cả chúng nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, ước gì chúng cũng ở trong chúng ta, để thế giới tin rằng Cha đã sai Con" (Gv 17,21). Ðức Thánh Cha giải thích sự hiệp thông trong Giáo Hội như sau:
Giáo hội, trong sự thật sâu thẳm nhất của nó, là hiệp thông với Thiên Chúa, sự hiệp thông của tình yêu với Chúa Kitô và với Thiên Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, kéo dài trong sự hiệp thông huynh đệ. Tương quan này giữa Ðức Giêsu và Thiên Chúa Cha là "khuôn mẫu" của sự gắn bó giữa các kitô hữu chúng ta: nếu chúng ta được tháp nhập một cách thân tình vào "khuôn mẫu" này, vào lò lửa tình yêu nồng cháy là Thiên Chúa Ba Ngôi, thì khi đó chúng ta có thể thực sự trở thành một con tim một linh hồn giữa chúng ta, bởi vì tình yêu của Thiên Chúa thiêu rụi các ích kỷ, đốt cháy các thành kiến và các chia rẽ bên trong và bên ngoài của chúng ta. Tình yêu của Thiên Chúa cũng thiêu rụi cả các tội lỗi của chúng ta nữa.
Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói: Nếu có sự đâm rễ trong suối nguồn Tình Yêu là Thiên Chúa, thì khi đó người ta cũng kiểm thực được sự vận hành hỗ tương: từ các anh chị em tới Thiên Chúa. Ðức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:
Kinh nghiệm của sự hiệp thông huynh đệ dẫn đưa tôi tới sự hiệp thông với Thiên Chúa. Hiệp nhất với nhau dẫn đưa chúng ta tới sự hiệp nhất với Thiên Chúa, dẫn đưa chúng ta tới mối dây này với Thiên Chúa là Cha chúng ta. Và đây là khía cạnh thứ hai trong sự hiệp thông của các thánh mà tôi muốn nhần mạnh: đức tin của chúng ta cần sự nâng đỡ của những người khác, đặc biệt trong những lúc gặp khó khăn. Nếu chúng ta hiệp nhất, thì đức tin trở thành mạnh mẽ. Thật là đẹp biết bao nâng đỡ nhau trong cuộc mạo hiểm tuyệt vời của đức tin! Tôi nói điều này bởi vì khuynh hướng khép kín trong riêng tư đã ảnh hưởng trên cả lãnh vực tôn giáo nữa, đến độ nhiều khi thật là vất vả xin sự trợ giúp tinh thần của nhưng người chia sẻ linh nghiệm kitô với chúng ta. Ai trong chúng ta lại đã không sống kinh nghiệm bất an, lạc lõng và cả nghi ngờ trên con đường lòng tin? Chúng ta tất cả đều đã sống kinh nghiệm này, cả tôi nữa: nó là phần của con đường đức tin, là phần của cuộc sống. Tất cả những điều này không được khiến cho chúng ta ngạc nhiên, bởi vì chúng ta là người, bị ghi dấu bởi sự mỏng giòn và các hạn hẹp. Tuy nhiên, trong những lúc khó khăn ấy cần phải tín thác nơi sự trợ giúp của Thiên Chúa, qua lời cầu nguyện con thảo, và đồng thời thật là quan trọng tìm ra lòng can đảm và sự khiêm tốn rộng mở chính mình cho người khác, để xin trợ giúp, để xin người khác giúp chúng ta một tay. Biết bao nhiêu lần chúng ta đã làm điều này và chúng ta đã thành công ra khỏi vấn đề và tìm thấy Thiên Chúa một lần nữa. Trong sự hiệp thông này hiệp thông có nghĩa là hiệp nhất chung.
Ðề cập tới khía cạnh thứ ba trong sự hiệp thông của các thánh Ðức Thánh Cha khẳng định rằng sự hiệp thông của các thánh đi xa hơn cuộc sống trần gian này, vượt xa hơn cái chết và kéo dài luôn mãi. Nó là một sự hiệp nhất tinh thần nảy sinh từ bí tích Rửa Tội không bị bẻ gẫy bởi cái chết, nhưng nhờ Chúa Kitô phục sinh, nó được chỉ định tìm thấy sự viên mãn trong cuộc sống vĩnh cửu. Có một mối dây sâu xa và không thể chia lìa giữa những người còn lữ hành trên trần gian này và những người đã vượt qua ngưỡng cửa của cái chết để bước vào nơi vĩnh cửu. Tất cả những người đã được rửa tội trên trần gian này, các linh hồn trong Luyện Ngục và tất cả các thánh đã ở trên Thiên Ðàng làm thành một gia đình duy nhất. Sự hiệp thông này giữa đất và trời được thực hiện một cách đặc biệt trong lời cầu nguyện bầu cử.
Anh chị em thân mến, chúng ta có vẻ đẹp này. Ðó là một thực tại của chúng ta tất cả, khiến cho chúng ta là anh chị em với nhau. Thực tại này đồng hành với chúng ta trên con đường cuộc sống và khiến cho chúng ta tìm thấy nó một lần nữa trên trời. Chúng ta hãy bước đi trên con đường này với sự tin tưởng và niềm vui. Một kitô hữu phải vui tươi, với niềm vui có biết bao nhiêu anh chị em được rửa tội cùng đi với mình. Ðược nâng đỡ bởi các anh chị em bước đi trên cùng con đường này để về trời. Và với sự trợ giùp của các anh chị em đang ở trên trời và cầu xin Chúa Giêsu cho chúng ta chúng ta hãy tiến lên trên con đường này trong tươi vui!
Ðức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm khác nhau hiện diện tại quảng trường: các phái đoàn hành hương của nhiều giáo phận Pháp, do các Giám Mục hướng dẫn như tổng giáo phận Paris và Rennes. Các phái đoàn đến từ Philippines, Việt Nam và Ðông Timor. Các phái đoàn đến từ Châu Mỹ Latinh như Argentina, El Salvador, Mehicô và Brasil. Ðức Thánh Cha đã khuyến khích mọi người để cho tình yêu của Thiên Chúa nung nấu để thay đổi bộ mặt của gia đình, xứ đạo và thế giới.
Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Ðức Thánh Cha nhắc cho mọi người biết rằng thứ sáu tới đây là lễ các Thánh. Ước chi chứng tá của các ngài củng cố nơi người trẻ xác tín Thiên Chúa đồng hành với họ trên đường đời; nâng đỡ các anh chị em đau yếu bằng cách làm vơi nhẹ khổ đau của họ; và trợ giúp các cặp vợ chồng mới cưới trong nỗ lực xây dựng gia đình trên niềm tin nơi Thiên Chúa.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phèp lành tòa thánh Ðức Thành Cha ban cho mọi người.
Cũng như mọi lần đã có hàng chục trẻ em được Ðức Thánh Cha hôn. Ðức Thánh Cha đã xuống xe díp và chào một nhóm hàng trăm trẻ em giúp lễ thuộc mọi chủng tộc khác nhau. Một chú bé đã xin chữ ký của Ðức Thánh Cha và vui sướng reo hò sau khi có được chữ ký của ngài. Trước khi Ðức Thánh Cha lên tới khán đài đã có một phái đoàn của một thành phố mặc sắc phục thời Trung Cổ rất đẹp với cờ quạt và trống nghiêng mình chào Ðức Thánh Cha trông rất ngoạn mục. Trong khi chào tín hữu đứng hai bên khán đài, có một chú bé đã tặng Ðức Thánh Cha cái mũ ca lốt trắng. Ngài nhận chiếc mũ mới và lấy chiếc mũ cũ của ngài đội lên đầu chú bé. Ðức Thánh Cha cũng đã dừng lại rất lâu để ôm hôn, chúc lành và an ủi các bệnh nhân ngồi trên xe lăn.
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)